Tứ phủ Chầu Bà gồm những ai?

Tứ phủ Chầu Bà hay Tứ phủ Thánh Chầu là các vị thánh nữ thay quyền Thánh Mẫu cai quản khắp bốn phủ: Thiên, Nhạc, Thoải và Địa phủ.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Trong Tứ Phủ thì Tứ Phủ Chầu Bà đứng ở vị trí dưới Ngũ Vị Tôn Ông và đứng trên Tứ Phủ Thánh Hoàng, Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tứ phủ Chầu Bà gồm những ai?

Đền thờ Tứ Phủ Chầu Bà

Tứ Phủ Chầu Bà gồm 12 vị Chầu Bà hay Thập nhị Chầu Bà gồm có:

1. Chầu Bà Đệ Nhất

Chầu Bà Đệ Nhất tên đầy đủ là Đệ Nhất Thượng Thiên Công Chúa. Chầu Bà Đệ Nhất được dân ta huyền hóa qua đời thứ nhất mẫu Liễu giáng ở Vị Nhuế, Nam Định. Ngài là hiện thân của Thánh Mẫu đệ nhất, thuộc dòng đi tu, ít khi ngự đồng. Trang phục của Ngài là áo đỏ khăn hồng (khăn buồm). Ngài làm việc trong nội cung phủ Giầy.

2. Chầu Bà Đệ Nhị

Chầu Bà Đệ Nhị tên đầy đủ là Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn Công Chúa theo dân gian tương truyền là con gái gia đình người Mán ở Đông Cuông, tên húy là Lê Thị Kiệm, vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông. Bà là hóa thân của Mẫu đệ nhị của chúa. Bà là hình mẫu của dân ta trên cõi thượng ngàn. Chầu Đệ Nhị hạ sinh vào giờ dần ngày Mão tháng giêng năm Thân. Có tích nói ngày Mão tháng Mão năm Thân thuộc thời Lê là con vua Đế Thích thiên đình. Ngày tiệc của Bà là ngày mão đầu tiên của năm.

Chầu Bà Đệ Nhị được giao quyền cai quản 36 động Sơn Trang. Đền thờ Chầu Đệ Nhị tại Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

3. Chầu Bà Đệ Tam

Chầu Bà Đệ Tam tên đầy đủ là Đệ Tam Thủy Tinh Công Chúa là sự hiện hóa của Mẫu đệ tam. Đền thờ Chầu Bà Đệ Tam ở đền Rồng, đền Nước, đền Hàn Thanh Hóa, đền Mẫu Thoải Lạng Sơn và các cửa sông cửa bể.

4. Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai

Chầu Bà Đệ Tứ hay Đệ Tứ Tùy Tòng Công Chúa. theo tương truyền là bà Chiêu Dung công chúa, là tùy tướng của Hai Bà Trưng, một trong tám tướng hồng nương.

Nhiệm vụ của Chầu Bà Đệ Tứ là tùy tòng hầu cận bên Mẫu tam tòa, làm việc nội cung quản lý sổ sách trần gian.

Chầu Bà Đệ Tứ mặc áo vàng chít khăn buồm. Đền thờ Chầu Đệ Tam ở phủ Giầy, đền Cây Thị Thanh Hóa, Đền Thượng Lào Cai, đền Chầu đệ tứ Gia Lâm.

5. Chầu đệ Ngũ suối Lân

Chầu đệ Ngũ suối Lân hay Chầu Năm Suối Lân vốn là người Nùng, dưới thời Lê Trung Hưng ( còn có tài liệu ghi lại rằng, Chầu là công chúa tìm nơi thanh vắng, đền cảnh Suối Lân thì Chầu ở lại giúp dân), theo lệnh vua, Chầu trấn giữ cửa rừng Suối Lân bên dòng sông Hóa, coi sóc khắp vùng sông Hóa. Ở đó Chầu không chỉ trấn giữ nơi sơn lâm mà còn giúp dân làm ăn, dạy dân đi rừng, làm nương.

Sau này, Chầu hóa tại đó và hiển linh giúp dân thuần phục mọi loài ác thú, trừ diệt sơn tinh, ma quái. Tương truyền vào những đêm thanh, Chầu hiện hình cùng 12 cô hầu cận bẻ lái giữa dòng sông Hóa.

Thông thường thì Chầu Năm ít ngự đồng hơn là Chầu Lục, Chầu chỉ thường ngự trong ngày tiệc vui hoặc những ai sát căn về Chầu thì mới hay hầu. Tuy nhiên Chầu Năm cũng là vị Chầu Bà trên sơn trang nên có đôi khi người ta cũng thỉnh Chầu về chứng tòa Sơn Trang. Chầu ngự về đồng thường mặc áo màu lam (bây giờ ở một số nơi, để tránh áo Chầu Năm trùng với áo Chầu Lục thì người ta thường dâng Chầu áo xanh thiên thanh và coi đó là màu áo của dòng Suối Lân hoặc Chầu cũng có thể mặc áo màu xanh như của Chầu Đệ Nhị), Chầu khai cuông rồi múa mồi. Chầu Năm là vị Chầu Bà cũng có thể chứng cho con nhang đệ tử đội mâm giầu trình.

Đền thờ Chầu Đệ Ngũ

Đền thờ Chầu Năm Suối Lân có tên là Đền Suối Lân được lập bên bờ con sông Hóa, qua cầu Sông Hóa 2 thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Dòng suối Lân chảy cạnh đền quanh năm nước trong veo, xanh ngắt. Ngày tiệc Chầu được tương truyền là ngày 20/5 Âm lịch.

6. Chầu Lục

Chầu Lục tên đầy đủ là Chầu Lục Cung Nương, tên gọi khác là Mế Lục Cung Nương hay Lục Cung Đô Thống. Chầu là con gái tù trưởng người Nùng, Hữu Lũng, Lạng Sơn, mẹ là công chúa nhà Trần, hạ sinh vào thượng tuần tháng 9 ngày 10 năm Thân. Chầu là hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh, con vua cha Ngọc Hoàng, làm rơi chén ngọc nên bị đầy xuống trần gian 15 năm.

Tương truyền, Chầu vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, chẳng may để rơi chén ngọc nên bị trích giáng xuống trần gian. Chầu giáng sinh vào nhà họ Trần (cha họ Trần, mẹ họ Hoàng) vốn là lệnh tộc trên miền Lạng Sơn (lại có tài liệu cho rằng Chầu Bà giáng sinh vào nhà họ Quách vào giờ Mão, ngày Mão, tháng Mão, năm Kỉ Mão, được đặt tên là Quách Thị Hồng Hoa), được 19 năm thì mãn hạn về Chầu Đế Đình, nhưng vì Chầu còn thương nhớ phụ mẫu nơi trần gian nên Ngọc Đế cho bà hiển thánh, cai giữ miền non ngàn sơn trang, nơi rừng Chín Tư, Hữu Lũng. Cũng như Chầu Năm, Chầu Lục hiển ứng giúp dân làm trồng trọt. Tuy anh linh nhưng bà cũng rất đành hanh, còn lưu truyền rằng, Chầu thường cùng các bạn tiên nàng giả làm các cô gái người Nùng, bán hàng, ung dung cợt khách qua đường.

Chầu Lục cũng là một trong các vị Chầu danh tiếng trên ngàn có lẽ bởi vì Chầu rất hay bắt đồng. Cũng như Chầu Đệ Nhị, người ta cũng thường hay thỉnh Chầu Lục về ngự đồng. Đôi khi Chầu Lục lại là giá Chầu về sang khăn cho đồng tân lính mới và chứng đàn Sơn Trang trong lễ mở phủ. Chầu Lục cũng có thể chứng mâm giầu trình. Khi ngự đồng, Chầu mặc áo màu lam (hoặc màu chàm xanh), khai cuông rồi múa mồi.

Đền thờ Chầu Lục

Đền Chầu Lục được lập tại thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (tương truyền là nơi Chầu hạ phàm và hiển thánh) được gọi là Đền Lũng hay Đền Chín Tư. Trong năm ngày tiệc Chầu Lục có hai ngày là ngày 10/5 âm lịch (có người nói đó là ngày đản sinh của Chầu nhưng điều này cũng chưa chắc chắn) và ngày 20/9 âm lịch (có người cho đó là ngày hóa, có người lại cho rằng đó mới là ngày đản sinh của Chầu chứ không phải là 10/5 âm lịch).

7. Chầu Bảy Tân La, Chầu Bảy Kim Giao

Chầu Bảy Tân La hay Chầu Bảy Kim Giao vốn là người Mọi, Chầu giáng thế để giúp dân. Chầu hạ sinh vào gia đình ở đất Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên, sau này Chầu giúp dân dẹp loài xâm lăng trên đất Thái Nguyên rồi bà cũng là người giúp người dân tộc Mọi biết làm ăn canh tác trồng trọt chăn nuôi (còn có người cho rằng bà chính là người dạy dân biết trồng chè tuyết). Sau này khi về thiên, Chầu được giao quyền quản cai núi rừng Mỏ Bạch, Thái Nguyên, tương truyền vào những đêm canh khuya Chầu thường hiện hình dạo chơi, cùng các tiên nàng hội họp giữa rừng xanh (Lại có tài liệu cho rằng bà là một vị nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, cùng Chầu Bát đánh giặc và sau được thờ tại Tân La, Hưng Yên nên còn gọi là Chầu Bảy Tân La).

Chầu Bảy là vị Chầu Bà ít khi ngự đồng nhất trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà. Rất hiếm khi thấy có người nào hầu mà bà về ngự. Nếu có chỉ là khi về đền chính của Chầu, bà ngự đồng mặc áo màu tím (hoặc màu xanh), khai cuông rồi múa mồi.

Đền thờ Chầu Bảy Kim Giao tại đền Kim Giao tại Thanh Liên, đền Mỏ Bạch thuộc tỉnh Thái Nguyên (tương truyền là nơi còn in dấu tích của bà năm xưa).

8. Chầu Bát

Chầu Bát có tên gọi khác là Chầu Tám thượng ngàn hay Bát nàn đại tướng Đông Nhung. Chầu quê ở vùng Phượng Lâu Bạch Hạc. Chầu dấy binh khởi nghĩa theo Hai Bà Trưng, sau khi thất thủ Chầu rút chạy từ Đồng Mỏ về Thái Bình ẩn náu trong chùa Tiên La. Khi giặc Hán phát hiện đã bao vây, Chầu quyết một lòng kiên trung mở đường máu tử tiết ở giữa sân chùa anh linh đã dậy tiếng đồn khắp bốn phương nức tiếng âu ca đá vàng ghi tạc sử xanh muôn đời, trải qua các triều đại sắc phong anh hùng liệt nữ. Chầu về đồng mặc áo vàng chít khăn củ ấu, ra tay dấu 8 ngón, lưng đeo kiếm cờ khai quang múa kiếm múa cờ.

Có tài liệu cho rằng Chầu Bát là vị Chầu Bà giáng sinh dưới thời nước ta còn trong ách đô hộ của nhà Đông Hán, tên thật của bà là Vũ Thị Thục Nương, con gái thầy thuốc Vũ Chất, nguyên quán ở Phượng Lâu, Bạch Hạc (nay thuộc Vĩnh Phúc).

Tương truyền, gia đình họ Vũ vốn thuộc dòng hào phú, một hôm ông Vũ Chất đi dạo chơi qua ngọn núi nọ, thấy ngôi miếu thờ Sơn Tinh Công Chúa được lập từ thời thượng cổ, nay hoang tàn đổ nát, ông thành tâm liền huy động nhân dân quanh vùng góp tiền của công sức để tu sửa lại ngôi đền khang trang hơn. Khi về đến nhà chợt nằm mộng thấy có người tiên nữ đến xin làm con để trả ơn đã sửa đền. Liền đó, vợ ông thấy gió thu thổi, rồi có bóng người tiên nữ hiện ra trong làn hoa rơi trước cửa, kế đến thái bà thụ thai, đến ngày rằm tháng tám thì hạ sinh được Chầu Bà.

Chầu Bà là người con gái xinh đẹp đảm đang lại giỏi cung kiếm. Thái Thú Giao Châu lúc bấy giờ là Tô Định đem lòng si mê, muốn cùng bà kết duyên nhưng bà không chịu. Hắn bèn sai người giết hại cha bà cùng với lang quân của bà là Phạm Danh Hương. Thù nhà nợ nước, bà bèn tập hợp quân dân phất cờ khởi nghĩa. Vào năm 40 (sau công nguyên), Chầu cùng với Hai Bà Trưng đánh đuổi được quân xâm lược Đông Hán (trong tích này còn lưu truyền câu chuyện, khi dấy binh ở Tiên La thì Chầu Bà đã nghe tiếng Hai Bà Trưng hiệu triệu, nhưng còn băn khoăn chưa biết có nên tập hợp nghĩa quân cùng Hai Bà không, thì vào đêm đó, Chầu nằm mơ thấy nữ thần vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trao cho Chầu Bà lá cờ thần (cờ xan) và khuyên Chầu nên theo Hai Bà Trưng phất cờ dẹp giặc, và Chầu Bát đã làm theo ý trời, về Mê Linh tụ nghĩa), Chầu được Bà Trưng Vương phong cho là Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân (còn có cách giải thích là Chầu đã giúp dân thoát khỏi tám nạn của quân đô hộ nên có danh “Bát Nàn Tướng Quân” là do đọc chệch từ “bát nạn”), giao cho bà cùng với bà Lê Chân (Thánh Thiên Công Chúa) trấn giữ miền duyên hải (từ Hải Phòng đến Thái Bình).

Năm 43 (sau công nguyên), sau ba năm nước nhà độc lập, quân Đông Hán dưới quyền chỉ huy của Mã Viện, quay lại xâm chiếm nước ta, bà cùng với Hai Bà Trưng kiên cường đánh trả, nhưng do thế yếu ( trong trận quyết chiến cuối cùng, quân giặc đã dùng kế hiểm, biết binh sĩ ta toàn nữ giới, nên chúng hò nhau khỏa thân xông vào, các bà không chống đỡ nổi phải rút lui), cuối cùng Chầu cũng theo gương hai bà, trẫm mình để bảo toàn khí tiết (có tài liệu còn ghi lại khi bà kéo quân về đến ngã ba Nông thì đột nhiên có dải lụa hồng từ đâu bay tới, thế là quân giặc liền hò réo để bao vây bà, thi thể của bà xẻ làm tám mảnh, trôi về đâu, hiển ở đấy để nhân dân lập đền thờ).

Chầu Bát cũng thường hay ngự về đồng (nhất là trong những dịp tiệc vui hoặc về đền Chầu). Khi ngự đồng bà thường mặc áo màu vàng (trước đây thì thường lại là màu xanh), đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) màu vàng, có dải von hoặc vỉ lét thắt dải buộc, sau lưng dắt kiếm và cờ lệnh, tay múa kiếm và cờ lệnh ngũ sắc.

Đền thờ Chầu Bát

Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn có ở rất nhiều nơi: nổi tiếng nhất có Đền Tiên La thuộc thôn Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (tại đây là nơi nhân dân chịu ơn Chầu cũng là nơi di thể Chầu trôi về, nên ở đây Chầu còn được tôn xưng hẳn là Mẫu Tiên La, nên cũng có khi gọi là Chầu Bát Tiên La), tại đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện: khi Chầu Bát đã thác ở trên ngàn, Chầu còn hóa phép đốn cây rừng, đóng thành bè gỗ theo dòng trôi về bến sông gần đền Tiên La rồi bà báo mộng cho người thủ đền cùng dân quanh vùng ra đón bè về để tu sửa đền.

Tiếp đến là Đền Chầu Tám Đồng Mỏ, thuộc thị trấn Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn (tương truyền là nơi Chầu hóa), ngoài ra còn có Đền Tân La ở Dốc Lã thuộc tỉnh Hưng Yên (là nơi Chầu đóng quân) và Đền Tiên La (đền vọng) hay còn gọi là Đền Tám Gian tại đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng (cũng là nơi di hài Chầu trôi về, tại đây bà còn được tôn xưng với tên Chúa Bát Nàn, thường được hầu sau hàng Tam Vị Chúa Mường, về làm lễ tấu hương và khai quang như quan lớn chứ không hầu vào hàng Tứ Phủ Chầu Bà như thông thường) và còn rất nhiều đền khác trong tỉnh Thái Bình và nơi quê nhà của bà ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày tiệc của Chầu Bát là ngày 17/3 âm lịch (là ngày Chầu hóa).

Đề thờ Chầu Bát ở Lạng Sơn (nơi Chầu đánh trận và để lại lá cờ thần), ở Tiên La Thái Bình (nơi Chầu ẩn náu và tiết khí hi sinh).

9. Chầu Cửu

Chầu Cửu hay Chầu Chín Cửu Tinh Chầu vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, sinh giáng ở đất Bỉm Sơn, Thanh Hóa, làm phúc giúp dân. Sau này khi thác hóa bà trờ thành vị Chầu Bà kề cận, biên chép sổ sách bên Cửu Trùng Thiên Cung Vạn Hoa Vương Mẫu. Khi thanh nhàn Chầu thường cùng bạn cát dạo chơi khắp nơi, giáng hiện tại đất Thanh Hóa (có tài liệu cho rằng bà cũng là người cai quản chín mạch nước giếng âm dương trên đất Thanh. Theo âm Hán: Cửu là chín, Tỉnh là giếng nên Cửu Tỉnh cũng có nghĩa là chín giếng), có khi Chầu cũng giá ngự trong Đền Sòng (vì vậy đôi khi người ta cũng gọi là Chầu Cửu Đền Sòng). Cũng có quan niệm cho rằng bà là Thụy Hoa Công Chúa (hay có một số sách nói là Chầu Quỳnh) trên Thiên Cung, xuống Đồi Ngang, Phố Cát, kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh.

Đền thờ Chầu Cửu

Chầu Cửu thường hay ngự đồng khi về các ngôi đền ở Phủ Dày, Nam Định hoặc Đền Sòng, Thanh Hóa. Khi ngự đồng Chầu mặc áo màu đỏ (có một số nơi dâng Chầu áo màu hồng), khai quang rồi múa mồi.

Đền thờ Chầu Cửu

Vì coi là kề cận bên Mẫu nên Chầu Cửu thường được thờ ở những ngôi đền chính của Mẫu như Đền Rồng, Thanh Hóa và Phủ Bóng, Nam Định ngoài ra ở một số đền còn thờ Chầu làm Chầu Thủ Đền coi giữ trong bản đền. Nhưng ngôi đền được coi là đền chính của Chầu Cửu là Đền Cô Chín Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

10. Chầu Mười Đồng Mỏ

Chầu Mười Đồng Mỏ có tên gọi khác là Mỏ Ba công chúa. Chầu vốn là con gái tù trưởng ở đất Đồng Mỏ. Sinh thời Chầu giỏi võ và kiếm cung, khi vua Lê Thái Tổ hiệu triệu toàn dân đánh giặc, Ngài đã chiêu binh ra sức giúp triều đình. Sau khi giặc tan triều đình phong công. Chầu giúp dân lập ấp tế trợ cứu bần. Đến mùa thu Chầu mãn hạn về tiên. Triều đình phong tặng anh hùng liệt nữ, tiếng Chầu anh linh biến hiện khắp Bắc Trung Nam xa gần nô nức trảy hội Mỏ ba. Chầu được Ngọc Hoàng sắc phong Khâm sai bốn phủ – một trong những vị Chầu tối linh được nhân dân và con nhang đệ tử phụng sự loan giá. Chầu về ngự áo vàng khăn chữ nhân, ra tay dấu 10 ngón, lưng đeo kiếm cờ múa kiếm múa cờ ngự đồng loan giá phán chỉ thông truyền chứng lễ hoa quả lương thực.

Có tài liệu lại cho rằng Chầu Mười vốn là người Tày, dưới thời Lê Thái Tổ Trung Hưng khởi binh chống giặc. Chầu sinh quán trong một gia đình có truyền thống đao cung ở đất Mỏ Ba (Đồng Mỏ), Lạng Sơn. Sau này, Chầu trở thành vị nữ tướng tài ba, tập hợp quân dân các dân tộc ở đất Đồng Mỏ, giúp vua Lê đánh đuổi giặc Minh. Vua rất tin tưởng, giao cho Chầu trấn giữ các châu, nơi cửa ải Chi Lăng. Trong trận quyết chiến Chi Lăng, Xương Giang, Chầu đã lập chiến công, chém cụt đầu tên tướng giặc là Liễu Thăng. Kháng chiến thắng lợi, bà được vua phong công, giao cho cai quản vùng Mỏ Ba, Đồng Mỏ, trấn giữ ải Chi Lăng. Tại vùng Mỏ Ba, ba giúp dân lập xóm ấp làng bản, dạy dân làm ăn, được già trẻ xa gần ai ai cũng mến phục. Đến cuối mùa thu thì Chầu về tiên.

Theo lịch sử ghi lại, thực tế Liễu Thăng bị chém là do quân quan triều đình. Vì vậy, có lẽ Chầu Mười chính là người thổ dân có công giúp quân triều đình chiến đấu thắng lợi và giết được Liễu Thăng.

Chầu Mười thường hay về ngự đồng trong các dịp tiệc vui hoặc các cửa đền ở đất Lạng Sơn. Khi ngự đồng, Chầu thường mặc áo vàng, một múa kiếm, tay kia múa cờ lệnh (hoặc mồi) là khi Chầu xông pha nơi trận mạc.

Đền thờ Chầu Mười được lập ngay sát cửa ải Chi Lăng, nơi bà trấn giữ năm xưa, chính là Đền Chầu Mười Đồng Mỏ hay Đền Mỏ Ba, lập tại xã Mỏ Ba, thị trấn Đồng Mỏ, Lạng Sơn.

11. Chầu bé Bắc Lệ

Chầu bé Bắc Lệ công chúa là con gái người Nùng ở Hữu Lũng Lạng Sơn, bị giặc cưỡng bức đã hòa mình xuống sông Bắc Lệ. Chầu anh linh giúp dân giúp nước độ người viễn sứ tha hương, lúc lại hiện hóa ra người bán hàng, chữa bệnh. Ngài là hiện thân của Mẫu đệ nhị thượng ngàn.

Chầu Bé vốn gốc người Nùng, dưới thời Lê Thái Tổ, Chầu giáng sinh xuống miền Bắc Lệ, Lạng Sơn. Chầu cũng là vị có công giúp dân, giúp nước. Có tài liệu cho rằng Chầu Bé tuy là một vị Chầu Bà người Nùng trên Lạng Sơn, nhưng Chầu lại chính là do Mẫu Thượng Ngàn hóa thân, giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh, và sau này được vua phong là Lê Mại Đại Vương. Vậy nên đôi khi Chầu Bé cũng được đồng nhất với Bà Chúa Sơn Trang. Chầu dạo chơi khắp chốn thắng cảnh hữu tình, dạy dân chúng trồng trọt chăn nuôi, lên rừng làm ruộng bậc thang, xuống sông suối đánh bắt cá tôm. Tương truyền, Chầu Bé có phép thần thông do Đức Thái Tổ ban quyền có thể lay núi chuyển ngàn, đôi lúc rong chơi Chầu lấy tàu lá giả làm hàng bán để trêu đùa người trần gian. Tuy đành hanh sắc sảo nhưng Chầu cũng hết sức nhân hậu, có việc dữ lành Chầu đều mách bảo cho người trần.

Chầu Bé cùng với Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục, là một trong ba vị Chầu Bà trên Thượng Ngàn hay về ngự đồng nhất. Tuy thứ bậc Chầu gần như là cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nhưng không một ai hầu mà Chầu không ngự đồng. Chầu ngự về đồng thường hay mặc áo đen (hoặc xanh chàm, còn trước đây Chầu chỉ mặc quầy và áo ngắn đến hông), chân đi xà cạp, trên vai đeo gùi hoa, Chầu về đồng thường khai quang rồi múa mồi. Đôi khi Chầu Bé có thể giống như Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục: Chầu về chứng tòa Sơn Trang trong đàn mở phủ, sang khăn cho tân đồng hoặc chứng mâm giầu trình.

Chầu Bé Bắc Lệ và hai hầu cận bên Chầu là Nàng “Ân”, nàng “Ái”.

Đền thờ Chầu Bé

Đền thờ chính của Chầu Bé là ngôi đền nhỏ bên cạnh đền Bắc Lệ ở xã Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngày tiệc Chầu thì có nơi nói là 12/9 âm lịch, có nơi nói là 19/9 âm lịch. Ngoài Chầu Bé Bắc Lệ ra thì ở một số bản đền có các Chầu Bé cũng trên Thượng Ngàn, là Chầu Bé coi giữ ở đền đó và chỉ khi về chính đền, các vị đó mới ngự.

12. Chầu Bà bản đền

Chầu Bà Bản Đền có tên gọi khác là Bản Đền công chúa hay Thủ điện công chúa. Chầu là hiện thân của các vị thánh Mẫu tùy vào bản đền đó và địa phương mà Ngài thị hiện, vì vậy Chầu về đồng các màu sắc, thường người hầu Chầu thủ đền vào đầu năm thì mặc áo hồng khăn hồng, cuối năm thì mặc áo xanh khăn xanh.

Hiện nay người ta không hầu và cũng không biết đến giá Chầu nữa nhưng văn Chầu thủ đền và một số nơi vẫn được lưu giá và hầu Ngài.

Updated: 31/03/2022 — 10:23 chiều

1 Comment

Add a Comment
  1. rat tuyet voi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *