Mẫu còn có các tên gọi khác: Mẫu Đệ nhị Nhạc Phủ, Diệu Tín Thiền sư, Lê Mại Đại Vương, Đông Cuông Công chúa, Sơn Tinh công chúa…
Mẫu Thượng Ngàn đứng đầu Nhạc Phủ là vị Thánh Mẫu cai quản miền rừng núi và cao nguyên. Bà là một trong 3 vị Tam Tòa Thánh Mẫu trong hệ thống Tứ Phủ Đạo Mẫu Việt Nam. Mẫu mặc trang phục màu xanh lá, thường ngồi bên tay phải của Mẫu Thượng Thiên.
Từ ngày Mẫu Thượng Ngàn về cai quản thì người dân mùa màng nào cũng bội thu, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn. Vì vậy bà được nhân dân hết mực tôn kính và nghe theo. Cho đến ngày nay, sự tích Mẫu Thượng Ngàn vẫn còn được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ.
Sự tích Mẫu Thượng Ngàn
Về nguồn gốc, sự tích Mẫu Thượng Ngàn thì có rất nhiều truyền thuyết:
Truyền thuyết thứ nhất:
Mẫu Thượng Ngàn là con gái đầu tiên của Ngọc Hoàng. Khi trưởng thành, tính tình thẳng thắng, cứng rắn nên được vua cha Ngọc Hoàng giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu. Nhưng từ khi cai quản vùng này thì cây cối đều được tươi tốt, việc săn bắn cũng được nhiều hơn trước, cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, bà còn dạy dân cách dùng lửa và nấu ăn nên người dân hết lòng tôn kính, thờ phụng bà cho tới ngày nay.
Truyền thuyết thứ hai:
Mẫu Thượng Ngàn là con của vua Đế Thích, hạ phàm đầu thai làm con vua Hùng Vương. Khi sinh bà, hoàng hậu đang đi rừng, vì đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa Mỵ Nương nhưng hoàng hậu không may qua đời ngay sau đó. Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm mẹ. Bà được ông Bụt ban cho phép thuật và 12 thị nữ nên đã ra sức cứu giúp dân lành. Khi nhân dân đã có cuộc sống ấm no, bà trở về nơi bà đã giáng trần. Để tưởng nhớ công ơn, người dân tôn bà là Bà Chúa Thượng Ngàn cai quản vùng núi.
Truyền thuyết thứ ba:
Mẫu Thượng Ngàn là con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương, có tên là La Bình. Ngay từ nhỏ, bà thường theo cha đi khắp miền núi non, hang động và được các vị Sơn thần quý mến, giúp đỡ. Sau khi cha mẹ được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong làm hai vị thánh bất tử thì bà cũng được phong làm Mẫu Thượng Ngàn cai quản 81 cửa rừng và các miền núi non, hang động,…
Cho dù sự tích Mẫu Thượng Ngàn có nguồn gốc như thế nào đi chăng nữa thì người dân Việt vẫn khâm phục, ngưỡng mộ và tôn thờ công lao của bà.
Theo hầu Mẫu Thượng Ngàn là Bát Bộ Sơn Trang và Thập Nhị Bộ Tiên Nàng (12 cô Sơn Trang).
Trong đó có một truyền thuyết như sau:
Mẫu Thượng Ngàn lấy ông họ Đỗ ở Đồng Đăng, hạ sinh được ông Đỗ Đống, Ông Đỗ Đống lấy bà Nguyễn Thị Tươi sinh ra 8 tướng phù giúp An Dương Vương, sau này hiển linh phù giúp Hai Bà Trưng và các đời Lý, Trần, Lê. Nhân dân ta gọi là Bát Bộ Sơn Trang, cai quản các lũng, các nương núi rừng. Bát Bộ Sơn Trang bao gồm: Đỗ Trinh, Đỗ Triệu, Đỗ Hiệu, Đỗ Trung, Đỗ Bích, Đỗ Trương, Đỗ Cường, Đỗ Dũng.
Đền Thờ Mẫu Thượng Ngàn
Hiện nay, đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở khắp nơi, nhưng có ba nơi thờ chính là đền thờ ở Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), đền Công Đồng Bắc Lệ (xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), và đền Đông Cuông (thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Đây là những ngôi đền linh thiêng thờ Mẫu Thượng Ngàn trong tục thờ Mẫu của người Việt.
Ngày lễ Mẫu Thượng Ngàn diễn ra vào 20/9 Âm lịch hàng năm. Lễ hội thể hiện truyền thống, văn hóa tâm linh tốt đẹp của người Việt và tinh thần gìn giữ, phát huy những phong tục của cha ông từ xưa tới nay. Đó còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây được truyền từ đời này sang đời khác.