Lễ hội truyền thống xã Sơn Đồng, Hoài Đức năm 2023

Năm 2023 UBND xã, Ban tổ chức lễ hội truyền thống xã Sơn Đồng tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng hai âm lịch.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Xã (Làng) Sơn Đồng có người Việt cổ cư trú từ rất sớm. Năm 1966, trong địa dư làng Sơn Đồng, dưới độ sâu 1,7- 1,8 m, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được các đồ vật đá (rìu tứ giác, bàn mài, khuyên tai, vòng tay…) và các hiện vật đồng (mũi giáo, mũi tên, mũi lao…) có niên đại thuộc Văn hóa Gò Mun, cách ngày nay trên dưới 3.500 năm, Các hiện vật này cùng với kết quả khai quật ở Di chỉ Vinh Quang chứng minh cho bề dày lịch sử của cư dân nơi đây.

Thế kỷ X, làng Sơn Đồng phát triển và mở rộng gắn với công lao của Tướng quân Đào Trực. Ông sinh ngày 16 tháng bảy năm Nhâm Tuất (18 – 8 – 962), mất ngày 15 tháng một năm Bính Tuất (18 – 12 – 986).

Thời phong kiến, làng Sơn Đồng được chia thành hai “thôn” (1) Nội và Ngoại, được phân định bằng con đường chạy qua trước cổng đình. Thôn Nội có trước, gồm các điểm di tích : Đình ( Còn gọi là Đình Hát), Chùa Kỳ Đà, dân cư tập chung tại ba “xóm”: Thượng, Gạch, Chiêu. Thôn Ngoại có sau, gồm các điểm di tích: Đền Thượng và chùa Diên phúc, Từ Vũ, nhà thờ họ Nguyễn thôn ngoại. Sáu điểm di tích trên được bộ văn hóa thông tin xếp hạng” Di tích lịch sử văn hóa” năm 1986. Nhà thờ họ Trí Thờ tiến sỹ Nguyễn Trí Cung Và Nguyễn Trí vỵ được UBND Thành Phố Hà Nội xếp hạng” Di tích lịch sử văn hóa” năm 2010, nhà thờ và lăng mộ tiến sỹ Nguyễn Trung Khuyến được UBND Thành Phố Hà Nội xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” năm 2011…Dân cư tập trung tại các xóm: Rô, Rảnh, Đình, Xa, Đông, Đồng, Hàn và Ngã Tư.

Về kinh tế, thu nhập chủ yếu bằng nông nghiệp, và nghề thủ công truyền thống.

Với điều kiện giao thông thuận tiện, con người năng động và bàn tay khéo léo nên nghề thủ công của làng phát triển đa dạng như sơn, làm ghế mây, tạc tượng. Đặc biệt, kỹ thuật sơn son thếp vàng của Sơn Đồng tinh xảo thuộc bậc nhất, nhì miền Bắc. Nhiều sản phẩm của làng nghề nổi tiếng trong cả nước như các loại tượng Phật, tượng người, kiệu bát cống… Sản phẩm nghề của làng ngày nay còn có mặt ở nhiều thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ucraina …

Đến Sơn Đồng vào những ngày xuân, khoảng đầu tháng hai âm lịch hàng năm, các bạn sẽ được sống trong bầu không khí tưng bừng rộn rã của ngày hội làng. Bầu không khí đó đã được dân làng ghi lại trong những câu ca dao từ ngàn xưa:

“Sơn Đồng có hội bó mo
Bánh dầy bánh cuốn đem cho các làng”
“…Mồng bốn chuẩn bị hội làng
Mồng năm tế thánh sau sang chọi gà
Mồng sáu nô nức gần xa
Xếp bánh vào kiệu rước ra cúng thần
Vui nhất là hội giằng bông…”

Vào những ngày từ mùng bốn đến mùng sáu tháng hai hàng năm, dân làng Sơn Đồng thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị Đương cảnh Thành Hoàng – phổ hộ Thượng sỹ từ thời “Hùng triều” – Ngài là vị thần văn võ song toàn, có nhiều công lao với dân với nước. Ngài đã được phong bảy sắc phong qua các triều đại thời phong kiến trong đó giá trị nhất là sắc phong của vua Quang Trung.

Vào các ngày lễ hội, dân làng tổ chức rất nhiều trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như hát ca trù, hát chèo, đánh cờ người… Tuy nhiên phần chính được nhiều người trông đợi nhất, cũng là linh hồn của lễ hội tại Sơn Đồng đó chính là “Giằng Bông”, nơi thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết và sự khéo léo của thanh niên trong làng. Đây là trò chơi vừa mang tính vui chơi vừa mang tính nghi lễ. Trò này rất vui, lôi cuốn và hấp dẫn rất nhiều người, do vậy còn được gọi là “Hội giằng bông”.

Lễ hội truyền thống xã Sơn Đồng, Hoài Đức năm 2023

Theo các cụ cao niên kể lại truyền thuyết xưa, “Hội giằng bông” là dịp để rèn luyện, tuyển chọn người tài (người đứng đầu) và binh sĩ. Người nào giằng được bông là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và mưu trí nhất, được lựa chọn để dẫn binh lính xông pha trận mạc. Hội giằng bông ngày xưa có năm diễn ra và kéo dài từ chiều ngày mùng sáu tới rạng sáng ngày hôm sau, lôi cuốn hàng trăm thanh niên trai tráng tham gia. Họ giằng nhau cây bông có khi lộn cả xuống ao, lăn vào cả các bụi rậm, gai góc hai bên đường. Họ bảo rằng năm nào mà “Hội giằng bông” càng quyết liệt thì càng vui và năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng no đủ. Đặc biệt, người nào, nhà nào có phúc thì sẽ giằng được cây bông. Theo truyền thuyết mà các cụ kể nếu ai giằng được cây bông thì nhà đó sẽ gặp nhiều may mắn, nếu là cặp vợ chồng mới cưới thì sẽ sinh được con trai, còn nhà nào có con trai, con gái đủ rồi thì lấy sợi bông tước ra đeo vào cổ cho con cháu thì cái bông đó sẽ như một cái bùa hộ mệnh để tránh ốm đau bệnh tật. Vì vậy mà hàng năm nhà nhà, người người, thậm chí cả dòng họ nô nức chờ đón ngày hội để ra giằng bông. Khi vào hội, những người tham gia giằng bông thường nhóm lại với nhau để giành cây bông. Khi nhóm của mình có người giằng được cây bông thì những người trong nhóm sẽ tạo điều kiện cho một người nào đó giữ và tìm cách mang về nhà lấy phước.

Để ngày giằng bông diễn ra vui vẻ, thành công thì dân làng phải chuẩn bị khá công phu từ nhiều ngày trước. Người được giao nhiệm vụ làm cây bông (phải nhân đức, gia đình có con cháu đông đúc, đủ trai gái và không có tang chế) phải chuẩn bị hàng tháng trời. Họ phải đi tìm cây tre đực có thân thẳng, không bị sâu, muội, kiến đục, đặc biệt là phải còn nguyên ngọn, đủ các cành, lá và da tre phải xanh óng ả. Ngoài các điều kiện nêu trên, cây tre này còn phải có một tiêu chuẩn nữa. Đó là cây tre phải mọc ở giữa khóm và cũng phải là tre của gia đình không có tang chế, ăn ở nhân nghĩa, có con dâu con rể đầy đủ, cháu chắt đầy nhà. Khi tìm được cây tre ưng ý, người làm cây bông chọn lấy năm đốt, cạo sạch tinh. Từ khoảng giữa hai ống tre, tước nhỏ, ập vào nhau, bọc xung quanh mấu tre tạo thành một đám tướp bông xù tròn. Sau đó họ nhuộm phẩm ngũ sắc, phần thân tre còn lại người ta lấy giấy màu các loại xanh, đỏ tím, vàng…bọc, dán xung quanh. Khi đã làm bông xong, đến ngày hội, dân làng rước vào đình, bày lên hương án để làm vật thiêng rồi bày các lễ vật sau đó làm lễ tế Thánh.

Đến chiều ngày mùng sáu tháng hai, khi làm lễ tế Thánh xong, các cụ trong đình chọn một bô lão gia đình có đủ vợ, con trai con gái, cháu chắt, không dính “bụi”, đức độ, uy tín, nhanh nhẹn, hoạt bát… để tung cây bông. Bô lão đem cây bông ra giữa sân đình tung lên trời. Trước khi tung, bô lão bốc các viên xôi vo sẵn ở hai mâm cỗ bày trên bàn thờ tung ra bốn phía, đọc đôi ba câu luật lệ rồi mới bắt đầu tung cây bông. Kết thúc hội giằng bông, người thắng cuộc (người giằng được cây bông) phải đem cây bông vào đình lễ tạ thần thánh sau đó mới được mang về nhà để lên bàn thờ gia tiên làm lễ, lễ xong có người để nguyên trên bàn thờ, cũng có người lấy sợi bông tước và kết thành các sợi dây đeo vào cổ trẻ nhỏ để lấy phước như đã kể ở trên.

Lễ hội truyền thống xã Sơn Đồng, Hoài Đức năm 2023

Lễ hội giằng bông ở Sơn Đồng là nét đẹp văn hóa, là linh hồn, là bản sắc văn hóa làng xã riêng được lưu giữ, bảo tồn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Năm 2023 UBND xã, Ban tổ chức lễ hội truyền thống xã Sơn Đồng tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng hai âm lịch để tiếp tục gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Lễ hội năm nay có những nét mới: Ban tổ chức sẽ bố trí khu vực để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống mỹ nghệ Sơn Đồng gắn với các hoạt động tổ chức Lễ hội.

Với mong muốn tiếp tục gìn giữ, quảng bá ý nghĩa, nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, Ban tổ chức lễ hội mong nhân dân cùng du khách thập phương tham gia Lễ hội với tấm lòng tôn kính, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.

Updated: 27/02/2023 — 11:22 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *