Quan niệm Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Tứ ân là căn cốt giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được ông Đoàn Minh Huyên kế thừa từ Phật giáo, nhưng đã Việt hóa nội dung và tên gọi để cho người dân hiểu rõ hơn.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tứ ân trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, hướng đến các nội dung cốt yêu như sau:

Ân tổ tiên, cha mẹ

Ân tổ tiên, cha mẹ lên hàng đầu được kế thừa từ ân phụ mẫu của Phật giáo, Ông thường nói ta có thân này trên cõi đời là nhờ công ơn cha mẹ đã dày công cực khổ nuôi nấng, chăm nom dạy dỗ mà không sao kể siết, trên nữa là có ông bà, tổ tiên, gia tộc nội ngoại, vì vậy ta phải luôn tự rèn luyện bản thân, sống có đạo lý để tổ tiên được mát mẻ, yên lòng, phải hiếu nghĩa khi chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, hoà thuận với anh em để cha mẹ vui lòng.

Tổ tiên, cha mẹ còn là người dựng nghiệp gia đình giúp cho con cháu đời sau kế thừa. Cho nên, bổn phận của con cháu là phải biết ơn tổ tiên cha mẹ, phải giữ gìn nghiệp gia đình.

Nhớ ơn tổ tiên, cha mẹ là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, không chỉ củng cố mối quan hệ huyết thống trong mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, mà còn khẳng định tính cộng đồng làng xã, góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển cho cả dân tộc. Do ân tổ tiên, con cháu có điều kiện tưởng nhớ đến quá khứ, gửi gắm tình cảm của mình để thực hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tưởng nhớ tổ tiên không chỉ là ôn lại quá khứ, mà còn là điều kiện giúp con cháu noi gương cha ông, sống sao cho không phải hổ thẹn với tiền nhân.

Quan niệm Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Dựa trên quan điểm truyền thống ấy, ông Đoàn Minh Huyên đã lồng ghép đạo nghĩa đền ơn tổ tiên cha mẹ vào giáo lý của tôn giáo mình để khuyên dạy tín đồ và người dân. Rõ ràng, quan điểm ân tổ tiên, cha mẹ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (và sau này là của một số tôn giáo nội sinh khác ở Nam Bộ như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo) mang đậm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Ân đất nước

Ân đất nước tức ân quốc vương thủy thổ của Phật giáo, người sinh ra chúng ta là cha mẹ chúng ta. Nhưng chúng ta tồn tại trên thế gian lại phải nhờ đất nước quê hương. Bởi vì, đây là nơi đã cưu mang, đùm bọc, che chở cho thân chúng ta được yên, nhà chúng ta được vững. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời vào lúc xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn, thực dân Pháp xâm lược, đời sống người dân lầm than khổ cực. Trước tình hình đó, ông Đoàn Minh Huyên đã khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tự hào về nòi giống, kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất nước, bảo vệ thành quả của cha ông. Theo đó, ân đất nước là việc của mọi người dân, mọi tín đồ tôn giáo trên đất nước Việt Nam. Do vậy, mọi người phải có bổn phận và trách nhiệm đền đáp, cố gắng bảo vệ, thậm chí có thể hy sinh cho quê hương đất nước.

Ân Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng)

với quan niệm Phật-Pháp-Tăng là bậc giác ngộ sáng suốt dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi u mê, lầm lạc, mở lòng từ bi cứu độ, cứu khổ. Làm đúng pháp Phật dạy là tránh loài ngạ quỷ trong mỗi chúng ta, còn chư tăng giúp cho chúng ta biết được đâu là tà ác, tội lỗi, đâu là thiện là phước để chúng ta bỏ con đường tà đạo mà một lòng theo chánh đạo.

Quan điểm ân Tam bảo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng giống như ân Tam bảo của Phật giáo. Để các tín đồ hiểu biết và thực hiện tốt ân Tam bảo, ông Đoàn Minh Huyên chia vấn đề này thành hai phương diện. Về phương diện vật chất, con người được sinh ra, được nuôi dưỡng là nhờ tổ tiên cha mẹ, tồn tại và phát triển được là nhờ quê hương đất nước. Còn về phương diện tinh thần, để có được sự sáng suốt, thông minh trong cuộc sống, con người phải nhờ ơn Tam bảo, tức là ân Phật bảo, ân Pháp bảo và ân Tăng bảo.

Ông Đoàn Minh Huyên lý giải vấn đề này như sau: Vì mục đích cứu độ chúng sinh, Đức Phật bỏ quốc thành, thê tử, xuất gia tầm đạo giải thoát. Khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp độ sinh, lưu truyền chính pháp với mong muốn cứu vớt được nhiều sinh linh ra khỏi vòng trầm luân. Nhờ giáo pháp của Đức Phật mà chúng ta biết đường tu hành thoát ly sinh tử; nhận rõ lý về vũ trụ, từ đó phân biệt được tà chính. Do vậy, để thực hiện tốt ân Tam bảo, theo ông Đoàn Minh Huyên, bổn phận của tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là phải noi theo chí đức của bậc tiền nhân, sống và hành đạo theo tinh thần mà họ khuyên dạy, tiếp tục phát huy tinh thần đó để mở mang trí óc, dẫn lối chỉ đường cho con người thoát khỏi bể khổ.

Ân đồng bào nhân loại

Ân đồng bào nhân loại (kế thừa ân chúng sinh trong Phật giáo), Phật Thầy dạy đồng bào nhân loại là những người đã cưu mang giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, là cùng một nòi giống con Hồng, cháu Lạc với ta, sướng cùng hưởng, hoạ cùng chịu với ta, cùng một tổ quốc, dân tộc. Chính vì vậy ta phải thương yêu, đùm bọc lấy nhau trong nghĩa đồng bào, còn nhân loại là cộng đồng người trên cùng trái đất này đã chia sẻ tình người với chúng ta trong lúc hoạn nạn, nguy nan nên chúng ta phải cảm cái ân đó mà đối nhân xử thế. Ông Đoàn Minh Huyên giải thích, con người lúc mới lọt lòng mẹ phải chịu ơn nhiều người xung quanh mình. Khi lớn lên, đi học, đi làm, tham gia các hoạt động xã hội, sự chịu ơn của con người cũng lớn dần theo năm tháng. Ít nhiều trong xã hội, chúng ta đều hưởng thành quả lao động của đồng bào, rộng hơn nữa là nhân loại. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vì, chúng ta có cùng màu da, cùng tiếng nói, cùng tồn tại trên quê hương đất nước. Như thế mới gọi là đền đáp ân đồng bào nhân loại.

Quan điểm đó của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương hoàn toàn phù hợp với truyền thống yêu thương con người của dân tộc Việt Nam từ xa xưa. Việc lồng ghép giá trị văn hóa truyền thống vào giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Đoàn Minh Huyên luôn khuyên tín đồ của mình phải sống chân thành với nhau, mưu cầu hòa bình, hạnh phúc, không nên phân biệt màu da, chủng tộc.
Các pháp môn học Phật tu Nhân và báo đáp Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã làm thức tỉnh những người nông dân nghèo ở Nam Bộ, giúp họ có động lực tham gia vào các công việc xã hội như khai hoang lập ấp, tham gia vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần giải phóng dân tộc.

Khi tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với đời (gia đình, đất nước, cộng đồng và xã hội), họ có ý thức đền đáp ơn nghĩa đã nhận từ tổ tiên, cha mẹ, đất nước, Tam bảo, đồng bào nhân loại. Đây là cách giúp họ hiểu đạo, qua đó dẫn dắt họ đến chỗ thoát tục, tự tìm thấy con đường giải thoát. Có người cho rằng, đời và đạo là hai con đường khác biệt, tồn tại song song và không thể trộn lẫn vào nhau. Bởi vì, một số người theo đạo cố ý bỏ quên việc đời. Họ cho rằng, họ phải chuyên tâm tu tập khổ hạnh, phải xa lánh trần tục. Quan điểm như thế hoàn toàn không phù hợp với tôn chỉ hành đạo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ở tôn giáo này, đạo không thể ở ngoài đời và đời không thể không có đạo. Hai yêu tố này có mối quan hệ khăng khít, tồn tại song trùng, tác động lẫn nhau.

Updated: 20/05/2022 — 3:54 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *