Chùa Đại Bi ở Nam Giang – Nam Trực thờ ai?
Chùa Đại Bi là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Sơn Nam xưa, ngoài thờ Phật, di tích thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh – một trong 3 vị thiền sư nổi tiếng thời Lý (Dương Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh); đồng thời là bậc cao tăng đắc pháp, có nhiều tài phép và thuật lạ, có công lao to lớn trong việc xây dựng nhiều chùa, trong đó có chùa Thiên Phúc (Chùa Thầy) và chùa Đại Bi.
Lễ hội chùa Đại Bi được diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó có nhiều nghi lễ nhà Phật hòa nhập với tín ngưỡng dân gian bản địa, trong đó đặc biệt nhất là nghệ thuật hát rối cạn chầu Thánh (nghệ thuật ổi lỗi). Phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: đấu vật, đánh đu, chọi gà, cờ tướng…
Trong không gian chùa Đại Bi còn có hội chợ Viềng họp một phiên duy nhất vào ngày 8 tháng Giêng (dân gian quen gọi là Viềng chùa). Đây là một phiên chợ có từ lâu đời được tổ chức tại khu vực chùa Đại Bi với việc trưng bày, giới thiệu và bán các các loại nông cụ, cây con giống, cây cảnh, đồ cũ… với ý nghĩa “mua may bán rủi”, cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội chùa Đại Bi ở Nam Giang – Nam Trực
Lễ hội chùa Đại Bi được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Giêng, trong đó ngày 21 là chính hội, ngày 20 và ngày 23 chủ yếu thực hiện các khoa cúng Phật giáo như: tụng kinh, lễ đàn mông sơn, thí thực…và kết thúc lễ hội.
Cũng như bao lễ hội truyền thống của người Việt, lễ hội chù Đại Bi có hai phần: lễ và hội, hai thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ và song hành với nhau. Những đặc trưng cơ bản nhất trong phần lễ chùa Đại Bi là: nghi lễ mộc dục thắng y (thay áo Thánh), rước kiệu Thánh của ba thôn về chùa, tế nam quan, nữ quan…tiêu biểu nhất là nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh (trò ổi lỗi). Phần hội, trước đây, trong lễ hội chùa Đại Bi có nhiều các trò chơi dân gian như: đấu vật chầu Thánh, chọi gà, cờ tướng, vật cầu, kéo chữ, múa rối nước… Bên cạnh một số hoạt động trò chơi dân gian, Ban tổ chức còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa thể thao như: biểu diễn văn nghệ, đấu bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, thi chim…Tất cả các hoạt động trên làm cho không khí lễ hội chùa Đại Bi trở lên hấp dẫn, náo nhiệt thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Nghi lễ rước kiệu Thánh được tiến hành từ Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đình Vân Chàng, thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn, cách chùa Đại Bi 500m về hướng Bắc; Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh đền Giáp Tư, thờ Đương Cảnh Thành Hoàng Ngọc Hoa công chúa, cách chùa Đại Bi 300 về phía Tây Nam ; Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đình đền Giáp Ba, thờ Đức Thánh Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) cùng Hoàng hậu, vương phi, tả văn hữu võ, cách Chùa Đại Bi 200m về phía Đông. Lễ rước kiệu về chùa Đại Bi diễn ra với quy mô lớn, bởi chùa Đại Bi là chùa chung của ba làng/thôn, trong đó thôn Vân Chàng là anh Cả, thôn Giáp Tư là anh Hai, thôn Giáp ba là em út nên kiệu cỗ của ba thôn cũng được sắp xếp và rước theo thứ tự trên. Theo quy định thôn Tư và thôn Ba mỗi thôn có 01 kiệu cỗ, riêng thôn Vân Chàng có 02 kiệu: kiệu đặt chúc sớ và kiệu cỗ.
Đi đầu đoàn rước của mỗi thôn là đội rồng, sư tử, đội sênh tiền do các cháu thiếu niên nhi đồng thực hành với trang phục lễ hội, đầu chít khăn, lưng thắt đai, tay múa lục lặc. Tiếp đó đến cờ Thần, cờ hội… do các thanh niên trong làng thực hiện và dàn bát âm tấu những làn điệu nhạc lưu thủy. Tất cả âm thanh, màu sắc tạo nên trong không khí linh thiêng, rộn rã, vui tươi nhộn nhịp.
Tiêu biểu và riêng có trong nghi thức rước kiệu ở lễ hội chùa Đại Bi là kiệu cỗ, kiệu cỗ được chạm khắc hình rồng, sơn son thếp vàng. Phía trên kiệu cỗ được chế tạo hình bầu dục (giống hình chiếc tráp – lồng bàn), cao khoảng 1 mét, gồm chân đế, thân và nắp, đều được sơn son thếp vàng. Lễ vật gồm: bánh dầy, bánh nướng, bánh dẻo mặt trăng, bánh gai, hoa quả, chè thuốc, trầu cau, rượu…đầy đủ như một mâm cỗ chay; điều đặc biệt là bánh dầy do nhân dân trong thôn tự tổ chức thực hiện. Ba thôn mỗi thôn một kiệu cỗ, duy chỉ có thôn Vân Chàng có thêm kiệu văn (kiệu đặt chúc văn). Kiệu đặt chúc văn bao giờ cũng đi trước kiệu cỗ. Các kiệu do bốn thanh niên khỏe mạnh khiêng với trang phục áo đỏ, quần vàng, đầu chít khăn đỏ; phía sau có người cầm lọng che. Sau các kiệu là các đội tế nam/nữ quan của mỗi thôn và nhân dân địa phương.
Theo quy định, khi đoàn rước kiệu của thôn vân Chàng đi qua đền thôn Ba, khi đó đoàn rước của thôn Ba xuất phát đi tiếp phía sau đoàn rước của thôn Vân Chàng. Cùng lúc, đoàn rước của thôn Tư xuất phát đi đến ngã ba đường Vàng với đường vào chùa Đại Bi trước chùa Đại bi thì dừng lại đợi đoàn rước của thôn Vân Chàng và thôn Ba. Lúc này, theo thứ tự kiệu Vân Chàng đi trước đến kiệu Giáp Tư và kiệu Giáp Ba theo thứ tự rước vào sân chùa.
Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 21 tháng Giêng, đoàn rước kiệu của ba thôn đã ổn định vị trí tại sân chùa, chính quyền thị trấn Nam Giang tổ chức khai mạc lễ hội với sự có mặt của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và du khách. Lễ khai mạc được diễn ra với các nội dung biểu diễn văn nghệ, tuyên bố giới thiệu đại biểu và nội dung chương trình lễ hội, kết thúc chương trình quý vị đại biểu làm lễ dâng hương lên Đức Thánh Tổ. Sau lễ khai mạc, đội tế nam quan của ba làng tổ chức tế Thánh.
Trong lễ hội chùa Đại Bi diễn ra rất nhiều hoạt động hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến xem và cổ vũ như: đấu vật chầu Thánh thu hút đông đảo các đô vật ở các làng xã lân cận đến tham dự và tranh tài; đánh cờ tướng, kéo chữ, đánh đu, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co… đồng thời bổ sung thêm một số hoạt động mới bổ sung như: thi chim, bóng chuyền, bóng bàn.
Đấu vật trong lễ hội chùa Đại Bi được diễn ra ở bãi cát bằng phẳng phía trước chùa (gọi là sới vật). Trước đây, trong lễ hội chùa Đại Bi ba thôn đều có đội vật; đồng thời còn thu hút các đô vật ở nhiều địa phương xung quanh như: Thi Liệu, Mỹ Trung (huyện Vụ Bản)…tham dự tranh tài.
Mở đầu cuộc đấu thường có lễ trình thánh, từng đôi đô vật đi song song vào làm lễ, sau đó là màn “vật lễ” giữa các đô nhà mang tính chất mở hội rồi mới đến màn đấu vật chính thức. Nghe trống lệnh, hai đô vật xuống thế ngay, ban đầu vật vờn trình thánh, mới đến vật khảo đấu loại vòng đầu. Ngoài ban giám khảo còn có hai người theo dõi trên sân vật: 1 người đánh trống, 1 người phất cờ như cất 3 tiếng trống thong thả là hiệu lệnh gọi vật, đánh liền 3 tiếng là thúc các đô vật gấp lên, keo vật càng gay go tiếng trống thúc càng nhanh, khi thấy ồn ào, lộn xộn thì gõ vào tang trống 2 tiếng một, gõ vào tang trống một hồi dài là kết thúc keo vật.
Những miếng võ cổ truyền đẹp mắt được các đô vật thể hiện là xốc nách (thò tay vào nách đối thủ, nâng đối thủ lên và vật ngã), vặn sườn (ghì lưng hoặc cánh tay rồi đập ngã), miếng bò (nằm xuống đất chờ đối thủ sơ hở để tấn công)…Tuy nhiên, có nhiều miếng bị cấm như: móc hàm, móc nách, nắm tóc, yết hầu…mang tính sát thương cao. Thậm chí vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm thi đấu.
Đặc biệt, trong lễ hội chùa Đại Bi có thi cờ người. Mỗi người với áo mũ, sắc phục tùy theo từng loại quân đứng theo vị trí của mình ở mỗi ô. Trước đây, những người được chọn là Tướng Ông hay Tướng Bà phải là những nam thanh nữ tú có dung mạo nổi trội trong làng. Gia đình nào có người con được chọn làm Tướng, nếu kinh tế khá giả sẽ làm vài mâm cỗ thết đãi xóm làng, còn nhà nào khó khăn cũng hương hoa khấn tạ tổ tiên trời phật. Nhà nào có con gái được chịn làm Tướng Bà thì năm đó sẽ có tin vui. Tuy nhiên hiện nay, thi đấu cờ người không được duy trì mà thay vào đó là thi đấu cờ tướng đơn thuần trên mỗi ô vuông có ghi tên vị trí từng quân cờ bằng chữ hán.
Cuộc thi đấu cờ người thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân xem, đặc biệt là những người biết chơi cờ tướng. Xem cờ, chơi cờ nhằm thỏa mãn trí tuệ, thẩm mỹ và giải trí. Cái hay cái đẹp ở thi đấu cờ người thể hiện sự bao quát và tinh tế của người chơi.
Bên cạnh những trò chơi dân gian truyền thống, trong nhiều năm trở lại đây, lễ hội chùa Đại Bi còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc như: biểu diễn văn nghệ, hát chầu văn, hát chèo, diễn kịch trong các buổi tối lễ hội (do đoàn nghệ thuật của tỉnh hoặc các địa phương lân cận), thi đấu bóng chuyền, thi chim cảnh…Các hoạt động hội trên đã góp phần làm phong phú các hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham dự.
Múa rối cạn chầu Thánh còn có tên gọi là hội tu kỳ lệ (có nghĩa là răn đời bỏ ác làm thiện), trò rối đầu gỗ hay nghệ thuật Ổi lỗi là nghi lễ đặc trưng và quan trọng nhất trong lễ hội chùa Đại Bi, được tổ chức trong 3 ngày chính là 21, 22 và 23 tháng Giêng. Thời gian tổ chức từ 19 giờ đến 24 giờ (thậm chí nhiều năm đến 1,2 giờ sáng). Ngoài ra trong năm, phường rối còn tổ chức múa rối cạn chầu Thánh vào đêm giao thừa.
Nghệ thuật rối cạn là loại hình nghệ thuật mang tính thiêng gắn với việc thờ phụng thiền sư Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh. Múa rối chầu Thánh là để cho Thánh ngự, Thánh xem, chứ không phải để nhân dân xem. Vì vậy, nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian và không gian thiêng nhất định, tức là phía trước ban Tam bảo và ban thờ Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh. Múa rối chầu Thánh là loại hình nghệ thuật dân gian có tính tổng hợp kết hợp của các yếu tố: âm nhạc – lời ca – múa, trong đó các con rối vô tri vô giác nhưng qua bàn tay khéo léo và những lời ca thấm đẫm những giáo lý truyền thống đã tái hiện được niềm tin, khát vọng của con người về thế giới hòa bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh chỉ được biểu diễn vào đêm giao thừa và trong ba ngày lễ hội (từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm) tại chùa Đại Bi. Nội dung ca từ chủ yếu của nghệ thuật hát rối cạn chầu Thánh rất đa dạng, phong phú nhưng tập trung ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, công lao của các vị vua, các vị anh hùng, những người có công trong việc dựng nước và giữ nước, răn dạy con người những điều hay lẽ phải, sống hiếu nghĩa, thủy chung, đặc biệt rất đề cao tình cảm gia đình như sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ hay tình nghĩa vợ chồng, tình anh em, bè bạn.
Lễ hội chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực là lễ hội lớn gắn liền với việc thờ phụng thiền sư, quốc sư Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, người có công chấn hưng nền Phật Giáo thời Lý, cùng với thiền sư Không Lộ, Giác Hải được tôn vinh là Tam vị Thánh Tổ của nước Nam. Chùa Đại Bi thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực do thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng để làm nơi tu hành trong quá trình ẩn danh mai tích để tránh sự truy tìm của Diên Thành hầu và sư Đại Điên. Tại đây, ngoài việc dựng chùa thờ Phật, Đức Thánh Từ Đạo Hạnh còn có công mở chợ để nhân dân địa phương buôn bán, phát triển kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Lễ hội chùa Đại Bi có từ lâu đời, với quy mô lớn, được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn duy trì và phát triển, trở thành di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu của huyện Nam Trực nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung. Trong lễ hội, nhân dân tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc như: nghi lễ rước kiệu, tế nam quan, nữ quan, đấu vật….trong đó đặc sắc và tiêu biểu nhất là múa rối cạn chầu Thánh (nghệ thuật ổi lỗi). Các nghi lễ và hoạt động hội nhằm tái hiện cuộc đời, sự nghiệp và công lao của Đức Thánh Từ Đạo Hạnh đối với nhân dân địa phương; đồng thời qua các hoạt động lễ hội thể hiện lòng thành kính, tri ân của nhân dân địa phương với Đức Thánh Từ Đạo Hạnh – vừa là bâch Thánh, vừa là Thành hoàng có công bảo an che chở và ban phúc cho nhân dân.
Lễ hội chùa Đại Bi thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực là một sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng làng xã được tích hợp nhiều lớp văn hóa, trong đó mỗi lớp văn hóa lại gắn với những biểu tượng, mang ý nghĩa nhất định. Trong đó Đức Thánh Từ Đạo Hạnh được nhân dân tôn sùng, thờ phụng như một vị Phật, một vị Thánh, một vị Thành hoàng trong lòng mỗi người dân thị trấn Nam Giang nói riêng và cộng đồng dân cư có chung niềm tin tín ngưỡng. Đầu năm đi lễ hội chùa Đại Bi, tham dự hội chờ Viềng còn là nét đẹp văn hóa dân gian của người Việt, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình bình an, hạnh phúc. Lễ hội khơi dậy ý thức hướng về nguồn cội trong lòng mỗi người con Nam Trực, cho dù đi đâu nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về họ đều nhớ tới quê hương, về ngày hội chùa Bi uy nghiêm nhưng sôi động. Đồng thời lễ hội còn bảo lưu được nhiều nghi thức truyền thống như nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh, rước kiệu…Những hình ảnh lễ hội đã làm sống dậy những huyền thoại, truyền thuyết về nhân vật Đức Thánh Từ Đạo Hạnh và vùng đất Nam Trực. Đó cũng chính là sự trở về với nguồn cội, về bản sắc văn hóa vốn có của mỗi làng quê. Những nghi thức trong lễ hội là sự tri ân công đức của nhân dân với Đức Thánh Từ Đạo Hạnh có công mở chợ, truyền dạy nghề cho nhân dân. Lễ hội cũng là dịp để mọi người bày tỏ sự tri ân đối với Đức Phật, Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, được hòa mình vào cộng đồng, họ được vui chơi, giải trí, làm phong phú đời sống tinh thần trong đời sống đương đại. Vì vậy, lễ hội chùa Đại Bi còn có giá trị nhân văn sâu sắc, một tài nguyên, tài sản vô giá góp phần gắn kết sâu sắc cộng đồng đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước.
Trong lễ hội chùa Đại Bi, đặc sắc và tiêu biểu nhất là nghi lễ múa rối cạn chầu Thánh (còn gọi là trò ổi lỗi). Tương truyền, đây là tích trò do Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sáng tạo và truyền dạy cho nhân dân, thể hiện sự từ bi bác ái nhân văn cao đẹp của Đức Thánh nhằm cứu vớt các sinh linh trôi dạt trên biển. Đó chính là tư tưởng nhân văn cao đẹp của Phật giáo nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, để hướng con người đến các giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh gắn liền với nghi lễ thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh chỉ được biểu diễn vào đêm giao thừa và trong ba ngày lễ hội (từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm) tại chùa Đại Bi. Nội dung ca từ chủ yếu của nghệ thuật hát rối cạn chầu Thánh rất đa dạng, phong phú nhưng tập trung ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, công lao của các vị vua, các vị anh hùng, những người có công trong việc dựng nước và giữ nước, răn dạy con người những điều hay lẽ phải, sống hiếu nghĩa, thủy chung, đặc biệt rất đề cao tình cảm gia đình như sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ hay tình nghĩa vợ chồng, tình anh em, bè bạn.
Nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh được đánh giá hồn cốt, mang tính độc đáo nhất bởi những giá trị nghệ thuật đặc. Đó là các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian kết hợp với âm nhạc và múa. Mỗi bài hát, múa có âm điệu, giai điệu khác nhau nhưng đều gần gũi, thân thiết với mỗi con người. Đặc biệt, các lời đệm, lời đón đều dùng tiếng Nôm cổ, theo thể song thất lục bát hoặc lục bát, ngôn từ có sự chắt lọc góp phần nâng lên thành ngôn ngữ thơ ca giàu tính thẩm mỹ, tính bác học.
Chùa Đại Bi là một công trình Phật giáo, một danh lam nổi tiếng được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông. Trải qua thời gian, chùa đã được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê, Nguyễn và giai đoạn hiện nay, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, bia đá…có giá trị lịch sử văn hóa, góp phần tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của di tích. Điều đặc biệt ở đây là việc tôn thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh được sắp đặt ngang với Tam bảo ở bên trái, và cổng tam quan chùa nằm lệch theo trục thần đạo với ban thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh. Đây là điều hiếm gặp trong các di tích Phật giáo hiện nay ở nước ta. Năm 1964, chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm, tại đây còn có hội chợ Viềng được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng. Do không gian hội chợ Viềng nằm ở trung tâm chùa Đại Bi nên chợ còn có tên là chợ Viềng Chùa (hay chợ Chùa). Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, nhưng chùa có chợ thì mới thực sự tạo sự phát triển về kinh tế cho địa phương. Đầu năm, nhân dân đi chùa lễ Phật, Thánh và mua bán những dụng cụ nông nghiệp, con giống …để lấy may cho cả năm. Vì vậy, lễ hội chùa Đại Bi và hội chợ Viềng thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh Nam Định và nhiều tỉnh thành trên cả nước về tham dự lên tới hàng vạn người. Đây là một tiềm năng rất lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ chính quyền địa phương để đưa lễ hội chùa Đại Bi trở thành một địa điểm du lịch đầu năm của du khách khi về Nam Định.
Với những giá trị tiêu biểu về Lịch sử – Văn hoá và những đặc trưng riêng có, lễ hội chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang Huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định được Bộ Văn hoá Đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia, tại Quyết định số 254/QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 01 năm 2020.
Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia – Lễ hội chùa Đại Bi và khai mạc Lễ hội xuân Quý Mão 2023 được tổ chức từ 7 giờ 30 phút ngày 11 thàng 02 năm 2023 ( tức ngày 21 tháng giêng năm Quý Mão).
Lễ hội xuân chùa Đại Bi diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 thàng 02 năm 2023 ( tức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng giêng năm Quý Mão).
Phần lễ: nghi lễ mộc dục thắng y (thay áo Thánh), rước kiệu Thánh của ba thôn về chùa, tế nam quan, nữ quan…tiêu biểu nhất là nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh (trò ổi lỗi
Phần hội: Đấu vật chầu Thánh; đánh cờ tướng, kéo chữ, đánh đu, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co, múa rối nước, hát chèo, hát văn, xin chữ, tò he…; thi chim, bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá…
Lễ hội chùa Đại Bi được Đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia . Đây là cơ sở pháp lý và khoa học, không chỉ là sự khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, mà còn là cơ hội để tôn vinh, quảng bá, tuyên truyền di sản – để Lễ hội chùa Đại Bi – Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia được lan toả sâu rộng hơn, với vị trí là một trong những lễ hội xuân lớn, đông vui bậc nhất khu vực, như trong sách “Tân Biên Nam Định địa dư chí lược” của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh có ghi:
“Giàu nghèo cũng cứ chơi xuân,
Thắp hương cầu phúc, bước chân vui vầy,
Thứ nhất thì hội Phủ Dầy
Vui thì vui vậy, không tày chùa Bi”
Để câu ca:
“Hai mươi phát tấu chùa Bi
Trai đi được vợ, gái đi được chồng”
Mãi mãi được lưu truyền trong nhân dân và Lễ hội chùa Đại Bi – Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách trong chuyến du xuân, trẩy hội mỗi khi tết đến xuân về.