Hát văn là gì?
Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam.
Hát văn là lễ nhạc hát chầu Thánh nên có vai trò quan trọng trong lễ hầu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.
Các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo đàn thập lục, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu.
Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và cả những điệu hát của dân thiểu số, xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không.
Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sự phát triển của hát văn tại Việt Nam
Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn lại có cơ hội phát triển. Các trung tâm của hát văn là Hà Nam, Nam Định và một số vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật chầu văn đang được quan tâm bảo tồn và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện tại, Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Phủ Dầy Nam Định đã được đưa vào danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Hát văn có nhiều hình thức biểu diễn bao gồm là hát thờ, hát thi, hát hầu (hát phục vụ hầu đồng, lên đồng), và hát văn nơi cửa đền:
Hát thờ: được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa…) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng.
Hát hầu: trong hát hầu theo tín ngưỡng tứ phủ thì ba giá tam tòa Thánh Mẫu là bắt buộc và hầu tráng bóng chứ không tung khăn. Các giá tung khăn bắt đầu từ hàng Quan Lớn trở xuống. Trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, người ta có thể kết hợp hầu tứ phủ hoặc hầu riêng, nếu hầu kết hợp với tứ phủ thì thường thỉnh tam tòa Thánh Mẫu đầu tiên, còn nếu hầu riêng thì thỉnh đức
Thánh Vương Trần Triều đầu tiên (các trường hợp cá biệt hầu Vương Phụ An Sinh Vương… thì sẽ hầu trước Đức Thánh Vương Trần Triều).
Hát văn nơi cửa đền
Thường gặp tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Các cung văn hát chầu văn phục vụ khách hành hương đi lễ. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền, và hát theo yêu cầu của khách hành hương. Nhiều khi lời ca tiếng hát được coi như một bài văn khấn nguyện cầu các mong ước của khách hành hương. Một đoạn văn thường hát thí dụ như:
Con đi cầu lộc cầu tài
Cầu con cầu của gái trai đẹp lòng
Gia trung nước thuận một dòng
Thuyền xuôi một bến vợ chồng ấm êm
Độ cho cầu được ước nên
Đắc tài sai lộc ấm êm cửa nhà
Lộc gần cho chí lộc xa
Lộc tài lộc thọ lộc đà yên vui
Hầu đồng là gì?
Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông Đồng bà Cốt.
Trong nghi lễ đó, hát vǎn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi đã múa các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này cũng là lúc thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu, thuốc lá, trầu nước v.v. Các thứ thánh dùng phải làm nghi thức khai cuông (khai quang) cho thanh sạch.