Chế độ mẫu hệ của người Ê đê
Ê đê là một trong số ít dân tộc của Việt Nam duy trì chế độ mẫu hệ. Theo đó, trong các gia đình Ê đê thì phụ nữ chính là người làm chủ, là trụ cột. Đàn ông sau khi lấy vợ Ê đê phải về sinh sống tại nhà vợ và những đứa con sau khi được sinh ra cũng đều mang họ mẹ. Bên cạnh đó, con gái sẽ là những người được hưởng tài sản thừa kế của cha mẹ mình.
Ngoài ra, chế độ mẫu hệ còn được thể hiện ở một số yếu tố khác. Trong đó có thể kể đến như chiếc chuông H’gơr tượng trưng cho người phụ nữ. Sau khi tiếng chuông này vang lên thì những chiếc chuông khác trong giàn chuông mới được phép diễn tấu. Buôn làng cũng thường mang tên người phụ nữ đã tìm bến nước. Những ngôi nhà dài cũng được người phụ nữ trong gia đình quản lý.
Lễ kết nghĩa của người Ê đê
Kết nghĩa là một trong những tục lệ phổ biến nhất của người Ê đê. Đối với người dân nơi đây, tục kết nghĩa sẽ giúp cho tình cảm của các thành viên trong gia đình được thắt chặt hơn. Từ đó, tinh thần, trách nhiệm của các thành viên đối với nhau cũng vì vậy mà trở nên khăng khít. Điều này góp phần tạo nên sự gắn bó và thống nhất trong một dòng họ.
Đối với người Ê đê, mối quan hệ Ê đê đầu tiên được xây dựng trên quan hệ giữa những người cùng huyết thống, là họ hàng với nhau. Ngoài ra, nó còn là sự liên kết của những người mang cùng một họ. Hơn nữa, mối quan hệ này còn có thể đến từ những người khác họ nhưng trong cùng một dòng tộc. Thậm chí là khác dân tộc.
Lễ kết nghĩa của người Ê đê thường được xây dựng theo quan hệ cha mẹ – con cái hoặc anh – em, chị – em với nhau. Đặc biệt, đối với nam giới, sau khi đã lấy vợ và theo về nhà vợ ở một bản khác, một làng khác sẽ thường kết nghĩa với một chị em gái trong gia đình nào đó.
Sau khi lễ kết nghĩa được hoàn tất, người được nhận kết nghĩa sẽ chính thức trở thành thành viên trong gia đình và dòng họ nhận kết nghĩa. Như vậy, người này sẽ được hưởng các quyền lợi về vật chất cũng như tinh thần như một người con trong dòng họ. Ngược lại, họ cũng có trách nhiệm như một người con đối với gia đình của mình.
Ngày nay, lễ kết nghĩa của người Ê đê đã được đơn giản hóa đi rất nhiều. Tuy nhiên, lễ vật vẫn cần phải đầy đủ. Trong đó bao gồm một con gà trống, một ché rượu cần và hai chiếc vòng đeo tay làm tín vật cho đôi bên. Trong buổi lễ sẽ có dân làng cùng chứng kiến các nghi thức cúng bái. Sau khi buổi lễ kết thúc, dân làng sẽ tham gia múa hát, ăn thịt, cơm nếp và uống rượu cần để chúc phúc và cầu mong sự gắn kết cho mãi mãi cho người nhận kết nghĩa và người được nhận kết nghĩa.
Tục nối dây (Juê nuê) của người Ê đê
Cùng với tục kết nghĩa thì tục nối dây cũng là một trong những nét đặc sắc trong văn hóa của người Ê đê. Theo như quy định của phong tục này, sau khi người chồng trong gia đình không may qua đời thì người vợ được phép cưới người anh, người em hay người cháu trong gia đình, họ hàng của người chồng. Ngoài ra, nếu như người vợ mất sớm thì người chồng cũng phải được cử hành hôn lễ với người vợ mới là em gái, cháu gái của người vợ.
Theo truyền thống, đây là quy định bắt buộc của người Ê đê. Chính vì vậy mà đã có những trường hợp tục nối dây cháu lấy thím hay cháu lấy chú đã diễn ra. Tuy nhiên, người chồng, người vợ chỉ được ngủ cùng người bạn đời mới của mình sau khi người vợ, người chồng cũ qua đời 3 tháng.
Sở dĩ có tục nối dây này là bởi theo quan niệm của người Ê đê, họ luôn coi các chị em gái, cháu gái trong họ hàng của mình như ruột thịt, như con đẻ. Chính vì vậy, tục nối dây không chỉ để đảm bảo được tài sản mà hai vợ chồng đã gây dựng trong nhiều năm mà con thể hiện được tình yêu và sự hy sinh của những người vợ, người chồng mới. Họ chấp nhận làm người vợ, người chồng mới nhằm chăm sóc người thân cho những người đã khuất.
Tuy nhiên, đến nay, phong tục này không còn là tục lệ bắt buộc nữa. Lễ nghi chỉ được diễn ra khi cả đôi bên đồng thuận. Nếu không, người vợ hoặc người chồng còn sống có thể cưới người mà mình mong muốn. Khoảng 10 năm trở lại đây, tục lệ này gần như đã biến mất khỏi các buôn làng Ê đê để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.