Tu hành – khổ trước sướng sau

Người tu hành khổ hay sướng? Đi tu sướng hay khổ? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm, muốn biết về người xuất gia tu hành.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Có nhiều người đi chùa thấy cảnh sinh hoạt của Tăng Ni trong chùa, nào thức khuya dậy sớm để tụng kinh ngồi thiền. Sáng ngày phải lao động chấp tác, chiều đến phải học kinh luật. Ăn thì ăn cơm hẩm với tương rau đạm bạc còn mặc thì mặc vải thô nhuộm màu hoại sắc.

Cũng có người thắc mắc người ta đi tu là vì thất tình thất chí, mấy người này không có những chuyện đó, tại sao cũng đi tu ? Đây là những vấn đề cần phải giải thích để cho mọi người thấy rõ lợi ích của sự tu hành.

Nếu chúng ta chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài thì không thể hiểu giá trị của sự tu. Những cái cái khổ ban đầu của người tu là người đời ở tuổi thanh xuân, đầu tóc đen nhánh được xông ướp nước hoa thơm, vắt nơ cài hoa thật đẹp. Khi vào chùa đầu cạo nhẵn bóng, hủy hình chẳng còn gì là xinh đẹp. Mặc thì người đời mặc hàng lụa mịn láng màu sắc sặc sỡ, áo này quần nọ còn vô chùa phải mặc phải mặc vải thô nhuộm hoại sắc lem luốc. Ăn thì ở đời cao lương mỹ vị muốn ăn lúc nào thì ăn, vào chùa thì sáng trưa cơm rau, chiều cháo chay lạt qua ngày. Đó là ba cái khổ ban đầu của người tu.

Tu hành – khổ trước sướng sau

Song còn cái khổ nặng nề nữa là khi chưa tu, có ai nói làm sai trái thì dám la rầy hay cãi lại. Khi tu rồi dù có bị người lấn hiếp chửi mắng, cũng phải lặng lòng nhẫn chịu. Như vậy người tu chịu nhiều thiệt thòi, vừa thiệt thòi về ăn mặc về trang sức và cả sự nhẫn nhục nữa. Thiệt thòi như thế quả thật là khổ.

Người không biết tu, không giũ giới sát sanh thì mỗi khi bị người ta hãm hại, lòng sân giận nổi lên đánh đập hoặc chém giết hoặc bỏ thuốc độc cho người ta chết để thỏa lòng sân giận. Song khi biết tu, tuy có nổi nóng nhưng không dám nghĩ tới việc hại người. Mình không hại người thì người không hại lại, và cũng không bị tù tội.

Nhờ biết tu trước chịu thua thiệt người nên tránh được cái khổ sát hại và thân được yên ổn. Người tu là xả bỏ lòng tham lam,tính nóng giận, tâm si mê, và khi tham lam nóng giận si mê hết thì chắc chắn khổ không còn và hết khổ tức vui.

Con người có khổ là do tham khi nhìn thấy người hay vật nếu vừa lòng thích ý thì muốn chiếm đoạt về mình và muốn mà không được thì sinh ra buồn khổ. Chẳng hạn người ta có tiền đi xe máy, đi ô tô còn mình nghèo cứ chạy xe đạp cọc cạch. Muốn có chiếc xe máy hay ô tô mà không có tiền mua lòng ray rứt buồn tủi cho số phận, như vậy là khổ. Còn người tu an phận trong nếp sống thanh bần thấy người đi xe tốt là việc của họ còn mình đi xe đạp là hạnh của mình không khởi tâm so sánh đua đòi cho nên tâm luôn bình thản an ổn. Nên người biết tu sống ở cảnh nào cũng vui cũng an cho dù trước đó phải chịu nhiều khổ sở.

Updated: 21/07/2022 — 10:05 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *