Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Do Phật, Pháp, Tăng dìu dắt chúng sinh ra khỏi cái khổ luân hồi, nên chúng sinh rất quý trọng và tôn là Tam bảo (Ba ngôi báu).
Quy luật của vạn pháp
Pháp giới tính duyên khởi ra thế giới, chúng sinh từ vô lượng, vô số kiếp về trước. Chúng sinh thì sinh, trụ, dị, diệt, liên tục mãi mãi. Thế giới thì thành, trụ, hoại, không cũng liên tục mãi mãi, không lúc nào dùng nghỉ, như bánh xe xoay tròn nên gọi là luân hồi.
Chúng sinh mới sinh ra thì gọi là sinh, tiếp tục tồn tại thì gọi là trụ, chuyển biến không ngừng thì gọi là dị và cuối cùng phải chết thì gọi là diệt. Thế giới khi còn ở thể hơi vô hình thì gọi là không, khi bắt đầu đọng lại, cho đến thành một khối đất cứng, có cây, có cỏ, có người, có vật thì gọi là thành, khi tiếp tục tồn tại không có sự thay đổi lớn lắm thì gọi là trụ, khi bắt đầu tan rã không còn người, vật và cũng không còn cây cối thì gọi là hoại, và khi trở lại biến ra hơi thì gọi là không. Thời gian của một thế giới thành rồi trụ, trụ rồi hoại, hoại rồi không thì gọi là một kiếp. Mỗi thế giới có một bầu trời riêng của thế giới ấy, phạm vi giáo hóa của một đức Phật, có hàng ngàn triệu mặt trời, tức là hàng ngàn triệu hành tinh (thế giới) các thế giới ấy gộp lại thành một Phật – sái. Vô lượng, vô biên Phật – sái kết hợp với nhau thành một tầng và độ hai mươi tầng như thế, chồng lên nhau thì thành một Hoa tạng thế giới. Trong vũ trụ, có vô lượng vô biên Hoa tạng thế giới và các Hoa tạng thế giới cách xa nhau đến mức mà con người không thể nào tưởng tượng nổi.
Thế giới vũ trụ quan Phật giáo
Trong hàng triệu thế giới của một Phật – sái, cái thì đang thành, cái thì đang trụ, cái thì đang hoại, cái thì đã thành không, nên không thể nói vũ trụ bắt đầu từ đâu và lúc nào thì diệt, mặc dầu mỗi thế giới đều có thành, trụ, hoại, không. Từ cõi Tứ thiền trở lên, thì không bị sự thành, trụ, hoại, không của thế giới chi phối, nên chúng sinh ở các cõi đó, có thể sống rất nhiều kiếp.
Chúng sinh luân hồi mãi mãi trong vô lượng kiếp, chịu nhiều đau khổ, nên có người đã giác ngộ, muốn tìm cách ra khỏi sinh tử. Do lòng trông mong ấy của chúng sinh, nhiều ngoại đạo, tà giáo đã xuất hiện, lừa gạt chúng sinh, như cho trẻ con cái bánh vẽ, hoặc bảo rằng: tu đạo tiên thì trường sinh bất tử, hoặc bảo rằng: lên thiên đường thì sống mãi không chết, làm cho chúng sinh chìm đắm mãi trong bể khổ. Trong những người tìm đạo giải thoát, có một số người suy xét nơi tâm, nơi cảnh hiện tiền, phát minh ra đạo lý nhân duyên, rồi cố gắng tu tập, đi đến diệt trừ ngã chấp, ra khỏi luân hồi, đó là các vị Độc giác. Sau đó vô lượng vô số kiếp, có một vị Độc giác phát lòng từ bi rộng lớn, không nỡ để cho chúng sinh bị mãi cái khổ luân hồi, nên kiên trì hiện ra nhiều thân, trong nhiều loài mà hóa độ chúng sinh. Do tâm từ bi hóa độ ấy, vị Độc giác này, càng ngày càng phát triển khả năng độ sinh của mình, càng ngày càng đi sâu vào bản tính của mọi sự, mọi vật, đến khi đầy đủ công đức trí tuệ, giác ngộ được pháp giới tính, phát hiện rồi nhập một với pháp giới tính và thành Phật đạo, đó là đức Phật Uy Âm Vương, đức Phật đầu tiên trong vũ trụ vô cùng vô tận. Nhờ công đức hóa độ của đức Phật Uy Âm Vương, vô lượng vô số chúng sinh đã phát tâm Bồ – đề, tu theo Phật pháp, phổ độ chúng sinh và thành vô lượng chư Phật, rồi mỗi đức Phật lại truyền dạy Phật pháp, hóa độ cho vô lượng chúng sinh thành Phật độ sinh, mãi mãi như thế cho đến ngày nay, đã có vô lượng, vô số Phật. Như thế, tất cả chư Phật đều do tu tập mà thành, mặc dầu pháp giới tính sẵn có, không hề thêm bớt.
Chư Phật giác ngộ là giác ngộ cái mê lầm của chúng sinh, chúng sinh mê lầm là mê lầm cái giác ngộ của Phật.
Thực tế, chúng sinh chỉ là những biểu hiện của pháp giới tính, chỉ do pháp giới tính trùng trùng duyên khởi mà sẵn có. Sẵn có pháp giới tính, chúng sinh không biết trực nhận, lại lầm nhận cái thân thường thường thay đổi, cái tâm thường thường chuyển biến là mình, lại lầm chấp có cái ta thật, có ngoại vật thật, nên phải chịu sống rồi chết, chết rồi sống, luân hồi mãi mãi trong lục đạo. Cái mê lầm như thế, thì gọi là vô minh, chỉ khi nào không còn ngã chấp, pháp chấp, giác ngộ vô minh, và dứt sạch vô minh, thì mới nhập một được với pháp giới tính, tức là bản lai tự tính. Khi nhập một được với pháp giới tính, thì được gọi là Như Lai, vì là bản tính chân như, theo duyên phân biệt của chúng sinh, mà hiện ra vô lượng thân để hóa độ, nên gọi là Như Lai.
Các đức Như Lai đều bình đẳng, không có sai khác, nhưng cái duyên của các Ngài đối với chúng sinh, lại theo tâm phân biệt của chúng sinh và có sai khác. Các đức Như Lai hiện ra vô số thân, làm nhiều việc lợi ích cho chúng sinh để kết duyên. Khi nhân duyên đã thành thục, đối với chúng sinh trong hàng ngàn triệu thế giới của một Phật – sái, thì các đức Như Lai lại hiện ra thân Phật trong tất cả các thế giới ấy để hóa độ.
Phật bảo
Đức giáo chủ của chúng ta là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một ứng thân trong vô lượng vô biên ứng thân của đức Phật Lô Xá Na, Ngài hiện ra thân người trong cõi này, với đủ các tướng phàm phu, rồi thị hiện xuất gia cầu đạo, thị hiện tự mình tu tập, khi nhận thấy các ngoại đạo không phải là đạo giải thoát rồi cuối cùng, ngồi dưới cây Bồ – đề, tự mình suy xét, dứt sạch vô minh và thành Phật đạo. Sau khi thành Phật, đức Phật Thích Ca Mâu Ni chu du nhiều nước, thuyết pháp độ sinh, đem những phương pháp tu tập để tự giải thoát, để tự giác, giác tha, đi đến giác hành viên mãn, mà dạy bảo cho các hàng đệ tử.
Pháp bảo
Sau khi Phật nhập diệt, các đại đệ tử của Ngài kết tập những lời Ngài đã dạy thành các bộ Kinh, các vị còn kết tập riêng những giới luật của Phật đã chế ra thành các bộ Luật. Lại trong khi Phật tại thế và nhất là sau khi Phật nhập diệt, nhiều vị đại đệ tử của Phật đã có những trước tác quan trọng hoặc phân tích, hoặc quy nạp, hoặc hệ thống hóa những lời Phật dạy, để giúp đỡ người đời học hỏi đạo lý của Phật; đó là những bộ Luận. Các bộ Kinh, bộ Luật, bộ Luận là ba tạng kinh điển của Phật giáo.
Tăng bảo
Trong lúc Phật tại thế, các đệ tử Phật, xuất gia cầu đạo, đều kết hợp lại thành những chúng, sống theo phép lục hòa là Thân hòa cùng ăn ở, miệng hòa không tranh cãi, ý hòa cùng vui vẻ, giới hòa cùng tu tập, kiến hòa cùng giảng giải cho nhau, lợi hòa cùng chia nhau. Những chúng lục hòa như thế thì gọi là Tăng.
Theo quan niệm phổ thông thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật bảo, ba tạng kinh điển là Pháp bảo và các chúng xuất gia là Tăng bảo. Tăng bảo như thế, thì gọi là trụ trì Tam bảo. Những người theo đạo Phật quy y Tam bảo, chủ yếu là quy y với trụ trì Tam bảo.
Ngoài quy y với Trụ trì Tam bảo ra, tín đồ các Tông phái đại thừa Phật giáo còn quy y với Thập phương thường trụ Tam bảo, nghĩa là quy y với tất cả chư Phật trong mười phương chứ không phải chỉ quy y với đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật; quy y với Đệ nhất nghĩa đế, tức là với đạo lý vi diệu nhất của Phật nhưng tất cả các pháp đó, đổng thời đều chỉ là tự tính, đó là Pháp bảo.
Tự tính có diệu dụng vô lượng vô biên, có hằng hà sa tính công đức, hiện ra vô số thân, làm vô số Phật sự, nhưng sự thật không được một cái gì cả, đó là Tăng bảo.
Tam bảo trong tự tính như thế là Tự tính Tam bảo.
Người tu hành cần quy y với tự tính Tam bảo, để khỏi nhận lầm thật có Tam bảo ra ngoài tâm tính.
Quy y, theo tiếng Phạn là “Nam-mô” nghĩa là quay về để nương tựa. Chúng sinh mê lầm như đứa con dại đi lạc đường. Đứa con ấy, nghe theo tiếng gọi của mẹ cha, thì quay về nương tựa, đi theo cha mẹ để khỏi sự lầm lạc. Chúng sinh trong mê lầm được nghe tiếng gọi của Tam bảo, biết quay về nương tựa với Tam bảo, đi theo Tam bảo trên con đường giải thoát thì mới đi ngược lại được với dòng mê lầm và ra khỏi luân hồi.
Vậy quy y không chỉ là một nghi lễ mà phải là một dịp phát nguyện trước Tam bảo, cương quyết cải tà quy chính, nói một cách khác là cương quyết đi theo Tam bảo chứ không lạc vào con đường khác.
Quy y Phật vĩnh bất quy y thiên, thần, quỷ, vật
Nghĩa là quy y với Phật rồi thì, nguyện vĩnh viễn không quy y với Trời, với Thần, với quỷ, với vật. Ngoại đạo thường mê tín theo các ông Trời, ông Thần, loài ma quỷ và các loài vật thành tinh, như cây, đá, cọp, rắn, gấu, bò V. V… Tín đồ đạo Phật biết trời, thần, quỷ, vật, chỉ là những loài chúng sinh trong vòng luân hồi, nên cương quyết không theo họ mà chỉ quy y theo Phật để được giải thoát.
Có người nói: “Cha cũng kính, mẹ cũng vái”, hoặc “Quan thì xa, bản nha thì gần”, hoặc “Phật cũng kính, Trời cũng sợ”, nói như thế là lẫn lộn giác ngộ với mê lầm, Phật với chúng sinh, chính pháp với ngoại đạo.
Nên nhận rõ rằng những loài trời, thần, quỷ, vật, đều mể lầm như chúng ta, đều còn bị ràng buộc trong bản nghiệp, nên không thể hiểu biết chúng ta và thường cũng không có quan hệ gì với chúng ta.
Song tư tưởng của chúng ta có một sức mạnh phi thường, khi tư tưởng nhiều người tập trung tin tưởng thì lại có thể tạo ra những trời, thần, quỷ, vật, có một số tác dụng, nhưng trời, thần, quỷ, vật đó sự thật chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Ngoài ra, khi tu hành đã khá, bắt đầu chuyển nghiệp người sang nghiệp khác, thì chúng ta có thể cảm thông với những loài khác được, nhưng sự cảm thông đó vẫn không có lợi ích gì cả, vì những chúng sinh ấy, tuy khác loài người, nhưng vẫn còn là chúng sinh, do đó, trong lúc cảm thông với nhau, họ rất có thể lôi kéo người tu hành theo các ngoại đạo.
Quy y Pháp, vĩnh bất quy y ngoại đạo, tà giáo
nghĩa là quy y với Phật pháp, nguyện vĩnh viễn không quy y với ngoại đạo, tà giáo. Ngoại đạo là những đường lối tu hành như đạo Nho, đạo Lão, đạo Hổi… không đưa đến kết quả giải thoát. Tà giáo là những lời dạy bảo sai lầm, trái với nhân quả, tăng trưởng các nghiệp ác.
Tín đồ đạo Phật, chỉ nương theo Phật pháp mà thôi, không nên xem đạo Phật cũng là một đạo như các đạo khác, không nên tìm đọc kinh điển của các đạo khác, khi chưa hiểu Phật pháp, chỉ khi nào có đủ trí tuệ, phân biệt chính tà, thì mới nên xem qua các kinh điển ngoại đạo, để chỉ trích nhũng sai lầm và bảo vệ chính pháp.
Quy y Tăng, vĩnh bất quy y tổn hữu, ác đảng
Nghĩa là quy y với Tăng chúng theo đạo Phật, nguyện vĩnh viễn không bao giờ đi theo tổn hữu và ác đảng.
Tăng chúng đạo Phật sống theo phép lục hòa, là thiện hữu, là thiện tri thức của chúng sinh, còn tổn hữu là những người xui dục làm những điều tổn thương đến đức hạnh, đến thiện niệm và chính niệm, ác đảng là những bè phái gây tổn hại cho đa số người, như bè lũ phản quốc, áp bức giết hại nhân dân, phục vụ cho quyền lợi của bọn xâm lược nước ngoài. Tín đồ Phật giáo chỉ quy y với Tam bảo, quyết không theo những tổn hữu ác đảng, dù họ có khoác áo người tu hành.
Quy y Tam bảo là ba điều nguyện mà tín đồ đạo Phật cần phải giữ trọn, thì mới xứng đáng là Phật tử. Vì thế không nên truyền thụ Tam quy cho những người chưa hiểu rõ và chưa phát nguyện. Quy y lúc còn nhỏ tuổi chỉ là kết duyên, không có tác dụng xác thực, khi đã lớn hiểu rõ và biết phát nguyện, thì nên phát nguyện trước Tam bảo, quy y đúng theo Chính pháp. Tín đồ đạo Phật chúng ta còn tụng Tam tự quy:
– Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sinh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.
– Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.
– Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.
Nghĩa là:
– Tự mình quy y Phật, thì nên nguyện cho chúng sinh thấu rõ đạo Phật, phát lòng Bồ – đề vô thượng.
– Tự mình quy y Pháp, thì nên nguyện cho chúng sinh đi sâu vào đạo lý của kinh điển, trí tuệ rộng lớn như biển.
– Tự mình quy y Tăng, thì nên nguyện cho chúng sinh có khả năng dìu dắt đại chúng tu tập, tổ chức cho đại chúng theo phép lục hòa, được vô ngại tự tại.
Ba câu này biểu hiện sự nhận rõ về Tam bảo và lòng từ bi, mong cho chúng sinh cũng hiểu rõ như thế và thiết thực học tập tu trì để cùng góp sức xây dựng Tam bảo
Phát nguyện quy y Tam bảo có lợi ích rất lớn, vì quy y Tam bảo tức là cải tà qui chính, tức là làm lành, bỏ dữ, do đó quyết định không đọa vào ba đường dữ. Điều cốt yếu là phải phát nguyện thành thực, một lòng tin tưởng Tam bảo, không tin những ngoại đạo tà giáo, những trời, thần, quỷ, vật, cả trong những lúc bị hoạn nạn, bị khó khăn thì mới được sự lợi ích của việc quy y Tam bảo.
Trong nước ta, thường có phong tục thờ cúng tổ tiên, tín đồ đạo Phật hiểu rằng, ông, bà, cha, mẹ, thân bằng quyến thuộc, khi đã lâm chung thì trừ khi được về Tịnh độ còn lại là tất cả phải luân hồi trong lục đạo nên không thể có cái hồn về hưởng các lễ tiến cúng, vì thế tín đồ chỉ nên xem ngày kỵ lạp là những ngày kỷ niệm, và trong những ngày ấy thường làm những việc thiện và tụng kinh niệm Phật để hổi hướng cho vong linh sớm giác ngộ tu theo đạo Phật và vãng sinh Tịnh độ.
Xin nguyện cho tất cả chúng sinh phát tâm thiết thực quy y Tam bảo, tinh tiến tu hành, cùng thành Phật đạo.
(Trích “Khai thị phép Tam quy – Ngũ giới”
Thượng tọa Thích Viên Thành
Giáo hội Phật giáo Việt Nam)