Các lễ hội vào tháng 10 Âm lịch chủ yếu diễn ra ở khu vực Nam Bộ với hàng loạt những lễ hội truyền thống Việt Nam lớn, tiêu biểu như: lễ hội Ook Om Bok và đua ghe ngo, hội đền Nguyễn Trung Trực, lễ vía bà Phi Yến…
1. Lễ mừng lúa mới ở Tây Nguyên (từ ngày 10/10 Âm lịch)
Lễ mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam lâu đời của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, thường được tổ chức sau mùa thu hoạch. Thời gian diễn ra lễ mừng lúa mới không giống nhau giữa các địa phương và các tộc, nhưng thường bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 Âm lịch hàng năm (vào khoảng tháng 11 dương).
Đây là dịp để các đồng bào tạ ơn Giàng (Trời) và các vị thần linh đã bảo hộ và ban cho dân làng vụ mùa tốt tươi, với rất nhiều những tập tục và nghi lễ như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mời khách đến nhà, múa hát, ăn uống…
Lễ mừng lúa mới có khi kéo dài đến một tuần, vì không phải đồng loạt các nhà trong buôn cùng tổ chức, mà lần lượt tuần tự hết nhà này sang nhà khác. Thậm chí lễ mừng lúa mới của tộc J’rai hay Bahnar còn kéo dài từ tận tháng 11 dương lịch (khoảng tháng 10 Âm lịch) đến tháng Giêng của năm sau. Mỗi nhà sẽ cúng thần, hồn lúa, cúng tổ tiên, mời bạn bè, người thân đến nhà và xem đó là vinh dự, vì nhà càng đông khách thì càng có nhiều phước lành. Các hoạt động tập thể cộng đồng có thể kể đến, như: múa cồng, chiêng, đốt lửa và vui chơi ca hát…
Nếu các bạn thích tận hưởng không khí buôn làng và các bản sắc đặc trưng trong văn hóa Tây Nguyên thì đây sẽ là thời gian phù hợp với chuyến đi lên vùng cao của bạn. Bạn có thể hòa mình vào lễ hội của bà con đồng bào, được tận mắt thấy những giá trị văn hóa phi vật thể, điển hình là văn hóa cồng chiêng nơi đây.
2. Lễ hội Kathina ở Sóc Trăng (15/9 – 15/10 Âm lịch)
Lễ hội Kathina (hay còn gọi là lễ dâng bông, dâng y cà sa) thường diễn ra từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 Âm lịch) tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ có đồng bào Khmer sinh sống. Lễ hội truyền thống Việt Nam này thường được tổ chức trước lễ hội Ook Om Bok, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho phum sóc yên vui hạnh phúc.
Đây cũng là dịp để đồng bào Khmer thành kính dâng những áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng. Thế nên thông thường lễ Kathina sẽ diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên, các sư sãi trong chùa sẽ cầu nguyện bình an cho phum sóc; sau đó ngày thứ hai, bà con sẽ tổ chức đám rước quanh chùa và phum sóc để tỏ lòng thành, rồi sẽ làm lễ để dâng bông và áo cà sa cho chư tăng, sư sãi. Một số vật phẩm khác cũng được dâng lên làm lễ vật, như: bình bát, sách tập, bút viết…
Lễ Kathina là niềm tự hào của cộng đồng người Khmer, mang đậm bản sắc truyền thống và phản ánh rõ đời sống tâm linh, lòng thành kính, sùng đạo của bà con đồng bào Khmer. Các nghi lễ luôn diễn ra trong sự mong chờ của mọi người, sự trang nghiêm và trịnh trọng đầy tôn kính.
3. Lễ hội Ook Om Bok và đua ghe ngo ở Sóc Trăng, Trà Vinh (14, 15/10 Âm lịch)
Sau lễ Kathina, đồng bào Khmer tiếp tục chuẩn bị cho lễ hội Ook Om Bok – một lễ hội truyền thống Việt Nam mà tiếng vang của nó đã vượt khỏi cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ và khu vực địa phương để hàng năm thu hút rất nhiều lượt du khách đến tham dự.
Ook Om Bok (còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ “Đút cốm dẹp” (Bon sâm peah preah khe)) là lễ hội dân gian rất lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer, thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch (14,15/10 Âm lịch).
Theo quan niệm của bà con Khmer, một năm sẽ có hai cái tết: Tết Âm lịch và Tết dương lịch. Và vào rằm tháng 10 Âm lịch sẽ là lúc kết thúc một chu kỳ của mặt trăng quanh trái đất. Chính vì điều đó, lễ hội Ook Om Bok có thể xem như ngày bước sang năm mới trong Âm lịch của người Khmer, để mặt trăng bắt đầu bước vào một chu mới kế tiếp. Cộng đồng người Khmer nhân dịp này để cúng trăng, tạ ơn thần mặt trăng đã bảo bọc và mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt trong suốt một năm đã qua.
Nói đến lễ hội Ook Om Bok thì có lẽ hai sự kiện thu hút và nhận được sự mong chờ nhiều nhất của mọi người, đặc biệt là du khách thập phương, chính là: cuộc thi đua ghe Ngo và nghi thức thả đèn gió.
Ghe Ngo thường có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, rộng từ 1,2 m đến 1,4m và có từ 50 – 60 người chèo. Trước đây, ghe Ngo một loại thuyền độc mộc lớn, khoét từ thân gỗ tốt nhưng hiện nay thì đã được thay thế cách làm, ghe Ngo được ghép lại từ những tấm ván dài. Mái chèo được làm bằng gỗ dẻo, đặc biệt phải nhẹ để tay bơi không tốn sức và về đích nhanh hơn. Mỗi chiếc ghe Ngo thường được trang trí theo các cách khác nhau, thường là các hình vẽ biểu tượng như kha la (con cọp) rồng, sư tử, cá Poon-co…
Ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa, tượng trưng cho sự no ấm, sung túc của người dân nơi đây. Và đua ghe Ngo là một môn thể thao địa phương vô cùng hấp dẫn và thu hút rất nhiều người về tham dự. Không chỉ vậy, cuộc thi còn là một món ăn tinh thần và điểm son trong văn hóa tâm linh và phi vật chất của đồng bào Khmer nói chung, đồng bằng Nam bộ nói chung.
Khi nước lên, các ghe sẽ bắt đầu vào vị trí cho cuộc đua bắt đầu, tiếng reo hò, cổ vũ vang rần hai bên bờ sông. Sau tiếng còi xuất phát thì từng cặp ghe đua sẽ lao về phía trước với nhịp còi điều nhịp và tiếng phèng la thúc giục, đội nào về đích trước sẽ chiến thắng.
Nghi lễ thả đèn nước cũng là một trong những sự kiện được mọi người mong chờ, với những chiếc đèn được làm từ tre, giấy quyến và dây kẽm, có hình dáng như một ngôi đền (vuông hoặc tròn). Đèn nước được trang trí hoa văn và có lắp đèn bên trong, sau đó đốt đèn cầy và nhang vòng ngoài rồi mới đặt các thức cúng vào trong.
Bên cạnh hai sự kiện trên, lễ hội Ook Om Bok còn có các hoạt động văn hóa đặc sắc khác như: múa Răm Vong, Rong Leo… hòa vào không khí lễ hội và sự nhộn nhịp, căng tràn sức sống những ngày vào hội ở địa phương. Bởi vì, lễ hội Ook Om Bok là lễ hội mang một tầng sâu ý nghĩa và là một cột mốc hàng năm trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây vừa là hoạt động duy trì nét đẹp trong văn hóa, vừa là một điểm nhấn vô cùng thú vị trong du lịch, thu hút du khách cả trong và ngoài nước.
4. Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Kiên Hải, Kiên Giang (15, 16/10 Âm lịch)
Cũng như những địa phương giáp biển, tỉnh Kiên Giang hàng năm cũng có hội cầu ngư, thường được biết đến với cái tên Lễ hội Nghinh Ông, diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 10 Âm lịch tại xã Lại Sơn, huyện Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) nhằm bày tỏ lòng biết ơn và sự phụng thờ vì những phù trợ của Cá Ông cho địa phương.
Lễ cúng Cá Ông hàng năm đã có ở xã Lại Sơn hơn 100 năm và trở thành một trong những điểm nhấn về văn hóa, du lịch cũng như đời sống tâm linh của ngư dân địa phương. Theo nghi thức thì từ ngày 14 Âm lịch, các tàu thuyền nơi đây đều tề tựu về, để chuẩn bị cho chính lễ vào ngày 16. Sáng ngày 16 sẽ có lễ Nghinh Ông và Chánh tế được tiến hành trong không khí long trọng, trang nghiêm. Hàng trăm ghe tàu sẽ làm lễ và bắt đầu ra khơi để Nghinh Ông với sắc cờ rực rỡ và sự trang hoàng lộng lẫy, cùng không khí tưng bừng, nô nức của bà con.
Lễ Nghinh Ông không chỉ là dịp tưởng nhớ công ơn mà còn để cầu cho mưa thuận gió hòa, bình an và thuận lợi cho ngư dân trong suốt năm.
Bên cạnh phần lễ còn có phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tập thể đa dạng: các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, đua xuồng chèo, thi ẩm thực, biểu diễn văn nghệ, đờn ca tài tử…
5. Lễ hội kéo chày của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang (16/10 Âm lịch)
Những năm gần đây, Hà Giang không phải một cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch Việt Nam – thậm chí còn là một trong những điểm đến hot nhất của năm. Thế nhưng, bạn đã bao giờ nghe đến lên Hà Giang để tham gia lễ hội kéo chày của dân tộc Pà Thẻn chưa?
Lễ hội kéo chày của dân tộc Pà Thẻn thường diễn ra vào trung tuần tháng 10 Âm lịch hàng năm (thường là ngày 16) với những nét độc đáo và đậm chất huyền bí, nguyên sơ. Dân tộc Pà Thẻn hiện tập trung sinh sống ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì.
Chiếc chày sử dụng trong lễ hội thường dài khoảng 3m, được thầy cầm chịch và xoay đi xoay lại để niệm thần chú, sao cho chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất mà các thanh niên trong tộc dù có kéo cũng không kéo xuống được.
Riêng với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội “kéo chày” là một tập tục truyền thống mang tính chất cộng đồng, đồng thời cũng là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, mở hội sau một ngày mùa bội thu. Trong lễ hội kéo chày, đồng bào Pà Thẻn còn cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.
Nếu không chỉ muốn lạc trôi trong những cách đồng Tam giác mạch đẹp quên lối về ở Hà Giang, bạn có thể note lại ngay lễ hội kéo chày của dân tộc Pà Thẻn, để cùng tham gia và xem lễ hội nhảy lửa, xem các hội thi gói bánh dài, bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc Pà Thèn. Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam độc đáo và rất nên bổ sung nó vào danh sách những chuyến đi của bạn nhé.
6. Lễ hội Miếu Bà ở thành phố Vũng Tàu (16 – 18/10 Âm lịch)
Tháng 10 Âm lịch này nếu lựa chọn đi du lịch ở thành phố Vũng Tàu, bạn sẽ có thêm một điểm đến; đó chính là Miếu Bà (nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, bên trái đình Thắng Tam). Tại đây vào ngày 16 đến ngày 18 tháng 10 Âm lịch hàng năm sẽ diễn ra lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, một lễ hội truyền thống Việt Nam của ngư dân địa phương.
Miếu Bà được lập nên từ thế kỷ 19 để thờ 5 nữ thần: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và 2 bị hộ quốc được vua phong Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y A Na và Thuỷ Long Thần Nữ. Người dân Vũng Tàu thường gọi là Miếu 7 Bà.
Thường có rất nhiều người đến chiêm bái và cầu xin ở Miếu Bà vì nơi đây nổi tiếng linh thiêng, nên vào dịp lễ hội nơi đây càng đặc biệt đông đúc. Lễ hội sẽ bắt đầu bằng lễ rước với cờ lọng, hoa quả, ngũ sự… trong không khí háo hức nhưng đầy nghiêm trang. Tiếp sau đó sẽ là nghênh Thủy Long Thần Nữ tại miếu Hòn Bà ở bãi sau của mũi Nghinh Phong với rất nhiều nghi lễ, lễ tế: múa mâm vàng, mâm bạc, múa lân, múa Bóng Rỗi, lễ tế thần, nghi thức Nghinh Sắc…
Bên cạnh phần lễ tế, Hội Miếu Bà Vũng Tàu còn có nhiều hoạt động vui chơi dân gian khác như: Lễ xây chầu đại bội và diễn tuồng cổ, múa Kỳ Lân, múa Sư Tử, biểu diễn văn nghệ…
Lễ hội Miếu Bà cũng là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân địa phương tại Vũng Tàu, đồng thời cũng là một điểm nhấn, một điểm đến độc đáo với nhiều hoạt động thú vị bạn nên khám phá khi đi du lịch tại Vũng Tàu, bên cạnh những điều đã gắn liền với vùng đất này như: các bãi tắm, cung đường Trần Phú, thiền viện Trúc Lâm, làng chài Long Sơn…
7. Lễ vía bà Phi Yến ở Côn Đảo (17, 18/10 Âm lịch)
Côn Đảo lâu nay vẫn nổi tiếng là một địa điểm du lịch tâm linh, và vào khoảng thời gian trung tuần tháng 10 Âm lịch (ngày 17 và 18), huyện đảo này sẽ tổ chức lễ vía bà Phi Yến tại An Sơn miếu (hay còn gọi là miếu bà Phi Yến nằm trên đường Hoàng Phi Yến, khu dân cư số 3, cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 2km).
Bà Phi Yến (thứ phi Hoàng Phi Yến) là vợ thứ của vua Nguyễn Ánh, về sau tuẫn tiết nơi đây, được nhân dân lập miếu thờ, xem Phi Yến như một vị thần phò trợ cho cuộc sống của họ.
Lễ vía (hay còn gọi là lễ giỗ) sẽ bắt đầu từ đêm 17, khi các mâm quả, xôi, chè được bày cúng và đãi khách thập phương; đồng thời mọi người cầu nguyện bình an, bên cạnh các hoạt động văn nghệ, vui chơi mang đậm tính địa phương, đặc biệt có cả trình diễn đờn ca tài tử.
9h sáng hôm sau, ngày 18 lễ giỗ chính thức bắt đầu. Lễ vật dâng lên gồm hoa, bánh và các mâm ngũ quả, được những người dâng lễ đội thành từng mâm xếp hàng mang vào. Chủ lễ đọc văn khấn, như một nghi thức truy điệu Bà Phi Yến. Sau phần tế lễ, mọi người sẽ được thưởng thức những món chay do nhân dân các khu dân cư quyên góp và thực hiện.
Lễ vía bà Phi Yến được xem như một lễ hội truyền thống Việt Nam, gắn liền với lịch sử và phản ánh rõ nét đời sống tâm linh của nhân dân huyện Côn Đảo, đã trở thành lịch sử lưu truyền qua các năm.
8. Hội đền Nguyễn Trung Trực ở An Giang (18, 19/10 Âm lịch)
Kể từ năm 2003, lễ hội đền Nguyễn Trung Trực được xem là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam mang quy mô quốc gia vì bề dày giá trị văn hóa cộng đồng và du lịch của mình. Hồi đền Nguyễn Trung Trực thường được mở vào ngày 18 và 19 tháng 10 Âm lịch hàng năm tại đền Nguyễn Trung Trực (xã Long Kiên, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nhằm tưởng nhớ đến công lao của ông Nguyễn Trung Trực – người đã lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở Nam bộ vào những năm thế kỷ XIX.
Hội đền sẽ bắt đầu với các nghi thức lễ tế cổ truyền, như: lễ tế đàn cả, lễ tế cụ Nguyễn, lễ dâng hương… với sự tề tựu đông đúc của khách thập phương đổ về. Đặc biệt là người dân các tỉnh đồng bào sông Cửu Long về rất đông, và họ xem đây như một lễ giỗ gia tiên của ông bà trong gia đình mình.
Phần hội được mong chờ với những màn biểu diễn của các đoàn nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là tiết mục phục dựng là trận trận đánh chìm tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo của nghĩa quân ông Nguyễn Trung Trực xưa.
Ngoài ra, hội đền còn có các trò chơi dân gian như: thi cộ hoa, chơi cờ người, biểu diễn võ thuật, thi múa lân sư rồng, thả hoa đăng trên sông Kiên Giang…
9. Hội làng Nhị Khê ở Hà Nội (25/10 Âm lịch)
Hội làng Nhị Khê thường diễn ra vào ngày 25 tháng 10 Âm lịch hàng năm, tại làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội nhằm tưởng nhớ ông Doãn Văn Tài – người được xem là ông tổ nghề tiện gỗ từ thế kỷ XVI.
Theo tương truyền thì ông Doãn Văn Tài từ nơi khác đã đến làng Nhị Khê, rồi truyền lại nghề tiện cho dân làng dưới thời Vua Lê Chúa Trịnh. Cũng từ lúc này ông được suy tôn là ông tổ nghề tiện làng Nhị khê và lấy ngày 25 tháng 10 ( Âm lịch) hàng năm làm ngày hội làng để tưởng nhớ ông.
Trong ngày lễ hội truyền thống Việt Nam này, dân làng sẽ tổ chức tế tổ, cúng tế, dâng lễ vật lên tổ sư với sự trang nghiêm và thành kính. Ngày hội này cũng có thể xem như ngày hội của nghề tiện Việt Nam, vì rất nhiều thợ tiện khắp nơi tề tựu về. Ngày hội làng Nhị Khê, bên cạnh lễ tế còn có các hoạt động vui chơi dân giang như đánh cờ, hát chèo…
Trên đây là những lễ hội truyền thống Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10 Âm lịch mà Vanhoatamlinh.com muốn gửi thông tin tới bạn đọc. Nếu các bạn biết còn lễ hội nào diễn ra vào tháng 10 này thì hãy comment dưới đây nhé.