Lâu nay, trong dân gian thường có câu “Chó chui gầm chạn” hoặc “Chó nằm gầm chạn” để chỉ cảnh bị gò bó, không được tự do của những người phải sống nhờ bên nhà vợ, thường là những chàng trai mới cưới vợ, về ở tạm hoặc lâu dài (do khó khăn về kinh tế không thể có tiền, đất để dựng nhà riêng; cũng có thể được nhà vợ “mời” về ở).
Trên thực tế, cái chạn bát trong gia đình người Việt ở Bắc Bộ trước đây có gầm rất thấp, thường chỉ 10 – 15cm. Với chiều cao như vậy, không con chó nào có thể chui vào đó để nằm. Như vậy, “Chó chui gầm chạn” hoặc “Chó nằm gầm chạn” là không đúng về nghĩa đen; từ đó, cũng không đúng về nghĩa bóng khi nói về tình cảnh của những người đi ở rể. Từ “chạn” trong câu thành ngữ này bắt nguồn từ ngôn ngữ và tập tục của người Mường hoặc người Thái.
Trong ngôn ngữ của người Mường có từ “chạn” (hay “chan”, tùy cách phát âm của từng vùng), dùng để gọi khoảng sàn nhà từ hết bậc cầu thang cao nhất (bậc cuối cùng) đến cửa nhà (cửa ra vào sàn trong nhà, để tạo ra sự kín đáo cho phần chính của ngôi nhà và để ngăn gà, nhất là chó vào nhà, gây ra sự lộn xộn, bẩn thỉu do các con vật mang vào). Khoảng sàn/“chạn”, “chan” này để cho chó nằm vào những đêm đông giá rét (tại đây, chủ nhà làm một ổ rơm cho chó nằm). “Chó nằm chạn” hiểu theo nghĩa đen là trong trường hợp này. Còn theo nghĩa bóng, “Chó nằm chạn” để nói về những người ở rể (hay ở nhờ nhà vợ) tuy vẫn được nhà vợ bố trí chỗ ở nhưng không phải là chỗ đàng hoàng, tuy vẫn được nhà vợ chú ý đến những tình huống, hoàn cảnh “xấu”, song người đó vẫn không thật sự được tin cẩn, bị nhà vợ gạt ra khỏi những hoạt động có tính riêng biệt, không được tự do thật sự.
Còn trong ngôn ngữ của người Thái (nhóm Thái Đen), từ “chan” có nghĩa là “bếp”. Nhà của người Thái có hai cầu thang: cầu thang chính (ở phía đường đi chính trong bản, gắn với bên quản, tức gian đầu tiên khi từ cầu thang lên dành cho khách, nên gọi là đay quản, dành cho nam giới và khách là nữ giới đi; cầu thang phụ ở phía bên kia (phía bếp), gọi là đay chan, chỉ dành cho nữ giới (nam giới không phải là người trong nhà nếu đi cầu thang này sẽ bị coi là có dụng tâm đen tối). Ở trên nhà, mặt sàn về phía thang quản dành cho nam giới ngủ, ngồi ăn cơm, uống nước; phía cầu thang bếp dành cho nữ giới. Quy định này đã trở thành tập tục từ lâu đời, đến nay vẫn được duy trì.
Như vậy, “Chó nằm chạn” nếu hiểu theo tiếng Thái là “Chó nằm bếp”.
“Chó nằm chạn” hay “Chó ở chạn” có gốc gác từ ngôn ngữ và tập tục của người Mường và người Thái, đều có hàm ý chỉ sự gò bó, không thoải mái của những người đi ở rể hay phải ở nhờ nhà vợ. Tuy nhiên, xét cả nghĩa đen và nghĩa bóng, “Chó nằm chạn” hay “Chó ở chạn” gắn với ngôn ngữ và tập tục của người Mường nhiều hơn.