Tin lành

95 luận điểm của Martin Luther

95 luận điểm của Martin Luther là một loạt các tuyên bố được viết bởi Martin Luther, một nhà thần học và tu sĩ người Đức vào năm 1517.

771

Những tuyên bố này là một sự phê phán đối với một số thực hành nhất định trong Giáo hội Công giáo La Mã, và chúng đã giúp châm ngòi cho cuộc Cải cách Tin lành.

95 luận điểm của Martin Luther đã tác động đáng kể đến lịch sử của Cơ đốc giáo và chúng được coi là một trong những tài liệu quan trọng của cuộc Cải cách Tin lành.

95 Luận đề được viết bằng tiếng Latinh và ban đầu được dán trên cửa Nhà thờ Lâu đài ở Wittenberg, Đức vào ngày 31/10/1517.

95 luận điểm của Martin Luther

Trong danh Chúa Giê-xu Christ của chúng ta. A-men.

1. Khi Chúa Giê-xu Christ và là Chúa của chúng ta nói rằng “Poenitentiam agite” tức: Các ngươi hãy ăn năn, thì Ngài muốn rằng suốt cả cuộc đời của người tin Chúa là một sự ăn năn.

2. Từ ngữ này không thể được hiểu như là nghi thức (bí-tích) giải tội của Công Giáo, tức là sự xưng tội và đọc Kinh giải tội như cách mà các linh mục đã làm.

3. Dầu vậy, từ ngữ này không phải chỉ nói về sự ăn năn bên trong không thôi: không đâu, không có một sự ăn năn bên trong nào mà lại không góp phần vào sự làm chết đi những gì của xác thịt.

4. Thế nên, hình phạt (của tội lỗi) vẫn còn tiếp tục nếu sự ghét bỏ chính mình vẫn còn tiếp tục, bởi vì đây mới chính thực là sự ăn năn bên trong, và sự ăn năn bên trong sẽ còn tiếp tục cho đến khi chúng ta bước vào thiên đàng.

5. Vị Giáo Hoàng không hề có ý định xóa bỏ, và cũng không đủ sức xóa bỏ bất kỳ một hình phạt nào, ngoại trừ những hình phạt mà ông đã áp đặt, hoặc bằng chính thẩm quyền của mình, hoặc bằng thẩm quyền của Giáo luật.

6. Vị Giáo Hoàng không thể xóa được bất kỳ một tội nào, trừ phi bằng cách công bố rằng tội ấy đã được Đức Chúa Trời xóa bỏ, và bằng cách chấp nhận sự tha tội của Đức Chúa Trời; dầu vậy, để cho được chắc chắn, vị Giáo Hoàng có thể ban sự tha tội trong những vụ nào đã được để riêng ra chờ sự phán quyết của ông. Nếu quyền ban cho sự tha tội ấy của ông trong những vụ ấy bị khinh thường, thì tội ấy vẫn hoàn toàn chưa được tha.

7. Đức Chúa Trời không tha tội cho bất kỳ người nào mà Ngài không đồng thời bắt phục họ trở nên khiêm nhường trong mọi mặt, và khiến người phải chịu thuận phục vị cha xứ của Ngài, tức vị linh mục sở tại.

8. Những giáo luật về sự ăn năn chỉ được áp đặt trên người còn sống, và theo như những giáo luật ấy, chúng ta không nên áp đặt một điều gì trên người sắp chết.

9. Thế nên, Đức Thánh Linh ngự trong vị Giáo Hoàng tỏ ra rất nhân từ với chúng ta, bởi vì trong những đạo luật của ông, ông luôn xem những điều khoản nói về sự chết và về nhu cầu là những trường hợp ngoại lệ.

10. Trong trường hợp những người sắp chết, mà những linh mục nào lại để dành cách giải tội theo như giáo điều cho đến khi những người này vào “ngục luyện tội”, thì đó là những việc làm vô tâm và độc ác.

11. Việc đổi hình phạt theo giáo luật thành hình phạt của ngục luyện tội rõ ràng là một trong những giống cỏ lùng đã được gieo ra trong lúc các vị giám mục đang ngủ.

12. Trong thời gian trước đây, những hình phạt theo giáo luật được áp đặt trước khi, chứ không phải được áp đặt sau khi đã được tha tội, như là những sự chứng nghiệm về sự ăn năn thật.

13. Người sắp chết được miễn tất cả mọi hình phạt khi họ qua đời; vì họ xem như đã chết rồi đối với giáo luật, và có quyền được giải thoát khỏi những giáo luật đó.

14. Sự lành mạnh không toàn hảo (của linh hồn), tức chúng tôi muốn nói rằng, tình yêu không toàn hảo của người sắp chết mang đến sự sợ hãi lớn không thể trán được; nếu tình yêu đó càng ít, thì sự sợ hãi càng lớn.

15. Sự sợ hãi này cùng sự kinh khiếp tự chúng đã đủ để tạo thành hình phạt của ngục luyện tội, bởi vì điều ấy rất gần với sự kinh khiếp của tuyệt vọng.

16. Địa ngục, ngục luyện tội, và thiên đàng có vẻ như khác việt nhau một cách tương tự như sự khác biệt giữa tuyệt vọng, gần tuyệt vọng và sự bảo đảm an toàn.

17. Đối với những linh hồn ở trong ngục luyện tội thì điều cần có là sự kinh khiếp nên giảm đi và tình yêu thương phải tăng lên.

18. Chúng ta thấy điều có vẻ như không chứng minh được, dù bằng lý luận hay Kinh Thánh, là những linh hồn ấy ở ngoài tình trạng được thưởng, chúng tôi muốn nói là, tình trạng tình yêu thương được tăng thêm.

19. Còn nữa, điều chúng ta thấy có vẻ như không chứng minh được là họ, hay ít ra là tất những linh hồn ấy lại tỏ ra chắc chắn, hoặc được cho biết chắc về tình trạng được phước của chính họ, mặc dù chúng ta biết khá chắc chắn về việc này.

20. Thế nên, khi nói rằng “xóa sổ hoàn toàn mọi hình phạt”, thì vị Giáo Hoàng không thực sự có ý nói là “mọi hình phạt” nhưng chỉ nói những hình phạt nào mà chính ông đã áp đặt.

21. Thế nên những người nào giảng về bùa giải tội đều là sai, tức những người nào nói rằng qua bùa giải tội của vị Giáo Hoàng thì một người sẽ được giải thoát khỏi mọi hình phạt, và linh hồn sẽ được cứu.

22. Trong khi đó vị Giáo Hoàng lại không xóa một hình phạt nào cho những linh hồn ở trong ngục luyện tội, mà đáng lý ra theo giáo luật, họ phải trả trước rồi trong đời này.

23. Nếu bằng mọi cách nào có thể được để ban sự xóa sạch mọi hình phạt cho bất kỳ ai dù tội ấy có như thế nào đi chăng nữa, thì điều chúng ta biết rằng sự xóa tội này chỉ có thể ban được cho những ai toàn hảo nhất, tức là, chỉ cho một số người ít nhất.

24. Thế nên, điều ắt có và phải có là phần lớn người ta đã bị đánh lừa bởi lời hứa lầm lẫn về sự giải thoát khỏi hình phạt nghe rất kêu này.

25. Nói một cách tổng quát, thẩm quyền mà vị Giáo Hoàng có được trên ngục luyện tội, là chỉ giống như thẩm quyền mà bất kỳ một vị giám mục, hay cha xứ có trong vòng địa phận, hay giáo xứ của họ, trong trường hợp riêng biệt này.

26. Vị Giáo Hoàng làm một điều phải, khi người ban phát sự xóa tội cho những linh hồn (ở trong ngục luyện tội), không bởi quyền năng của chìa khóa ngục (mà chính người không có giữ), nhưng bởi sự cầu thay.

27. Người ta đã giảng dạy rằng ngay khi những đồng tiền rơi leng keng vào trong hộp tiền dâng, thì các linh hồn sẽ bay ra khỏi ngục luyện tội.

28. Điều chắc chắn là khi các đồng tiền rơi leng keng vào trong hộp tiền dâng, thì vật chất và lòng tham vật chất có thể tăng lên, nhưng kết quả sự cầu thay của Hội Thánh nằm trong quyền năng của chỉ riêng Đức Chúa Trời mà thôi.

29. Nào ai biết được rằng có phải mọi linh hồn trong ngục luyện tội đều muốn được chuộc ra khỏi nơi đó hay không, như trong huyền thoại của Thánh đồ Severinus và Thánh đồ Paschal.

30. Không một ai biết được chắc chắn rằng sự ăn của chính họ là thành thật hay không, đừng nói chi đến việc họ có nhậnn được sự xóa tội hoàn toàn hay không.

31. Người thực sự ăn năn tội lỗi đã thật hiếm rồi, mà người thực sự tin vào bùa giải tội cũng hiếm tương tự, nghĩa là những người như vậy cực kỳ hiếm có.

32. Họ sẽ bị rủa sả đời đời cùng với các thầy giáo của họ, là những người tin rằng chính học cảm thấy chắc chắn về sự cứu rỗi của mình bởi vì họ có thư ân xá.

33. Quý vị phải cảnh giác về những người nào nói rằng sự ân xá của vị Giáo Hoàng là quà tặng của Đức Chúa Trời lớn không tưởng được mà nhờ đó con người được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

34. Bởi vì những “ân điển của sự ân xá” này chỉ quan tâm đến những hình phạt về sự cứu chuộc theo giáo điều, và những điều này do con người định ra.

35. Họ giảng rằng không một giáo lý Cơ Đốc nào dạy dỗ rằng không cần thiết phải có sự ăn năn cho những người nào định mua linh hồn ra khỏi ngục luyện tội, hoặc định mua lời xưng tội.

36. Mọi Cơ Đốc Nhân nào thực sự ăn năn đều có quyền được tha các hình phạt và xóa tội hoàn toàn, ngay cả khi họ không có thư ân xá.

37. Mọi Cơ Đốc Nhân thật, dù còn sống hay đã chết, điều được dự phần trong mọi ơn phước của Chúa Giê-xu Christ và của Hội Thánh, và điều này được chính Đức Chúa Trời ban cho, ngay cả khi họ không có thư ân xá.

38. Tuy nhiên xóa tội và dự phần (vào ân phước của Hội Thánh nào mà được vị Giáo Hoàng ban cho thì không ai có quyền khi rẻ, bởi vì như tôi đã nói, chúng là sự công bố của sự tha tội thiên thượng.

39. Thật là một điều khó khăn nhất, cho ngay cả những nhà thần học sắc bén nhất, là trong một lần, và cùng một lúc, tuyên dương với dân chúng sự dư dật của ân xá và (sự cần thiết) phải có của ăn năn thật.

40. Sự ăn năn thật tìm kiếm và yêu mến hình phạt, nhưng sự ân xá không nghiêm chỉnh chỉ làm nhẹ đi hình phạt, và khiến chúng trở nên bị ghét bỏ, hay ít ra, tạo cơ hội cho việc ấy (để ghét bỏ chúng).

41. Sự ân xá bởi các thánh đồ cần được giảng dạy một cách dè dặt, vì sợ rằng dân chúng có thể nghĩ một cách sai lầm rằng điều này tốt hơn là những việc lành khác của tình yêu thương.

42. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng vị Giáo Hoàng không có ý định rằng người ta đem so sánh dưới bất cứ hình thức nào việc mua sự ân xá với việc làm do lòng thương xót.

43. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng ai giúp đỡ kẻ nghèo khó, hay cho người đang cần dùng vay mượn thì làm việc lành tốt hơn là mua giấy ân xá.

44. Bởi vì tình yêu thương được sinh ra bởi những việc làm của tình yêu thương, và con người nhờ đó sẽ trở nên tốt hơn; nhưng con người không trở nên tốt hơn bởi giấy ân xá, mà chỉ được tự do khỏi sự hình phạt hơn.

45. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng ai thấy người khác đang có nhu cầu nhưng bỏ tránh xa và dùng tiền của mình mua sự ân xá, thì người ấy không phải mua được bùa giải tội của vị Giáo Hoàng, nhưng mua lấy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

46. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng trừ phi họ có nhiều hơn những gì họ cần, họ bắt buộc phải giữ lại những gì cần thiết cho chính gia đình họ, và không được dùng phung phí cho giấy ân xá dưới bất cứ hình thức nào.

47. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng việc mua giấy ân xá là vấn đề tự ý, không phải điều răn.

48. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng khi ban cho sự ân xá, vị Giáo Hoàng cần, và do đó, ông cũng mong mỏi những lời cầu nguyện khẩn thiết của họ dành cho ông hơn là những món tiền các Cơ Đốc Nhân này đem đến.

49. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng những sự ân xá của vị Giáo Hoàng là có ích nếu họ không đặt niềm tin vào chúng, những chúng hoàn toàn là có hại, nếu bởi vì cớ chúng mà họ mất đi lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

50. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng nếu vị Giáo Hoàng biết được những thủ đoạn vòi tiền của những người giảng dạy về sự ân xá, thì người sẽ ước thà rằng ngôi vương cung thánh đường St. Peter bị thiêu hủy thành tro bụi còn hơn là để ngôi nhà này được dựng nên bằng da thịt, máu xương của bầy chiên người.

51. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng điều mà Giáo Hoàng ước muốn, và đồng thời cũng chính là bổn phận của người, là phải đem tiền của chính mình đi cho rất nhiều người khác mà trước đây đã bị những kẻ rao bán sự ân xá dụ dỗ tiền bạc, cho dù người phải bán đi ngôi vương cung thánh đường St.Peter để làm việc ấy.

52. Sự bảo đảm cứu rỗi nhờ thư ân xá là vô nghĩa ngay cả khi người được ủy nhiệm, không đâu, ngay cả khi chính Giáo Hoàng đặt linh hồn người lên để bảo đảm.

53. Những kẻ nào bưng bít lời Chúa để hoàn toàn không được rao giảng tại một số Hội Thánh hầu cho sự ân xá được rao giảng ở những chỗ khác, thì ấy là kẻ thù của Đấng Christ và của Giáo Hoàng.

54. Khi trong cùng một bài giảng mà người ta dùng thời gian bằng hay nhiều hơn để giảng về sự ân xá so với thời gian giảng lời Chúa, thì điều này làm tổn thương đến Lời của Đức Chúa Trời.

55. Ý định của Giáo Hoàng bắt buộc phải là, nếu sự ân xá, vốn là một việc rất nhỏ, được đón mừng bằng một tiếng chuông cùng một lần diễu hành và nghi lễ, thì Phúc âm của Chúa, chính là một điều thật vĩ đại, phải được rao giảng với một trăm hồi chuông, một trăm lần diễu hành và một trăm lần nghi lễ.

56. Những “bảo vật của Hội Thánh” mà vị Giáo Hoàng đã dùng để ban phát vùa giải tội, đã không được nên tên đúng mức và cũng không được biết đến trong vòng dân sự Đức Chúa Trời.

57. Rằng chúng không phải là bảo vật tạm thời là điều rõ ràng lắm, bởi vì rất nhiều kẻ bán rao đã không có Giáo Hoàng, thì những điều này trở nên ân điển cho con người bề trong, và là thập tự giá, sự chết, và Địa ngục cho con người bề ngoài.

58. Và chúng cũng không là những công đức của Đấng Christ và của các Hội Thánh, bởi vì ngay cả khi không có Giáo Hoàng, thì những điều này trở nên ân điển cho con người bề trong, và là thập tự giá, sự chết, và Địa ngục cho con người bề ngoài.

59. Thánh Lawrence nói rằng những bảo vật của Hội Thánh là những kẻ nghèo khó của Hội Thánh, nhưng người nói vậy là theo như cách dùng ngôn từ của thời người đang sống.

60. Chúng tôi có thể nói một cách không cẩu thả rằng chìa khóa của Hội Thánh mà đã được ban cho bởi công đức của Đấng Christ, chính là bảo vật ấy.

61. Bởi vì điều chúng ta thấy rõ là để có thể xóa bỏ những hình phạt và những trường hợp được dành riêng cho người, thì thẩm quyền của bị Giáo Hoàng tự nó đã là đủ.

62. Bảo vật thật của Hội Thánh là Phúc âm chí thánh của sự vinh hiển và ân điển của Đức Chúa Trời.

63. Nhưng bảo vật này lẽ ra tự nhiên là đáng ghét nhất, vì nó khiến kẻ đầu trở nên kẻ sau rốt.

64. Mặt khác, bảo vật bùa chú giải tội thì lẽ tự nhiên là dễ chấp nhận nhất, vì nó khiến sau rốt trở nên đầu.

65. Thế nên những bảo vật của Phúc âm là những cái lưới mà trước đây họ quen dùng để đánh lưới những con người của sự giàu có.

66. Còn bảo vật của bùa giải tội là những cái lưới mà bây giờ họ dùng để đánh lưới những sự giàu có của con người.

67. Những bùa giải tội mà các thầy giảng kêu lên rằng ấy là “những ân điển vĩ đại nhất”, thì đã được người ta biết quả là có như vậy, nếu chỉ nói đến việc chúng góp phần vào sự gia tăng lợi lộc.

68. Nhưng thực ra chúng là những ân điển nhỏ nhất so với ân điển của Đức Chúa Trời và sự đạo đức của Thập tự giá.

69. Các giám mục và cha xứ bắt buộc phải công nhận sự ủy nhiệm của ân xá bởi sứ đồ bằng tất cả lòng tôn kính.

70. Nhưng họ còn bị bắt buộc nhiều hơn thế nữa, là họ phải mở mắt to để nhìn cho rõ, lắng tai nghe thật chăm chú, vì e rằng những thầy giảng này rao giảng những giấc mơ riêng của họ thay vì rao giảng những gì theo sự ủy nhiệm của Giáo Hoàng.

71. Người nào mà nói nghịch lại lẽ thật về sự ân xá bởi sứ đồ, nguyện cho hắn bị dứt phép thông công và bị rủa sả!

72. Nhưng người nào chống trả lại dục vọng và sự cấp phép cho các thầy giảng bùa ân xá, thì nguyện người ấy được hưởng phước!

73. Vị Giáo Hoàng đã làm việc công chính khi người cảnh cáo những kẻ đã dùng mọi xảo thuật để mưu định sự thương tổn của việc mua bán thư ân xá.

74. Nhưng người còn định cảnh cáo nhiều hơn thế nữa những kẻ nào dùng chiêu bài ân xá để mưu định sự thương tổn và tình yêu thương và lẽ thật thánh thiện.

75. Nếu ai nghĩ rằng sự ân xá của Giáo Hoàng là vĩ đại đến độ chúng có thể xá sạch tội cho một người ngay cả khi ấy đã phạm tội lớn không tưởng được và đã xâm phạm đến người mẹ của Đức Chúa Con, thì đấy là sự đên cuồng.

76. Trái lại, chúng tôi nói rằng, sự ân xá của Giáo Hoàng không đủ sức để xóa đi dù là tội nhỏ nhất của những tội loại không đáng chết.

77. Người ta nói rằng ngay cả Thánh Phi-e-rơ nếu bây giờ là Giáo Hoàng, cũng không ban cho ân điển lớn hơn được, đây là lời phạm thượng đối với Thánh Phi-e-rơ và đối với Giáo Hoàng.

78. Trái lại, chúng tôi nói rằng, ngay cả Giáo Hoàng hiện tại hay bất kỳ một Giáo Hoàng nào nói chung, đều có sẵn những ân điển lớn hơn để người tùy tiện sử dụng; tức là Phúc âm, quyền năng, ân tứ chữa bệnh, v.v…như đã được chép trong I Cô-rinh-tô 12.

79. Nếu người ta nói rằng thập tự giá, khi được chạm trổ cầu kì bằng huy hiệu của Giáo Hoàng, vốn là sự sắp đặt (bởi những kẻ rao giảng về thu ấn xá), thì có giá trị ngang với Thập tự giá của Đấng Christ, thì ấy là tội phạm thượng.

80. Các vị giám mục, linh mục và các vị giáo sư thần học nào cho phép những câu chuyện như vậy lan truyền trong vòng dân sự thì có một món nợ phải trả.

81. Sự giảng dạy không hạn chế về thư ân xá này khiến cho sự việc trở nên không dễ dàng, cho ngay cả những người giàu kiến thức, để có thể cứu vãn sự tôn kính mà vị Giáo Hoàng đáng được hưởng khỏi bị hoen ố, kể cả việc cứu vãn khỏi những câu hỏi tinh tế của hàng giáo dân.

82. Tức họ nói rằng: “Tại sao vị Giáo Hoàng lại không đại phóng thích ngục luyện tội vì cớ tình yêu thường, và vì nhu cầu cấp bách của những linh hồn hiện đang ở đó, mà lại cứu vô số kể những linh hồn để được những món tiền đáng thương, rồi dùng tiền đó để xây dựng thánh đường ? Những lý do đầu thật công bình, còn những lý do sau thì thật là vụn vặt.”

83. Còn nữa: “Tại sao những thánh lễ an táng và kỷ niệm tang lễ cho người đã chết vẫn còn được tiếp tục, và tại sao vị Giáo Hoàng lại không thay mặt cho họ hoàn lại, hay cho phép rút ra khoản tiền hứa dâng, bởi vì việc cầu nguyện cho người đã được cứu chuộc là điều sai trật ?”

84. Còn nữa: “Sự đạo đức mới này của Đức Chúa Trời và của vị Giáo Hoàng là như thế nào, khi chỉ vì tiền mà các Đấng ấy lại cho phép một người vốn là vô đạo đức và là kẻ thù của các Đấng ấy, mua ra khỏi ngục luyện tội một linh hồn đạo đức của một người bạn Đức Chúa Trời, mà các Đấng ấy lại không vì chính nhu cầu của linh hồn đạo đức thân yêu ấy mà giải thoát linh hồn này bởi cớ một tình yêu thương đơn thuần?”

85. Còn nữa: “Tại sao qua những dữ kiện thực tế và qua sự không sử dụng cho thấy rằng những kinh giải tội đã bị mất hiệu lực và đã chết từ lâu rồi, mà bây giờ chúng lại được xem là điều kiện qua sự ban bố bùa giải tội, như thể là chúng vẫn còn sống, và đang sống một cách mạnh mẽ?”

86. Còn nữa: “Tại sao vị Giáo Hoàng, ngày hôm nay vốn là người mà sự giàu có còn hơn cả người giàu nhất của những người giàu, lại không dùng tiền của chính mình để xây ngôi vương cung thánh đường St. Peter, mà lại dùng tiền của những tín đồ nghèo để xây?”

87. Còn nữa: “Vị Giáo Hoàng tha những gì, và những ban bố sự dự phần nào cho những người mà qua sự ăn năn hoàn toàn của họ, họ có quyền được hưởng sự tha tội hoàn toàn và được dự phần hoàn toàn?”

88. Còn nữa: “Có ơn phước nào đến với Hội Thánh lớn hơn bằng ơn phước khi vị giáo ngày ngày hôm nay chỉ cần làm một lần những gì người mà trước đây người phải làm hằng trăm lần mỗi ngày, và ban phát được cho mọi tín đồ những sự tha tội và dự phần này?”

89. “Bởi vì vị Giáo Hoàng, qua sự ân xá của người, đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn hơn là đi tìm tiền bạc, thì tại sao người lại đình chỉ những bùa giải tội và thu ân xá đã được ban bố từ trước đến bây giờ, trong khi những vật này có thực quả tương đương?”

90. Nếu chỉ dùng sức mạnh để bắt phục những sự tranh luận và ngờ vực của hàng giáo dân, mà không giải quyết bằng cách trình bày lý lẽ, tức là phơi bày Hội Thánh và vị Giáo Hoàng cho kẻ thù bêu rếu, và làm cho các Cơ Đốc Nhân buồn lòng.

91. CHo nên, nếu những thư ân xá được rao giảng theo tâm linh và tâm trí của vị Giáo Hoàng, thì tất cả những ngờ vực này sẽ được hóa giải dễ dàng, không phải vậy, chúng sẽ không còn hiện hữu.

92. Vậy đó, hỡi những tiên tri nào mà nói với dân sự của Đấng Christ rằng: “Bình an, bình an”, trong khi không có sự bình an, các ngươi hãy dang xa ra!

93. Nguyện ơn phước đến cho những tiên tri nào nói với dân sự của Đấng Christ là: “Thập tự giá, thập tự giá” trong khi không có thập tự giá!

94. Cơ Đốc Nhân phải được thúc dục rằng họ cần phải bền đỗ trong việc theo Đấng Christ, là Đầu của họ, để vượt qua những hình phạt, sự chết, và địa ngục.

95. Và vì thế, họ sẽ trở nên tin quyết về việc vào thiên đàng qua nhiều sự khổ nạn, hơn là qua sự bảo đảm bình an.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Khái quát về đạo Tin Lành

26/03/2021 20:11 2375

Cơ Đốc nhân là gì?

29/04/2021 16:20 2206

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm