Người dân tộc Hoa ở Việt Nam

Người dân tộc Hoa sinh sống ở Việt Nam là những người có gốc Trung Quốc định cư ở Việt Nam và đa số là có quốc tịch Việt Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Dân tộc Hoa còn có các tên gọi khác là Khách, Hán, Tàu và có các nhóm dân khác nhau như Quảng Ðông, Quảng Tây, Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Sang Phang, Xìa Phống, Thoòng Nhằn, Minh Hương, Hẹ…

Người dân tộc Hoa ở Việt Nam nói tiếng nào?

Dân tộc Hoa sử dụng tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hán, ngữ hệ Hán-Tạng. Nếu xếp theo phân loại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì họ được gọi là dân tộc Hán. Đây là một trong hai dân tộc duy nhất tại Việt Nam có dân số giảm trong vòng 10 năm, từ năm 1999 đến năm 2009 theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Người dân tộc Hoa có mặt ở Việt Nam từ khi nào?

Người Trung Quốc bắt đầu di cư vào Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong 2 thiên niên kỷ kể từ đó, nhiều làn sóng người Trung Quốc gồm lính, quan, dân… đã đến định cư tại Việt Nam. Nhiều người Hoa kết hôn với người Việt và con cháu họ trở thành người Việt Nam.

Người dân tộc Hoa ở Việt Nam

Nói chung người dân tộc Hoa di cư đến Việt Nam vào những thời điểm khác nhau từ thế kỷ 16 và sau này vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh, kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ 20.

Dân số, địa bàn cư trú và ngôn ngữ của dân tộc Hoa tại Việt Nam

Dân tộc Hoa tại Việt Nam sinh sống ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam, ở cả nông thôn lẫn thành thị. Theo thống kê điều tra dân số năm 1999, tổng số dân tộc Hoa tại Việt Nam là 862.371 người, chiếm tỷ lệ 1,13% dân số ở Việt Nam. Dân tộc Hoa được xếp hàng thứ tư, trong đó có khoảng 50% người Hoa sinh sống tại vùng Chợ Lớn của Thành phố Hồ Chí Minh. Họ tập trung đông nhất ở các khu thương mại trong Quận 5, Quận 11 với khoảng 45% dân số của mỗi quận; ngoài ra còn có một số người sống ở tại các Quận 6, Quận 8, Quận 10. Người dân tộc Hoa có 5 nhóm ngôn ngữ chính là Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và tiếng Khách Gia (Hakka, đôi khi còn gọi là tiếng Hẹ). Số người Hoa còn lại sinh sống ở các tỉnh khác trên toàn quốc nhưng hầu hết là ở nhiều tỉnh của miền Tây Việt Nam.

Người dân tộc Hoa ở Việt Nam

Năm 2003, dân tộc Hoa ước tính có khoảng 913.250 người. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Hoa ở Việt Nam có dân số 823.071 người, có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Họ cư trú tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh 414.045 người, chiếm tỷ lệ 50,3% tổng số người Hoa tại Việt Nam, tỉnh Đồng Nai 95.162 người, tỉnh Sóc Trăng 64.910 người, tỉnh Kiên Giang 29.850 người, tỉnh Bạc Liêu 20.082 người, tỉnh Bình Dương 18.783 người, tỉnh Bắc Giang 18.539 người…

Như vậy, người Hoa là một trong hai dân tộc duy nhất tại Việt Nam có dân số giảm trong vòng 10 năm, từ năm 1999 đến năm 2009; dân tộc còn lại là người dân tộc Ngái, một cộng đồng nói tiếng Hoa được chính phủ Việt Nam tách ra từ người Hoa vào thập niên 1970.

Các tên gọi của người dân tộc Hoa ở Việt Nam

Người Trung Quốc đã qua lại làm ăn, sinh sống và chung đụng với người Việt đã từ lâu đời. Tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư mà người Trung Quốc đã tự xưng về tên dân tộc của mình khác nhau cũng như người Việt đã gọi họ theo các tên khác nhau. Thường người Trung quốc tự gọi mình là dân các triều đại mà họ cho rằng văn minh, tự hào hoặc cho rằng nó phổ biến và được người bản xứ biết rõ, hoặc đã biết từ lâu như “người Đường” (Thoòng Dành), “người Thanh”, “người Bắc” (Quốc). Người Hoa còn tự gọi họ theo quê quán như “người Quảng” (Quảng Đông), “người Tiều” (Tiều Châu/Triều Châu), “người Hẹ”, “người Khách”, “người Hải Nam”… Người Việt còn có lệ gọi người Hoa là “người Ngô”. Lệ này bắt nguồn từ lịch sử thời Xuân Thu có “nước Ngô” và “nước Việt”. Điển hình là bản Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15 sau khi Bình Định Vương Lê Lợi đuổi được giặc nhà Minh.

Từ phổ thông người Việt hay dùng là “người Tàu”; còn từ “chệt” hàm ý miệt thị; từ “các chú” nay không thông dụng nữa và được đọc trại từ chữ “khách trú” vì người Hoa không được nhìn nhận là cư dân mà chỉ là dân ở trú mà thôi. Nếu xếp theo phân loại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì họ được gọi là dân tộc Hán.

Về đặc điểm kinh tế, tổ chức cộng đồng người dân tộc Hoa ở Việt Nam

Người dân tộc Hoa ở vùng nông thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, xem lúa nước là đối tượng canh tác chính. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn họ làm nghề dịch vụ, buôn bán… Tiểu thủ công nghiệp khá phát triển như nghề gốm (Quảng Ninh, Sông Bé, Ðồng Nai); làm giấy súc, làm nhang (Thành phố Hồ Chí Minh)… Một bộ phận người dân tộc Hoa cư trú ở ven biển sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đánh cá. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, người Hoa luôn coi trọng chữ “tín”.

Người dân tộc Hoa ở Việt Nam

Người dân tộc Hoa thường cư trú tập trung thành làng xóm hoặc đường phố, tạo thành khu vực đông đúc và gắn bó với nhau. Trong đó các gia đình cùng dòng họ thường ở quây quần bên nhau. Xã hội phân hoá giai cấp sâu sắc và mang tính phụ quyền cao. Mối quan hệ với những người cùng họ được hết sức coi trọng. Mỗi một dòng họ có một từ đường để thờ cúng. Hàng năm vào một ngày nhất định, những người cùng họ tụ tập tại từ đường để làm lễ giỗ tộc họ. Những hoạt động kinh doanh, sản xuất thường có các hội nghề nghiệp tương ứng. Những hội này đều có một vị tổ và một ngày giỗ tổ trong năm. Gia đình được xây dựng theo chế độ một vợ một chồng khá bền vững và mang tính phụ hệ. Người dân tộc Hoa thường dựng vợ gả chồng cho con trong cùng một nhóm địa phương. Trưởng họ, ông mối, các chức dịch đóng vai trò khá quan trọng trong hôn nhân. Hiện nay, phụ nữ người dân tộc Hoa xây dựng gia đình khá muộn, tuổi cưới trung bình từ 28 đến 30 và có số con ít nhất, trung bình một phụ nữ sinh từ 2 đến 3 con.

Về hôn nhân gia đình, tục lệ ma chay, thờ cúng của người dân tộc Hoa tại Việt Nam

Trong gia đình người Hoa, người chồng hoặc người cha là chủ hộ; chỉ con trai được thừa kế gia tài và con trai cả luôn được phần hơn. Cách đây khoảng 40-50 năm vẫn còn những gia đình lớn có tới 4-5 đời, đông tới vài chục người. Nay họ sống theo từng gia đình nhỏ. Hôn nhân của người dân tộc Hoa do cha mẹ quyết định, nạn tảo hôn thường xảy ra. Khi tìm vợ cho con, người Hoa chú trọng đến sự “môn đăng, hộ đối” giữa hai gia đình và sự tương đồng về hoàn cảnh kinh tế cũng như về địa vị xã hội.

Việc ma chay theo phong tục người Hoa phải trải qua lần lượt các bước như lễ báo tang, lễ phát tang, lễ khâm liệm, lễ mở đường cho hồn người chết, lễ chôn cất, lễ đưa hồn người chết đến cõi “Tây thiên Phật quốc”, lễ đoạn tang…

Trong thờ cúng, nổi bật ở tín ngưỡng dân gian là thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ như thần bếp, thổ địa, thần tài… và một số vị thánh, bồ tát như Quan Công, Bà Thiên Hậu, Ông Bổn, Nam Hải Quan Âm…

Hệ thống chùa miếu khá phát triển. Chùa miếu của người dân tộc Hoa thường gắn liền với các hội quán, trường học. Ðó cũng là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, và nơi diễn ra các lễ hội.

Văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc Hoa

Người dân tộc Hoa thích hát “sơn ca” (san cưa), gồm các chủ đề khá phong phú như tình yêu trai gái, cuộc sống, quê hương, tinh thần đấu tranh… Ca kịch cũng là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật mà đồng bào người dân tộc Hoa ưa chuộng. Nhạc cụ có kèn, sáo, nhị, hồ, trống, thanh la, não bạt, đàn tỳ bà, tam thập lục… Ngày tết thường biểu diễn múa sư tử, múa quyền thuật. Lễ hội cũng là dịp tổ chức chơi đu, đua thuyền, vật, đánh cờ…

Đối với nhà cửa, những người làm nghề nông thường sống thành thôn xóm. Làng thường ở ven chân núi, trong cánh đồng, trải dài trên bờ biển, gần nguồn nước, giao thông thuận tiện. Trong làng, nhà ở bố trí sát nhau theo dòng họ. Ở thành thị họ thường sống tập trung trong các khu phố riêng. Nhà ở cổ truyền của người dân tộc Hoa có những đặc trưng mang dấu ấn của người phương Bắc rất rõ. Kiểu nhà “hình cái ấn” là rất điển hình. Nhà thường có năm gian đứng không có chái. Bộ khung với vì kèo đơn giản, tường xây gạch một rất dày. Mái lợp ngói âm dương. Mặt bằng sinh hoạt với nhà chính bao giờ cũng thụt vào một chút tạo thành một cái hiên hẹp. Gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, đồng thời còn là nơi tiếp khách. Các gian bên đều có tường ngăn cách với nhau. Đến nay nhà của người dân tộc Hoa đã có nhiều thay đổi như có một số kiểu nhà là biến dạng của nhà cổ truyền. Cũng có những kiểu nhà người Hoa tiếp thu của người dân tộc Tày hay người Việt. Nhà cửa thường có 3 loại như nhà 3 gian hai chái, nhà chữ Môn và chữ Khẩu. Nhà thường xây bằng đá, gạch mộc hay trình đất, lợp ngói máng hay lá quế, lá tre, phên lứa… Nổi bật trong nhà ở là các bàn thờ tổ tiên, dòng họ, thờ Phật và các vị thần cùng các câu đối, liễn, các giấy hồng chữ Hán với nội dung cầu phúc, cầu lợi, cầu bình yên

Trong trang phục, cách ăn mặc của đàn ông thường dùng quần áo như đàn ông các dân tộc Nùng, Giáy, Mông, Dao… Đàn bà mặc quần, áo 5 thân cài cúc vải ở bên nách phải, dài trùm mông, áo cộc tay cũng 5 thân. Các thầy cúng có y phục riêng khi làm lễ. Nón, mũ, ô là các đồ đội trên đầu thông dụng của người Hoa. Những trang phục gọi là truyền thống của người Hoa dan tộc hiện nay chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hay trong các nghi lễ cưới xin, tang ma. Phụ nữ thường mặc áo cổ viền cao, cài khuy một bên, xẻ tà cao hoặc một chiếc áo “sườn xám” may dài, ôm ngang hông, xẻ tà dưới phần đùi. Màu sắc trang phục của các thiếu nữ thường thích màu hồng hoặc màu đỏ, cùng với các sắc màu đậm. Ðàn ông mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, vai liền cổ đứng, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, xẻ giữa, cổ đứng, vai liền, có túi. Phụ nữ thích dùng đồ trang sức, đặc biệt là vòng tay bằng đồng, vàng, đá, ngọc…; bông tai, dây chuyền… Ðàn ông thích bịt răng vàng và xem như một lối trang sức.

Về ăn uống, lương thực chính của người dân tộc Hoa là gạo nhưng trong bữa ăn thường có các loại như mì xào, hủ tiếu… Ở các gia đình bình dân, buổi sáng điểm tâm bằng cháo trắng với trứng vịt muối, còn những nhà khá giả hơn là hủ tiếu, bánh bao, xíu mại… Người dân tộc Hoa có kỹ thuật nấu ăn giỏi, thích các món ăn xào mỡ với gia vị. Thức uống của người dân tộc Hoa ngoài tác dụng giải khát còn là loại thuốc mát, bồi dưỡng “lục phủ, ngũ tạng”. Các loại trà sâm, hoa cúc… là những thứ thông dụng trong mọi gia đình. Những dịp hội hè, lễ, tết nam giới cũng quen dùng rượu. Thuốc lá được nhiều người hút, kể cả phụ nữ, nhất là những người phụ nữ có tuổi.

Đối với lễ, tết; trong một năm có nhiều ngày lễ tết khác nhau như tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, tết Ðoan ngọ, Trung nguyên, tết Trung thu. Tết Nguyên đán được tổ chức vào những ngày của năm cũ chuyển sang năm mới theo âm lịch và kéo dài tới ngày rằm tháng giêng (tết Nguyên tiêu). Lễ Nguyên tiêu là loại lễ đặc trưng trong các loại lễ tết của người dân tộc Hoa; mọi hoạt động tập trung của tín ngưỡng và văn hoá truyền thống đều được biểu hiện trong dịp này.

Trong học tập, chữ Hán được dạy và học trong các trường phổ thông.

Văn nghệ của người dân tộc Hoa thường có sinh hoạt văn hoá truyền thống với nhiều thể loại như hát, múa, hài kịch… Họ sử dụng nhiều loại nhạc cụ như tiêu, sáo, các đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, chập choã… Hát “sơn ca” (sán cố) là hình thức được nhiều người ưa chuộng, nhất là tầng lớp thanh niên. Tổ chức văn nghệ dân gian truyền thống mang tính nghiệp dư đã có từ lâu là các “nhạc xã”. Hoạt động múa lân, sư tử, rồng… là những loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng sâu rộng được trình diễn hàng năm vào những ngày lễ lớn, ngày lễ tết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *