Hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép nhiều trong sử sách, điển hình như trong: An Nam chí lược, 1333; Thiền uyển tập anh, 1337; Việt điện u linh, 1329; Đại Việt sử ký toàn thư, 1479 và vô vàn những bia ký.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1072, tên húy là Từ Lộ, con của Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan ở làng Yên Lãng (còn gọi là làng Láng), là người thông minh, hiếu học, có chí lớn. Sau khi cha mất, Từ Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học đạo. Khi trở về, ông đến tu tại núi Phật Tích (còn gọi là núi Sài Sơn – Hà Nội). Tại đây ông cho xây am Hương Hải, viện Phổ Đà, sau này trở thành chùa Thiên Phúc (chùa Thầy). Ông là người có kiến thức uyên thâm về đạo Phật, thường đi khắp nơi giảng đạo pháp.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, quyển III ghi lại việc Từ Đạo Hạnh thoát xác tại chùa núi Thạch Thất (nay là Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) vào năm 1117, ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời. Theo đó, Lý Nhân Tông tuổi cao chưa có con nối dõi, xuống chiếu chọn con tông thất để lập con nối. Khi đó Sùng Hiền hầu cũng chưa có con, gặp lúc nhà sư Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà liền bàn việc cầu tự. Từ Đạo Hạnh hứa sẽ đầu thai vào làm con của Sùng Hiền Hầu. Quả nhiên sau đó Đỗ Thị có mang, nhưng trở dạ mãi không đẻ. Sùng Hiền Hầu liền sai người đi báo với Từ Đạo Hạnh.
Ngày mồng 7 tháng Ba năm (1117), Từ Đạo Hạnh sau khi tụng kinh niệm Phật và cầu khấn Sơn Thần, bèn lên hang Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, tọa thiền và trút xác trong hang. Khi ngài chết ở tư thế ngồi, thân xác để nguyên 100 ngày trong hang núi không thối rữa. Người đời bèn đem thân xác ngài đặt lên bàn thờ ở chùa Thầy để thờ.
Vài trăm năm sau, xác ngài vẫn nguyên vẹn trên bàn thờ. Đến khi giặc Minh sang xâm lược, chúng đem xác của Thánh sư Đạo Hạnh ra đốt thì mới cháy, lúc đó thân xác mới mất. Ngay đúng hôm thánh sư Từ Đạo Hạnh viên tịch, vợ của Sùng Hiền Hầu là Đỗ Thị bỗng dưng thụ thai. Chín tháng sau, Đỗ Thị sinh ra con trai, đặt tên là Dương Hoán (Đoạn này phải là sau khi Từ Đạo Hạnh thoát xác thì Đỗ Thị liền trở sinh thì đúng hơn). Nhân Tông nghe thế đưa vào cung làm con nuôi và lập Dương Hoán làm Thái tử. Sau khi vua Lý Nhân Tông băng hà, Dương Hoán kế vị, trở thành vua Lý Thần Tông.
Ngày nay, rất nhiều ngôi chùa trên địa bàn các phường Láng Thượng, Láng Hạ, Láng Trung, Quan Hoa, Hạ Yên Quyết cùng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hoặc thân phụ, thân mẫu của ngài. Vì vậy hội Láng là lễ hội lớn được đồng thời tổ chức bởi các ngôi chùa: chùa Láng Cả, chùa Nền, chùa Thưa, chùa Hoa Lăng… được mở cùng ngày với hội chùa Thầy – nơi tu hành của Thiền sư.