Có thể phân chia quá trình truyền giáo và phát triển đạo vào Việt Nam qua 4 giai đoạn chủ yếu: giai đoạn hình thành từ đầu thế kỷ XVI đến năm 1884; Giai đoạn từ 1885-1945 (Giai đoạn thực dân Pháp đô hộ đến khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); Giai đoạn thứ ba từ 1945-1975 (Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ); Giai đoạn thứ tư từ năm 1975 đến nay (Giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước, cả nước tiến hành công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội).
Công giáo truyền vào Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực cho văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, một bộ phận nhỏ tín đồ và chức sắc Công giáo bị các thế lực đế quốc lợi dụng, ảnh hưởng đến quan hệ Nhà nước và Giáo hội.
Sau năm 1975 đất nước hai miền Nam – Bắc thu về một mối, Giáo hội hai miền có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành thống nhất. Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, ra Thư Chung lịch sử với đường hướng hoạt động “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người Công giáo với đất nước: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là đòi hỏi của Phúc âm. Thư chung năm 1980 cũng định ra nhiệm vụ xây dựng một nếp sống đạo mới và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc.
Công giáo Việt Nam có hơn 3.000 giáo xứ; tính đến đầu năm 2021 có 46 Giám mục, gần 6000 linh mục; khoảng 200 dòng tu, tu hội, tu đoàn với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ, trên 7 triệu tín đồ.