Hoà thượng Đỗ Văn Hỷ – Thích Thanh Thao thiền sư

Thiền Sư Đỗ Văn Hỷ (Tâm Hỷ) pháp danh là Thích Thanh Thao (1890-1968). Nguyên quán tại làng Tân Hy, tổng Chi Nê, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Ngài Xuất Gia năm 1898 năm đó ngài lên 8 tuổi. Ngài là đệ tử của đệ ngũ tổ Linh Quang Bà Đá: Tâm Khoản – Trang Nghiêm Tổ Sư.

Đến năm 1922 sau khi đệ Ngũ Tổ viên tịch, cư dân phố Hàng Trống đã đệ đơn lên Đốc lý Hà Nội tiến cử Thiền Sư Đỗ Văn Hỷ kế đăng trụ trì Chốn Tổ Linh Quang – Bà Đá. Ngôi chùa này thuộc phái Tào Động được Tổ Khoan Giai (thế hệ thứ 6 phái Tào Động – Chùa Hoè Nhai) khai sáng. Đệ Nhất Tổ Sư Khoan Giai thuộc về phái Tào Động, đến đời Tổ thứ hai Giác Vượng trở về sau thuộc về phái Lâm Tế – Nhánh Hoa Lâm Khê Hồi.

Đời Tổ Thứ 3 pháp hiệu – Phổ Sĩ Thiền Sư.

Đời thứ 4 là Thông Toàn – Thuần Hợp Tổ Sư.

Đời thứ 5 là Tâm Khoản Trang Nghiêm tổ sư.

Thiền Sư Đỗ Văn Hỷ Trụ Trì chùa Bà Đá là người có công lớn trong việc trùng tu tôn tạo lại tổng thể Chùa sau vụ hoả hoạn tại đây. Bản Thân Thiền Sư Đỗ Văn Hỷ với tư cách là sư Trụ trì đã tổ chức thành công các nghi lễ đón rước đoàn khách thăm viếng Chùa theo lời đề nghị của Toàn Quyền Đông Dương và Giám Đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ thời bấy giờ. Chính nhờ những công đức đó mà ngày 21 tháng 7 năm Quý Dậu (1933) niên hiệu Bảo Đại Thứ 8, Thiền Sư được vua Bảo Đại và triều đình Huế Phong là Tăng Cang Hoà Thượng.

Hoà thượng Đỗ Văn Hỷ – Thích Thanh Thao thiền sư

Năm 1935 – Thiền Sư Thanh Thao- Đỗ Văn Hỷ gửi đơn lên chính quyền xin phép xuất bản tạp chí” Tiếng Chuông Sớm” để chấn Hưng Phật Giáo lúc bấy giờ. Tạp Chí ” Tiếng Chuông Sớm” bằng chữ Quốc ngữ ra số đầu tiên ngày 15 tháng 6 năm 1935. Tổng cộng được 24 số- Hoà Thượng Đỗ Văn Hỷ- Thích Thanh Thao trụ trì chùa Bà Đá là một trong những người sáng lập, được cử làm chủ nhiệm tờ báo, Trụ Sở báo đặt tại Chùa Bà Đá.

Trong thời kỳ tổng khởi nghĩa giành chính quyền – Hoà Thượng Đỗ Văn Hỷ được suy cử làm chủ tịch ban chấp hành Hội Phật Giáo Cứu Quốc. Trước không khí sôi nổi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 15/8/1945, các sư Thanh Đặc (Vũ Nguyên Hồng), Thanh Trà, Thanh Chế bí mật thành lập Đội Thanh niên Phật Tử Quân tại chùa Bút Tháp – Thuận Thành- Bắc Ninh.Đội do sư ông Pháp Lữ (Chùa Cổ Lễ – Nam Định, mà sau này hoàn tục tham gia cách mạng là Đại tá Đinh Thế Hinh) chỉ huy, ban đầu có 19 người. Nhờ sự giúp đỡ của Hoà Thượng Tăng Cang Đỗ Văn Hỷ trụ trì Chùa Bà Đá, quân số lên tới hơn 50 người do sư Ông Pháp Không và Pháp Lữ chỉ huy. Ngày đêm trong khuôn viên chùa Bà Đá anh em luyện tập côn quyền.

Ngày 23-8-1945 Từ chùa Bà Đá, một đoàn Đại Biểu Phật Giáo Hà Nội gồm hơn 10 vị sư do Hoà Thượng Tăng Cang Thanh Thao – Đỗ Văn Hỷ dẫn đầu vào hội kiến Ông Võ Nguyên Giáp đại diện chính phủ lâm thời. Ngày 25-8 chùa cử Tăng Ni, phật Tử Hà Nội sang Gia Lâm đón Hồ Chủ Tịch và chính phủ lâm thời từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội. Ngày 26-8 Hồ Chủ Tịch đến Chùa Bà Đá thăm nơi thờ Phật và nhà Tổ, đến phòng riêng Thăm Hoà Thượng Bản Tự Thích Thanh Thao – Đỗ Văn Hỷ, khuyến khích ngài vận động chư Tăng Ni, các tín đồ ủng hộ cách mạng, góp công sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Ngày 28-8 một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức(gần Chùa Bà Đá) gồm trên 100 vị.

Hoà thượng Đỗ Văn Hỷ – Thích Thanh Thao thiền sư

Sư đại diện cho các Sơn Môn ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên…. do Hoà Thượng Thanh Thao Đỗ Văn Hỷ chủ trì,có sự hiện diện của Các vị lãnh đạo Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đại diện Mặt Trận Việt Minh tham dự. Hội nghị giơ tay cao ủng Hộ, sau đó bàn bạc rồi quyết định thành lập một tổ chức của Phật Giáo yêu nước lấy tên là HỘI PHẬT GIÁO CỨU QUỐC. Một ban chấp hành được bầu 9 người do Hoà Thượng Thanh Thao làm chủ tịch, Thượng toạ Thanh Đặc và Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ Tịch, trụ sở của Hội đặt tại Chùa Bà Đá. Ngày 05-01-1946, Hội Phật Giáo tổ chức tuần lễ mừng chính phủ liên hiệp quốc gia tại Chùa Bà Đá. Tuần lễ mừng có mục đích nguyện cầu chư Phật – Bồ Tát chứng giám lời thề của cụ chủ tịch và các nhân viên trong chính phủ? Hơn nữa để cầu nguyện độc lập cho nước Việt Nam.

Hoà thượng Đỗ Văn Hỷ – Thích Thanh Thao thiền sư

Trải qua những năm tháng hoằng pháp độ sinh, với tinh thần từ bi bác ái, Phật giáo nhập thế, hộ quốc – an dân tại thủ đô Hà Nội, Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch vào ngày 23 tháng 5 năm Mậu Thân (1968).

Trụ Thế: 78 năm giới lạp:58 năm.

Bảo Tháp phụng thờ tôn trí tại Tổ Đình Chùa Hội Xá – xã Thắng Lợi- huyện Thường Tín – Hà Nội.

Pháp tử của Thiền Sư Thanh Thao có 2 vị:

– Cố Hoà Thượng Thích Thanh Lễ – (trụ trì Chùa Ngâu, Hà Nội)

– Cố Hoà Thượng Thích Thanh Doãn
(Kế đăng trụ trì Chùa Linh Quang – Bà Đá ;

Linh Cuông – Văn Chương ; Chùa Ngâu – Thanh Trì)

Là bậc Tùng Lâm Thạch Trụ, Pháp Khí Của Thiền Gia đương thời và là vị Tăng Cang với Đạo Hạnh sáng ngời được các thế hệ Hoà Thượng, học giả, tầng lớp trí thức hậu thế thường nhắc đến và ca ngợi. Tên tuổi và sự nghiệp của Ngài thực xứng với Tông Phong Vĩnh Chấn – Tổ Ấn Trùng Quang, đã làm rạng danh Sơn Môn Chốn Tổ Linh Quang Bà Đá nói riêng và Phật giáo Thủ Đô nói chung.

NAM MÔ LINH QUANG ĐƯỜNG THƯỢNG, SÙNG LINH BẢO THÁP, HỘ QUỐC SA MÔN, ĐỆ LỤC ĐẠI TỔ SƯ TRỤ TRÌ, TĂNG CANG HOÀ THƯỢNG, PHÁP DANH THÍCH THANH THAO, THẾ DANH ĐỖ TÂM HỶ HOÁ THÂN BỒ TÁT THUYỀN TOẠ HẠ, Tác Đại Chứng Minh.

Updated: 23/06/2022 — 11:38 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *