Văn hóa tâm linh

Chùa Một Cột (Diên Hựu) ở quận Ba Đình, Hà Nội

Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài tức là Đài Hoa Sen với lối kiến trúc độc đáo có tòa sen ở giữa. Chùa còn có tên khác là Chùa Mật, Diên Hựu Tự.

1078

Chùa Một Cột là một điểm đến tâm linh, là biểu tượng văn hóa ngàn năm của thủ đô Hà Nội. Được tạo dáng như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên.

Chùa Một Cột ở đâu?

Khi xưa chùa Một Cột được vua Lý xây dựng trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thăng Long xưa. Hiện nay, chùa Một Cột nằm ở phố Chùa Một Cột, ngay cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình – Lăng Chủ Tịch ở trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội.

Chùa Một Cột thờ ai?

Chùa Một Cột thờ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát được đặt ngồi trên tòa sen, nằm ở vị trí cao nhất của chùa.

Chùa Một Cột (Diên Hựu) ở quận Ba Đình, Hà Nội

Chùa Một Cột linh thiêng được nhiều người đến để cầu xin hôn nhân hạnh phúc, cầu con cái.

Lịch sử xây dựng chùa Một Cột

Chùa Một Cột được xây dựng vào tháng 10 (Âm lịch) năm 1049 đời vua Lý Thái Tông.

Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc mơ vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật Bà Quan Âm tọa trên đài sen, sau đó Phật Bà mời nhà vua lên cùng. Tỉnh giấc vua liền kể với bề tôi và nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên dựng chùa như trong giấc mơ. Từ đó, nhà vua thường lui tới chùa Một Cột để tụng kinh niệm Phật và cầu nguyện.

Trong năm 1105, vua Lý Nhân Tông cải tạo, tu sửa và mở rộng, thêm vào một tòa sen mạ vàng trên đỉnh cột, dựng thêm trước sân hai tháp lợp sứ trắng.

Năm 1108 Nguyên Phi Ỷ Lan sai người đúc một chiếc chuông lớn đặt tên là “Giác thế chung” với ý nghĩa thức tỉnh lòng thế nhân.

Trong chiến tranh chống Pháp, chùa Một Cột đã bị phá hủy. Năm 1955, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghiên cứu đại trùng tu, xây dựng lại chùa Một Cột như kiến trúc ban đầu và được bảo tồn cho đến ngày nay.

Chùa Một Cột là một công trình kiến trúc sáng tạo độc nhất ở Việt Nam kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp, gồm các điêu khắc, hội họa, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét.

Chùa Một Cột đã được Tổ Chức Kỷ lục Châu Á xác lập kỷ lục là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” vào năm 2012.

Kiến trúc chùa Một Cột

Chùa có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m, có đường kính là 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối, gắn rất khéo.

Chùa Một Cột (Diên Hựu) ở quận Ba Đình, Hà Nội

Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa.

Điều đặc biệt là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ trông tựa như bông sen nở. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu về mặt nguyệt.

Chùa Một Cột (Diên Hựu) ở quận Ba Đình, Hà Nội

Chùa có 4 mái, 4 đầu đao cong được đắp hình đầu rồng.

Điểm đặc biệt tại chùa Một Cột

Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình nhỏ khác nhau xen lẫn trong khuôn viên của chùa. Bao gồm:

– Liên hoa đài: Đây chính là điểm nhấn chính vô cùng độc đáo đại diện cho toàn bộ quần thể chính là Liên Hoa Đài. Ngôi chùa có diện tích 3x3m, được xây dựng trên một cột đá đặt tại trung tâm một ao sen như hình tượng bông hoa sen chớm nở trên mặt hồ.

– Cổng Tam Quan: Khi đến chùa Một Cột, nơi đầu tiên bạn sẽ đặt chân tới là Cổng Tam Quan. Thực chất, đây là công trình mở rộng được xây dựng những năm gần đây để phục vụ việc thờ cúng trong những ngày rằm, lễ Tết.

– Cây bồ đề có: Cây bồ đề trong khuôn viên của chùa là món quà đặc biệt do đích thân Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần ghé thăm đất nước.

– Bậc thang lên chính điện: Để lên được ngôi chính điện Liên Hoa Đài, bạn sẽ bước qua 13 bậc thang với chiều rộng 1,4m. Những bậc thang được xây dựng từ rất lâu và vẫn giữ nguyên được vẻ cổ kính của phong cách kiến trúc thời nhà Lý.

– Bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát: Bàn thờ được đặt ở vị trí chính giữa của Liên Hoa Đài. Tượng Phật Quan Âm được sơn son thếp vàng, đặt trên một bông sen bằng gỗ, xung quanh là những đồ thờ cúng đặt chính giữa của gian thờ.

Ý nghĩa lịch sử chùa Một Cột

– Chùa Một Cột là biểu tượng văn hoá ngàn năm của thủ đô Hà Nội, gắn liền với lịch sử của Hà Nội nói riêng và nước Việt Nam nói chung. Từ lâu ngôi chùa này cũng được xem là biểu tượng của đất Thăng Long. Nơi đây hàng năm đón rất nhiều các lượt khách đến hành hương, tham quan. Điều này sẽ giúp nhiều người biết tới thủ đô Hà Nội, thu hút được nhiều du khách đến Việt Nam hơn.

Chùa Một Cột (Diên Hựu) ở quận Ba Đình, Hà Nội

– Chùa Một Cột là biểu tượng của trí tuệ, mang triết lý nhân văn sâu sắc, hướng tới những chân thiện mỹ trong cuộc sống, khi bất cứ ai đến đây đều sẽ cảm nhận được sự bình an, yên bình, tâm hướng đến Phật sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng.

Ghé thăm chùa Một Cột

Bạn có thể ghé thăm chùa Một Cột vào khung giờ từ 7:00 sáng đến 18:00 tối. Trong đó, thời lượng tham quan là từ 1-3 giờ đồng hồ. Vào những ngày mùng 1 hoặc ngày rằm, nơi đây còn tổ chức các lễ cúng của Phật tử và mọi người sẽ đến dâng hương.

Để đến chùa Một Cột, bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy hoặc xe bus. Một số tuyến bus có thể tới được chùa Một Cột ví dụ như tuyến 22, 16, 32, 09, 34… Ngoài ra, có thể dễ dàng để tìm địa điểm này trên bản đồ bằng các ứng dụng gọi xe như Grab, Goviet…

Những cảnh quan, cây cối tại chùa Một Cột tạo nên sự gần gũi, thanh lịch, làm cho du khách rũ sạch mọi ưu phiền. Du khách có thể cầu mong sức khỏe cũng như may mắn cho bản thân và gia đình.

Khi thăm chùa Một Cột, các bạn nên ăn mặc lịch sự và tôn trọng những quy định chuẩn mực nơi tôn nghiêm.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm