Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí (1396-1465) là một vị tướng, nhà chính trị, công thần khai quốc nhà Hậu Lê và là đại thần trải qua 4 đời vua thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Nguyễn Xí là ai?

Nguyễn Xí sinh năm 1397, ông nội là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội. Nguyễn Hợp đến sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại đây, hai cha con Nguyễn Hợp, Nguyễn Hội khai dân lập ấp, mở mang nghề làm muối. Nguyễn Hội sinh hai con trai: Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Cha con Nguyễn Hội, Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lương Giang, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá, do đó rất thân quen với Lê Lợi (hoàng đế Đại Việt, sáng lập triều đại Hậu Lê, trị vì năm 1428 – 1433), khi đó còn là phụ đạo ở Lam Sơn.

Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, chống quân xâm lược tàn bạo nhà Minh (triều đại cai trị Trung Quốc từ năm 1368- 1644). Nguyễn Xí và anh trai Nguyễn Biện (năm 1394- 1425) cùng tham gia, lúc đó ông 22 tuổi. Ban đầu, cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, nhiều người bỏ đi, chỉ có Nguyễn Xi và một số it tướng lĩnh khác theo Lê Lợi nương náu trên núi.

Năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Tướng Đinh Lễ (Công thần khai quốc nhà Lê Sơ, năm ? – 1427) và Nguyễn Xí là cánh quân đánh Đông Quan (Thăng Long). Tại Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), quân ta đại thắng. 5 vạn quân Minh bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Tổng binh của quân Minh là Vương Thông (năm ? – 1452) cùng các tướng phải chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Năm 1427, trong một trận kịch chiến, Đinh Lễ bị giặc giết chết, Nguyễn Xí bị bắt, song sau đó trốn thoát.

Ông lại tiếp tục cầm quân, tham gia trận chiến kéo dài gần 1 năm tại thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang ngày nay). Việc hạ được thành Xương Giang có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là cứ điểm chính trên tuyến viện binh từ Trung Quốc đến Đông Quan. Chiến thắng Xương Giang góp phần kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ. Năm 1429, Lê Lợi ban biển ngạch công thần cho 93 người, phân thành 9 nhóm. Nguyễn Xí được xếp vào hàng nhóm thứ 5 là Huyện hầu (sau Huyện Thượng hầu, Á Thượng hầu, Hương Thượng hầu và Đình Thượng hầu) và ban quốc tính họ vua – họ Lê. (Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi thuộc nhóm thứ 6 là Á hầu).

Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, ông cùng Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân nhận di chiếu của vua phò Thái tử Lê Nguyên Long, lúc đó mới 10 tuổi lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thái Tông (vua Đại Việt, trị vì năm 1433 – 1442). Trong giai đoạn này, Nguyễn Xi giữ chức Phụ nhiếp chính và Chính sự kiêm Tri từ tụng.

Năm 1442, Lê Thái Tông mất ở tuổi 20, ông cùng một số quan đại thần nhận di chiếu phò hoàng đế Lê Nhân Tông (vua Đại Việt, trị vì năm 1442- 1459). Vua Nhân Tông còn nhỏ, thái hậu Nguyễn Thị Anh là Nhiếp chính.Trong giai đoạn này, Nguyễn Xí giữ chức Nhập nội đô đốc, Thiếu bảo tri Quân dân sự, Thái bảo giúp việc chính sự.

Năm 1459, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân làm binh biến giết thái hậu và vua. Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế (trị vì năm 1459 – 1460).

Năm 1460, Nguyễn Xí phát động binh biến, phế bỏ vua Lê Nghi Dân, rước con út của hoàng đế Lê Thái Tông lên ngôi vua tức Lê Thánh Tông (trị vì năm 1460 – 1497), mở ra một thời kỳ thịnh trị của vương triều Đại Việt kéo dài 38 năm. Trong giai đoạn này, Nguyễn Xí được phong nhiều chức tước: Khai phủ Nghi đồng Tam ty; Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương Quân quốc trọng sự Á quận hầu; Sái quận công; Nhập nội Hữu tướng quốc; Thái úy Cương Quốc công.

Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi, được truy tặng làm Thái sư.

Năm 1467, vua Lê Thánh Tông lệnh cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo và cho Trạng nguyên Nguyễn Trực (năm 1417- 1474) viết văn bia phong thần: “Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt trung trinh đại vương”.

Các đời vua nhà Nguyễn (Việt Nam, Đại Nam, tồn tại năm 1802- 1945) tiếp sau cũng đều tôn vinh ông.

Công lao của Nguyễn Xí

Không chỉ là nhà quân sự, chính trị tại ba, Nguyễn Xí còn là người góp phần đáng kể vào công cuộc mở mang kinh tế và góp phần hình thành nên nhiều làng xã ở nước ta trong thế kỷ 15.
Trước yêu cầu của việc khôi phục kinh tế sau thời gian dài chiến tranh, nhà Lê thực hiện chính sách khuyến khích người dân khai hoang, lập làng. Cùng với đó, nhiều công thần nhà Lê được cấp tù binh người Minh, người Chăm để khai khẩn các vùng đất hoang.

Năm 1477, vua Lê Thánh Tông ban hành chính thức Chế độ Lộc điền, chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc và quan lại cao cấp. Lộc điền gồm ruộng đất thế nghiệp (đời đời hưởng lộc và truyền lại cho con cháu), cùng với Tứ điền (ruộng ân tứ), ao đầm, bãi dâu (chỉ cho hưởng dụng suốt đời, sau khi chết ba năm phải trả lại cho Nhà nước), Tự điền (ruộng tế; truyền lại con cháu lo việc thờ cúng).

Là một trong những công thần đứng đầu triều Lê, Nguyễn Xí được triều đình ban thưởng hàng nghìn mẫu Lộc điền.

Theo tài liệu của một văn bia tại Nghệ An, Lộc điền của Nguyễn Xí trải trên địa phận 93 xã thuộc 25 huyện với tổng diện tích 5.135 mẫu. Tại Nghệ An, số Lộc điền và ruộng đất ao đầm Nguyễn Xí mua thêm là hơn 1.377 mẫu, trên địa bàn của các phủ Diễn Châu, Anh Đô, Đức Quang và các huyện Chân Lộc, Yên Thành, Nam Đường, Thanh Chương. Đặc biệt, ông rất chú trọng việc khai phá và xây dựng vùng Cửa Lò – Cửa Hội. Vào thế kỷ 15, vùng này biển còn ăn sâu vào đất liền, nhiều nơi còn ngập nước mặn, dân cư còn thưa thớt. Vì vậy, ngoài số Lộc điền được ban cấp, ông sử dụng tù binh người Minh được vua ban cấp, cùng con cháu chiêu mộ dân, khai hoang, lập làng.

Những tù binh người Minh này, dần trở thành cư dân Việt, được Nguyễn Xí ban cho ruộng đất để họ lo việc hương khói và truyền lại cho con cháu.

Khi đánh dẹp quân Chiêm Thành vào năm 1445, nhà Lê bắt được hàng ngàn tù binh về giam ở xứ Bàu Ổ (thuộc phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò ngày nay). Nguyễn Xí cũng sử dụng những tù binh này vào khai khẩn đất đai ở Bàu Ổ. Theo gia phả họ Nguyễn Đình ở xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc) và họ Chế Đình ở phường Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), công cuộc khẩn hoang xứ Bàu Ổ đã dẫn đến sự ra đời của các làng Kim Ổ (thuộc phường Nghi Hương), Thu Lũng (thuộc phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò). Những hàng binh người Chăm này được Nguyễn Xí đối xử như con cháu và cho đổi từ họ Chế thành Chế Đình, Chế Lạc, Chế Du và cho phép lập làng.

Trước những công đức của Nguyễn Xí, dân làng về sau tự nhận là con nuôi (dưỡng tử) của ông. Vì vậy, trong số các chi họ là con cháu của Nguyễn Xí sau này, có 3 chi họ dưỡng tử (con nuôi) là con cháu những tù binh người Minh, người Chăm năm xưa.

Để tạo phúc, Nguyễn Xí còn xuất tiền của, hướng dẫn dân xây đắp đường sá, cầu cống; xây chợ (chợ Sơn tại làng Long Trảo, xóm Kỳ Sơn, xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc ngày nay) làm trung tâm giao lưu hàng hóa trong vùng và phát triển cuộc sống của người dân nơi đây.

Dòng họ của ông trở thành dòng họ danh gia vọng tộc. Để răn dạy con cháu đời sau trung với vua, với nước, ông đã viết bản di huấn trình lên vua Lê Thánh Tông chuẩn y, rồi khắc vào bia đá để lưu truyền cho con cháu.

Ông có 16 người con, trong đó có 4 vị là Nguyễn Sư Hồi, Nguyễn Kế Sài, Nguyễn Trọng Đạt và Nguyễn Nhân Thực đã tiếp nối sự nghiệp khẩn hoang, lập làng và tạo phúc của Nguyễn Xí, được người dân tôn thờ làm phúc thần.

Cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Thái úy Cương Quốc công Nguyễn Xí đã trở thành huyền thoại. Người dân cho rằng chỉ có bậc thần thánh mới làm được những công tích to lớn và vẹn toàn như vậy. Một trong những sự tích được lan truyền nhiều nhất: Nguyễn Xí chính là hóa thân của ông thần Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An với tài đức mười phân vẹn mười), một trong những nhân vật quan trọng trong Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt.

Dòng họ Nguyễn Đình

Vợ ông là Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Lân được phong tặng là Thục nhân. Ông có 16 người con trai và 8 người con gái. Các con của ông hầu hết đều là những người giỏi giang, là quan đại thần của nhà Hậu Lê.

Sau này, 15 người con trai của ông trở thành mười lăm chi họ lớn mạnh. Các thế hệ sau cũng kế thế phó tá vương triều Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, nhiều người được phong quan cao, chức trọng, và có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Theo thống kê của hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình, từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, hậu duệ của Cương Quốc công Nguyễn Xí có 56 người được phong tước Quận công, 179 người được phong tước Hầu, 141 người được phong tước Bá, 7 người được phong tước Tử, 37 người được phong tước Nam.

Ông là người mở đầu cho dòng họ danh gia vọng tộc, nối đời trâm anh thế phiệt. Để răn dạy con cháu đời sau phải trung thành với vương triều, trung thành với đất nước, ngăn chặn những mầm mống phản nghịch, ông đã viết bản di huấn trình lên vua ngự phê rồi khắc vào bia đá để lưu truyền cho con cháu. Bản di huấn của ông được vua Lê Thánh Tông chuẩn y và cho đóng dấu nhà vua lên dòng chữ ghi niên hiệu viết văn bản vì thế nó không còn chỉ giới hạn trong phạm vi của một con người, một gia đình mà nó đã được nâng tầm lên mang tính chất quốc gia, phổ quát rộng rãi. Qua bản di huấn cho thấy rõ cốt cách con người Nguyễn Xí là sự thể hiện trọn vẹn và sinh động các quan hệ xã hội cơ bản tồn tại trong quốc gia quân chủ Đại Việt thế kỷ XV. Các quan hệ xã hội đó được cố định thành một phẩm chất quán xuyến con người ông từ đầu đến cuối, đó là phẩm chất “trung nghĩa”. Trung nghĩa với đất nước, trung nghĩa vương triều.

Những lời răn dạy của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Nó nhắc nhở con cháu không được quên quá khứ, hậu thế được hưởng vinh hoa phú quý chính là nhờ những công lao, gian khổ của ông cha. Vì thế phải tận trung, tận hiếu với nước, một lòng báo đáp triều đình. Ông đã qua đời hàng trăm năm nhưng con cháu của ông vẫn còn giữ gìn nề nếp gia phong của một dòng họ danh tiếng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lịch sử.

Đền thờ Nguyễn Xí có ở đâu?

Nguyễn Xí mất ngày 30 tháng 10 năm Quang Thuận thứ 6 (1465), hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin ông mất, nhà vua tiếc than, nghỉ chầu 3 ngày, ban tặng nhiều phẩm vật, nghi trang tế lễ. Ngày 13 tháng 12, an táng thi hài ông ở quê nhà huyện Chân Phúc, bên cạnh phần mộ của thân phụ ông.

Hai năm sau, Lê Thánh Tông lệnh cho xây dựng đền thờ ông tại quê nhà. Trải qua các triều đại phong kiến Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều phong cho ông là thượng đẳng phúc thần và vẫn duy trì chế độ quốc tế ở đền thờ ông tại Thượng Xá (Nghi Hợp ngày nay).

Không chỉ có đền thờ do nhà nước xây dựng mà ông còn được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và tôn làm phúc thần như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội. Đặc biệt, ông còn được phối thờ ở miếu Lịch đại đế vương do triều đình lập nên để thờ các bậc đế vương và danh thần, danh tướng các triều đại.

Hiện nay, tên của ông được đặt cho các công trình đường sá, trường học ở nhiều thành phố trên khắp cả nước như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Cửa Lò…

Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí tại Nghệ An

Khu Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí tọa lạc tại xứ Đồng Lầm, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tiếp giáp đông tây tứ cận khu lăng mộ là ruộng trồng hoa màu.

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Lăng mộ Nguyễn Xí tại Nghệ An

Đền thờ Nguyễn Xí được xây dựng trên một gò đất cao ráo, thoáng đãng, là công trình kiến trúc cổ còn tương đối nguyên vẹn và có giá trị lớn về khoa học và thẩm mỹ. Đền quay về hướng Nam “toạ quý hướng đinh”. Bốn phía giáp đền là ruộng hoa màu.

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Phối cảnh đền thờ Nguyễn Xí tại Nghệ An

Đền thờ cách lăng mộ khoảng 300m. Bao bọc xung quanh di tích là những non kỳ thủy tú của xứ Cửa Lò như núi Cờ, núi Kiếm, núi Mão, núi Đai, núi Voi, núi Ngựa, Lô Sơn, Cửa Xá, Cửa Lò… đây đều là những địa danh gắn liền với các giai thoại, huyền tích liên quan đến Cương Quốc công Nguyễn Xí và dòng họ Nguyễn Đình.

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Khu đền chính có mặt bằng kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”, phía trước Nghi môn là hồ bán nguyệt vừa tạo thế phong thủy cho đền, vừa có tác dụng điều hòa không khí tự nhiên.

Các bộ phận kiến trúc được bố trí theo tôn ty, đăng đối, hài hòa, đó là những mẫu mực của hệ tư tưởng Nho giáo.

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Về kỹ thuật xây dựng, công trình đã được nâng cao hơn nhiều so với mức trung bình của các công trình đồng đại.

Trong điều kiện thiên nghiên khắc nghiệt như ở Nghệ An, mỗi năm phải hứng chịu cả chục cơn bão lớn, vị trí công trình lại gần biển, vật liệu hoàn toàn truyền thống, thủ công, không có bê tông cốt thép làm lõi nhưng công trình vẫn vươn cao cùng trời xanh, đương đầu với tuế nguyệt chứng tỏ kỹ thuật xây dựng của người xưa đã đạt đến trình độ điêu luyện. Vì thế mà trải qua cả trăm năm, công trình vẫn đứng vững cùng trời đất, những màu sơn kẻ vẽ vẫn tươi nhuận cùng năm tháng.

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc rất được chú trọng và tỷ mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Các đề tài trang trí phong phú và đa dạng, về linh vật có: tứ linh, lưỡng long triều nguyệt, long ngư hí thủy, phượng hàm thư, phượng vũ, hổ phù, hổ, long mã phụ hà đồ, thần quy phụ lạc thư, rùa đội hạc, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa, dơi, cá chép, chim, chuột…

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu? Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Về cỏ cây hoa lá có: tứ quý, mai hóa long, trúc hóa long, dây leo hóa rồng, hoa thị, lựu, đào, nho, phật thủ, cúc, sen, lá đề… về người và bảo vật có: lính canh, bát tiên, bát bửu, lược, đàn, sáo, kiếm, quạt, dây thao, bầu rượu, túi thơ, văn triện…  chủ yếu là thể hiện trên chất liệu vôi vữa và chạm khắc trên chất liệu gỗ.

Lễ hội đền thờ Nguyễn Xí

Hàng năm tại Đền thờ tổ chức Lễ hội diễn ra từ ngày 29 tháng Giêng đến ngày 01 tháng 02 âm lịch. Lễ hội gồm 2 phần chính:

– Phần lễ đã diễn ra trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gồm các hoạt động chính: Lễ rước, lễ yết cáo, lễ dâng hương, lễ tham tế của 15 chi họ Dòng họ Nguyễn Đình, lễ đại tế, lễ tạ…

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

– Phần hội diễn ra sôi động, vui tươi, phấn khởi, thu hút hàng vạn lượt người tham gia với nhiều hoạt động như: Tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng; Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen”, Liên hoan Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, thi cắm trại, biểu diễn múa lân, thi đấu cờ thẻ, kéo co, biểu diễn thư pháp và các trò chơi dân gian, triển lãm ảnh…

Nguyễn Xí là ai? Đền thờ Nguyễn Xí ở đâu?

Trong những năm qua, giá trị của Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Nguyễn Xí không ngừng được bảo tồn và phát huy. Nhiều hạng mục của di tích được tu bổ tôn tạo. Khuôn viên Lăng mộ và Đền thờ ngày càng khang trang. Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí ngày càng được nghiên cứu sâu rộng hơn.

Lễ hội Đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, thu hút ngày càng đông đảo du khác trên mọi miền đất nước về tham gia. Đặc biệt Đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng rộng rãi của Nhân nhân và du khách trong nước và ngoài nước.

Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

Updated: 05/03/2022 — 10:48 sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *