Sách 2500 năm Phật giáo

Cuốn sách “2.500 Phật giáo” được xuất bản vào năm 1956, nhân kỷ niệm 2500 năm Đức Phật nhập Niết bàn. Kể từ đó đến nay, cuốn sách liên tục được tái bản.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Cũng như nhiều tôn giáo khác với tôn chỉ hướng con người tới chữ Thiện, Phật giáo kể từ khi xuất hiện trong thế giới loài người đã luôn hướng những Phật tử nói riêng và con người nói chung tới thiện tâm, lòng nhân ái và sự tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân vì những lợi ích chung của cả cộng đồng.

Ngày trăng tròn của tháng Visakha (theo lịch Ấn Độ) có liên quan với 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích ca Mâu ni. Đó là ngày Đức Phật đản – Ngày đắc đạo và nhập Niết bàn. Đây là những ngày thiêng liêng nhất của Phật lịch. Theo Phật lịch nguyên thủy thì Đức Phật nhập diệt vào năm 544 trước Công nguyên. Mặc dù các tông phái Phật giáo khác nhau có những hệ thống niên đại khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất lấy ngày trăng tròn tháng 5 năm 1956 để kỷ niệm 2.500 Đức Phật nhập Niết bàn.

Cuốn sách “2500 năm Phật giáo” trình bày vắn tắt về lịch sử Phật giáo 2.500 năm qua, đây là một tập tư liệu công phu với sự tham gia của gần 30 học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… chắc chắn sẽ giúp người đọc có được cái nhìn toàn diện hơn, chuẩn xác hơn về một tôn giáo lớn đã trải qua một chặng đường hàng ngàn năm lịch sử với bao thăng trầm, thịnh suy.

Sách 2500 năm Phật giáo

Phật giáo được phát tích từ Ấn Độ, nhưng từ hàng ngàn năm trước tôn giáo này đã vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia. Trừ những vùng đất ở Trung Đông và Nga, còn lại thì toàn bộ châu Á ở đâu cũng có các tín đồ Đạo Phật. Thậm chí Phật giáo còn có ảnh hưởng sâu rộng tới cả Châu Âu và Châu Mỹ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới 1/3 dân số thế giới hiện nay theo đạo Phật. Đó là thành tựu lớn của tôn giáo đã lấy sự Từ bi – Nhân đạo và bình đẳng làm hướng đạo cho Phật tử.

Phải chăng, thuyết Nhân – Quả là nguyên lý cơ bản của triết lý nhà Phật? Và vì sao Đức Phật lại nói cuộc đời chúng sinh là bể khổ? Những câu hỏi như thế được những tác giả của cuốn sách này giải đáp rất cụ thể và dễ hiểu. Đời là bể khổ, bởi tất cả chúng sinh đều phải trải qua những sự tái sinh, hoại diệt, bệnh tử, rồi lại tái sinh. Những lạc thú và hạnh phúc cũng đưa người ta đến cái khổ bởi xét cho cùng chúng chỉ là nhất thời. Và sự mất đi lạc thú nhiều khi lại còn tệ hại hơn so với khi con người ta chưa từng có nó.

Hay một lời giải đáp khác: Rằng tại sao khi truyền bá Đạo pháp, Đức Phật hướng mọi người tới việc trau dồi 4 tình cảm cao thượng là : Từ – Bi – Hỉ – Xả. “Từ” là tình thương yêu bao trùm; “Bi” là sự rung động xót xa; “Hỉ” là sự hoan hỉ; thiện cảm và “Xả” hay là sự vô tư, không luyến ái, cũng không ghét bỏ. Đó là 4 tình cảm không có ranh giới về thời gian, không gian hoặc địa vị của mỗi cá nhân, mỗi một con người cụ thể trong xã hội.

Với nhiều tư liệu phong phú, tỉ mỉ nhưng cũng rất độc đáo và đặc sắc, cuốn sách sẽ là một tư liệu hữu ích đối với những người muốn tìm hiểu về Đạo Phật hoặc muốn hiểu biết sâu hơn về tôn giáo đã quen thuộc với đa số người dân Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

Điều đáng nói khác là cuốn sách được viết nên bởi số đông những chuyên gia, trí thức không phải là Phật tử. Nhưng tất cả đều bày tỏ sự khâm phục và tôn kính sâu xa với Đức Phật cùng tôn giáo của Ngài. Do đó, ngoài những giá trị về mặt tư liệu, phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu … “2500 năm Phật giáo” còn chứa đựng những yếu tố khách quan của xã hội loài người bên ngoài Phật giáo.

Updated: 17/03/2022 — 4:15 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *