Một câu hỏi giáo lý và một câu đáp mà hầu như tất cả các em từ khối căn bản trở lên đều thuộc nằm lòng. Thế nhưng, nếu hỏi: do đâu mà biết có Chúa Thánh Thần? Và, Chúa Thánh Thần có liên quan gì đến chúng ta không? Có lẽ với hai câu hỏi này các em sẽ lúng túng, không những các em mà sợ rằng cả người lớn chúng ta cũng lúng túng nữa. Vì thế, nhân ngày đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm hai câu hỏi quan trọng này.
1. Do đâu mà biết có Chúa Thánh Thần? Người là ai?
Chúng ta cùng nhau liên tưởng lại bài Tin Mừng của thứ năm tuần thánh, bài Tin Mừng ấy nói về bữa Tiệc Ly, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng Người sẽ về cùng Chúa Cha, có đi như thế Người mới phái Chúa Thánh Thần xuống. Thật vậy, sau khi Đức Giê-su sống lại và lên cùng Chúa Cha khoảng 50 ngày và đúng vào lễ Ngũ Tuần của người Do-thái, Chúa Thánh Thần hiện xuống như tiếng gió, dưới hình lưỡi lửa, kết quả là: ngày đó, các môn đệ nói được nhiều thứ tiếng nước ngoài. Thế là Đức Giê-su đã hứa và Ngài đã giữ lời! Nghĩa là: sau khi về cùng Chúa Cha, Người đã ban Chúa Thánh Thần trong biến cố Hiện Xuống và nhiều lần khác nữa trong đời sống Giáo Hội.
Trở lại bài Tin Mừng Tiệc Ly, cũng hôm ấy, Đức Giê-su dạy các môn đệ rằng: “Thầy xin, Chúa Cha sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác (Parakletôs). Tại sao gọi là khác? Khác là vì Đức Giê-su là Đấng bảo trợ rồi. Vì thế, Chúa Thánh Thần là một Đấng bảo trợ thứ hai. Cũng vì thế mà Chúa Thánh Thần và Đức Giê-su ngang nhau về bản thể trong một Thiên Chúa.
Trong một lần khác, Đức Giê-su cũng dạy: muốn được chia sẻ cuộc sống vĩnh cửu với Người, thì phải chịu phép rửa, một phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, chỉ vì có Chúa Thánh Thần và chính Ngài cũng là Thiên Chúa mà chúng ta làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Vậy Chúa Thánh Thần có ảnh hưởng gì trên đời sống người tín hữu?
2. Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu
Lời Chúa Giê-su dạy chúng ta vui lòng đón nhận. Nhưng, tín điều ấy có liên quan gì đến đời sống chúng ta không? Xin thưa, có: vì Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ, an ủi, bênh vực và ban sức mạnh cho chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, người tín hữu chúng ta biết rằng, con đường cứu độ là con đường thập giá. Như thế, làm sao chúng ta giữ nổi, nếu không có ai dạy dỗ, ủi an, bênh vực và thêm sức?
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng rất cần đến Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta muốn ghi nhớ và tuân giữ lời Chúa Giê-su, Đấng nhắc nhở, cắt nghĩa lời Chúa Giê-su không ai khác ngoài Chúa Thánh Thần. Đặc biệt, những khi phải chọn cuộc đời, chọn nghề nghiệp và nhiều thứ khác, không phải lúc nào chúng ta cũng tìm ra câu giải đáp: những khi như thế, ai có thể giúp ta ngoài Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, mỗi khi bắt đầu làm một việc gì đó như họp hành, học tập…chúng ta xin Chúa Thánh Thần ngự đến, soi sáng và hướng dẫn.
Vì Chúa Thánh Thần đóng vai trò quan trọng như thế nhưng chúng ta có chạy đến với Người không? Khi chúng ta gặp khó khăn, thử thách gian nan, khi phải quyết những đoạn đời quan trọng như: đi tu, lập gia đình…chúng ta có biết chạy đến với Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng hướng dẫn không? Một đại văn hào đã nói: “Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa bị lãng quên”. Có những lúc chúng ta quên Người! Thật vậy, Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta qua ba giai đoạn, Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần hướng dẫn (xc Ep 1,3-14).
Tóm lại, trong ngày đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, chúng ta hiệp ý cùng nhau xin lỗi Chúa Thánh Thần và quyết tâm ý thức hơn mỗi khi làm dấu thánh hàng ngày, như bài hát “Làm dấu” do ca sỹ Phan Đình Tùng thể hiện, và cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng hướng dẫn trong mọi khúc quanh cuộc đời mỗi chúng ta. Amen.