Hồi giáo

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Thánh đường Hồi giáo tại thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội và tâm linh của cộng đồng Hồi giáo nơi đây.

1299

Tại thành phố Hồ Chí Minh có 4.537 tín đồ Hồi giáo sinh hoạt tâm linh tại 15 ngôi thánh đường (Masjid) và tiểu thánh đường (Su rao). Đây là những công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng, độc đáo, được xây dựng thật uy nghi, tráng lệ.

Kiến trúc theo quan niệm tôn giáo

Cộng đồng người Chăm ở nước ta có hai tôn giáo chính: người Chăm đạo Bà ni tập trung chủ yếu ở hai tỉnh miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận); người Chăm Islam (Đạo Hồi) tập trung ở miền Nam (An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh). Người Chăm Islam theo Hồi giáo chính thống, thuộc dòng Sun ni, nên ít bị pha trộn, vẫn giữ được nếp sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống và thường xuyên có mối liên hệ giao lưu với thế giới Hồi giáo trong khu vực như Campuchia, Malaysia. Islam theo tiếng Ả rập có ý nghĩa là sự phục tùng vâng lệnh, tuân theo đó là danh từ ghép từ chữ Ikhlas và Salam tức bình an, thuần khiết.

Tại TP. Hồ Chí Minh, người Chăm Islam sống tập trung thành những khu dân cư nhỏ. Mỗi khu vực đều có những công trình kiến trúc được xây dựng theo quan niệm tôn giáo để sinh hoạt tâm linh hành lễ, hội họp, đó là những ngôi thánh đường (Masjid) và tiểu thánh đường (Su rao). Những ngôi thánh đường và tiểu thánh đường Hồi giáo đều được xây dựng rất kỳ công, đồ sộ, mang vẻ đẹp uy nghi, huyền bí với biểu tượng trăng lưỡi liềm, tượng trưng cho Âm lịch đạo Hồi và ngôi sao năm cánh tượng trưng cho sự tuân theo ý Allah (Đấng Toàn Năng, hay Thượng đế).

Trong số những công trình kiến trúc Hồi giáo kể trên có 2 ngôi thánh đường được xây dựng lâu đời nhất, nguy nga nhất, đó là Thánh đường Masjd Al Ra him (ở 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1), do tín đồ người Hồi giáo Malaysia xây dựng vào năm 1885 và Thánh đường Jamain Al Muslimin (còn gọi là Thánh đường Đông Du) ở 66 Đông Du, Quận 1) được cộng đồng Hồi giáo người Ấn Độ xây dựng vào năm 1935. Đây là 2 ngôi thánh đường có phong cách kiến trúc độc đáo, ấn tượng, mang đậm dấu ấn Hồi giáo vùng Nam Á, được xây dựng rất kỳ công với những ngọn tháp cao vút, chỏm cầu hình búp sen, hình củ hành, vòm cuốn cửa nhọn đầu hình lá bồ đề là những đặc trưng lâu đời nhất của kiến trúc Hồi giáo.

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Ngôi chính điện (nhà nguyện) là hạng mục chính của thánh đường. Nhà nguyện có hình chữ nhật hoặc hình vuông, rộng rãi, thoáng mát, tráng lệ, đủ sức chứa nghìn tín đồ tập trung xếp hàng ngang hành lễ cầu nguyện mỗi ngày. Sàn nhà nguyện được trải thảm có họa tiết hoa văn rất cầu kỳ, có tác dụng lót cho đầu gối các tín đồ khi hành lễ ở tư thế quỳ, cúi lạy đầu luôn chạm sàn. Bên cạnh lối vào chính điện là một bể nước dành riêng cho những nam tín đồ lấy nước để thanh tẩy, trước khi bước vào hành lễ cầu nguyện. Chỉ nam tín đồ mới được hành lễ cầu nguyện trong phòng chính, còn nữ tín đồ hành lễ cầu nguyện ở hành lang thánh đường.

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Điểm nhấn khác biệt trong kiến trúc của thánh đường so với các tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên Chúa giáo đó là ngôi chính điện thánh đường Hồi giáo không hề có bàn thờ, hay tượng, ảnh thờ. Bởi theo quan niệm Hồi giáo chỉ công nhận một Đấng Toàn Năng duy nhất đó là Thánh Allah. Nhưng Allah không có hình dạng cụ thể, là Đấng vô hình có mặt ở khắp mọi nơi. Bởi vậy nên nội thất chính điện thánh đường Hồi giáo hoàn toàn trống trải. Tuy nhiên, nếu du khách tham quan chính điện thánh đường sẽ ấn tượng với hai điểm nhấn đặc biệt, đó là một hốc lõm trên bức tường gọi là Mihrab và một cái bục gọi là Minbar.

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Mihrab là hốc lõm trên bức tường chính điện thường được gọi là bức tường cầu nguyện (Qib la) được xây dựng nằm về hướng Tây là hướng Thánh địa Mecca. Thánh địa Mecca là một thành phố nằm ở vùng đồng bằng Tihamah thuộc Ả Rập Xê Út, nơi nhà tiên tri Muhammad (người sáng lập Islam) sinh ra và lần đầu được Thượng Đế tiết lộ về kinh Kôran (Quran). Khi Muhammad tạ thế, hốc lõm tượng trưng cho sự hiện diện của Ngài và thông qua Ngài là sự hiện diện của Allah, nên các tín đồ khi hành lễ hướng về hốc lõm cũng có nghĩa là hướng về Thánh địa Mecca linh thiêng. Chính vì thế, chi tiết hốc lõm trở thành tính nguyên tắc bất di bất dịch trong kiến trúc thánh đường Hồi giáo. Minbar là một kiểu bục bằng gỗ, hoặc được xây bằng xi măng, ốp đá quý cao cấp, có tay vịn như chiếc ngai nằm chếch về phía bên trái. Trước Mihrab (hốc lõm) là nơi dành cho vị giáo cả (ông Tuôn) giảng kinh, diễn thuyết trước các tín đồ.

Độc đáo và tráng lệ

Những công trình kiến trúc thánh đường Hồi giáo luôn toát lên một vẻ đẹp ẩn dấu sự huyền bí, với những chi tiết trang trí công phu, cầu kỳ, tinh tế và tráng lệ. Theo nhận xét của nhiều kiến trúc sư, yếu tố góp phần tạo nên phong cách độc đáo, ấn tượng, uy nghi, tráng lệ của các thánh đường Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng, Nam Bộ nói chung, đó là những mái vòm, ngọn tháp đặc trưng. Đây là hai yếu tố quan trọng tạo nên sắc diện rất riêng, rất khác biệt, với sự mềm mại, thanh thoát về đường nét và sự thanh cao thoát tục về tâm linh của thánh đường Hồi giáo.

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Những thánh đường ở TP. Hồ Chí Minh thường có một mái vòm lớn ở trung tâm với những chóp nhô cao hình củ hành. Ngoài mái vòm thì đường nét vòm cũng được sử dụng phổ biến trong các hạng mục công trình của thánh đường. Mái vòm rất đa dạng về kiểu dáng, thường được thể hiện với các dạng vòm, nhưng cạnh của nó đều được khoét thành nhiều vòm nhỏ với hai nửa hợp lại tại đỉnh vòm, tạo thành những chóp nhọn rất ấn tượng. Mái vòm của thánh đường rất phổ biến trong kiến trúc, cho ta liên tưởng đến quan niệm về “trời tròn, đất vuông” từ xa xưa của người phương Đông.

Nhà nghiên cứu kiến trúc về tôn giáo Nguyễn Đệ khi viết về kiến trúc và trang trí thánh đường Hồi giáo có nhận xét, những ngọn tháp thánh đường Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của kiến trúc Ấn Độ rất đồ sộ và vươn cao. Hầu hết trên thân tháp đều có hoa văn, họa tiết trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi, khắc chìm, hay ốp gạch có hoa văn khá công phu, tinh tế. Chính sự kết hợp tinh tế của cả hai loại hình kiến trúc và trang trí mỹ thuật đã tạo nên vẻ đẹp trong dáng dấp thân tháp vừa vững chãi, vừa mềm mại, tao nhã như thoát tục của một nơi hành lễ thiêng liêng nhất.

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Đạo Hồi nghiêm cấm sử dụng hình tượng người, động vật, nên trong nghệ thuật trang trí thánh đường chỉ chủ yếu tập trung vào những họa tiết về thực vật như các loài hoa, lá, dây xoắn, dây leo và các hình học tròn, vuông, chữ nhật, đa giác, đường gợn sóng, hình ngôi sao, hình vòm, trăng lưỡi liềm…Trong đó nổi bật nhất chính là biểu tượng vành trăng khuyết và ngôi sao năm cánh, được trang trí với nhiều dạng khác nhau.

Thánh đường Hồi giáo tại TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, việc sử dụng nghệ thuật thư pháp trang trí các thánh đường, với những tác phẩm thư pháp của các nhà thư pháp Hồi giáo thể hiện ở dạng chữ Ả Rập lấy từ kinh Koran tạo thành những tác phẩm nghệ thuật rất độc đáo, được cộng đồng tín đồ ưa chuộng. Trong chính điện thánh đường cũng được treo rất nhiều chiếc đồng hồ được viết bằng chữ Ả Rập, vừa để các tín đồ biết được thời gian cầu nguyện bắt buộc 5 lần mỗi ngày, vừa là vật trang trí.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm