Văn hóa tâm linh

Chùa Nam Dư Thượng ở phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội

Chùa Nam Dư Thượng còn có tên gọi là Nghiêm Thắng Tự nằm ở phía Tây Nam phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

420

Đến chùa Nam Dư Thượng, các bạn sẽ có được một không gian thanh tịnh yên bình dường như mọi ồn ào của phố xá đã lùi xa ngoài cánh cổng. Ngôi chùa như một khoảng lặng bình yên giữa những nhộn nhịp của cuộc sống thường ngày.

Chùa Nam Dư Thượng được xây dựng từ khi nào?

Căn cứ trên tấm bia đá dựng tại Nghiêm Thắng Tự với nội dung bài văn khắc mang niên đại Vĩnh Tộ thứ 10 (tức năm 1628 dương lịch) thì chùa được xây dựng năm 1621, vào đầu thời Lê Trung Hưng. Như vậy đến nay chùa Nam Dư Thượng đã tồn tại hơn 400 năm tuổi.

Chính cung Nguyễn Thị Ngọc Tú có công bỏ tiền của ra thuê nhân công quai đê lấn bãi sông Hồng có trên 200 mẫu ruộng cho dân cày cấy. Bà cũng là người bỏ tiền của xây dựng ngôi chùa này năm 1622, sau được phong là “Quốc Mẫu Vua Bà”.

Sau 4 thế kỷ tồn tại, năm 2019 chùa được trùng tu tôn tạo lại trên cơ sở tôn trọng những giá trị của ngôi chùa cổ.

Tổng quan kiến trúc chùa Nam Dư Thượng

Chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ công, qua cửa tam quan là vào chùa chính với các công trình kiến trúc chính như tam bảo, nhà mẫu, nhà tổ.

Tam quan có dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn với ngũ môn khá lớn, cổng giữa gồm 3 tầng mái cong, vòm cuốn, mặt nhìn về hướng tây. Cổng tam quan được xây mới hoàn toàn dựa trên kiến trúc của tam quan cũ. Những họa tiết, hoa văn truyền thống như đôi nghê chầu vào nhau, lưỡng long chầu phù, câu đối, đại tự… khiến cho tam quan thêm phần cổ kính, uy nghi và lộng lẫy. Qua tam quan là sân trước dẫn tới tòa tam bảo. Lối đi vào đặt 2 hàng tượng đá với đủ các biểu cảm khác nhau kết hợp cùng những tiểu cảnh tạo nên sự bình yên của ngôi chùa.

Chùa Nam Dư Thượng ở phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội

Chùa do “Quốc Mẫu Vua Bà” xây nên chùa vừa mang kiến trúc cung vua phủ chúa nhưng đồng thời hệ thống tượng thờ cũng mang đậm nét nữ tính.

Nét cung vua phủ chúa của ngôi chùa thể hiện qua bố cục thờ tự và hệ thống tượng thờ trong chùa: Tòa Tam Bảo của chùa Nam Dư Thượng được sắp xếp theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh” – nghĩa là bên ngoài thờ Phật, bên trong hậu cung thờ các vị Thành Hoàng làng cùng 2 vị nữ thần có công lớn với địa phương là: Hoàng thái hậu Trương Thị Niếu và Vương phi chính cung Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Chùa Nam Dư Thượng ngày nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị tiêu biểu như tấm bia đá cổ niên hiệu Vĩnh Tộ, khánh đá, nhiều di vật quý như quả chuông đồng, kiệu bát cống, kiệu võng, 4 bộ long ngai, bài vị thờ các vị thần và pho tượng Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Tú. Hai bên gian tiền đường thờ Thâp điện Diêm Vương, trên chính điện toà Tam Bảo thờ Phạm Vương, Đế Thích chầu hai bên toà Cửu Long. Tượng Đức Ông trong khám trùm y đỏ uy nghiêm hai vị Hộ Pháp sừng sững hai bên tiền đường.

Nét nữ tính trong lối thờ tự của chùa là hệ thống các tượng hoá thân của Phật Bà Quan Âm và các vị Bồ Tát thị hiện thân nữ. Trên chính điện toà Tam Bảo, ở tầng tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Đức Quan Thế Âm hai tay ôm bình Cam Lộ, tượng Đức Đại Thế Chí cầm cuốn Kinh Phật. Dưới tầng tượng Di Đà Tam Tôn là tượng Quan Âm Chuẩn Đề và Văn Thù, Phả Hiền. Quan Âm Chuẩn Đề xòe ra rất nhiều tay mềm mại như đang múa, còn tượng các vị Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phả Hiền từ khuôn mặt nữ nhân hiền hậu, y phục thanh tú, mặc yếm đào đoan trang. Tại gian thờ Quan thập điện ở 4 góc đối xứng là tượng Thổ Địa, Thánh Tăng và Quan Âm nam hải, Quan Âm toạ sơn. Ngoài sân chùa còn có lầu Quan Âm bạch y giữa hồ sen. Như vậy có rất nhiều tượng hoá thân của Bồ Tát Quan Âm và các vị nữ thần (trong hậu cung và dưới nhà Mẫu).

Cách bố trí và thứ tự tượng Phật ở đây cũng giống như ở các ngôi chùa Việt Nam theo hệ phái Bắc tông. Khác với những ngôi chùa khác, tòa Tam Bảo của chùa Nam Dư Thượng được sắp xếp theo kiểu “Tiền phật hậu thánh” – nghĩa là bên ngoài thờ Phật, bên trong thờ thành hoàng làng. Chùa thờ Phật và 2 vị nữ thần có công lớn với địa phương là: Hoàng thái hậu Trương Thị Niếu và vương phi chánh cung Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Hàng trăm năm qua chùa Nam Dư Thượng vẫn luôn là chốn linh thiêng, là điểm tựa tâm linh của những người dân địa phương. Nơi đây không chỉ là ngôi chùa làng phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của bà con địa phương mà còn là nơi những câu chuyện về mảnh đất này, về công đức của những vị thành hoàng làng, niềm tự hào của mảnh đất Nam Dư Thượng được truyền tụng và lưu giữ cho đến tận ngày hôm nay. Người dân ở mảnh đất Nam Dư Thượng này vẫn thường xuyên tới lui ngôi chùa ngôi chùa cổ, kể cho nhau nghe những câu chuyện xa xưa và cùng nhau tụng kinh lễ phật với mong muốn tìm được sự bình anh trong tâm hồn.

Hiện nay sư cụ trụ trì Thích Đàm Quang và các đệ tử vẫn luôn nỗ lực tinh tiến trên con đường hoằng pháp độ sinh. Những khoá tu của chùa rất đông Phật tử về chùa tu tập vì chùa có khu giảng đường rộng lớn phía sau chùa đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho sự tu học. Nhiều giảng sư nổi tiếng trong nước về chùa thuyết pháp hướng dẫn Phật tử, thiện nam tín nữ làm lành lánh ác.
Tuy nhiên kiến trúc thờ tự cổ truyền, những lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng truyền thống, những sinh hoạt trong chốn Thiền môn của các Tổ miền Bắc vẫn được sư cụ hằng ngày hành trì. Quý vị chỉ cần 1 ngày ở chùa tham gia các thời khoá cùng sư cụ sẽ cảm nhận được hằng trăm năm qua ngôi chùa Nam Dư thượng vẫn yên bình mộc mạc đến như vậy.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm