Phật giáo

Bàn về việc “Tắm Phật”

“Tắm Phật” là một trong những nghi lễ phổ biến và đặc sắc trong các nền văn hóa Phật giáo khác nhau trên thế giới vào dịp Phật Đản – Rằm tháng Tư.

646

Nghi thức này vốn dĩ bắt nguồn từ xa xưa nhưng chắc chắn rằng không bao giờ có trong kho tàng Thánh điển Pāḷi. Nghi lễ “Tắm Phật” được duy trì khá lâu và phổ biến trên thế giới nhưng về nguồn gốc thì khó mà truy tìm được chính xác. Nhân đây chúng tôi xin bàn một vài vấn đề về nghi lễ này.

Bàn về việc "Tắm Phật"

Phật giáo Nam truyền xưa nay không có chủ trương tổ chức lễ Tắm Phật vào ngày Phật đản vì hai lý do:

– Thứ nhất, ngày Rằm tháng Tư âm lịch không phải là ngày Phật đản mà là ngày kỷ niệm ba sự kiện quan trong xảy ra trong cuộc đời của đức Thế Tôn, là ngày Bồ-tát đản sanh, Bồ-tát thành đạo và đức Phật viên tịch Níp-bàn. Nếu nói là ngày Phật đản thì hai sự kiện còn lại đi đâu mất? Căn cứ theo kinh điển hệ Nam truyền thì ba sự kiện này xảy ra đúng vào ngày Trăng tròn tháng Vesākha (tháng Tư âm lịch Việt Nam) cho nên lễ kỷ niệm này được gọi là lễ Tam Hợp hay ngày nay thường gọi là Đại lễ Vesak.

– Thứ hai, các nước theo Phật giáo Theravāda như Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện và Tích Lan cũng có nghi thức Tắm Phật nhưng không phải vào ngày Phật Đản hay Tam Hợp chi cả, mà họ thực hiện nghi lễ này vào ngày năm mới Tết cổ truyền của họ.

Tùy theo mỗi quốc gia mà tên gọi Tết cổ truyền cũng khác nhau, ở Thái Lan gọi là Songkran, ở Lào gọi là Bun Pi May, Campuchia và người Khmer Nam Bộ gọi là Chôl Chnăm Thmây, còn ở Myanmar thì gọi là Thingyan. Mặc dù nghi lễ Tắm Phật trong Tết cổ truyền ở mỗi quốc gia có tên gọi và những tập tục rất riêng mang đậm văn hóa mỗi vùng. Tuy nhiên, đều mang ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính đối với đức Phật và đồng thời gột rửa mọi điều không may mắn của năm cũ, cầu mong một năm mới nhiều may mắn và an lành sẽ đến.

Bàn về việc "Tắm Phật"

Với người Khmer ở Nam Bộ, vào ngày lễ Tắm Phật, chư Phật tử vân tập về chánh điện, chuẩn bị đồ lễ, dâng nước, hoa, thắp nến và làm lễ dâng hoa cúng dường đức Phật tại Phật điện. Các vị sư và chư Phật tử làm lễ bái Tam Bảo, tụng kinh sám hối trước đức Phật. Tiếp đó là nghi thức tắm Phật tại chánh điện. Theo quan niệm, nghi thức tắm Phật để tỏ lòng biết ơn đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may mắn của năm cũ, bước sang năm mới mọi sự như ý. Các nhà sư sẽ dùng nước tinh khiết có ướp cánh hoa thơm ngát tắm cho đức Phật, cùng với nghi thức đó, các nhà sư, chư tăng, phật tử thành tâm khấn nguyện cầu mong “đức Phật”, chư thiên gia hộ cho mọi người được dồi dào sức khỏe, cuộc sống an lành, đạt được những điều ước nguyện.

Bàn về việc "Tắm Phật"

Còn ở Thái Lan, vào ngày năm mới, các bức tượng Phật được đặt ngoài hiên trong bồn nước hương với những đóa hoa trang trí trên mình tượng và dưới chân. Sau nghi lễ dâng hương trong chùa, ai cũng thành tâm tưới nước thơm hay nước tinh khiết lau chùi tượng Phật, tỏ lòng thành kính và cầu may mắn cho năm mới. Nghi thức tắm Phật giản đơn nhưng rất thành kính. Phật tử xếp hàng lần lượt đến trước tượng, cúi lạy để tỏ lòng thành kính rồi cầm chiếc gáo nhỏ múc nước hương thơm rưới lên tượng Phật. Khi tắm Phật cũng là lúc thành tâm nhất. Theo thứ tự trong gia đình, người lớn tuổi làm trước, rồi đến con cái và các cháu.

Bàn về việc "Tắm Phật"

Riêng ở Lào, tượng Phật được rước ra đặt ở sân để người dân thực hiện nghi lễ tắm Phật. Họ cung kính vẩy nước thơm lên các bức tượng. Nước thơm này được chế từ nước, nghệ, dầu thơm và cánh hoa bò cạp vàng.

Bàn về việc "Tắm Phật"

Lễ tắm Phật tại Myanmar được diễn ra vào ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ. Mọi người lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho cả năm. Sau đó, họ rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.

Điểm qua một số nước láng giềng theo truyền thống Phật giáo Theravāda, chúng ta có thể thấy rằng: họ vẫn có truyền thống Tắm Phật nhưng không phải vào ngày Phật đản mà là vào ngày Tết cổ truyền. Và một điều quan trọng nữa, chưa bao giờ chúng tôi thấy họ Tắm Phật với tôn tượng Bồ-tát đản sanh. Vì lẽ đó, việc “Tắm Phật”dưới hình thức rưới nước lên tượng Bồ-tát đản sanh không phải là truyền thống Theravāda trong ngày kỷ niệm Bồ-tát đản sanh.

Chưa bao giờ tìm thấy được nơi nào trong kinh điển Pāḷi nói đến việc Tắm Phật. Duy nhất có thể biết được một điều, nghi lễ Tắm Phật là được tái hiện lại theo hoàn cảnh sự kiện Thái tử Siddhattha ra đời tại vườn Lumbini. Kinh văn ghi lại rằng: khi ấy, Hoàng hậu Mahāmāyā ngự đến một cây Sāla có thân to, đầy hoa đang nở rộ. Khi đứng đưa cánh tay phải lên, thì cành cây tự nhiên sà xuống, bà đưa tay nắm lấy cành cây với tư thế dáng đứng rất đẹp và rất vững vàng. Liền lúc ấy, Hoàng hậu trở dạ, các cung nữ lập tức che màn xung quanh nơi đang đứng[1]; khi ấy, đức Bồ-tát cao quý đản sinh ra đời khỏi lòng Hoàng hậu Mahāmāyā một cách nhẹ nhàng, thảnh thơi với bàn chân phải bước xuống trước, ví như một vị Pháp sư rời khỏi pháp tòa. Khi ấy, là vào ngày thứ sáu, ngày trăng tròn tháng Vesākha (nhằm ngày Rằm tháng Tư) năm 623 trước Tây lịch, đúng mười tháng trụ thai trong lòng mẹ.

Lúc Bồ-tát đản sanh, có hai cột nước thuần khiết ấm và mát từ trên hư không đổ xuống trên người của Bồ-tát và mẹ của Ngài như là một dấu hiệu tôn kính. Nhờ vậy làm cho họ có thể thích nghi với sự nóng và sự lạnh trong cơ thể của họ.

Này các Tỳ-khưu. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch.

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ.[2]

Đó là một trong những điều hy hữu, kỳ diệu xảy ra vào dịp Bồ-tát đản sanh. Và có lẽ về sau, chúng ta lấy cớ đó mà hình thành nên nghi lễ Tắm Phật chăng? Chúng ta chỉ có thể tìm thấy việc đức Phật cho phép tôn kính nơi bảo tháp, nơi cội Bồ-đề[3] và bốn nơi Thánh tích quan trọng mà thôi.

Này Ānanda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn? “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh, chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác, chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng và chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Níp-bàn. Này Ānanda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ānanda, các thiện tín Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”, “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Níp-bàn”. Này Ānanda, những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.[4]

Như chúng tôi đã nói ở trên, nghi thức gọi là ‘tắm Bồ-tát’ trong ngày đản sanh liệu có phù hợp với những người đang tu tập theo truyền thống Theravāda? Và nếu như cho rằng Tắm Phật là để nguyện rột rửa phiền não, thanh tịnh tam nghiệp thì càng hoàn toàn vô lý. Nước của các dòng sông ngày xưa còn không thể rửa sạch được tam nghiệp, không thể tịnh hóa được một kẻ ác thì làm sao những gáo nước Tắm Phật lại có thể gột rửa được phiền não. Từ xưa, đức Phật đã khẳng định rằng:

Bāhukaṃ adhikakkañca, gayaṃ sundarikaṃ mapi;

Sarassatiṃ payāgañca, atho bāhumatiṃ nadiṃ;

Niccampi bālo pakkhando, kaṇhakammo na sujjhati.

Trong sông Bāhukā, Tại Adhikakkā,

Tại cả sông Gayā, Và Sundarikā,

Tại Sarassatī, Và tại Payāga,

Tại Bàhumatì, Kẻ ngu dầu thường tắm,

Ác nghiệp không rửa sạch.

Kiṃ sundarikā karissati, kiṃ payāgā kiṃ bāhukā nadī;

Veriṃ katakibbisaṃ naraṃ, na hi naṃ sodhaye pāpakamminaṃ.

Sông Sundarikā, Có thể làm được gì?

Payāga làm gì? Cả sông Bāhukā?

Không thể rửa nghiệp đen, Của kẻ ác gây tội.

Suddhassa ve sadā phaggu, suddhassuposatho sadā;

Suddhassa sucikammassa, sadā sampajjate vataṃ;

Idheva sināhi brāhmaṇa, sabbabhūtesu karohi khemataṃ.

Ðối kẻ sống thanh tịnh, Ngày nào cũng ngày tốt,

Với kẻ sống thanh tịnh, Ngày nào cũng ngày lành,

Các tịnh nghiệp thanh tịnh, Luôn thành tựu thiện hạnh.

Này vị Bà-la-môn, Chỉ nên tắm ở đây,

Khiến mọi loài chúng sanh, Ðược sống trong an ổn.

Sace musā na bhaṇasi, sace pāṇaṃ na hiṃsasi;

Sace adinnaṃ nādiyasi, saddahāno amaccharī;

Kiṃ kāhasi gayaṃ gantvā, udapānopi te gayā.

Nếu không nói dối trá, Nếu không hại chúng sanh,

Không lấy của không cho, Có lòng tín, không tham,

Ði Gayā làm gì, Gayā một giếng nước?[5]

Hoặc Tỳ-khưu-ni Puṇṇā đã có những bài kệ để cảm hóa Bà-la-môn Sotthiya:

Udahārī ahaṃ sīte, sadā udakamotariṃ;

Ayyānaṃ daṇḍabhayabhītā, vācādosabhayaṭṭitā.

Mùa đông ta mang nước, Luôn luôn xuống dòng nước,

Ta sợ các hình phạt, Lời trách móc các bà.

Kassa brāhmaṇa tvaṃ bhīto, sadā udakamotari;

Vedhamānehi gattehi, sītaṃ vedayase bhusaṃ.

Hỡi này Bà-la-môn, Ngươi sợ hãi vì ai?

Luôn luôn xuống dòng nước, Tay chân run cầm cập.

Ngươi phải chịu cảm thọ, Rét lạnh quá độ vậy?

Jānantī vata maṃ bhoti, puṇṇike paripucchasi;

Karontaṃ kusalaṃ kammaṃ, rundhantaṃ katapāpakaṃ.

Và nàng có biết chăng Hỡi này Puṇṇikā?

Sao nàng lại đến hỏi, Vị làm các nghiệp lành,

Vị đã chận đứng lại, Các nghiệp ác bất thiện.

Yo ca vuḍḍho daharo vā, pāpakammaṃ pakubbati;

Dakābhisecanā sopi, pāpakammā pamuccati.

Vị ấy già hay trẻ, Làm các nghiệp ác độc,

Người ấy nhờ rảy nước, Ðược giải thoát ác nghiệp.

Ko nu te idamakkhāsi, ajānantassa ajānako;

Dakābhisecanā nāma, pāpakammā pamuccati.

Ai nói với ngươi vậy, Kẻ ngu với kẻ ngu,

Người tin nhờ rảy nước, Ðược giải thoát ác nghiệp.

Saggaṃ nūna gamissanti, sabbe maṇḍūkakacchapā;

Nāgā ca susumārā ca, ye caññe udake carā.

Tất cả những ếch, rùa, Sẽ được lên cõi trời,

Cùng các rắn cá sấu, Và các thủy vậy khác.

Orabbhikā sūkarikā, macchikā migabandhakā;

Corā ca vajjhaghātā ca, ye caññe pāpakammino;

Dakābhisecanā tepi, pāpakammā pamuccare.

Kẻ giết bò giết heo, Kẻ đánh cá sanh thú,

Các kẻ cướp giết người, Các người làm ác khác,

Họ nhờ có rảy nước, Có thể thoát ác nghiệp.

Sace imā nadiyo te, pāpaṃ pubbe kataṃ vahuṃ;

Puññampimā vaheyyuṃ te, tena tvaṃ paribāhiro.

Nếu những con sông này, Có thể làm trôi mất,

Ác nghiệp xưa ngươi làm, Chúng cũng làm trôi luôn,

Các thiện nghiệp ngươi làm, Khiến ngươi thành rỗng không.[6]

Đúc kết lại những gì chúng tôi đem ra bàn bạc trong bài viết này, là muốn đem đến cho quý vị một sự hiểu biết thêm về nghi lễ ‘tắm Bồ-tát’ trong ngày đản sanh mà chúng ta thường hay THÍCH chứ thật sự không phải là CẦN THIẾT nếu chúng ta cứ u mê dội từng gáo nước từ trên đầu tôn tượng.

Mong thay !

Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

__________________________

[1] “Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát” – Trường bộ kinh, kinh Đại bổn (D.ii.14).

[2] Trường bộ kinh, kinh Đại bổn (D.ii.14).

[3] Chú giải Chuyện tiền thân Kāliṅgabodhi Jātaka (JA.iv.228ff)

[4] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Níp-Bàn (D.ii.139).

[5] Trung bộ kinh, kinh Ví dụ tấm vải (M.i.39f)

[6] Trưởng lão ni kê, phẩm mười sáu kệ, Trưởng lão Ni Puṇṇikā, kệ số 236-243 (Thig.236-243)

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Ông Thiện và ông Ác là ai?

08/08/2021 09:00 2293

Sự tích Bồ tát Phổ Hiền

10/06/2021 09:00 2201

Tiêu Diện Đại Sĩ là ai?

14/08/2021 09:00 2116

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm