Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky-tô có tên tiếng Anh là The Church of Jesus Christ of the Latter-day Saints;
Giáo hội Mặc Môn là tên gọi được lấy tên theo một loại Kinh sách của giáo hội;
Tên gọi Móoc Mông-Mormon là tên một tộc người dòng dõi ở Israel nhưng sống và chết ở châu Mỹ gắn với giáo hội;
Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky-tô là tên gọi chính thức. Đây là một trong những giáo hội Ky tô lớn và nổi tiếng nhất trong phong trào Thánh hữu ngày sau (một phong trào Phục hồi Ky-tô giáoở thế kỷ XIX).
Lịch sử hình thành Giáo hội Mặc Môn
Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky-tô (Mặc Môn), tên tiếng Anh The Church of Jesus Christ of the Latter-day Saints, ngoài ra giáo hội còn có tên ngắn gọn khác là Giáo hội Mặc Môn (lấy tên theo một loại Kinh sách của giáo hội), Móoc Mông-Mormon (tên một tộc người dòng dõi ở Israel nhưng sống và chết ở châu Mỹ gắn với giáo hội), tuy nhiên giáo hội muốn dùng tên đầy đủ là Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky-tô. Đây là một trong những giáo hội Ky tô lớn và nổi tiếng nhất trong phong trào Thánh hữu ngày sau(một phong trào Phục hồi Ky-tô giáo ở thế kỷ XIX).
Giáo hội Mặc Môn được hình thành vào ngày 6 tháng 4 năm 1830 tại tại Fayette, New York, Hoa Kỳ bởi giáo chủ Joseph Smith, người được các tín hữu trong Giáo hội xem như là một trong những vị tiên tri ngày sau. Ban đầu giáo hội mang tên là Giáo hội của Chúa Giê su Ky Tô (Church of Jesus Christ), với ý nghĩa do niềm tin vào sự phục hồi của giáo hội nguyên thủy. Cũng trong năm này, “Sách Mặc Môn – Một Chứng Thư Khác Về Chúa Giê Su Ky-Tô”, một trong những sách thánh của Giáo hội được xuất bản. Bốn năm sau, vào tháng 4 năm 1834, giáo hội được đổi tên thành Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau (Church of the Latter Day Saints). Các tín hữu cho rằng việc đổi tên này là để phân biệt giáo hội của họ là một giáo hội của thời kỳ sau cùng, ngay trước ngày tái lâm của Đấng Ky- Tô, với giáo hội của Tân Ước. Đến tháng 4 năm 1838, giáo hội một lần nữa đổi tên thành Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky- Tô. Trụ sở chính của giáo hội đặt tại thành phố Salt Lake, thủ phủ của bang Utah, Hoa Kỳ, tổ chức theo hệ thống toàn cầu, có phạm vi hoạt động ở trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ở Việt Nam hiện có trên 1000 người tin theo tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là cấp giáo hạt thuộc giáo vùng Châu Á nằm trong giáo hội toàn cầu. Tính đến 2013, Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô thống kê có hơn 29 ngàn giáo khu và chi nhánh, 450 phái bộ truyền giáo, hơn 80 ngàn người truyền giáo, 141 đền thờ, 4 trường đại học và cao đẳng, 15 triệu tín đồ, là tôn giáo lớn thứ tư ở Hoa Kỳ. Hiện nay có 17 nghị sỹ Quốc hội khoá 113 của Mỹ là tín hữu của Giáo hội Mặc Môn.
Đặc điểm, giáo lý, luật lệ, tổ chức của Giáo hội Mặc Môn
Mặc dù ra đời trong phong trào cải cách tôn giáo nhưng với đặc điểm riêng về tín lý, giáo luật, kỷ luật, lễ nghi… Giáo hội Mặc Môn không phải là một giáo phái Tin lành, các nhà nghiên cứu xếp giáo hội vào nhóm các giáo phái Ky-tô giáo khác (giống như Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, Nhân chứng Giê hô va). Để thuận tiện cho công tác quản lý, ở Việt Nam xếp Giáo hội Mặc Môn vào nhóm “gia đình Tin lành” bởi giáo hội cùng chung một số đặc điểm của các giáo hội cải cách.
Giáo hội Mặc Môn không có hàng giáo phẩm (phẩm sắc) chuyên nghiệp mà chỉ những người có ơn kêu gọi, tự nguyện phục vụ giáo hội trọn thời gian, không nhận thù lao, trợ cấp từ giáo hội. Cơ quan lãnh đạo trung ương giáo hội gồm Đệ nhất chủ tịch đoàn có 3 thành viên, hiện nay do ông Thomas S.Monson làm chủ tịch cùng hai cố vấn của ông, dưới đó là Nhóm túc số Mười hai Vị Sứ đồ, tiếp theo là nhóm túc số Thầy Bảy mươi và 3 thành viên giám trợ đoàn chủ tọa. Những người lãnh đạo giáo hội thường là những người trung tuổi trở lên, đã nghỉ hưu (còn khỏe và minh mẫn) hoặc người có kinh tế ổn định, dành trọn thời gian phục vụ và không nhận thù lao từ giáo hội. Người đứng đầu giáo hội được xem như là các vị tiên tri thời hiện đại, bắt đầu từ giáo chủ đầu tiên Joseph Smith và tiếp tục cho đến ngày nay với Thomas S. Monson.
Giáo lý của Giáo hội Mặc Môn lấy sách Kinh Thánh, sách Mặc Môn, sách Giáo lý và Giao ước, sách Trân châu vô giá làm cơ sở và nền tảng. Các tín hữu trong giáo hội tin rằng các sách trên là những sách Thánh Thư. Giáo lý của giáo hội được tóm tắt trong 13 tín điều căn bản. Tin Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh tồn tại như ba nhân vật riêng biệt. Tin ở sự phục tùng các vua chúa, tổng thống, các nhà cai trị và các pháp quan cùng sự tuân theo, tôn trọng và tán trợ luật pháp quốc gia…
Trong sinh hoạt có các phần cơ bản giống với giáo phái Tin lành như thánh ca, giảng luận, cầu nguyện. Tuy nhiên trong giảng luận vì không có chức sắc chuyên nghiệp, mọi tín đồ có khả năng trình bày, diễn thuyết đều có thể đăng ký để được chia sẻ với mọi người. Ngoài ra còn có sinh hoạt theo lứa tuổi, giới tính, tìm hiểu giáo hội, học ngoại ngữ…
Tín hữu Giáo hội Mặc Môn tuân giữ chế độ ăn uống nghiêm ngặt gọi là Lời thông sáng. Trong sinh hoạt đời thường tín hữu được giảng dạy kiêng rượu bia, thuốc lá, ma túy hoặc các chất gây nghiện làm hại đến sức khỏe. Tín hữu được giảng dạy không quan hệ tình dục trước hôn nhân, hay ngoại tình sau khi kết hôn. Ngoài ra tín hữu còn được khuyên bảo để tóc gọn gàng, tươm tất, ăn mặc trang nhã lịch sự trong mọi tình huống, hoàn cảnh, ví dụ, đối với phụ nữ mặc váy nên qua khỏi đầu gối và không hở hang, khêu gợi.
Bang Utah và Giáo hội Mặc Môn
Trong tất cả 50 tiểu bang của nước Mỹ, có lẽ tiểu bang Utah có nhiều điểm đặc biệt hơn cả, khác hẳn với những tiểu bang còn lại. Utah là một vùng đất độc nhất do một giáo phái gây dựng nên và tất cả mọi khía cạnh của đời sống ở đây dù là kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, lịch sử đều chịu ảnh hưởng của Giáo hội Mặc Môn. Ở Utah tín hữu Giáo hội Mặc Môn chiếm 64% dân số với khoảng hơn 1 triệu tín hữu trong tổng số khoảng 4 triệu tín hữu ở toàn nước Mỹ.
Thành phố Salt Lake, thủ phủ của tiểu bang Utah là một thành phố được thành lập vào năm 1847 bởi vị tiên tri Brigham Young khi ông dẫn đoàn tín hữu di dân từ phía Đông nước Mỹ đến đặt chân tới một thung lũng hoang vu ở dưới chân rặng núi Wasatch. Ngày nay thành phố Salt Lake với khoảng 300 ngàn dân và vùng phụ cận lên tới trên 1 triệu dân là một thành phố đẹp, sạch sẽ ngăn nắp, kinh tế vững mạnh, vị trí nằm ở giữa rặng núi Wasatch và hồ nước mặn Great Salt Lake, trước đây là một biển lớn sau này khô cạn và thu nhỏ lại khiến độ mặn ở đây cao giống như Biển Chết ở Tây Á. Thành phố Salt Lake là một thành phố được xây dựng theo kiểu mẫu được Vị Tiên tri Joseph Smith vẽ ra là được chia ra từng ô vuông vắn 10 mẫu, đường phố thẳng góc và trung tâm thành phố là ngôi Đền thờ của Giáo hội Mặc Môn làm bằng đá hoa cương với khu vực trung tâm quảng trường của đền rất đẹp và yên tĩnh.
Giáo hội Mặc Môn nhờ sự đóng góp trung tín của các tín hữu, nhất là tín hữu là doanh nhân nên ngày nay Giáo hội có một ngân quỹ được coi là một trong những giáo hội có tài chính lớn nhất trong các tôn giáo ở Mỹ. Khu hành lang chạy dài từ Logan ở phía Bắc xuống Provo đang trở thành một trung tâm kỹ thuật cao về tin học và công nghiệp Y học, sinh hóa học của miền Tây nước Mỹ và kinh tế ngoại thương rất phát triển sang các nước Châu Á.
Cộng đồng người Việt Nam hiện có khoảng trên 6000 người đang sinh sống ở Utah, phần lớn tập trung ở thành phố Salt Lake. Người Việt đến định cư ở đây chủ yếu từ hai nguồn là những người di dân sau năm 1975 cùng các thế hệ tiếp nối và các du học sinh sau này. Các sinh viên Việt Nam đa số muốn theo học ở Đại học Brigham Young bởi chất lượng đào tạo tốt và chi phí học tập thấp của trường, sau đó thường gia nhập Giáo hội và trở thành những tín hữu trung tín đi truyền giáo khắp nơi, một số ít theo học các Đại học công lập của chính phủ là Đại học Utah ở Logan.
Giáo dục và truyền giáo của Giáo hội Mặc Môn
Giáo hội có 4 trường cao đẳng và đại học, trong đó trường Đại học Brigham Young – BYU là nổi tiếng nhất. Đại học BYU của Giáo hội Mặc Môn được nhiều người trẻ biết tới trên toàn thế giới. Đại học này được xếp trong nhóm 50 trường hàng đầu nước Mỹ, có một điểm nổi bật là tất cả các sinh viên nam nữ phải tuân theo một kỷ luật nghiêm ngặt của nhà trường. Là sinh viên dù là tín hữu hay không đều thực hiện theo giáo luật của giáo hội là cấm hút thuốc, uống rượu, trà, cà phê, cờ bạc, cấm quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân. Ngoài ra sinh viên của trường phải để đầu tóc gọn gàng (không nên để tóc dài và bù xù đối với nam), ăn mặc trang nhã, lịch sự, và phù hợp (ví dụ không mặc quần ngắn và đồ ngủ đi vào lớp học, váy thì phải dài qua gối đối với nữ). Tuy có nhiều điều kiện và quy định ngặt nghèo nhưng vẫn có số lượng lớn sinh viên các nước trên khắp thế giới đến theo học với lý do học phí ở BYU khá cạnh tranh vì được Giáo hội hỗ trợ và trình độ, chất lượng học vấn rất cao do những giáo sư giỏi của Mỹ giảng dạy. BYU ngày nay là một Đại học nổi tiếng với đầy đủ các bộ môn và ngành học, có chi nhánh ở nhiều nơi trên đất Mỹ, trong đó có cơ sở tại Hawaii dành cho sinh viên nhiều nước phương Đông. Trường BYU có một chương trình học ngoại ngữ rất phát triển với việc đào tạo hàng trăm ngoại ngữ khắp thế giới, qua đó đóng góp các nhân tài cho các kế hoạch truyền đạo ở hải ngoại của Giáo hội được thuận lợi.
Đa số các sinh viên theo học tại trường BYU thường thông thạo một ngoại ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ do các sinh viên này đã từng đi truyền giáo tại một quốc gia nào đó trước đây và các sinh viên khác được khuyến khích học một ngôn ngữ khác. Tổng số sinh viên ở BYU hiện là trên 31.000 người trong đó 90% là tín hữu giáo hội Học trình ở BYU rất cao và có các môn bắt buộc học về giáo lý của Đấng Ky Tô những sinh viên bên ngoài cũng phải theo học vì khi đăng ký vào BYU thì phải chấp nhận điều này tuy không bắt buộc phải gia nhập giáo hội. BYU quả thực là một Đại học khá khác biệt với nếp sống lành mạnh do giáo hội tạo nên, tuy có vẻ hơi gò bó nhưng giúp ích rất nhiều cho người sinh viên trưởng thành sau khi ra trường.
Truyền giáo mở rộng phạm vi hoạt động giáo hội và phát triển tín hữu là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi tín hữu được đề cập đến trong giáo luật. Giáo hội Mặc Môn có đội ngũ những người truyền giáo tình nguyện đông đảo, phục vụ toàn thời gian trong vòng 18 tháng cho đến 2 năm trên toàn cầu. Hầu hết những thanh niên trẻ sau khi tốt nghiệp trung học hoặc Đại học là tín hữu của giáo hội đều tự nguyện dành thời gian đi truyền giáo (truyền giáo trẻ từ 18-28 tuổi). Trước khi truyền giáo họ được trang bị các kỹ năng sắp xếp tổ chức và vốn ngoại ngữ, văn hóa rất cơ bản ở những khu vực truyền giáo. Sau thời gian phục vụ, những người truyền giáo trở về là những người có tình cảm sâu đậm với con người nơi họ phục vụ và trở thành đại sứ đắc lực cho đất nước và văn hoá nơi họ từng có thời gian truyền giáo. Mỗi khi đi truyền giáo phải đi hai người, ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc tươm tất, tác phong đứng đắn, lịch sự và lễ độ, tự túc về mọi phương tiện, tài chính. Ngoài những nhà truyền giáo trẻ, còn có một số những người trung lưu và nhiều tuổi (còn khỏe mạnh) thành đạt về kinh tế, họ dành chọn thời gian cho giáo hội bằng việc làm các công việc cho giáo hội như truyền giáo để phát triển tín đồ, giúp đỡ tín đồ trong một số lĩnh vực trong cuốc sống.
Hội thảo khoa học Quốc tế về Tôn giáo
Trong suốt gần 20 năm qua, hàng năm Trung tâm nghiên cứu Luật pháp và Tôn giáo Quốc tế của Đại học Brigham Young (BYU), đều tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về các vấn đề liên quan đến luật pháp và tôn giáo tại một số khu vực trên thế giới. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, luật sư, quản lý và các nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến tôn giáo đến từ nhiều quốc gia thuộc khắp thế giới. Tại Hội thảo các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến luật pháp và tôn giáo, chính trị và tôn giáo, luật pháp quốc gia và giáo luật của tôn giáo, quan hệ giữa quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của công dân, giới thiệu về luật pháp tôn giáo ở một số quốc gia, góc độ pháp lý khi giải quyết một số xung đột, tranh chấp cụ thể liên quan đến tôn giáo… Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin tạo ra sự đan xen và hội nhập văn hóa, kinh tế giữa các quốc gia dân tộc; các tôn giáo có cơ hội, điều kiện để thâm nhập và lan tỏa ra khắp thế giới. Bên cạnh những suy tư, nghiên cứu về mặt tâm linh, thần học, các tổ chức tôn giáo sẽ tăng cường phát huy thế mạnh sở trường của mình trong việc tham gia vào các hoạt động chung của xã hội, nhất là tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục, nhân đạo từ thiện, bảo vệ môi trường, phòng chống chiến tranh, bạo lực…
Giáo hội Mặc Môn tại Việt Nam
Giáo hội Mặc Môn truyền vào Việt Nam từ năm 1962, được chính quyền Sài Gòn (cũ) cấp đăng ký hoạt động vào năm 1967. Tính đến năm 1975, có khoảng trên 1000 tín hữu người Việt Nam tin theo, một cơ sở tại 253 đường Thành Thái, Thành phố Sài Gòn. Sau năm 1975 cũng như nhiều tổ chức Tin lành khác, Giáo hội Mặc Môn tạm ngưng hoạt động về mặt tổ chức, phần lớn tín hữu di tản ra nước ngoài, số tín hữu còn lại vẫn giữ đạo tại gia. Năm 1995, Giáo hội Mặc Môn hoạt động trở lại ở Việt Nam, hình thành 2 điểm nhóm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2011, sáp nhập hai điểm nhóm này thành Giáo hạt Việt Nam do ông Hoàng Văn Tùng làm Chủ tịch giáo hạt.
Hiện nay tổ chức giáo hội ở Việt Nam có khoảng trên 1000 người tin theo, phạm vi hoạt động tập trung chủ yếu tại 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện chủ trương, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của lãnh đạo và tín hữu Giáo hội, ngày 30/5/2014 Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký Quyết định số 132/QĐ-TGCP về việc công nhận Ban Đại diện lâm thời của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô Việt Nam. Ban Đại diện lâm thời gồm 3 thành viên do ông Hoàng Văn Tùng làm Trưởng ban, trụ sở tạm thời đặt tại nhà số 2, lô 6, đường Trung Yên 9, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Việc công nhận Ban Đại diện lâm thời là cơ sở bước đầu để Nhà nước xem xét tiến tới cấp đăng ký hoạt động và công nhận về mặt tổ chức cho giáo hội khi hội đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.