Tinh thần giáo dục của Đức Phật không đơn thuần và một chiều, mà đó là sự đối lưu của ít nhất hai trị số con người trong mối quan hệ vừa đạo đức và giáo dục. Nói cách khác, nếu các bậc cha mẹ sanh con cái không vì sự thỏa mãn các khoái lạc giác quan, nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm và giáo dục cao độ cho con cái trưởng thành về thể chất, thể trí và sống vững vàng trong xã hội thì đối lại người con cũng phải có trách nhiệm đạo đức đối với hai đấng sanh thành ra mình, nuôi nấng mình trưởng thành và trở nên hữu dụng cho bản thân và xã hội. Sự hiếu thảo của người con như vậy được trình bày qua năm trách nhiệm đạo đức sau đây:
Có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ, đó là:
1. Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ
Trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với hai đấng sanh thành ra mình theo Đức Phật là nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói cách khác người con phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho chúng ta trưởng thành, trong suốt 18 năm vị thành niên. Cần lưu ý ở đây rằng mệnh đề “tôi sẽ” biểu thị một ý thức trách nhiệm cao độ, chứ không đơn thuần là một lời hứa cụi. Như chúng ta đã biết Đức Phật định nghĩa nghiệp là những hành vi có ý thức và ý thức là chất xúc tác và dẫn đạo các hành vi của lời nói và việc làm. Do đó, chỉ có với một ý thức sâu sắc về bổn phận làm con “tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ” mới có thể giúp người con duy trì tốt truyền thống hiếu thảo đối với cha mẹ được.
Sự chăm lo đến đời sống vật chất của cha mẹ ở đây cho thấy đạo Phật rất thực tiễn. Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình và xã hội mà trước tiên và hơn hết là lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống vật chất bao gồm việc dâng tặng cho cha mẹ tiền chi tiêu, quà quý, thuốc thang, sự thăm viếng và phụng dưỡng khi cha mẹ đau ốm hay không còn sức lao động.
Lời dạy này ngoài việc khích lệ con cái hiếu kính đối với cha mẹ còn nhắm vào việc xóa bỏ các quan niệm sai lầm cho rằng cha mẹ sinh con là để thoả mãn dục vọng cho nên con cái không cần phải có trách nhiệm lo lắng trở lại. Nếu lời dạy cao quý này được áp dụng chắc chắn rằng xã hội sẽ không còn tình trạng các cha mẹ già phải tủi phận vào sống các nhà dưỡng lão, chỉ vì các người con bất hiếu. Kế đến, lời dạy còn có ý nghĩa cao quý khác, đó là, sẽ không còn cảnh những đứa con ngỗ nghịch “báo đời” cha mẹ dưới nhiều hình thức và về nhiều phương diện.
2. Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ
Ý thức trách nhiệm làm tròn bổn phận của một người con là điều quan trọng thứ hai trong đạo hiếu thảo của người Phật tử. Lời dạy này mặc dù rất bao quát nhưng có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Khái niệm bổn phận ở đây cần phải được hiểu là sự thực thi những điều trách nhiệm của người con đối với cha mẹ tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Nghĩa là công việc hiếu thảo không bao giờ là một sự bắt buộc mà trái là một ý thức cao độ, ý thức làm người có đạo lý.
Có nhiều trường hợp người con vì thương cha kính mẹ mà làm nhiều điều tội ác để chu cấp tài sản cho cha mẹ. Đạo Phật chống lại sự hiếu thảo phi pháp như vậy. Nói cách khác làm trọn bổn phận tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép là một trong những cách thể hiện chữ hiếu hợp lý nhất. Ví dụ khi còn ngồi dưới mái trường, việc làm trọn bổn phận của người con đối với cha mẹ là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, thu hoạch kiến thức để làm nền tảng trí thức và đạo đức cho bản thân, hiện tại và về sau. Khi đã xây dựng gia thất riêng, việc làm tròn bổn phận của người con là sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức của đạo Phật, không làm các điều ác, phát huy các điều thiện, chăm lo cho vợ/chồng con chu đáo, thăm viếng cha mẹ khi có thời gian, phụng dưỡng đời sống vật chất cho cha mẹ tùy theo khả năng và điều kiện … Nói chung trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, người con làm tròn bổn phận phải là người có ý thức trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm đó đúng chánh pháp và phù hợp với đạo lý mặc ước và luật pháp của xã hội hiện hành.
Ở một góc độ khác, việc làm tròn bổn phận còn có ý nghĩa đạo đức rất lớn, nhất là trong trường hợp cha mẹ sống thiếu chánh kiến đối với Phật pháp tăng hoặc tạo tác nhiều điều tội lỗi. Người con có hiếu là người con phải biết tìm mọi cách khuyên gián cha mẹ, giúp cho cha mẹ trở về với con đường hiền lương và thánh thiện. Ở đây, chúng ta thấy tính tương tác trong giáo dục của Phật giáo. Người con hiếu thảo không chỉ đơn thuần vâng lời cha mẹ, nhất là những lời không có lợi cho sự tiến bộ đạo đức và tâm linh. Ngược lại người con phải có các hành vi cụ thể để khuyến tấn cha mẹ mình. Người làm được như vậy theo Đức Phật có giá trị hiếu thảo nhiều lần so với báo hiếu đơn thuần về của cải vật chất:
“Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha.” [1]
Nói cách khác, báo hiếu trong đạo Phật không chỉ đơn thuần về đời sống vật chất mà quan trọng hơn là đời sống tinh thần và đạo đức. Đây chính là nét đặc sắc và độc đáo của chữ hiếu trong đạo Phật.
3. Giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình
Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng. Chính nét riêng là giá trị tạo nên và đóng góp cho nền văn hóa của nhân loại. Cũng vậy mỗi gia đình đều có truyền thống riêng mà các bậc tiền bối và tổ tiên đã dày công xây dựng. Người con hiếu thảo theo Đức Phật là người, ngoài việc làm tròn bổn phận, phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ đúng pháp còn là người biết tôn trọng các giá trị văn hóa và di sản truyền thống tốt đẹp của gia đình, giống nòi và dân tộc.
Cần lưu ý ở đây rằng lời dạy này không nhằm khuyến khích một chế độ thế tập “cha truyền con nối” một cách mù quáng. Nó chỉ nhằm kêu gọi ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy các truyền thống tốt đẹp của một gia phả, một làng xóm, một cộng đồng, một sắc tộc, một quốc gia mà thôi. Đạo Phật không dạy chúng ta phục tùng các truyền thống lạc hậu, phản với đạo đức và sự hướng thượng trong đạo đức và tu tập. Trong tinh thần này, những quan niệm duy trì truyền thống theo kiểu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” cần phải được loại bỏ ra khỏi quan điểm chữ hiếu trong đạo Phật.
Chúng ta vẫn còn nhớ trong bài kinh giáo dục cho dân chúng Kālāma về mười tiêu chí của một niềm tin có chánh kiến, có điều dạy rằng “đừng vội tin một điều gì chỉ vì điều đó có hay thuộc truyền thống.” Lời dạy này phản ánh rằng các truyền thống có thể có hai mặt, một mặt tốt và tiến bộ, và một mặt xấu và phản tiến hóa. Đức Phật chỉ khuyên chúng ta theo mặt tốt và tiến hóa của truyền thống trong khi mạnh dạn loại bỏ các mặt tiêu cực và bất lợi của nó. Lời dạy này càng có ý nghĩa to lớn hơn nếu ta đặt nó trong sự vận động bảo tồn và duy trì các sắc thái văn hóa. Nói dễ hiểu hơn, đây có thể là phương châm cho một khuynh hướng giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa tích cực của các sắc dân, của các dân tộc trên thế giới theo chiều hướng có chọn lọc các truyền thống và đặt chúng trong tiêu chí của các giá trị phát triển đạo đức và đạo lý con người hơn là chỉ đơn thuần tìm hiểu và làm sống dậy chúng.
4. Bảo vệ tài sản thừa tự
Nếu “duy trì các truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc gia” là một nguyên tắc chung và bao quát đối với những người con có hiếu theo tinh thần lời Phật dạy thì “bảo vệ tài sản thừa tự” là một nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi của truyền thống gia tộc. Điều này có ý nghĩa giáo dục rằng một mặt con cái phải biết sử dụng gia tài và di sản của cha mẹ để lại đúng pháp và mặt khác phải là người kế thừa có đạo lý. Nghĩa là cha làm thầy thì con cái không được đốt sách. Cha mẹ làm việc thiện, tôn kính tam bảo, thì con cái không nên làm việc ác, phỉ báng Phật, pháp, tăng, trái lại còn phát huy một cách tốt hơn và có chiều kích hơn.
Rất tiếc hiện nay trong nhiều xã hội, lời dạy nầy không được áp dụng nên đã có nhiều cảnh con cái trở thành những kẻ phá hoại tài sản của cha mẹ và tổ tiên để lại. Nhiều người con chỉ biết chi tiêu gia tài của cha mẹ theo khuynh hướng tán gia bại sản hơn là duy trì và phát huy chúng.
Áp dụng lời dạy này trong một chiều kích lớn hơn chúng ta thấy rất có lợi cho xã hội và đất nước. Việt Nam là đất nước được mệnh danh với truyền thống con rồng cháu tiên, Phù Đổng thiên vương, đã từng bất khuất trước các thế lực ngoại xâm và đô hộ. Những hành động “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi giày mả tổ” là những hành vi tội ác không chỉ đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn làm chết đi tinh thần cao quý đó. Tương tự, quan niệm “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ nhiều đời. Ai manh tâm phá hoại chùa chiền, biến chùa chiền thành các hợp tác xã, hoặc sử dụng chùa chiền vào các mục đích thế tục hay tư lợi thì hẳn rằng đã manh tâm phá hoại một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đi ngược đạo lý Việt Nam.
5. Lo chu toàn tang lễ cho cha mẹ đúng pháp
Điều hiếu thảo cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là khi cha mẹ qua đời, con cái phải tổ chức tang lễ cho cha mẹ một cách chu toàn và đúng pháp. Tổ chức tang lễ chu toàn tùy thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán của từng quốc gia, xã hội và gia đình. Nói chung là phải làm đúng theo các quan niệm đạo hiếu của từng dân tộc và truyền thống.
Tổ chức đúng pháp là điều quan trọng hơn. Nếu tổ chức “chu toàn” nhằm nhấn mạnh đến hình thức và trình tự của tang lễ như tẩm liệm, chôn cất v.v… thì tổ chức “đúng pháp” nhấn mạnh đến nội dung và tinh thần của tang lễ. Đúng pháp theo tinh thần lời Phật dạy là con cái không nên khóc lóc, than vãn mà trái lại nên chánh niệm tỉnh giác trước cơn vô thường sinh ly tử biệt để hỗ trợ cho cha mẹ không còn quyến luyến tình cảm thế gian, vãng sanh một cách nhẹ nhàng và dễ dàng. Sự khóc lóc và rên rỉ của con cái có thể làm động tâm các bậc cha mẹ vừa quá cố và do đó làm trở ngại rất nhiều cho tiến trình tái sanh của cha mẹ. Do đó, người Phật tử không nên quá bi lụy theo thường tình của thế gian, trái lại thỉnh mời quý đại đức tăng ni và ban hộ niệm đến tụng kinh để siêu độ cho người quá vãng.
Có nhiều người con khi cha mẹ còn sống thì đối xử một cách bỏn xẻn, không phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng khi cha mẹ vừa nằm xuống thì lại cố tình tổ chức tang lễ cho rềnh rang, để chứng tỏ ta đây là người con có hiếu. Đạo Phật không dạy chúng ta như vậy. Trái lại, đạo hiếu của Đức Phật rất chu đáo và nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm chân thành của người con hơn là các hình thức nghi lễ bề ngoài, đôi lúc có tính cách lạc dẫn. Khi cha mẹ còn sống thì cúc cung, chăm sóc, sớm thăm tối viếng, cung phụng miếng ăn và thuốc thang cho cha mẹ. Vâng lời cha mẹ khi cha mẹ có lời dạy bảo hay. Làm tròn bổn phận làm con trong mọi hoàn cảnh. Khuyến khích cha mẹ trở về con đường hiền lương và đạo đức nếu cha mẹ vượt quá con đường hiền thiện. Rồi đến lúc cha mẹ nhắm mắt lìa đời thì tổ chức tang lễ giản đơn nhưng không kém phần trang nghiêm và có ý nghĩa đạo đức.
Nói chung, báo hiếu khi cha mẹ qua đời là việc lo chu toàn tang lễ một cách chân thành, trang trọng; không đặt nặng các hình thức lễ nghi như hiến tế súc vật, cúng tam sên (sanh), trổ nhạc tây nhạc tàu, thuê người khóc mướn, tổ chức ca hát xướng kỵ. Các việc làm như vậy chỉ tạo thêm nhiều nghiệp ác và tội lỗi mà thôi. Tang lễ theo đạo Phật nên đơn giản bao gồm các khóa lễ tụng kinh tưởng niệm, phóng sanh thả vật, làm phước cúng dường, để hồi hướng công đức cho cha mẹ vừa quá cố, như một hành trang đạo đức cho cha mẹ đi tái sanh vào các cảnh giới an lạc.
Nếu năm nguyên tắc đạo làm cha mẹ nên được phổ biến rộng rãi trong các hội bô lão và các hội phụ huynh thì năm nguyên tắc đạo làm con nên được truyền bá trong các câu lạc bộ thanh thiếu niên, trong các hội đoàn sinh viên học sinh, để các bậc làm cha mẹ xứng đáng là cha mẹ và để các người con xứng đáng là những người con.
Trong những bài pháp của ngài, Đức Phật liệt kê một số nhiệm vụ và bổn phận chủ yếu như là những lời hướng dẫn cơ bản đó là, bằng đức tu tập và hành động, để dẫn dắt con cái tránh xa những điều xấu xa và bằng những lời động viên nhẹ nhàng, để dìu dắt chúng làm tất cả những điều cho gia đình, xã hội và tổ quốc. Trong sự liên kết này, bố mẹ chắc hẳn phải vận dụng sự chăm sóc tuyệt đối trong việc xử sự với con cái. Đây không phải là điều bố mẹ bày tỏ nhưng đó là những gì thật sự phải như thế và cần phải thực hiện, đó là điều đứa trẻ tiếp thu một cách không ngờ đến và thật trìu mến. Đứa bé bước vào thế giới được nặn lên bởi cách cư xử của bố mẹ. Nó đi theo sự việc là gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Bố mẹ dành nhiều thời gian với con cái mình sẽ truyền đạt những cá tính của họ một cách tế nhị với con cái của họ.
Hơn hết, tinh thần đạo hiếu mang tính giáo dục và đạo đức của Đức Phật nên được các nhà giáo dục quan tâm, giới thiệu vào các sách giáo khoa về công dân giáo dục, để làm tốt đẹp đạo lý tình người. Chỉ trừ khi nào các nguyên tắc đạo hiếu nêu trên được áp dụng thì khi đó gia đình và xã hội có sự an lạc và đạo đức. Do đó, mọi hoạt động và tuyên truyền chống phá đạo lý hiếu thảo của đạo Phật sẽ là con đường tự hủy diệt đạo đức bản thân và xã hội.
Bhik. Samādhipuñño Định Phúc
__________________________
[1] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Hai Pháp, Phẩm Tâm Thăng Bằng, Kinh Đất.