Ý nghĩa của thập tự giá là gì?

Về cơ bản, ý nghĩa của thập tự giá là sự chết. Từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước Chúa Giáng Sinh (trước Công Nguyên) cho đến thế kỷ thứ 4 sau Chúa Giáng Sinh (sau Công Nguyên), thập giá là một công cụ để thi hành án mà nó dẫn đến cái chết bởi những cách tra tấn và đau đớn nhất.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Trong trường hợp đóng đinh một người, họ bị trói hoặc đóng đinh vào một cây thập tự giá bằng gỗ và bị để treo cho đến khi chết. Cái chết sẽ đến chậm và đau đớn khủng khiếp. Tuy nhiên, vì Đấng Christ và sự chết của Ngài trên thập tự giá, ý nghĩa của thập tự giá ngày nay hoàn toàn khác.

Trong Cơ Đốc giáo, thập tự giá là giao điểm tình yêu của Đức Chúa Trời và công lý của Ngài. Chúa Giê-su Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời cất đi tội lỗi của thế gian (Giăng 1:29). Việc ám chỉ Chúa Giêsu là Chiên Con của Đức Chúa Trời đã hướng trở lại sự thiết lập Lễ Vượt Qua của dân Do Thái ở Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 12. Người Do Thái được truyền lệnh phải giết một chiên con không tì vít và bôi máu của con chiên đó trên các ô cửa của nhà họ. Huyết sẽ là dấu hiệu cho Thiên sứ “vượt qua” ngôi nhà đó, mọi vật được bao phủ bởi huyết được gìn giữ trong sự an toàn. Khi Chúa Giê-su đến với Giăng để làm báp têm, Giăng đã nhận biết Ngài và kêu lên: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” (Giăng 1:29), bằng cách đó để nhận biết Ngài và kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho Ngài — chịu chết vì tội lỗi.

Ý nghĩa của thập tự giá là gì?

Người ta có thể hỏi tại sao Chúa Giê-su phải chịu chết trước hết. Đây là thông điệp quan trọng nhất của Kinh Thánh – câu chuyện về sự cứu chuộc. Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất, và Ngài đã tạo ra người nam và người nữ trong ảnh tượng của Ngài và đặt họ trong Vườn Địa Đàng để trở thành những người quản trị của Ngài trên thế gian (Sáng Thế Ký 1:26-27; 2:7-9). Tuy nhiên, do sự cám dỗ của Sa-tan (con rắn, 3:1-5), A-đam và Ê-va đã phạm tội và rời xa khỏi ân điển của Đức Chúa Trời (3:21-24). Hơn nữa, họ đã truyền lại lời nguyền tội lỗi cho con cái của họ, bởi đó mọi người thừa hưởng nguyên tội và sự mặc cảm tội lỗi của họ. Đức Chúa Cha đã sai Con một và độc sinh của Ngài vào thế gian để trở thành con người xác thịt và trở thành Đấng Cứu Chuộc cho dân sự Ngài. Sinh ra bởi một nữ đồng trinh (Lu-ca 1:26-38), Chúa Giê-su tránh lời nguyền của sự sa ngã mà nó đã làm hư hoại cả nhân loại (Ro-ma 5:12). Là Con Đức Chúa Trời vô tội (Hê-bơ-rơ 4:15; 1 Phi-e-rơ 2:22; 1 Giăng 3:5), Ngài có thể cung ứng sự hy sinh vô giá mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Công lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự phán xét và đoán phạt tội lỗi (Ê-xê-chi-ên 18:4); Tình yêu của Đức Chúa Trời đã cảm động Ngài ban Con một và độc sinh của Ngài để làm của lễ chuộc tội.

Bởi vì Chúa Giê-su hy sinh chuộc tội trên thập tự giá, những ai đặt niềm tin và lòng trông cậy duy chỉ vào Ngài cho sự cứu chuộc thì được đảm bảo sự sống đời đời (Giăng 3:16; 10:28-29). Tuy nhiên, Chúa Giê-su kêu gọi những môn đồ của Ngài vác thập tự giá của họ và bước đi theo Ngài (Ma-thi-ơ 16:24; Lu-ca 9:23). Khái niệm “vác thập tự giá” ngày nay đã mất đi nhiều ý nghĩa ban đầu của nó. Thông thường, chúng ta sử dụng “vác thập tự giá” để biểu hiện một tình huống phiền phức hoặc khó chịu (ví dụ: “đứa con tuổi thiếu niên quậy phá của tôi là thập tự giá của tôi”). Tuy nhiên, chúng ta phải nên nhớ rằng Chúa Giê-su đang kêu gọi các môn đồ của Ngài dự phần vào sự từ bỏ mình hoàn toàn. Đối với một người ở vào thế kỷ thứ nhất thập giá chỉ có một ý nghĩa — là cái chết. “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 16:25; Lu-ca 9:24). Ga-la-ti nhắc lại chủ đề về cái chết của chính tội lỗi này và vươn lên để bước đi với một đời sống mới qua Đấng Christ: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”(Ga-la-ti 2:20).

Có những nơi trên thế giới mà các Cơ Đốc nhân đang bị bách hại, thậm chí đến mức chết, vì niềm tin của họ. Họ nhận biết ý nghĩa của việc mang cây thập tự của họ và bước đi theo Chúa Giê-su theo một cách rất thực tế. Đối với những người không bị bách hại trong cách như vậy, sự đòi hỏi vẫn phải trung tín với Đấng Christ. Ngay cả khi chúng ta không bao giờ được kêu gọi để chịu sự hy sinh tối thượng, chúng ta phải sẵn lòng làm điều đó vì tình yêu dành cho Đấng đã cứu chúng ta và ban sự sống của Ngài cho chúng ta.

Updated: 17/09/2022 — 10:32 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *