Tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Chân

Hòa Thượng Thích Thanh Chân (1905 – 1989), hiệu Nhẫn Nhục, quê quán: thôn Quỳnh Trân – xã Lam Hạ – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Hòa Thượng pháp danh Thích Thanh Chân, hiệu Nhẫn Nhục, thế danh là Nguyễn Thanh Chân. Sinh ngày 4 tháng 10 năm Ất Tỵ (1905), tại thôn Quỳnh Trân, xã Lam Hạ – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam.

Ngài sinh ra trong một gia đình Nho học thuần đức, ngay từ thuở thiếu thời, đã được giáo đục đúng mực, sống hòa ái với mọi người, có chí tiến thủ và lúc nào cũng tỏ ra hiếu thuận với song thân. Người Thầy đầu tiên chính là anh cả của ngài, đã trực tiếp kèm Ngài học hành suốt quảng đời niên thiếu.

Năm Kỷ Mùi (1919) khi tròn 15 tuổi, Ngài được song thân dẫn đến xin thụ pháp xuất gia học đạo với Hòa Thượng Thanh Tích, Giám tự Hương Sơn lúc đó. Vốn sẵn trí thông minh lại làu thông Nho điển, nên Ngài đã nhanh chóng được Thầy nhận làm đệ tử truyền trao giáo pháp.

Năm 17 tuổi (Tân Dậu-1921) sau thời gian chấp tác hành đạo, Ngài được Bản Sư cho thụ Sa Di giới. Từ đây Ngài được phép đi tham học khắp nơi với tâm niệm muốn trực tiếp thâm nhập tạng bản Phật pháp mà chìa khóa ban đầu là vốn Nho học, do đó Ngài tiếp tục tìm đến cụ Tú ở Bát Tràng để nâng cao thêm kiến thức Nho học, tiếp nữa đến cụ Cử Ðồng Bào…. Ðể rồi sau khi thấy trình độ tương đối, Ngài mạnh dạn tìm đến Thiền Viện Phúc Khánh (Bằng Sở) để học Phật, lúc này do Hòa thượng Trung Thứ trực tiếp giảng dạy.

Năm 21 tuổi (Ất Sửu -1925) Ngài thụ Tỷ khiêu giới. Sau khi được thụ giới, Ngài càng ra sức trau dồi kiến thức Phật học, không ngừng nỗ lực phấn đấu để tự vươn lên trong điều kiện khiếm khuyết về vật chất lẫn phương tiện lưu truyền kinh tạng. Không lâu sau đó Ngài được cử nhận chức trụ trì chùa Quỳnh Chân tại quê nhà.

Năm Giáp Tuất (1934) khi đã 30 tuổi, Ngài trở lại Hương Tích tiếp tục tinh nghiên giáo lý và để được gần gũi Bổn sư thụ giáo thêm những điều chưa hiểu. Thời gian này chính là giai đoạn thử thách cực kỳ lao nhọc. Cũng như Tăng chúng khác, ngoài những thời khóa tu học, Ngài phải lao động chấp tác để có lương thực sinh sống hoặc phải san bằng cây cỏ, tạo mở lối đi, tránh bớt vẻ hoang vu nơi cô tịch xa xôi.

Khi Bản sư viên tịch, Tăng chúng đồng thanh đề cử Ngài làm Giám viện động Hương Tích. Với nhiệm vụ nặng nề này Ngài càng tỏ ra nghiêm túc để làm gương độ chúng, nhưng không tạo ra khoảng cách trong đồng môn và Tăng chúng các thế hệ sau. Các lớp Phật pháp căn bản được Ngài mở ra theo quy trình nhất định để Tăng chúng có dịp hiểu sâu thêm tinh hoa Phật Ðà và nhận rõ mục đích cao đẹp của việc xuất gia. Ðó cũng là ước nguyện lâu dài của Ngài đối với tiền đồ Phật giáo khi hội đủ nhân duyên kết hợp.

Nhưng ước nguyện cao đẹp ấy chỉ mới bắt đầu kiến tạo nền móng chưa được bao lâu thì liên tục từ những năm 1947 cho đến 1950, quân Pháp chọn nơi này làm vị thế chiến lược, nên đã ra sức đánh phá ác liệt. Vì thế Phật tử chung quanh nhất là Tăng chúng, phải rời khỏi nơi này. Ròng rã những tháng ngày kế tiếp chỉ còn Ngài là người duy nhất ở lại với chùa Tổ trông nom coi sóc để mọi người tản cư. Hành động cũng có nghĩa rằng Ngài là điểm tựa để các tổ chức kháng chiến bám trụ. Tấm lòng yêu nước nồng nàn của Ngài đã được thể hiện mãnh liệt trong thời gian, hoàn cảnh đó.

Năm Bính Thân (1956), khi tình hình vãn hồi, mọi hoạt động của Hương Sơn trở lại khung cảnh ban đầu, Ngài đã được chính thức cử giữ chức trụ trì thắng cảnh này cho đến ngày viên tịch.

Ngoài việc nghiêm hành giới luật và dù trong bất kỳ giai đoạn nào Ngài cũng là thành viên tích cực của Giáo Hội Phật Giáo, không bao giờ xao lãng nhiệm vụ của người tu sĩ yêu nước. Từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến suốt cả thời gian kháng chiến, Ngài từng là Ủy viên Mặt trận Việt Minh các cấp, Ủy viên Mặt trận Liên Việt Liên khu 3. Sau năm 1956, Ngài cũng liên tục giữ chức Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Hà Ðông, Hà Tây, Hà Sơn Bình và tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh 6 khóa.

Bên cạnh đó, Ngài còn là một trong nhiều vị sáng lập hội Phật Giáo Cứu Quốc với cương vị Ủy viên thường trực và chủ bút tờ báo Diệu Âm, tiếng nói Phật Giáo yêu nước thời đó.

Ngài còn tích cực vận động và tìm sự ủng hộ từ mọi phía nhất là với các vị Tôn đức miền Bắc lúc đó, nhằm thành lập một tổ chức Phật Giáo Thống Nhất. Năm 1956, Ngài đã hợp cùng chư vị khác trong Tăng đoàn đến gặp Chủ Tịch Hồ Chí Minh để xin phép thành lập Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam.

Năm Mậu Tuất (1958), Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam được thành lập, Ngài được tham gia vào Ban Trị Sự Trung Ương và Ban Chứng Minh Ðạo Sư, đồng thời trực tiếp làm Chi Hội Trưởng các tỉnh Hà Ðông, Hà Tây, Hà Sơn Bình. Từ đó Ngài đã yên tâm tu dưỡng và hoằng hóa trên cương vị lãnh đạo của một tổ chức Phật Giáo Thống Nhất ở Miền Bắc. Dù vậy trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, tấm lòng vị Tăng già thiết tha với đạo vẫn hoài vọng thiết tha.

Năm Ất Mão (1975), thời điểm thống nhất đất nước sau hơn hai mươi năm chia cắt. Ước mơ thống nhất Phật Giáo lúc này càng trở nên thiết thực bội phần, nhất là theo định luật vô thường tuổi đời Ngài đã không còn cơ duyên tồn tại lâu hơn. Do đó Ngài cùng Hòa Thượng Trí Ðộ và một vài vị lãnh đạo Miền Bắc lo xúc tiến công việc. Các Ngài liền tìm gặp lại chư vị trong Nam sau bao năm dài ngăn cách. Tấm lòng đó đã bắt nhịp đúng với tâm tư nguyện vọng của những vị trong Nam. Thuận duyên lớn nhất đã đem đến kết quả thống nhất Phật Giáo nhanh chóng chính là nhờ nhiệt tình của Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Các Ngài đã gặp nhau và đã cùng nhau thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Chân

Năm 1981 (Tân Dậu), ngay tại Ðại hội đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ngài được suy cử Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương và giữ nguyên chức vụ này cho đến khi viên tịch.

Năm Mậu Thìn (1988), sau bao năm dài lao nhọc tâm lực lẫn thể lực, căn bệnh cũ tái phát trầm trọng, Ngài phải vào bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô để điều trị.

Năm Kỷ Tỵ (1989) sau hơn một năm trị bệnh, Ngài đã thị tịch ngày 17 tháng 2, nhằm ngày 12 tháng 1 Âm lịch, hưởng thọ 85 tuổi đời, 70 tuổi đạo.

Năm Kỷ Tỵ (1989) sau hơn một năm trị bệnh, Ngài đã thị tịch ngày 17 tháng 2, nhằm ngày 12 tháng 1 Âm lịch,, hưởng thọ 85 tuổi đời, 70 tuổi đạo.

Updated: 04/02/2023 — 9:03 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *