Trước đình Trích Sài là những cây bàng cổ thụ sum suê, bóng mát tỏa khắp một vùng.
Đình Trích Sài thờ ai?
Nhìn vào cửa đình Trích Sài thấy nổi bật đôi câu đối được đắp trên tường:
Vạn cổ cương thường khai Hổ võng
Bách niên thanh dự ký Ngưu hồ.
Tạm dịch:
Muôn thủa cương thường căng lưới Hổ
Trăm năm danh tiếng vọng hồ Ngưu.
Câu đối ngắn gọn đầy ý nghĩa, nói lên tiết tháo của vị tôi trung, luôn giữ lễ cương thường, lúc nào cũng có cương mục, giống như lưới bắt hổ ngày nào. Do lòng trung quân như vậy mà trăm ngàn năm sau tiếng tăm vẫn vang vọng, vẫn ghi đậm ở Hồ Tây. Cũng qua câu đối này, ta biết được rằng Đình Trích Sài tôn thờ thái úy Mục Thận.
Mục Thận là người làng Võng Thị, ngay từ nhỏ đã quen với nghề sông nước, lớn lên làm nghề quăng chài, đan lưới. Thời vua Lê Đại Hành vì đánh cá giỏi đã được sung vào đội Vân thủy. Một hôm vua đi du ngoạn cảnh hoa sen trên hồ ở phía nam, ông theo cha đến hầu thuyền nhà vua, vua thấy dáng mạo khoan thai liền ban cho là Thái lão, rồi cho con ông thay chức đó. Lúc bấy giờ con của Lê Văn Doanh là Lê Văn Thịnh vốn là người Thanh Trì; Văn Doanh ở thời Thái Tông làm quan đến chức Thị trung Độ lang kỵ úy, gặp lúc Nùng Tồn Phúc người Châu Tây nông làm phản, theo vua đi dẹp giặc ở phương Bắc, băt được nhiều người đem về kinh sư. Văn Doanh thấy họ đói khát nên động lòng thương xót, phần lớn được ông cho ăn uống, họ vô cùng cảm ơn. Những người được ân xá tự đến nhà Văn Doanh cảm tạ và nói: Tôi người nước Đại Lý hôm qua bị Tồn Phúc coi khinh, cho tôi là kẻ tham mưu việc quân. Trước kia triều đình thu tài sản của nhà tôi, nay được ngài thương đến đãi ngộ rất hậu, tính mệnh được bảo đảm an toàn, tôi chưa thể báo đáp được, xin cho được làm tôi tớ, công đức này mong đừng trở ngại. Tôi vốn có phép thuật ít thấy ở đời, thần chú ảo thuật biến hóa muôn hình. Nay nghe nói Văn Thịnh đã lớn tuổi xin được truyền dạy phép thuật đó, may chăng có thể báo đền chút ít. Văn Doanh mừng lắm nhận làm nô sứ cùng ở với Lê Văn Thịnh. Ông dạy hết phép thuật cho Văn Thịnh, sau đó Văn Thịnh trở thành đặc biệt giỏi giang hơn người.
Thời Lý Nhân Tông năm Ất Mão (1705) Lê Văn Thịnh thi đỗ khoa minh kinh, nhà vua rất yêu mến tuyển sinh chức Thị giảng. Về sau càng được đãi ngộ sủng hậu ngày càng được tôn trọng, tài năng không ai sánh kịp. Không bao lâu ở địa vị Thái sư, được liệt vào hàng ngũ có công, Thịnh sinh kiêu căng, sống bừa bãi, ngầm có âm mưu cướp đoạt ngôi vua.
Vào năm Hội Phong (1092), nhân lúc nhàn rỗi nhà vua bơi một chiếc thuyền nhỏ ra chơi hồ Dâm Đàm xem đánh cá. Lúc gần đến giữa dòng, đúng giờ ngọ trời nóng oi ả, bóng mây che rợp cả bầu trời rồi bỗng ba bề bốn bên không nhận ra được nữa. Nhà vua rất lo sợ thì thoáng nghe có tiếng mái chèo từ xa tới, nghe tiếng bánh lái dắc dắc. Vua liền lao mũi giáo thì bống nghe tiếng gầm rú rồi xông đến cạnh thuyền là một con hổ mình dài, to lớn màu đen vằn, mắt sáng như điện, tiếng gầm như sấm, nhe nanh, mua vuốt thật kinh sợ. Khi ấy các thuyền đanh cá đến cứu nguy. Lúc bấy giờ các công chức bản ty thủy cục theo hầu vua quay nhìn hỏi nhau, cùng lúc ấy – đứng cạnh ngay mũi thuyền quăng lưới, ông Mục Thận bỗng thấy sự việc như vậy bèn tiên chi ngay một quẻ, tượng dạy rằng có bề tôi đang muốn cướp ngôi vua. Ông vội vàng đẩy thuyền, dựng hoành thành trấn áp rồi tay quăng lưới miệng niệm thần chú. Đọc xong ông quăng lưới trùm lên đầu hổ, các sợi lưới biến thành lưới thép. Chỉ trong khoảng khắc hình hổ tan đi, lộ nguyên hình lại là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua giận dữ ban chiếu giải đi Tuyên Hóa để trừng phạt.
Nhà vua muốn mừng công lao đặc biệt của Mục Thận đã phá được kẻ có dũng lực, mưu hại vua, bèn phong cho Mục Thận làm kiêu kỵ tướng quân, phụ quốc thương trật, ban cho cả hồ Tây làm thực ấp. Ông hưởng thọ 45 tuổi, sau khi mất vua ban chiếu tặng Thái úy, tước khang định công, thụy là Chinh Nghị, sai cho dựng đền thờ ngay tại bản ấp, cho phường Võng Thị (thôn đông) và Trích Sài (thôn tây) được phép thờ phụng.
Đình Trích Sài được xây dựng từ khi nào?
Căn cứ vào thần tích và văn bia còn lưu giữ tại di tích thì đình Trích Sài được xây dựng từ năm Nhâm Tý (1612) đời vua Lê Kính Tông.
Đình tồn tại cho đến ngày nay đã qua nhiều lần trùng tư sửa chữa: năm 2001, sửa chữa cổng đình; năm 2002, 2003 phục hồi nhà tiền tế; năm 2004, tu bổ nhà tả mạc.
Tổng quan kiến trúc đình làng Trích Sài
Đình được làm theo kiểu đầu hồi bít đốc, hiện tại các bộ phận cấu thành của di tích bao gồm: cồng đình, nhà tả, hữu mạc, đình (tiền tế, hậu cung), hai dãy hành lang.
Cổng đình không xây kiểu “Thiên trụ” mà xây kiểu tam quan giống như chùa. Qua cửa đình là sân đình khá rộng rãi, thoáng đãng. Tiếp đến là những dãy nhà ngang mới xây. Nhà tiền tế cũng bị phá bỏ từ lâu. Hiện nay chỉ còn ba gian thờ dọc lợp ngói ta cổ kính. Trong đó có nhiều hiện vật quý giá thời Lê như rồng đá, bia đá, long ngai, bài vị…”
Phía trên có bức hoành phi rất cổ đề:
Thánh cung vạn tuế.
Thánh chúa muôn năm
Hai bên có câu đối:
Quế trạo lan tương trữ tải Tây Hồ phong nguyệt
Cổn y dực lạp ngao du Nam Việt càn khôn.
Tạm dịch:
Chèo lái lênh đênh thu cả gió trang Lãng Bạc.
Nón áo xềnh xoàng dạo khắp non nước Trời Nam.
Đình được xây dựng ở vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp: phía trước là hồ Tây, dịch xuống một đoạn là đình chùa Võng Thị, chùa Tĩnh Lâu, chùa Chúc Thánh, đền Dực Thánh, đình Hồ Khẩu… xung quanh có đường dạo ven hồ càng tôn thêm vẻ đẹp cho di tích, thuận lợi cho khách tham quan, vãn cảnh. Trong quá trình tồn tại, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, song vẫn giữ được những nét kiến trúc mang phong cách cổ truyền: các mảng trang trí trên kiến trúc tập trung ở toàn tiến tế được thể hiện ở các đầu dư, kẻ chuyền và bẩy hiên với những nét chạm mềm mại, uyển chuyển tuy không cầu kỳ nhưng tạo cho di tích vẻ đẹp giản dị gần gũi với đời thường. Đặc biệt trong đình Trích Sài còn lưu giữ được hệ thống các di vật phong phú đa dạng về thể loại và chất liệu như: Bia đá, thần tích, ngai thờ, ỷ kê ngai có niên đại cuối thế kỷ XVII, long đình, cửa võng, hoành phi, câu đối… mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao. Các di vật này là những nguồn tư liệu thành văn vô cùng quý giá góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu lai lịch các vị thần trong hệ thống thần điện của người Việt cũng như quá trình phát triển của đình làng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của dân tộc.
Ngoài những giá trị về mặt lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khoa học di tích đình Trích Sài còn là địa điểm quần tụ sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân làng Trích Sài thể hiện lòng biết ơn với những người đã có công cứu vua đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng.
Đình Trích Sài được thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2008.