Đền An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội

Đền An Dương Vương còn có tên gọi là Đền Thượng nằm trong quần thể khu di tích Cổ Loa tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đền thờ An Dương Vương được mệnh danh là địa điểm tín ngưỡng tâm linh đáng đến nhất khi ghé thăm huyện Đông Anh – mảnh đất với trang sử dựng nước giữ nước hào hùng.

Lực sử về An Dương Vương

Vua An Dương Vương (安陽王), tên thật là Thục Phán, là người đầu tiên thành lập ra nhà nước Âu Lạc – nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau Văn Lang.

Tương truyền, đền được vua An Dương Vương (Thục Phán) cho xây dựng trong khuôn viên của kinh đô Âu Lạc xưa. Đến nay vẫn chưa biết mốc thời gian chính xác cho việc xây dựng đền, chỉ biết đền được tu sửa lại vào năm 1687, 1893 và gần đây lại tiếp tục được trùng tu. Căn cứ vào những kiến trúc và di tích còn giữ lại ngày nay, cũng có nguồn tài liệu cho rằng đền được bắt đầu xây dựng từ năm 1687.

Kiến trúc Đền thờ An Dương Vương

Đền An Dương Vương có diện tích khoảng 19138,6 m2, được xây trên gò đất cao mà theo dân gian quan niệm đó chính là phần đầu con rồng. Trong khuôn viên đền có hai hố được cho là “mắt rồng”, có đặc điểm rất lạ lùng. Một hố luôn đầy ắp nước dù là mùa cạn, trong khi hố còn lại luôn khô cạn dù là những ngày mưa như trút.

Cổng đền được xây dựng theo dạng tam quan bề thế. Bậc tam cấp trước cổng có đôi rồng đá là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Đền Thượng có hai nghi môn là nghi môn thượng và nghi môn ngoại.

Đền An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội

Sau tam quan là khu đền chính nằm trên nền đất cao. Phía trước là tòa nhà tiền đường, hai bên có hai cổng nhỏ. Sau tiền đường là tòa thượng điện có kết cấu 5 gian. Hai bên thượng điện có hai dãy nhà phụ làm nơi tiếp khách và sinh hoạt của người đến trông coi đền. Trước thượng điện là khoảng sân rộng, hai bên sân là hai dãy hành lang.

Đền An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội

Đền An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội

Không gian bên trong thượng điện tôn nghiêm với các ban thờ được bố trí theo trục dọc. Trong cùng là hậu cung, nơi có một khám lớn bằng gỗ đặt ban thờ vua An Dương Vương.

Đền An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội

Trung tâm ban thờ chính là tượng vua An Dương Vương bằng đồng nặng 255kg, đúc năm 1897. Hai bên khám thờ vua An Dương Vương là ban thờ Hoàng hậu và ban thờ Mẫu.

Nhà bia là một công trình kiến trúc nhỏ có dạng Phương đình, hai tầng tám mái – một kiến trúc gỗ mái lợp ngói mũi hài khá cân đối và đẹp mắt.

Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như những bức cốn tứ linh thế kỷ XIX, 134 pho tượng, 5 tấm bia đá từ thế kỷ XVII – XIX, hai đại hồng chung đúc vào năm 1803, một khánh đồng và nhiều pháp khí có giá trị khác.

Trước khu đền là một hồ nước khá lớn, có lối đi và cây trồng xung quanh, giữa hồ có giếng Ngọc. Theo truyền thuyết, trước khi cuộc chiến tranh với Triệu Đà xảy ra, Mỵ Châu và Trọng Thuỷ thường cùng nhau đi thưởng ngoạn quanh hồ. Sau chiến tranh, Trọng Thuỷ day dứt về cái chết của nương tử mình nên đã nhảy xuống giếng Ngọc tự vẫn.

Trong dân gian còn truyền tụng câu chuyện dòng máu nàng Mỵ Châu khi bị Vua cha chém đầu, chảy xuống biển, loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc trai, nếu đem về rửa ở giếng này thì ngọc càng thêm sáng. Do đó, giếng nước giữa hồ còn có tên gọi khác là giếng Ngọc.

Bên trái đình Cổ Loa là am thờ công chúa Mỵ Châu, vị công chúa bị vua An Dương Vương chém đầu vì tội phản bội. Am có kiến trúc bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung.

Lễ hội đền An Dương vương

Hội đền An Dương vương bắt đầu từ ngày mùng 6 đến hết ngày 18 tháng Giêng. Tương truyền ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày Thục Phán nhập cung và ngày mồng 9 tháng Giêng là ngày ông lên ngôi, cho ăn khao toàn bộ binh sĩ. Để tưởng nhớ ngày long trọng ấy, người dân Cổ Loa cùng tám xã hộ nhi rước kiệu mở hội đông vui cả một vùng. Hội đền An Dương Vương là một sự kiện lớn trong vùng với sự tham gia không chỉ riêng dân xã Cổ Loa mà của các làng kết nghĩa nữa.

Mùng 6 tháng Giêng là ngày hội chính nhưng dân làng đã tiến hành lễ nhập tịch từ ngày 14 tháng Chạp. Đường xá trong làng đều được sửa sang và quét dọn sạch sẽ. Các di tích được dọn dẹp, tu bổ, đồng thời trưng bày đồ tế khí và cờ quạt.

Ngày 18 tháng Chạp là ngày lễ gia quan. Áo mũ của thần được đem ra đặt lên kiệu rước về đền nơi thần ngự. Những người khiêng kiệu hôm đó phải chay tịnh từ trước. Những người hành lễ cũng phải giữ thanh khiết, bịt miệng bằng vải đỏ trong lúc phong bao áo mũ cho thần. Sau đó được tiến hành một tuần tế – tế gia quan. Trước lễ hội, phe tư văn lựa chọn người văn hay chữ tốt để viết chúc văn tế thần. Người này phải là người đỗ đạt cao, có tài văn chương và được mọi người tín nhiệm. Phe tư văn có văn chỉ và có ruộng tư văn ba mẫu để chi trả vào việc hội họp và nghi lễ trong năm.

Từ sớm ngày mùng 6, một đoàn người mang lễ phục cầm cờ quạt, tàn, lọng đình, dẫn đầu là chủ lễ mặc áo thụng xanh, đội mũ tế đến nhà ông diễn văn rước bản văn ra đền. Đám rước rất nghiêm trang và lộng lẫy. Một hồi tù và rúc lên, báo hiệu đám rước văn đã tới. Ông cai đám ở đền Thượng ra nghênh tiếp bản văn và rước vào, trịnh trọng đặt lên hương án. Đoàn người lần lượt lễ thần rồi lui ra.

Updated: 13/08/2023 — 10:06 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *