Ngũ giới cấm – Những điều cấm kỵ của đạo Cao Đài

Là tín đồ Cao Đài các bạn phải thực hiện đúng luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo. Và đặc biệt là Ngũ giới – Những điều cấm kỵ của đạo Cao Đài.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Ngũ là năm; ở đây ý chữ Ngũ muốn chỉ đến năm việc ác, năm việc ác đó là: Sát sinh, Du đạo, Tà dâm, Tửu nhục, Vọng ngữ. Giới là ý thức cảnh giác, tránh xa và nói không với việc ác từ suy nghĩ, lời nói và hành động để phòng ngừa bị lôi cuốn vào vòng ác nghiệp; ngoài ra Giới còn là nền tảng cho những việc thiện, việc lành, việc phải.

Vậy Ngũ giới là ý thức cảnh giác và tránh xa năm việc ác mà người tín đồ Cao Đài cần phải tuân thủ để phát huy những việc lành, việc thiện. Ngũ giới cấm bao gồm:

1. Điều cấm kỵ thứ nhất: Bất Sát sanh (sát sinh)

Không giết hại sinh vật là thể hiện sự bình đẳng giữa muôn loài vật; mỗi loài tuy thân hình khác nhau nhưng chúng cũng có quyền sống, quyền được chia sẻ môi trường sinh thái trên trái đất, nơi mà con người đang ở; trong thế giới động vật chúng ta phải hết sức tôn trọng và bảo vệ các loài động vật trên bộ, trên không và dưới nước; thận trọng trong mọi ứng xử không nên sát sinh vì sát sinh là giết hại sinh vật, là cướp đi mạng sống của sinh vật, là ngăn đường tiến hóa của sinh vật. Giết hại sinh vật không phải chỉ có hành động tự mình giết hại mà còn cả ý tưởng hay lời nói của mình cũng có thể phạm giới sát sinh; khi tín đồ Cao Đài mới phát khởi ý tưởng giết hại là đã phạm vào giới sát; mặc dù người tín đồ Cao Đài không ra tay sát hại mà bảo người khác sát hại cũng đã phạm vào giới sát; khi nghe nói hay thấy người khác giết hại mà mình cảm thấy vui theo đều phạm vào giới sát sinh.

Cũng giống như tín đồ của đạo Cao Đài, các phật tử trong Phật Giáo cũng ăn chay hay ăn lạt xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật Giáo, khi đã trở về với Phật Pháp, mỗi người phật tử phải thọ giới và trì giới, trong đó giới căn bản là không sát sinh hại vật, mà trái lại phải thương yêu mọi loài; trong hành động, lời nói và ý nghĩa, người Phật tử phải thể hiện lòng từ bi; Đức Phật khuyên “Người Phật tử không được hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, dùng phương tiện giết, khen tặng sự chết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết,… phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết chúng”. Còn trong Phật học Phổ thông, rèn luyện nhân cách trong Chánh Mạng được giải thích là sự sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện của mình, không làm cho người và vật phải đau khổ vì nghề nghiệp của mình; ngoài ra, một người sống với nghề nghiệp lương thiện của mình cũng nên trau giồi nghề nghiệp thường xuyên, vì nghề nghiệp không chỉ cần có lương tâm mà còn cần có thiện xảo nữa.

Ngũ giới cấm – Những điều cấm kỵ của đạo Cao Đài

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn có dạy: “Thầy là sự sống, phạm đến sự sống là phạm đến Thầy”, mục đích của đạo Cao Đài là nhắm vào con người, xây dựng nhân phẩm con người, giải thoát toàn diện con người và cải thiện thế gian hạnh phúc; do vậy, người tín đồ đạo Cao Đài phải biết quý trọng thân mạng mình và sinh mạng chúng sinh, phải chọn nghề sinh nhai không có ý sát sinh, hại vật, không bại tục, đồi phong; không giết hại sinh vật thì tâm ý và hành vi không nhiễm thô bạo, hung ác, nhờ thế mà thân tâm được nhẹ nhàng, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa, trong sáng, đối xử giữa người với người sẽ độ lượng, rộng rãi, cởi mở, thái độ tỏ ra nhiều thiện cảm, đó là tác dụng của NHÂN.

2. Điều cấm kỵ thứ hai: Bất Du đạo

Du đạo là xâm phạm, cướp đoạt tài sản của người khác, là vướng vào đường trộm cướp; trộm cướp là lấy những vật không được người khác cho; lấy lén là trộm; dùng mưu kế, thế lực để lấy là cướp; du đạo bao gồm nhiều hình thức từ hành động cụ thể trực tiếp đến những thủ đoạn tinh vi gián tiếp và được gọi như là ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp, lừa đảo,… cho đến giết người, cướp của. Lấy ngang, lường gạt, mượn vay không trả, chứa đồ gian, lượm lấy của rơi, cờ gian bạc lận là trộm cướp bằng hành động; sinh lòng tham của quấy, để ý hại cho người mà lợi cho mình là trộm cướp bằng ý tưởng; dùng lời lẽ xúi giục người khác lấy để làm cho người mất của đau khổ cũng là vướng vào trộm cướp.

Không hành ác tức không làm cho mình trở thành một tội khổ cho mình và cho người khác, là lời khuyên đầu tiên của đức Phật, tiếp theo là sự hành thiện, là hãy trở nên một phúc báu cho mình và cho người khác, lời kêu gọi cuối cùng là tự giữ tư tưởng cho trong sáng, đó là các điều giáo dục của Phật. Còn Phật nói trong kinh Pháp Cú rằng: “Làm việc xấu xa và vô ích thì dễ, nhưng làm được những việc hữu ích và tốt đẹp quả thật là rất khó”, việc thiện là điều khó làm bởi con người vốn ích kỷ, vì vậy để làm được những việc tốt lợi mình, lợi cho người thì chúng ta phải nỗ lực chiến thắng ngay chính bản thân mình.

Người tín đồ Cao Đài cần phải thực hành bố thí, bố thí là hạnh đứng đầu trong Lục Độ nhằm diệt tính vị kỷ, gieo mầm lành lợi tha, tăng trưởng đức hạnh; luôn cảnh giác, tránh xa và nói không với du đạo là tạo dựng một thành trì che trở cho cuộc sống bình yên, để cho thân tâm thanh tịnh, nhờ thế mà cuộc sống sinh tồn và biết quý trọng lẫn nhau, đó là tác dụng của NGHĨA.

3. Điều cấm kỵ thứ ba: Bất Tà dâm

Tà dâm là quan hệ nam nữ bất chính, nam nữ tình nguyện sống với nhau được gia đình và xã hội công nhận là vợ chồng không phải là tà dâm.

Quan hệ bất chính với vợ hay chồng người khác, thả theo đàng điếm, xúi người làm loạn luân thường, buôn trai bán gái, dẫn lối đêm đường, khiêu dâm, kích dục, dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép,… để thỏa mãn thú vui nhục dục là tà dâm bằng hành động; thấy sắc dậy lòng tà là tà dâm trong ý tưởng; lấy lời gieo tình huê nguyện, chọc ghẹo là tà dâm qua lời nói.

Người nào dính vào tà dâm thì rất bất hạnh, không có gì đau khổ hơn, đen tối hơn, bất hạnh hơn khi phải sống trong một gia đình có sự quan hệ bất chính, những hành vi bất chính giữa mối quan hệ của một trong hai người bạn đời sẽ tạo nên một gia đình mất niềm tin yêu với nhau, tình cảm vợ chồng sẽ đưa đến sự cãi vã, ghen tuông, làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình dẫn đến ly dị, gây buồn phiền cho nhiều người thân, đặc biệt là nỗi khổ đau cho con cái khi chúng lớn lên mà biết được nguyên nhân; làm cho con cái sống được với mẹ thì mất tình thương của cha, được sống với cha thì mất tình thương của mẹ; hơn thế nữa, con cái sẽ dễ dàng đi đến những bê tha, thiếu sự giáo dục của người cha hoặc người mẹ rồi sa đọa vào các tệ nạn xã hội; còn ở ngoài xã hội, người vướng vào tà dâm thì sẽ bị làng xóm chê trách, bị mất uy tín, phẩm hạnh lu mờ,….

Còn trong Phật Giáo cho rằng nếu con người bị vô minh che lấp Phật Tính tức là con người bị Ngũ dục nô lệ hóa (tâm không còn ổn định, không còn thanh tịnh) thì con người mất hết tự do, sẽ bị tha hóa và không còn giữ được nhân vị nữa.

Người tín đồ Cao Đài phải luôn luôn cảnh giác, tránh xa và nói không với tà dâm để giữ tâm thanh tịnh; để giữ được điều này, người tu hành phải thận trọng trong giao tiếp nam nữ, tránh xa những hiểu nhầm đáng tiếc, tuyệt đối tránh xa những nơi ăn chơi trụy lạc, kích thích dục tình, không nghe kể chuyện, không đọc hoặc xem những sách báo, phim ảnh khiêu dâm, cẩn thận, sáng suốt và kiên quyết khi sử dụng lành mạnh các phương tiện truyền thông hiện đại. Không tà dục lăng loàn thì tâm ý, hành vi sẽ minh chính trật tự, biết trọng danh dự chung và tạo được sự thuận hòa êm ấm, nhờ thế mà có hạnh phúc chung, đó là tác dụng của LỄ.

4. Điều cấm kỵ thứ tư: Bất Tửu nhục

Tửu là rượu, là một chất gây nghiện, kích động thần kinh, gây ảo giác, rối loạn tâm thần, không tự chủ được bản thân và làm suy giảm chức năng của lục phủ, ngũ tạng. Say mê rượu thịt, ăn uống quá độ làm rối loạn tâm thần, gây náo động xóm làng là phạm giới tửu nhục bằng hành động; miệng ước rượu ngon là phạm giới tửu nhục qua ngôn từ; bụng mơ đồ mỹ vị là phạm giới tửu nhục trong ý tưởng.

Người phạm giới tửu nhục trước tiên là bị tàn hại về sức khỏe của chính mình, nặng hơn là gây ảnh hưởng đến an ninh của xã hội, gây mất nhân cách của mình trước những người chung quanh; điều quan trọng là rượu và các chất gây nghiện khi vào cơ thể sẽ xúi giục con người gây nên tội ác không thể lường trước được, tửu nhục mới nghe qua tưởng rằng đơn giản nhưng trong thực tế cho thấy tửu nhục có thể gây ra nhiều trọng tội như nói lời hung ác, tà dâm, trộm cướp, giết hại sinh vật,…

Không say sưa rượu thịt thì tâm trí, hành vi trở nên nghiêm chính, tránh mọi liên lụy, sa ngã, không sinh lòng ác độc giết hại, bớt nóng giận, nhờ thế mà đầu óc minh mẫn, trí tuệ tăng trưởng, hành vi cao thượng, tạo được sự tốt đẹp chung, đó là tác dụng của TRÍ

5. Điều cấm kỵ thứ năm: Bất Vọng ngữ

Vọng là không chân thật; Vọng ngữ là lời nói không chân thật nhằm mục đích làm lợi cho mình mà hại cho người, nói dối, nói thô tục, nói không giữ lời, gạt gẫm người, nhạo báng, chê bai, nói xấu kẻ khác, xúi giục người hờn giận, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa,…

Người hay nói dối, dù chỉ để đùa vui cũng tạo ra nghiệp ác; những lời nói dối mua vui đó được nói nhiều lần sẽ thành thói quen nói dối, khiến người khác không tin tưởng, dễ bị xếp vào hạng không đạo đức; vì vậy trong đời sống hàng ngày, nhiều khi gặp những tình huống nhạy cảm, chúng ta phải khéo léo lời nói, phải rất cẩn thận với lời nói để tránh tác hại cho người liên quan. Người phạm vọng ngữ làm mất lòng tin nơi người khác, trong giao tiếp giữa người với nhau chỉ có lòng tin cậy là quan trọng nhất, khi đã đánh mất lòng tin cậy rồi thì rất khó có thể lấy lại được; trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội mà không ai tin ai, thì mọi công cuộc từ nhỏ đến lớn đều thất bại, hạnh phúc gia đình và xã hội không thể có được trong sự dối trá nghi ngờ, đố kỵ.

Không ngoa ngôn, lộng ngữ, không dối trá, chuyện có nói không, chuyện không nói có, việc phải nói trái, việc trái nói phải, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác,… thì niềm tin sẽ vững chắc, được gia đình và xã hội tin cậy, đi đến đâu cũng được người chung quanh dành cho một địa vị thân tín, niềm nở đón tiếp; nhờ thế mà lòng người ổn định, xã hội bình yên, đó là tác dụng của TÍN.

Giáo lý đạo Cao Đài dạy tín đồ về đạo đức theo tiêu chuẩn của Nho Giáo như Tam Cương (Quân – Phu – Phụ), Ngũ Thường (Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín), đối với phụ nữ thì Tam Tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), Tứ Đức (Công – Dung – Ngôn – Hạnh); đạo Cao Đài còn đưa ra Tứ Đại Điều Quy là bốn điểm: ôn hòa, cung kính, khiêm tốn, nhường nhịn (ôn, cung, khiêm, nhường) là bốn quy tắc lớn giúp con người sống, cư xử, làm việc đúng đạo lý, luật lệ; người tín đồ Cao Đài phải làm tròn Nhân đạo trong giai đoạn nhập thế mới có thể bước qua giai đoạn xuất thế tu đạo giải thoát, phế trần hành đạo, gọi là thực hành Thiên đạo.

Tóm lại, Ngũ giới cấm là giới luật rất quan trọng đối với người tín đồ Cao Đài, không giữ tròn Ngũ giới cấm thì không thể đắc đạo được; Ngũ giới cấm giúp thể xác tinh khiết, tinh thần thanh thản, tránh bị bấn loạn vì những phức tạp của đời sống xã hội; Ngũ giới cấm giúp linh hồn người tu nhẹ nhàng về mặt nghiệp quả để khỏi phải trầm luân triền miên nơi cõi thế; Ngũ giới đem lại sự công bằng cho mọi người, sự bình đẳng giữa muôn loài; tất cả mọi người nói chung và người tu nói riêng đều hiểu được ngũ giới, trì hành ngũ giới, nghiêm trì ngũ giới thì hạnh phúc sẽ đến với gia đình, trật tự, hòa bình sẽ đến với xã hội, nhân loại và thế giới.

Updated: 31/05/2022 — 9:46 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *