Minh sư đạo

Khái quát về Minh sư đạo (Phật đường Nam Tông) tại Việt Nam

Minh Sư đạo tên đầy đủ là Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư đạo. Giáo hội đã được công nhận là tổ chức giáo tại Việt Nam vào năm 1920.

1521

Lịch sử hình thành Minh sư đạo

Minh Sư đạo có danh hiệu đầy đủ là Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, là tôn giáo tôn thờ Tam giáo Nho – Thích – Lão, với tôn chỉ hợp nhất tinh hoa của ba nền tôn giáo lớn (quy nguyên Tam giáo) để tìm lại cội gốc là Đạo, để từ đó tự độ độ tha, giáo hóa chúng sanh hồi đầu hướng thiện, tu chơn giải thoát.

Cùng nguồn gốc từ Phật giáo thiền tông do Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc, sau đời Lục Tổ Huệ Năng Phật giáo thiền tông bị đình đốn, đến cuối thế kỷ VIII mới được hai vị là Mã Công Đạo Nhất thiền sư và Bạch Ngọc cư sĩ chấn hưng với tên gọi “Phật đường”, thời kỳ này đã phát triển được trên 800 Phật đường ở vùng Giang Tây, Trung Quốc.

Tại Việt Nam thời vua Lý Công Uẩn, Tam giáo đã ảnh hưởng và rất phát triển, Ngài đã chắt lọc những điểm ưu việt nhất của ba tôn giáo Nho – Thích – Lão làm định hướng căn bản cho việc xây dựng xã hội: Xã hội Nho – Tâm linh Phật – Thiên nhiên Đạo. Sau này, khi phái Phật đường được truyền vào Việt Nam khoảng đời vua Tự Đức (năm 1863), hòa cùng Tam giáo đã ảnh hưởng sâu sắc trong văn hoá xã hội người Việt, Minh Sư Đạo đã được mở rộng ở nhiều nơi trên khắp đất nước, là gốc của Ngũ chi minh đạo (gồm Minh Sư, Minh Lý, Minh Đường, Minh Thiện, Minh Tân) và trực tiếp dẫn đến sự ra đời của đạo Cao Đài.

Theo Giáo lý của Minh Sư đạo, Thời gian được chia làm ba kỳ (Tam nguyên): Thượng nguyên (thời kỳ đầu), Trung nguyên (thời kỳ giữa), Hạ nguyên (thời kỳ cuối). Thế giới được chia thành ba cõi: Hạ giới, Trung giới và Thượng giới. Hạ giới là cõi âm, Trung giới là cõi người, Thượng giới là cõi trời. Ngọc Hoàng Thượng đế ngự trị ở cõi trời và chưởng quản hai thế giới còn lại. Các vị Phật, Bồ Tát ở cõi Tây phương, các vị Tiên ở cõi Bồng Lai.

Thuở khai thiên lập địa, Đức Vô Cực Diêu Trì Kim Mẫu (bà mẹ cõi Tây phương) bắt đầu tạo lập trời đất, sự sống vạn vật. Đức Mẫu vốn là Vô Cực Linh căn chơn tánh đã đưa xuống trần 96 ức Linh căn chơn tánh và giao cho mỗi Linh căn một túi gọi là Vạn Bửu Nan (túi vạn thiện) đựng tám món báu là Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ và dặn chúng chơn linh phải thường đeo túi này bên mình và giữ cho trọn tám món báu trở về thời Mẫu cho đặng ngồi toà sen, nếu trái mệnh mất đi một món thời khó trở về. Cả túi và tám báu đều mất thì phải vĩnh đọa địa ngục. Nhưng chúng Linh căn xuống trần lại mải mê trong biển nghiệp, quên lời dặn, đánh mất dần tám báu và cả túi Vạn bửu. Vì vậy, Lão Mẫu bèn khởi lập “Tiên thiên Long hoa hội”, Đức Lão Quân lãnh mạng độ về hai ức Linh căn. Lão Mẫu lại lập “Trung thiên Long hoa hội”, Đức Nhiên Đăng Phật cũng độ về hai ức. Còn lại 92 ức chẳng chịu trở về, Lão Mẫu tiếp mở “Hậu thiên Long hoa hội” tập hợp Tam giáo Phật Thánh, cửu diệu chư linh, cộng nghị phổ độ thu viên. Đức Đi Lặc Phật lãnh mạng cùng chư Phật Tiên Thánh Thần và bốn ức Linh căn đã đắc đạo đều xuống trần tế độ để tất cả Linh căn đều được trở về.

Khái quát về Minh sư đạo (Phật đường Nam Tông) tại Việt Nam

Minh Sư đạo chọn triều đại Vua Huỳnh Đế (2697 – 2597 TTL) – thời Đức Nhiên Đăng tá thế độ đời làm niên biểu. Do vậy, trong sớ văn Minh Sư hiện nay (năm 2017) đã là năm đạo thứ 4715. Vị Tổ đầu tiên của đạo Minh Sư là đức Bồ Đề Đạt Ma (vị Tổ thiền tông Ấn Độ thứ 28, truyền giáo qua Trung Quốc năm 520) và ảnh hưởng sâu sắc nhất là từ Lục tổ Huệ Năng – vị Tổ đã khai sinh ra phái Nam Tông….

Năm 1863, Đông Sơ Tổ Sư (vị truyền thừa thứ 16) đã đến Việt Nam hoằng khai đạo pháp. Đầu tiên, Đông Sơ Tổ sư định ghé qua Chợ Lớn nhưng trước tình hình ba tỉnh miền Đông bị thực dân Pháp xâm chiếm, Ngài đã qua Hà Tiên Lập ngôi Quảng Tế Phật đường.

Từ khi lập Quảng Tế Phật đường ở Hà Tiên, Minh Sư đạo phát triển ngày càng đông. Năm 1900, Lão Sư Ngô Cẩm Tuyền xây dựng chùa Ngọc Hoàng tại số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn. Năm 1920, chùa Ngọc Hoàng chuyển qua cho người khác quản lý nên Lão sư Ngô Cẩm Tuyền đã lập một Phật đường khác tại số 17 Trần Quang Khải, quận 1, Sài Gòn lấy tên là Quang Nam Phật đường. Kể từ đây, Minh Sư đạo phát triển mạnh và thành lập được hơn 50 Phật đường từ Bắc đến Nam, gồm 3 tông phái:

– Tông Đức Tế: có Tổ đình Quang Nam Phật đường ở 17 Trần Quang Khải, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và các chùa Nam Nhã Phật đường ở Cần Thơ, Vạn Bửu Phật đường ở Tiền Giang, – Hoà Nam Phật đường ở Đà Nẵng, Diệu Nam Phật đường ở Hà Nội ….

– Tông Phổ Tế: có Tổ đình Linh Quang Phật đường ở Hóc Môn, Phổ Hoà Phật đường ở Mỹ Tho….

– Tông Hoằng Tế: có Tổ đình Long Hoa Phật đường ở Cai Lậy, Tiền Giang và chùa Quan Âm Phật đường, Trọng Văn Phật đường ở Long An….

Ba tông phái thuộc Minh Sư đạo có giáo lý, giáo luật và hành đạo đều giống nhau, cùng có truyền thống gắn bó, đoàn kết, đùm bọc dân tộc, cùng chung tay hoạt động từ thiện.

Năm 1920, Minh Sư đạo thành lập tổ chức Giáo hội với tên gọi “Giáo hội Cư sĩ Phật đường Nam tông”, có giáo lý, giáo luật, hệ thống tổ chức là Ban Trị sự Trung ương, các tỉnh, thành phố có Tỉnh hội và ở cơ sở là các Phật đường với hàng vạn tu sỹ, tín đồ. Giáo lý của Minh Sư đạo thường được giảng dạy bằng văn thơ hợp lẽ Đời, lời Đạo nên nhanh chóng được phát triển và lan rộng trên khắp đất nước, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chùa Minh Sư có hai chữ Phật đường sau tên chùa, thờ đức Diêu Trì Kim Mẫu, đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tam giáo có đức Thái Thượng Lão Quân, đức Khổng Tử, đức Thích Ca Mâu Ni và chư Phật. Trước điện thờ có vòng Vô Cực và ngọn đèn Nhiên Đăng ở tâm vòng tròn, phía dưới là bình tịnh thuỷ. Kinh sách dùng tụng niệm là Ngọc Hoàng kinh, Địa Mẫu chân kinh, Bắc Đẩu chân kinh, Thanh tịnh kinh, Nhật tụng kinh…. Pháp tu Minh Sư rất nghiêm, tín đồ khi nhập môn vào đạo đều ăn trường trai, tuyệt dục, tuân thủ giới luật.

Cấp tu trong Minh Sư đạo có ba bậc: Thượng Thừa, Trung Thừa và Hạ Thừa.

Tôn chỉ, mục đích của Minh Sư đạo là tự tu, tự độ, độ tha, thuần tuý tu hành, tu chơn giải thoát, nhằm hiệp nhất tinh hoa của ba nền tôn giáo lớn ở Phương Đông: Nho – Thích – Đạo để tìm lại cội gốc là Đạo (quy nguyên Tam giáo). Đạo phục của Minh Sư đạo là áo dài đen, quần trắng, chít khăn đóng hoặc mũ màu đen.

Quá trình phát triển Minh Sư đạo

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhiều vị Lão sư của Minh Sư đạo đã tích cực vận động tu sỹ, tín đồ ủng hộ phong trào yêu nước giải phóng dân tộc khỏi áp bức, xâm lăng. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, khi các phong trào Cần Vương, Đông du…của các sỹ phu yêu nước diễn ra sôi nổi thì chùa Nam Nhã Phật đường ở Bình Thuỷ, Cần Thơ là nơi tập trung họp bàn quốc sự. Đại Lão sư Nguyễn Giác Nguyên trụ trì Nam Nhã Phật đường đã bị giặc Pháp bắt cầm tù ở khàm lớn Mỹ Tho năm 1913 và 1915. Đặc uỷ An Nam Cộng sản đảng Hậu Giang thành lập đã lấy chùa Nam Nhã làm địa điểm liên lạc với các cơ sở trong vùng. Các vị Ngô Gia Tự, Ung Văn Khiêm, Trương Văn Mộc… đã từng đến chùa Nam Nhã vận động khởi nghĩa năm 1945.

Ngày 16/1/1987, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã tặng bằng khen có công với đất nước cho Lão Sư Nguyễn Giác Nguyên đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ Cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày 25 tháng 1 năm 1991, Bộ Văn hoá – Thông tin đã ra quyết định công nhận chùa Nam Nhã là di tích lịch sử cách mạng. Sở Văn hoá Thông tin và Bảo tàng tỉnh Cần Thơ đã dựng bia di tích trước sân chùa; Chùa Đông Nam Phật đường ở Gò Công, Tiền Giang thường dịch và ấn tống kinh sách và thường qua lại quan hệ với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Lão Sư Lê Nghiêm Kỉnh trụ trì Đông Nam Phật đường có mời cụ về chùa ở ba tháng; Chùa Vạn Bửu Phật đường ở Gò Công, Tiền Giang trở thành trụ sở của tổ chức Thanh Niên Cách mạng tỉnh Gò Công (Tiền Giang), Lão sư Đinh Đạo Ninh trụ trì chùa bị giặc Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Các tín đồ của chùa Vạn Bửu Phật đường như Đặng Vương Tá, Nguyền Văn Côn đều trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản. Sau này, Nguyễn Văn Côn người cộng sản đầu tiên của tỉnh Gò Công đã trở thành Bí thư tỉnh ủy; Chùa Quang Nam Phật đường trước năm 1975 là cơ sở cách mạng tại nội thành Sài Gòn và nhiều những Phật đường khác có những đóng góp tích cực trong hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Khái quát về Minh sư đạo (Phật đường Nam Tông) tại Việt Nam

Trong thời kỳ xảy ra hai cuộc chiến tranh, hệ thống tổ chức Giáo hội của Minh Sư đạo không còn duy trì được như trước nữa, các Phật đường cơ sở vẫn hoạt động bình thường, ổn định tại địa phương nhưng vẫn duy trì liên hệ trong toàn đạo, tích cực tham gia các phong trào xã hội nhất là các hoạt động từ thiện.

Để Giáo hội được trở lại hoạt động có tổ chức, hệ thống chặt chẽ. Năm 2007, thực hiện quy định của pháp luật, ba phái Đức Tế, Phổ Tế, Hoằng Tế hợp nhất lại thành một Giáo hội với danh xưng: Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo và đã được Nhà nước công nhận về tổ chức tôn giáo tại Quyết định số 196/QĐ-TGCP, ngày 01/10/2008.

Hiện nay, Minh Sư đạo có 53 Phật đường hoạt động ở 19 tỉnh thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, thành phó Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bạc Liêu) với hơn 500 vị chức sắc từ bậc trung thừa và hơn một vạn tu sỹ, tín đồ. Tổ đình tại Quang Nam Phật đường, số 17 Trần Quang Khải, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng trị sự Trung ương tại Trọng Văn Phật đường, số C15/7, ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục
Bài viết mới
Xem thêm