Luật lệ của của đạo Công giáo chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của chế độ phong kiến La Mã và hầu như ít thay đổi theo thời gian. Trước đây Luật lệ, lễ nghi, thiết chế của giáo hội Công giáo được ghi trong Luật Ca – non gồm 2.000 điều.
Đến năm 1983, Giáo hội Công giáo ban hành Bộ giáo luật mới thay thế Luật Ca – Non và trong Bộ Giáo luật năm 1983 quy định về một số luật lệ như sau:
10 điều răn của Thiên chúa
Theo kinh cựu ước, Thiên chúa đã ban cho Maisen 10 điều răn, khắc vào bia đá để làm luật pháp cai trị dân Do Thái. 10 điều răn đó là:
(1) Phải thờ kính Thiên chúa trên hết mọi sự;
(2) Không được lấy danh Thiên chúa để làm những việc phàm tục, tầm thường;
(3) Dành ngày chủ nhật để thờ kính Thiên chúa;
(4) Thảo kính cha mẹ;
(5) Không được giết người;
(6) Không được dâm dục;
(7) Không được gian tham, lấy của người khác;
(8) Không được làm chứng dối, che dấu sự gian đối;
(9) Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác;
(10) Không được ham muốn của cải trái lẽ.
Mười điều răn này quy lại thành hai điều được coi là tôn chỉ của đạo Công giáo đó là: Kính chúa, yêu người.
6 điều răn của giáo hội
(1) Xem lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc;
(2) Kiêng việc xác ngày chủ nhật;
(3) Xưng tội mỗi năm một lần;
(4) Chịu lễ mùa Phục sinh;
(5) Giữ chay những ngày quy định;
(6) Kiêng ăn thịt những ngày quy định.
Bên cạnh các điều răn, Giáo hội còn quy định các quan hệ đối với đồng đạo, đối với đồng loại và đối với chính bản thân mình và coi đó là những quy phạm đạo đức mà mỗi tín đồ phải thực hiện, cụ thể là: Lấy điều thiện mà khuyên người; hướng dẫn cho kẻ mê muội; tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình; nhịn kẻ xúc phạm đến mình; răn bảo kẻ tội lỗi; an ủi người lo âu; cầu nguyện cho người sống; cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách mặc; cho khách ở nhờ; cho người làm thuê; thăm viếng người hoạn nạn; chôn táng người chết; khiêm nhường; không hà tiện; đoan chính; không tị hiềm; siêng năng; ăn uống điều độ.
Như vậy cho thấy những điều răn trong kinh thánh và của giáo hội Công giáo như đã nêu ở trên không chỉ hướng dẫn con dân của Chúa thực hiện trong sinh hoạt tôn giáo mà còn là những quy chuẩn đạo đức trong quan hệ đồng đạo và xã hội của người Công giáo.