Tục “kéo vợ” nét đẹp văn hóa của người Mông

Người Mông có tục “kéo vợ”, nhiều người chưa hiểu một cách đầy đủ về tục lệ này, cho rằng đây là bắt vợ hoặc cướp vợ, là hủ tục bắt ép người con gái về làm vợ.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Nhưng mấy ai biết được, thực chất bên trong phong tục này ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tục “kéo vợ” thực chất là đôi trai gái yêu nhau, không được bố, mẹ, họ hàng hai bên đồng ý. Vì vậy, chàng trai hẹn cô gái ở địa điểm nào đó, sau đó cùng một số bạn đến đón cô gái về làm vợ. Khi hai bên gặp nhau, chàng trai nói:

Anh yêu em, anh sẽ lấy em về làm vợ nhé!.

Cô gái e thẹn đáp:

Không em còn trẻ con, sợ làm vợ anh không chiều lòng được bố mẹ, anh em, họ hàng nhà anh.

Hai người nói đi nói lại ý trên vài lần, chàng trai cầm tay cô gái kéo đi vào bước, các bạn đứng sau cô gái đẩy thêm, thế là cô gái đi theo chàng về nhà. Các bạn của chàng trai đi theo có nhiệm vụ bảo vệ đôi trai gái, đề phòng có kẻ muốn ngăn cản công việc của họ.

Tục “kéo vợ” nét đẹp văn hóa của người Mông

Trong khi con trai cùng bạn đi kéo vợ, ở nhà bố mẹ chàng trai chuẩn bị nhốt trước một con gà mái. Khi thấy con dâu về, chuẩn bị bước qua cửa thì lấy chân gà mái cào phía sau lưng, từ trên xuống dưới và nói “hồn về”.

Tục kéo vợ diễn ra vào ban đêm

Theo tục lệ, con gái đã sang nhà trai thì hồn đã nhập vào nhà trai, khó quay về. Sáng ngày thứ ba, nhà trai cử hai người sang nhà gái báo tin chính thức việc cô gái đã được đón sang nhà trai kết duyên vợ chồng, đồng thời xin nhà gái cho làm lễ cưới, định thời gian và thỏa thuận về lễ vật. Thường khi báo tin như vậy, nhà gái chấp nhận việc đã rồi. Nhà trai cử đoàn sang nhà gái, lần này có cả cô dâu cùng đi. Mọi nghi lễ bên vẫn thực hiện theo đúng nghi thức cưới gồm đón dâu, nhập môn sau đó liên hoan mừng cô dâu chú rể nên vợ nên chồng.

Theo quan niệm của phụ nữ Mông, nếu không “kéo vợ” thì tiếng nói của phụ nữ Mông trong gia đình sẽ ít có giá trị. Bởi nếu được kéo về thì bố, mẹ chàng trai sẽ biết đó là con dâu họ. Và khi hai vợ chồng có xích mích thì người vợ có lý để nói chồng rằng, “mày không thích tao sao mà còn kéo tao về làm vợ. Mày kéo tao về rồi sao còn mắng tao”. Khi đó người chồng sẽ phải im lặng. Còn khi cô gái tự nguyện theo về thì bố mẹ chàng trai cho rằng đó chỉ là bạn bè về nhà chơi. Và khi hai vợ chồng có mâu thuẫn thì người vợ không dám cãi lại chồng. Vì thế cô gái Mông nào cũng mong muốn mình được kéo về làm vợ chứ không muốn tự nguyên đi theo chồng.

Tục kéo vợ chứ không phải tục cướp vợ

Hiện nay, tìm hiểu về lễ cưới của đồng bào Mông, nhiều người nói đến tục cướp vợ. Thực ra đó là sự hiểu nhầm và dùng từ không chính xác. Nội dung mô tả là thuộc về tục kéo vợ chứ không phải cướp vợ. Có trường hợp cướp vợ thật nhưng hiếm xảy ra và nay không còn tồn tại nữa. Đó là trường hợp cô gái đã có chồng, chàng trai chưa vợ hoặc đã có vợ nhưng hai người lại rất yêu nhau, hay ngoại tình với nhau. Do cô gái đang có chồng, không thể lấy được nhau nên hai người dắt nhau trốn đi thật xa, biệt tăm biệt tích, thậm chí người chồng tưởng người vợ mất tích. Đến lúc nào đó, người vợ mới thông tin cho chồng biết, đồng thời xin trả lại tất cả lễ vật cho chồng nhưng vẫn giấu tung tích. Khi nào chồng cũ chấp nhận đề nghị trên thì hai người mới ra ăn ở công khai và thành vợ chồng chính thức.

Hiện nay, tục “kéo vợ” vẫn được duy trì trong đời sống của đồng bào Mông như một nét đẹp văn hóa nhằm tôn vinh, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

Updated: 19/12/2021 — 9:05 sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *