Cũng giống như các tổ chức tôn giáo khác, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống các luật lệ, lễ nghi được thực hiện trên toàn thế giới, đạo Công giáo cũng có rất nhiều ngày lễ trọng nhằm xây dựng và nuôi dưỡng đức tin cho tín đồ.
Những ngày lễ trọng
Những ngày lễ trọng trong Công giáo có thể được hiểu là những ngày lễ bắt buộc tín đồ phải tham dự, gồm:
Lễ Phục sinh
Lễ Phục sinh kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại, vào một ngày của tháng 4 (chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn). Đây là lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu sống lại sau khi bị đóng đinh và chết trên cây Thập giá. Phục sinh cũng được dùng để chỉ một mùa trong năm phụng vụ Công giáo gọi là Mùa Phục sinh, kéo dài đúng 50 ngày từ Chúa Nhật Phục sinh đến lễ Chúa Hiện xuống.
Giáo thuyết Chúa Giêsu phục sinh nhấn mạnh Thiên Chúa là đấng phán xét cuối cùng, nhưng sự kiện phục sinh không gì khác hơn là một biểu tượng tôn giáo về niềm hy vọng và có tác dụng nuôi dưỡng tâm linh.
Lễ Thiên Chúa giáng sinh
Lễ Thiên Chúa giáng sinh hay còn gọi là lễ Giáng sinh (Noel) được tổ chức vào ngày 25 tháng 12: đây là một trong những ngày lễ được coi là quan trọng nhất của những người Kitô hữu, là ngày kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra tại Bethlehem thuộc Irael ngày nay, lúc bấy giờ đang dưới quyền thống trị của Đế Quốc La Mã.
Tuy nhiên, theo quan niệm của mỗi nước thì lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa Giáng sinh khác nhau, có một số nước kỷ niệm lễ Thiên Chúa Giáng sinh vào đêm ngày 24 tháng 12, bởi theo lịch Công giáo ngày mới bắt đầu vào lúc hoàng hôn; còn theo lịch Công giáo Rôma, lễ chính thức vào ngày 25 tháng 12 hay còn gọi là “lễ Chính ngày”, còn lễ đêm 24 được gọi là “lễ Vọng”.
Ở Việt Nam lễ Giáng sinh được tổ chức vào đêm ngày 24 và sáng ngày 25 của tháng 12, thu hút rất nhiều tín đồ theo đạo Công giáo, đạo Tin Lành và những người không theo đạo Ki tô giáo tham gia.
Lễ Chúa Giêsu lên trời
Lễ Chúa Giêsu lên trời hay còn gọi lễ Chúa Thăng Thiên: là ngày lễ trọng của người Kitô giáo, được diễn ra 40 ngày sau lễ Phục sinh. Theo Tân ước, khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài ở lại cùng các môn đệ trong 40 ngày, sau đó lên trời để kết thúc sự hiện diện của Ngài giữa loài người trần thế.
Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống
Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống (có một số nơi gọi là lễ Hiện xuống, Giáng xuống, Hạ trần, Lễ Ngũ Tuần): Được cử hành vào ngày thứ năm mươi bắt đầu ngày lễ Phục sinh và sau mười ngày kể từ ngày lễ Chúa Giêsu lên trời. Người ta kỷ niệm ngày lễ này với ý nghĩa rằng đây là dịp Chúa Thánh thần hiện xuống, ngày này người Ki tô giáo tin là mang đến những tín hiệu tốt lành về niềm tin vào sự sống.
Lễ Đức bà Maria hồn và xác lên trời
Đây là ngày lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức mẹ của đạo Công giáo. Trong những thế kỷ đầu ngày lễ Đức bà hồn xác lên trời được gọi là lễ Đức mẹ an giấc. Giáo hội Công giáo Rôma định sự kiện này là một “tín điều” (điều phải tin) do Giáo hoàng Piô XII ban hành vào năm 1950 qua Hiến chế “Thiên Chúa vô cùng vinh hiển”, trong Hiến chế này, Giáo hoàng Piô XII tuyên bố: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác”.
Lễ Đức bà Maria hồn và xác lên trời được cử hành vào ngày 15 tháng 8, nhưng theo truyền thống của Giáo hội Phương Đông sẽ dành 15 ngày đầu của tháng để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn. Ở Việt Nam ngày lễ kỷ niệm Đức bà hồn và xác lên trời thường chỉ được tổ chức trong ngày 15 tháng 8 và được các tín hữu tham gia đông đảo.
Lễ các Thánh
Lễ các Thánh là một lễ trọng được tổ chức vào ngày 01 tháng 11 hàng năm nhằm tôn vinh tất cả các vị Thánh Ki tô giáo đang hưởng phúc trên Thiên đàng, noi gương các Thánh để nhân loại luôn luôn tâm niệm làm những việc lành phúc đức, luôn rao giảng tin mừng…
Do là các lễ bắt buộc và theo quy định chung của Giáo hội Công giáo, nên những ngày có diễn ra các lễ này, thường rất đông tín hữu tham gia để củng cố đức tin, với mong muốn nhận được nhiều ân sủng của Thiên chúa. Do đó, theo quan niệm của tín hữu Công giáo mỗi dịp lễ là một dịp để các tín hữu nhìn nhận và xét mình.
Các lễ thông thường
Ngoài các lễ trọng như trên, đạo Công giáo còn có các cuộc lễ khác như:
Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội: Được cử hành vào ngày 8 đến ngày 9 tháng 12 hàng năm, là một trong những lễ phổ biến nhất, ca ngợi Đức mẹ Maria.
Lễ Tro (đầu mùa Chay): đây là lễ được Giáo hội tổ chức để kỷ niệm việc Chúa Giêsu chuẩn bị vào thành Giêrusalem, ở đây Chúa đã giảng cho các môn đệ về sự chết, rằng con người sau khi chết thể xác trở về với tro bụi, còn linh hồn sẽ tồn tại vĩnh cửu.
Lễ Lá: Vào ngày Chủ nhật đầu tuần Thánh, được tổ chức để kỷ niệm việc Chúa Giê su vào thành Giêrusalem được dân chúng rải lá trên đường đón tiếp.
Tuần Thánh bắt đầu từ Chủ nhật Lễ lá đến chủ nhật lễ Phục sinh, kỷ niệm Chúa Giê su chịu nạn, chịu chết rồi sống lại. Trong Tuần Thánh có những ngày lễ riêng như: lễ Truyền phép Mình Thánh vào thứ Năm, Lễ Chúa Giêsu chịu chết vào thứ Sáu, Lễ vọng Phục sinh vào thứ Bảy, Lễ mừng Phục sinh vào Chủ nhật.
Lễ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, được cử hành vào ngày 29 tháng 6 hàng năm để tưởng nhớ 2 vị thánh Phê rô và Phaolô, một nguời là một trong những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu – Thánh Phêrô, một người là Vị tông đồ dân ngoại, Sứ giả tin mừng cho muôn dân được kêu gọi – Thánh Phaolô.
Lễ cầu nguyện cho các linh hồn, được cử hành vào ngày 2 tháng 11 hàng năm.
Ngoài ra Giáo hội Công giáo còn chia một năm thành từng tháng, từng mùa để làm chủ đích cho các sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động cho tín đồ, như tháng năm là tháng Dâng hoa kính Đức Mẹ Maria, tháng sáu là tháng kính Trái tim của Chúa Giêsu, tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn, mùa vọng từ 30 tháng 11 đến lễ Giáng sinh…