Vì thế, cách mà Giáo Hội công bố Kinh Thánh trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh thật quan trọng, vì đây là thời khắc then chốt mà các dự tòng và ứng viên mới được trình diện với giáo huấn đức tin, và những người hiện diện đã được khai tâm vào đời sống bí tích của Giáo Hội cũng được nhắc nhớ về niềm tin của mình và nguồn gốc Kinh Thánh của những niềm tin đó.
Trong nhiều thế kỷ trước cuộc cải cách năm 1951, Lễ Vọng Phục Sinh cực kỳ phong phú về Kinh Thánh, gồm không dưới 14 bài đọc. Tuy nhiên, Lễ vọng cũng tương đối ít người dự vì nó được cử hành vào sáng thứ Bảy Tuần Thánh. Những người Công Giáo lớn tuổi mà cội nguồn của họ nằm trong những truyền thống các sắc tộc Âu châu có thể nhớ về buổi sáng thứ Bảy Tuần Thánh vì những giỏ quà Phục Sinh được ban phép lành hơn là phụng vụ Lễ Vọng. Trước là Đức giáo hoàng Piô XII và sau là Đức Phaolô VI đã thay đổi Lễ Vọng Phục Sinh nên con số các bài đọc đã được giảm xuống. Cuối cùng thì chỉ còn 9 bài đọc trích ra từ Cựu Ước và Tân Ước. Dưới mọi hình thức, từ những ngày đầu mà ta có thể lần ra được, Lễ Vọng Phục Sinh luôn kết hợp các bài đọc của mình thành một giáo huấn hay để dẫn đưa tín hữu Kitô giáo nghe, suy tư và đáp trả với những loạt bài Kinh Thánh minh họa cho lịch sử cứu rỗi.
Lề Luật (Torah)
Lễ Vọng hiện nay duy trì phụng tự và giáo lý này vì được bắt đầu với trình thuật sáng tạo theo truyền thống Tư tế trong chương 1 của sách Sáng Thế Ký (Stk 1,1-2,2). Câu chuyện hình thành thế giới được kể với cơ cấu chặt chẽ theo tiến trình sáng tạo 6 ngày với một ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi. Như vậy, Lễ Vọng Phục Sinh “bắt đầu vào lúc khởi nguyên” và đặt sự tạo dựng mọi hiện hữu như viên đá góc của tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Mối liên hệ này sẽ được đào sâu và thách thức qua những biến cố sau đó dẫn đưa đến lịch sử Israel như một quốc gia và đó là điều được kể trong những bài đọc sau của Lễ Vọng. Trình thuật tạo dựng truyền đạt cho các tín hữu bài học nói rằng Thiên Chúa tạo dựng là để chia sẻ sự tốt đẹp của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Bài học này dẫn đưa đến chủ đề giao ước, được bắt đầu nói đến trong câu chuyệt sát tế Isaac, cũng được trích từ sách Sáng Thế Ký, được kể trong bài đọc thứ hai của Lễ Vọng.
Khi trói Isaac (Stk 22,1-18), Abraham được dạy bảo phải hiến tế người con trai duy nhất cho Thiên Chúa. Cũng chính với ông Abraham này mà Thiên Chúa đã hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc vĩ đại” và sau đó bảo đảm lời hứa bằng một giao ước trọng thể. Isaac là niềm hy vọng duy nhất mà Abraham nhìn thấy sự hiện thực lời hứa của Thiên Chúa, song ông sẵn sàng vâng lời hiến tế con mình. Hẳn nhiên, Thiên Chúa can thiệp và đứa trẻ không bị làm hại, nhưng ông Abraham đã chứng minh lòng trung thành của mình với Thiên Chúa, Đấng tiếp tục hứa với Abraham qua con mình là Isaac và dòng dõi ông. Bài đọc này gây bối rối thật sự và thách đố những nỗ lực đơn giản để giải thích hình ảnh bạo lực của nó cũng như điều không thể hình dung ra được là sát tế con trẻ. Tuy nhiên, chúng ta thấy được trong thời khắc mạc khải tối tăm này cả cái giá của đức tin và sự trung thành của Thiên Chúa với lời hứa của Ngài. Khi cộng đoàn hát đáp ca cho bài đọc này “Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát” (Tv 16,10), chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng giải thoát Abraham khỏi thử thách kinh khủng thế nào thì cũng sẽ cứu chúng ta và toàn thể dân Ngài khỏi bất cứ điều gì đe dọa sự thông phần cứu rỗi của chúng ta. Kế đó, giao ước ký kết với Abraham được khẳng định và xác nhận một lần nữa trong bài đọc thứ ba của Lễ Vọng (Xh 14,15-15,1), tường thuật cuộc xuất hành của dân Israel khỏi Ai Cập.
Các ngôn sứ (Nevi’im)
Không ít hơn bốn bài đọc trích các sách ngôn sứ của Cựu Ước tôn thêm vẻ đẹp của Lễ Vọng, và đưa câu chuyện cứu rỗi băng qua nhiều thế kỷ trong lịch sử dân Israel: Isaia 54,5-14; 55, 1-11; Barúc 3,9-15, 32-4,4; Êdêkien 36,16-28. Isaia thường được xem như là cuốn sách vĩ đại nhất trong các sách ngôn sứ nên thích hợp để chọn hai bài đọc trong đó cho phụng vụ lớn nhất trong các phụng vụ. Phần được chọn trong sách Isaia cho bài đọc thứ tư và thứ năm của Lễ Vọng được trích từ phần sau của cuốn sách, thường được gọi là “Isaia đệ nhị” vì nguồn gốc của nó xuất phát từ giai đoạn thứ hai trong lịch sử soạn thảo lâu dài của tác phẩm này. Đây là những chương tươi vui nhất trong sấm ngôn của Isaia, phản ánh sự lạc quan và đức tin được canh tân của dân Israel, khai mở cho cuộc quay trở về từ nơi lưu đày Babylon cũng như kinh nghiệm sự trung thành và cứu rỗi của Thiên Chúa mạnh mẽ đến nỗi nó đánh dấu cột mốc nền tảng trong sự phát triển lòng đạo đức và tôn giáo của Do thái giáo.
Những bài đọc sách ngôn sứ này nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa tự mạc khải mình không chỉ bằng lời mà còn bằng hành động. Chẳng hạn, sự trở về từ nơi lưu đày Babylon – biến cố trọng tâm của bốn bài đọc này – được Kinh Thánh hiểu như là thời điểm tinh túy trong lịch sử cứu rỗi mà qua đó, trong hành động lịch sử đáng ghi nhớ này, dân Israel nhận ra mạc khải là Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi dân mình, dù dân ấy có lệch đường bao xa.
Xem kỹ các bài đọc này, chúng ta thấy trong Isaia chương 54 hình ảnh của hôn nhân và chủ đề giao ước, được chính thức ký kết với Abraham nhưng đã được tiên báo trong thời ông Nôê rồi. Thiên Chúa nói về dân Israel như người phụ nữ hiếm muộn nhưng giờ đã được Thiên Chúa chúc phúc với con cái vô số và sự quan tâm đầy yêu thương của chồng mình. Chính Thiên Chúa nói: “Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất” (Is 54,5). Nhắc lại giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Nôê là không bao giờ phá hũy trái đất và mọi sinh vật trong đó, Thiên Chúa nói thêm: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,10).
Sứ điệp về lòng trung thành không thay đổi của Thiên Chúa được Isaia 55 tiếp nối với tuyên bố về khoảng trống giữa Thiên Chúa và nhân loại được khắc phục trong Đức Kitô, đặc biệt là trong chiến thắng Phục Sinh của Ngài trên tội lỗi và cái chết: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta…. lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,8.11). Đây là lời mời gọi đến tất cả Kitô hữu nhìn nhận sự vĩ đại của Thiên Chúa và chấp nhận lời mời gọi làm một phần trong công bố “Lời” của Thiên Chúa, Lời tiếp tục phát ra ngày hôm nay và trong mọi thời đại như trong thời của Isaia. Barúc và Êdêkien điền vào các bài đọc ngôn sứ của Lễ Vọng, đem đến cách hiểu của người Do Thái lẫn các Kitô hữu về Lề Luật (Torah) như là dụng cụ của sự khôn ngoan và chỉ dạy của Thiên Chúa, niềm hy vọng được người Do Thái lẫn Kitô hữu chia sẻ rằng Thiên Chúa sẽ sai đến Thần Khí của Ngài và thổi hơi sự sống mới vào trong dân tộc mà dù bị ngập chìm trong tội lỗi và phản loạn họ vẫn mãi mãi là dân Thiên Chúa.
Văn chương (Ketuvim): Đáp ca
Những bài đọc ngôn sứ và những đoạn Lề Luật đi trước đã dẫn đưa cộng đoàn dự Lễ Vọng hướng về lời hứa và sự hiện thực. Để đánh dấu tiến trình này, mỗi một trong tám bài đọc trong Lễ Vọng được tiếp nối bằng một đáp ca, gồm những câu thánh vịnh hay thánh ca được tuyển chọn. Mỗi một đáp ca phù hợp và giải thích bài đọc trước đó, dần kết nối vào trong cơ cấu của lịch sử cứu rỗi qua lăng kính đức tin Kitô giáo. Đáp ca đầu tiên được trích từ Thánh vịnh 104, phản ánh sự tạo dựng thế giới của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài khi gìn giữ nó. Sự bổ sung này cho câu chuyện tạo dựng của Sáng Thế Ký chỉ được nghe đọc trong Lễ Vọng Phục Sinh; Thánh vịnh 104 đưa người nghe và người đáp trả suy tư về cách Thiên Chúa cứu chuộc được cử hành trong Lễ Phục Sinh, sự cứu chuộc thế giới vốn tốt đẹp lúc khởi đầu song bị hư hỏng vì tội lỗi.
Những bài đáp ca sau đó, thuật lại con đường mà dân Israel được Thiên Chúa chọn lựa, dẫn đưa từ nô lệ đến tự do, đã nhận lấy mạc khải của Lề Luật và các ngôn sứ, hy vọng trông chờ ơn cứu chuộc của Đấng Cứu Thế. Trong số những thánh vịnh và thánh ca được Giáo Hội chọn lựa để dạy những bài học này là Bài ca của Môisê và Miriam (Xh 15,1-6.17-18), ca tụng sự giải thoát dân Israel khỏi đất Ai cập băng qua biển đỏ; Thánh vịnh 19 ca ngợi Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan của Lề Luật cho dân Israel (chỉ được công bố trong bài đọc thứ sáu trích sách Barúc); Thánh vịnh 51, bài ca Miserere (thương xót) khiêm hạ nhưng tươi vui, đi kèm với bài đọc thứ bảy trích từ sách Êdêkien (Ed 36,16-28) và loan báo sự hân hoan của dân Israel trên những ân huệ của Thiên Chúa về tâm hồn mới và Thần Khí của chính Thiên Chúa. Những mạch tư tưởng này nối kết và quy hướng giáo lý Kinh Thánh, đưa người nghe đến bờ rìa của công bố Tân Ước về sự phục sinh.
Sứ điệp Tân Ước
Quay về với các bài đọc Tân Ước thánh Lễ Vọng Phục Sinh, chúng ta thấy có hai bài đọc: Rôma 6,3-11 và bài Tin Mừng Mt 28,1-10 (năm A); Mc 16,1-8 (năm B); Lc 24,1-12 (năm C). Trong thư Rôma chương 6, Thánh Phaolô nói về sự kết hợp phép rửa của người tín hữu với Đức Kitô trong cả sự chết lẫn sự sống mới, và khẳng định về sự phục sinh như là biến cố mà cả niềm trông cậy Cựu Ước dẫn đưa đến và từ đó nảy sinh niềm hy vọng cứu rỗi của Kitô hữu.
Bên trên cùng của giáo lý Kinh Thánh trong Lễ Vọng Phục Sinh, hai bài đọc này bắt đầu thời khắc quan trọng nhất của Lễ Vọng theo kiểu kịch tính: Giáo Hội bị che khuất trong màn đêm suốt hầu hết phụng vụ lễ vọng giờ đây được tắm gội trong ánh sáng, Alleluia ba lần hát cao dần lên mở đầu cho bài Tin Mừng và bản tóm mọi tạo dựng được công bố trong Tin Mừng. Sau khi lược qua lịch sử cứu độ, phụng vụ Vọng Phục Sinh tỏ lộ cho những người tham dự hướng dẫn thâm sâu của Kinh Thánh về tạo dựng, mạc khải và cứu độ, những chủ đề không chỉ là phần mạnh trong lòng đạo đức Do Thái giáo nhưng cũng là nền tảng cho thần học Kinh Thánh và linh đạo Kitô giáo. Những ai chia sẻ Lễ Vọng Phục Sinh được mời gọi sống lại những thời điểm mấu chốt trong quá khứ khi Thiên Chúa uốn nắn đời sống của dân Thiên Chúa. Giáo lý Phục Sinh dẫn đưa họ vào bí tích Rửa tội và Thánh Thể sau các bài đọc lễ Vọng và đó là sự hiện thực tự nhiên của giáo lý Phục Sinh.
Từ khởi sự cho đến hoàn thành, mỗi lời và cử chỉ của phụng vụ Vọng Phục Sinh tiến dần lên trong ý nghĩa. Chín bài đọc cùng nhau hình thành nên những bài học cốt lõi của Kinh Thánh gợi cho thính giả con đường cứu rỗi, chuẩn bị họ gặp gỡ Chúa Phục Sinh, nhìn nhận Ngài, ôm lấy Ngài với trọn vẹn niềm vui phục sinh!