Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Bát Nạn Tướng Quân Vũ Thị Thục – một nữ tướng dưới trướng Hai Bà Trưng.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Theo tín ngưỡng thờ đạo Mẫu Tứ Phủ thì Bát Nạn Tướng Quân – chính là Chầu Tám Bát Nàn – vị Chầu Bà thứ 8 trong Tứ Phủ Chầu Bà.

Truyền thuyết về Bát Nạn Tướng Quân

Thục Nương sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Lớn lên không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương (con trưởng huyện Chu Diên). Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai họa ập xuống đầu họ.

Vào năm đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc, viên quan Thái thú Tô Định (nhà Hán) đang cai trị nước ta vốn tham tiền, háo sắc và tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái vẹn toàn, Tô Định cho quân lính bắt cha và chồng chưa cưới của nàng vào dinh ép buộc phải gả Thục Nương cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha và Phạm Danh Hương sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Được dân làng che chở, Thục Nương cùng vài người thân chạy thoát. Chèo thuyền được vài ngày, họ dừng ở vùng đất Đa Cương (tả ngạn sông Hồng), nay thuộc huyện Hưng Hà để nương náu.

Tại đây, bà đã lập căn cứ, tụ cờ khởi nghĩa, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng vững chắc. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho người về khuyến dụ hợp sức. Bà đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán. Đất nước độc lập không lâu thì đến tháng 4 năm 42 sau Công nguyên, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sỹ đã hy sinh anh dũng. Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Vũ Thị Thục đem quân về cố thủ ở Tiên La Trang để tiếp tục kháng chiến. Tháng 8 năm 43 sau Công nguyên, giặc Hán đem quân đánh căn cứ, nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, Vũ Thị Thục đã rút gươm tự tiết tại gò Kim Quy bên dòng sông Tiên Hưng.

Kiến trúc Đền Tiên La

Toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000 m² trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, toà tiền tế, toà trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Toà điện bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu với các nội dung có tích kinh điển như “long – lân – quy – phượng” đan xen với “thông – trúc – cúc – mai”.

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Toà điện trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “chồng diêm cổ các”. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở toà bái đường đều làm bằng đá như hệ thống cột, xà, kèo… Tất cả đều được chạm trổ công phu tạo nên cho nơi này toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ hiếm.

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Ngoài ra, đền Tiên La còn lưu giữ được nhiều đồ tế quý giá có giá trị thẩm mỹ cao có niên đại từ thời Lê, các tài liệu như thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, minh chuông đều có giá trị lịch sử quý giá.

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Lễ hội truyền thống đền Tiên La

Hàng năm, Ban Quản lý đền Tiên La thường tổ chức nhiều ngày lễ lớn theo ngày âm lịch, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và du khách như: từ ngày 1 – 4 tháng giêng tổ chức lễ Thượng Nguyên, 10/3 tổ chức lễ cáo yết khai hội, rước nước;

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Từ mùng 1 đến 17 tháng 3 tổ chức lễ hội đền Tiên La (chính hội ngày 17, trùng ngày mất của Bát Nạn tướng quân, ngày 17/3 năm Quý Mão);

Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân

Ngày 15 tháng 8 tổ chức đại lễ sinh nhật; ngày 10 tháng 11 tổ chức lễ kỷ niệm ngày Bát Nạn tướng quân dấy binh khởi nghĩa.

Trong đó, lễ hội đền Tiên La được tổ chức theo quy mô lớn, bao gồm các nghi thức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: rước kiệu, rước nước, đánh đáo, thổi sáo trúc, chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, biểu diễn chèo.

Đền Tiên La, quả xứng đáng với một ngôi đền cổ với những nét đẹp riêng có vùng quê Thái Bình. Với những giá trị lịch sử và vị trí cũng như với lối kiến trúc độc đáo, đền Tiên la đã được công nhận di tích quốc vào ngày 12 tháng 11 năm 1986. Đây chắc chắn sẽ là một điểm dừng chân hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Updated: 04/04/2022 — 11:54 sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *