Ăn cỗ lấy phần là như nào?
Tại nhiều vùng nông thôn miền Bắc, khi đi ăn cỗ cưới (hoặc cỗ đám giỗ), chủ nhà ngoài sắp xếp những món ăn ngon, còn để thêm các túi bóng để người đi ăn cỗ có thể lấy phần mang về. Đa số các mâm phụ nữ, các bà, các chị chỉ ăn những món nóng, còn những món nguội như xôi nếp, gà, giò, tôm, thịt, hoa quả, họ cho vào túi mang về cho con cháu. Nhiều khi trong làng, trong họ có cụ già không đến ăn cỗ, chủ nhà còn chuẩn bị một đĩa xôi, giò, nước ngọt, hoa quả để mang đến biếu.
Với những người dân quê, “ăn cỗ lấy phần” là phong tục đã được truyền từ nhiều đời. Trước đây ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, người nông dân không đến nỗi là nghèo đói, nhưng cũng không dư dả gì. Với một số gia đình đông con, cuộc sống nông dân quanh năm vất vả, chật vật tìm kế sinh nhai, lo toan từng miếng cơm, manh áo… Để có được một bữa ăn thực sự người ta phải chờ đến cỗ cưới, lễ, tết và chỉ những ngày đó mới có được miếng ăn ngon, tính ra một năm không quá mười ngày có “cỗ”. Bởi khi có miếng ngon thì không ai lỡ ăn một mình, nên mới xuất hiện “ăn cỗ lấy phần”. Khi đi ăn cỗ, người ta chỉ ăn rất ít, những miếng ngon để dành, gói mang về cho con cháu ở nhà.
Những người được đại diện cho gia đình đi ăn cỗ thường nghĩ đến người ở nhà. Những đứa trẻ được ăn những phần cỗ ấy chúng sẽ biết anh, chị nào trong xóm, trong họ cưới, và những người mang cỗ về thấy con cháu ăn ngon miệng cũng rất vui lòng. Đặc biệt, nhà có đám cũng vui vẻ vì cỗ bàn thừa cũng không biết để làm gì, vì thức ăn đã chế biến sẽ nhanh hỏng, vậy nên việc này còn thể hiện đức tính tiết kiệm nữa. Bản thân việc lấy phần cỗ thừa trên mâm không ảnh hưởng đến kinh tế của gia chủ, hơn nữa những người đi ăn cỗ thường có “tiền mừng”.
Ăn cỗ lấy phần – nét đẹp văn hóa nông thôn Việt
“Ăn cỗ lấy phần” cũng là nét đẹp “nhường cơm sẻ áo” của người Việt, có miếng ngon thì cùng sẻ chia, có hoạn nạn thì cùng gánh vác. Khi nhà có khách, chủ nhà thường gọi tất cả con cháu về cùng ăn cỗ, chứ nhất định không ăn một mình. Nhà có miếng ngon, món lạ dù ít dù nhiều, con cái về đông đủ thì mới ăn. Trong xóm, trong làng nhà nào có đám, có việc, hàng xóm sang giúp đỡ rất đông. Phong tục này thường gắn bó với các vùng quê, được người địa phương vui vẻ chấp nhận.
Ngày nay, sự ăn uống với nhiều gia đình đã không còn là vấn đề, nhưng phong tục “ăn cỗ lấy phần” vẫn được duy trì ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc. Nó vừa là thói quen, vừa là lời nhắc nhở nhau về đức tính tiết kiệm và sẻ chia, cũng là lời răn dạy về đức hy sinh cho con, cho cháu.
Mặc dù hiện tại, có khá nhiều người thành thị cho rằng “ăn cỗ lấy phần” là một thứ phong tục lạc hậu, và một số người có thói quen để lại đồ ăn, để lại mâm cỗ ăn dở để chứng tỏ rằng mình không phải là “kẻ đói kém”. Nhưng xét cho cùng, tâm lý giữ thể diện đó đã khiến người ta lãng quên thói quen trân trọng thành quả của chính mình. Khi người ta có thể lãng phí một bữa cơm, người ta hoàn toàn có thể lãng phí tiền bạc của công ty, và cũng càng có thể lãng phí tài sản của đất nước. Khi người ta không biết quý trọng thức ăn, người ta cũng rất có thể sẽ không quý trọng người khác, và cũng càng có thể không quý trọng môi trường.