Điểm giống nhau giữa đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời năm 1849 và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời năm 1867 là hai tôn giáo nội sinh trên vùng đất An Giang dưới triều Nguyễn, được xếp vào giai đoạn đầu trong dòng chảy các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Không chỉ là tôn giáo, đây còn là những phong trào yêu nước và phong trào khẩn hoang có tầm ảnh hưởng lớn.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa có gì giống nhau?

Mặc dù về hình thức có nhiều điểm khác nhau, nhưng những tư tưởng cốt lõi trong giáo lý của hai đạo nầy tương đối giống nhau, đều dựa trên nền tảng căn bản là Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhơn loại). Bên cạnh đó, việc thờ trần điều (vải đỏ sẫm) cũng là một đặc điểm nhận dạng của hai tôn giáo này.

Điểm giống nhau giữa đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có một hình thức thờ cúng giống nhau mà đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu quan tâm đến, đó là Ngũ Công Vương Phật hay Chư Vị Năm Ông. Nếu đối với giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, thờ cúng Năm Ông chỉ còn được biết qua một số tư liệu, thì đối với giáo hệ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thực hành tín ngưỡng nầy ngày nay vẫn còn tồn tại. Bài viết nầy chúng tôi xin giới thiệu một số đặc trưng của tục thờ cúng Năm Ông trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa như nguồn gốc đối tượng tín ngưỡng, hình thức thực hành tín ngưỡng và một số vấn đề có liên quan… mà trước nay chưa được đề cập đến.

Mỹ hiệu của Năm Ông (có khi được đi kèm với ngũ phương) bao gồm:

– (Đông Phương Thanh Đế) Chí Công Vương Phật

– (Tây Phương Bạch Đế) Lãng Công Vương Phật

– (Nam Phương Xích Đế) Bửu Công Vương Phật

– (Bắc Phương Hắc Đế) Hóa Công Vương Phật

– (Trung Ương Huỳnh Đế) Đường Công Vương Phật.

Ngũ Công Vương Phật là ai?

Thực ra, mặc dù mang danh xưng là Phật nhưng năm vị nầy lại không phải nhân vật Phật giáo, mà là năm vị tướng của Trung Hoa thời Tam Quốc được người đời sau tôn thờ gồm: Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Trương Tiên, Vương Thiên Quân. Năm vị tướng được xem là biểu tượng của trung nghĩa, nên việc thờ phượng các ông còn mang ý nghĩa giáo dục về lòng trung nghĩa.

Điểm giống nhau giữa đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Tục thờ năm vị tướng nầy đã có từ lâu ở Trung Hoa, nhưng tương truyền mãi đến năm Càn Long thứ 46 (1781) triều Thanh mới chính thức có danh xưng Ngũ Công Vương Phật xuất hiện. Khi thể hiện bằng tranh, Quan Công thường ngồi ở giữa, hai bên có Quan Bình và Châu Xương, thêm Trương Tiên đứng sau Quan Bình và Vương Thiên Quân đứng sau Châu Xương.

Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường, thời trẻ cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em, sau theo phò Lưu Bị và góp công lớn trong việc dựng nghiệp cho nhà Thục Hán. Ông nổi tiếng với đức tánh trung nghĩa, được người đời sau tôn là Quan Thánh Đế Quân hay Hiệp Thiên Đại Đế. Tạ Chí Đại Trường nhận định: “Tính chất lưu vong và thương nhân ít học (so với nho sĩ khoa bảng) khiến cho người Hoa biết ‘tiểu thuyết’ nhiều hơn kinh truyện, và tin nhân vật tiểu thuyết lịch sử hơn là trong sử kí. Thần Quan Đế của họ mang tính khu vực lưu tán (Nam Trung Quốc) là hình ảnh rút từ Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung chứ không phải từ Tam quốc chí của Trần Thọ”.

Quả như thế, Quan Bình vốn là con ruột của Quan Vũ, nhưng trong tiểu thuyết thì nhân vật chỉ nầy là con nuôi. Trong khi đó, Châu Xương hoàn toàn là một nhân vật hư cấu, với xuất thân là một tướng cướp, về sau theo phò Quan Vũ. Ảnh hưởng từ tiểu thuyết trên nên trong văn hóa dân gian Trung Hoa, Quan Bình được tôn là Quan Thái tử và hiệu là Cửu Thiên Uy Linh Hiển Hóa Đại Thiên Tôn, còn Châu Xương là Cương Trực Trung Dũng Đại Thiên Tôn.

Trương Tiên và Vương Thiên Quân cũng trở thành các vị thần trong Đạo giáo. Trương Tiên là vị thần phù trợ sản phụ và trẻ sơ sanh, được tôn là Linh Ứng Trương Tôn Đại Đế Thất Khúc Dục Thánh Thiên Tôn. Vương Thiên Quân được người Trung Hoa cho là Thiên Lôi (Lôi Công) và tôn là Thái Ất Lôi Thinh Ứng Hóa Thiên Tôn.

Người Hoa khi di cư sang Việt Nam đã mang theo tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật. Tục thờ cúng nầy dần trở nên phổ biến và được người Việt tiếp nhận. Nhiều gia đình người Việt xem Năm Ông là thần độ mạng cho gia chủ, thường thờ phượng dưới hình thức tranh kiếng, đặt trong một trang thờ nhỏ treo trên vách nhà. Nhiều nơi sản xuất tranh kiếng ở Nam Bộ có chế tác tranh thờ Năm Ông, phía trên tấm tranh có ghi dòng chữ Hán “Ngũ Công Vương Phật”. Tại núi Cấm (tỉnh An Giang) có miễu Năm Ông thờ phượng theo mô thức nầy. Ngôi miễu được xem là một trong những điểm linh thiêng trên núi Cấm, đặc biệt đối với giới bùa phép và đồng bóng.

Updated: 20/05/2022 — 3:52 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *