I. Hoàng Thành Thăng Long ở đâu?
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến của Việt Nam, có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Thực tế, toàn bộ cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
II. Lịch sử Hoàng Thành Thăng Long
1. Giai đoạn tiền Thăng Long thời Đinh – Tiền Lê
Thời kỳ nhà Đường khi nước Việt Nam còn có tên gọi là An Nam, trên vùng đất Thăng Long xưa Hà Nội nay, Tống Bình được xây dựng là trung tâm chính trị. Năm 866 viên tướng nhà Đường cho xây dựng thành trì mới, Thành Tống Bình được đổi tên thành Đại La. Đây là tiền thân của kinh thành Thăng Long sau đó. Những năm cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X có nhiều sự thay đổi triều đại và chính quyền nên kinh đô cũng được dời về nhiều địa danh khu vực khác nhau, thành Đại La cũng có nhiều thay đổi.
2. Giai đoạn Lý – Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV
Hoàng thành Thăng Long chính thức được gọi tên và xây dựng quy củ kể từ năm 1010 ngay sau khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Kinh thành Thăng Long sau 1 năm gấp rút xây dựng có mô hình Tam trùng thành quách. Vòng ngoài cùng là La thành, vòng thứ hai là Hoàng thành, vòng trong cùng là Cấm thành hay còn gọi là Long Phượng thành hoặc Tử cấm thành. Trong đó nơi sinh sống của cư dân là vùng đất giữa Hoàng thành và La thành còn các cung điện của nhà vua được dựng trong Long Phượng thành.
Hoàng thành thời kỳ này được đắp bằng đất phía ngoài có hào mở 4 cửa: cửa Tường Phù ở phía Đông, cửa Quảng Phúc ở phía Tây, cửa Đại Hưng ở phía Nam và phía Bắc là cửa Diệu Đức. Trong thành Long Phượng được cho xây dựng rất nhiều cung điện như điện Càn Nguyên là nơi thiết triều, điện Long An và Long Thụy là nơi nhà vua nghỉ ngơi, sau cùng là cung Thúy Hoa dành cho các phi tần. Ngoài các điện chính này còn có các điện Cao Minh, điện Nhật Quang, điện Nguyệt Minh, điện Tập Hiền, điện Giảng Võ…
3. Giai đoạn Lê – Mạc từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII
Thời các vua Lê, kinh thành vẫn ở Thăng Long nhưng được đổi tên thành Đông Kinh bắt đầu từ thời vua Lê Thái Tổ. Trải qua các triều đại thời nhà Lê, Đông Kinh thành được xây đắp mở rộng thêm ra mấy nghìn trượng vô cùng rộng lớn.
Năm 1527 nhà Mạc lên cướp ngôi nhà Lê khiến kinh thành Đông Kinh chìm trong loạn lạc. Hầu hết các cung điện, đền chùa, phố phường bên trong kinh thành đều bị thiêu đốt tàn phá nhiều lần. Nửa cuối thế kỷ XVI, họ Trịnh ở Nam triều thừa thắng xông lên chiếm một loạt các tỉnh thành phía Bắc và chiếm luôn cả Đông Kinh.
Năm 1585, Mạc Hậu Hợp trở lại Đông Kinh tiến hành xây dựng lại kinh đô. Tuy nhiên chỉ 14 năm sau, Trịnh Tùng lại đuổi nhà Mạc lên Cao Bằng và tiếp quản Đông Kinh vào năm 1599. Hoàng thành lúc này được tu sửa trong một tháng để đón vua Lê ra đóng đô.
4. Hoàng thành Thăng Long giai đoạn sau 1788
Từ năm 1788 tới năm 1888, trải qua rất nhiều biến động lịch sử Hoàng thành Thăng Long gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngoại trừ cột cờ và cửa Bắc, tất cả những gì còn sót lại của Hoàng thành đến hôm nay chỉ là di chỉ khảo cổ và phục dựng lại theo ghi chép lịch sử.
III. Di tích Hoàng thành Thăng Long
Qua thăng trầm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần, được sửa chữa và xây dựng lại trên nền cũ, nhưng đến nay, hầu hết các công trình nguyên thủy đã không còn. Dẫu vậy, khu vực Hoàng thành Thăng Long ngày nay vẫn là trung tâm quyền lực của cả nước, cũng là địa điểm thu hút du lịch của Hà Nội.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội. Di chỉ khảo cổ này là minh chứng sống động cho nền văn minh châu thổ sông Hồng trong suốt 13 thế kỷ: bắt đầu từ thời tiền Thăng Long vào khoảng thế kỷ VII, đi qua thời Đinh và tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, hậu Lê, đến triều Nguyễn và tồn tại mãi đến ngày nay.
Dấu son Hoàng thành Thăng Long được hình thành vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng Kinh thành cũng như hàng loạt cung – điện, trong đó có Hoàng thành Thăng Long.
Theo sách sử và tài liệu khảo cổ, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách, bao gồm: vòng ngoài cùng là La thành hay Kinh thành – nơi sinh sống của cư dân, vòng ở giữa là Hoàng thành – khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều, và vòng trong cùng là Tử Cấm thành hay Long Phượng thành – nơi dành cho vua, hoàng hậu, và các thành viên hoàng tộc khác.
Những gì chúng ta còn thấy ngày nay ở thủ đô Hà Nội là Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với diện tích khoảng 20ha (trên tổng diện tích 140ha của Hoàng thành), bao gồm hai khu vực: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu di tích Thành cổ Hà Nội. Ngoại trừ Bắc Môn và Kỳ Đài, những công trình còn sót lại chỉ là phục dựng và các di tích khảo cổ được tìm thấy trong suốt nhiều năm.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa mà công trình kiến trúc đặc biệt này mang lại, vào năm 2010, tổ chức UNESCO đã công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới, và trở thành địa điểm nghiên cứu khoa học cũng như tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội.
IV. Giờ mở cửa tham quan Hoàng thành Thăng Long
Hoàng Thành Thăng Long mở cửa tham quan tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2 với thời gian mở cửa như sau:
– Buổi sáng từ 8 giờ tới 11 giờ 30 phút
– Buổi chiều từ 14 giờ tới 17 giờ
Thời gian tham quan khu di tích Hoàng Thành Thăng Long rơi vào khoảng từ 1 tới 3 tiếng. Vì thế du khách có thể sắp xếp lịch trình hợp lý hoặc kết hợp tham quan các địa điểm du lịch khác của Hà Nội gần đó.
V. Giá vé tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Vé tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long có mức giá là 30.000 đồng/lượt. Miễn phí vé đối với người có công với cách mạng hoặc trẻ em dưới 15 tuổi. Người cao tuổi trên 60 tuổi hoặc sinh viên, học sinh từ 15 tuổi trở lên có mức giá vé ưu đãi 50% là 15.000 đồng/lượt.