Nguyễn Hiền là vị Trạng nguyên đầu tiên của Triều đại nhà Trần thế kỷ thứ 13.
Đền được xây dựng trên chính mảnh đất mà Nguyễn Hiền sinh ra và lớn lên. Tại di tích còn lưu giữ được bài vị, nhiều sắc phong, câu đối, đại tự… ca ngợi Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ được cuốn ngọc phả ghi lại thân thế và sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Tiểu sử Trạng nguyên Nguyễn Hiền
Vào thế kỷ thứ 13, năm Ất Mùi 1235 tại làng Dương Miện, phủ Thiên Trường, Nguyễn Hiền đã sinh ra và lớn lên, nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực.
Nguyễn Hiền một cậu bé thiên dương tĩnh ngộ, sống cùng mẹ già một cuộc đời hàn vi trong một căn nhà 3 gian bé nhỏ bên cạnh ngôi chùa thờ Phật. Vị hòa thượng trụ trì chùa là một bậc danh nho, nhà sư vừa tụng kinh niệm Phật vừa mở trường dạy học. Ngay từ khi còn nhỏ Nguyễn Hiền đã luôn ở bên lớp học của nhà sư, do đó người sớm tiếp xúc với chữ nghĩa và sách vở. Ngày ngày khi nghe sư giảng bài chữ nghĩa thấm vào lòng Nguyễn Hiền, từ đó khi 4 tuổi cậu bé đã là người có học thức xuất sắc, giỏi hơn cả số học sinh giỏi trong trường. Khi 6, 7 tuổi nhà sư mỗi ngày dạy 10 trang sách, Hiền chỉ đọc qua là thuộc. Một đêm sư nằm mộng thấy Phật quở rằng: “Trạng mỗi lần vào chùa thường nghịch ngợm, sao người không răn đe?” nhà sư tỉnh giấc thắp nến soi khắp nơi thấy sau lưng các pho tượng có chữ “phạt 30 roi”, sau tượng Hộ pháp thì ghi “ phạt 60 roi”, sư thầy nhận ra chữ của Nguyễn Hiền bèn lấy một câu trong sách “ kính qủi thần nhi viễn chi” mà rằng: “Phật tức quỉ thần, học trò không được nhạo báng”.Nguyễn Hiền nhận lỗi và tự lấy nước lau sạch các chữ viết. Từ đó Hiền càng chăm chỉ học hành, ngay cả khi chăn trâu Hiền cũng tranh thủ học, vì nhà nghèo nên Hiền đã lấy que làm bút, lấy mặt đê làm giấy để viết. Hiền học đến đâu nhớ đến đấy. Lúc 11 tuổi, tiếng tăm đã vang dội đến kinh thành là thần đồng xuất khẩu thành chương. Khoa thi Hương Bính Ngọ (1246) đời Vua Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền đỗ giải Nguyên. Tiếp đến khoa thi Hội Đinh Mùi (1247) đỗ Hội Nguyên. Đến kỳ thi Đình niên hiệu Thiên ứng Chính Bình đỗ Trạng Nguyên. Nguyễn Hiền Là người đầu tiên ở nước ta đỗ thủ khoa liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Bốn chữ “Khai quốc Trạng nguyên” được ban tặng từ đó.
Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên vừa tròn 12 tuổi niên hiệu Thiên ứng chính bình năm thứ 16 đời Vua Trần Thái Tông, cùng khoa thi này với Nguyễn Hiền có Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn là người sau này viết bộ sử lớn của nhà Trần và Đặng Ma La đỗ thám hoa. Khoa này có 48 người thi đỗ.
Câu đối ở đền thờ Nguyễn Hiền có ca ngợi tài năng của ông:
“Thập nhị khôi khoa khai lưỡng quốc
Vạn niên thiên tuế lập tam tài”
Tạm dịch:
“Mười hai tuổi khai khoa hai nước
Nghìn năm còn ghi mãi chữ tam tài”
Và câu đối:
“Lịch đại Đông A Văn Thủy Thịnh
Thiếu niên đỉnh giáp lục do truyền”
Tạm dịch:
“Trải các đời Vua Trần văn chương thịnh vượng
Thiếu niên tên đầu bảng sử sách còn truyền”
Câu đối:
“Khai quốc trạng nguyên minh học đạo
Lịch triều phong tặng phúc tư văn”
Tạm dịch:
“Sáng đạo học mở đầu đất nước danh vị Trạng Nguyên
Phúc tư văn trải các triều Vua tặng phong rực rỡ”
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Hiền vào bế kiến trước sân rồng để nhận mũ áo và bằng sắc, Vua Trần hỏi :
Trạng học ai?
Trạng trả lời
Hạ thần tự học là chính, đôi chữ có hỏi nhà chùa, nhà.
Vua trách rằng.
Trạng còn trẻ, chưa biết lễ, tạm về nhà học lễ vài năm sẽ bổ dụng.
Trạng Hiền về quê cùng mẹ sống cuộc sống bình dị như xưa, ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ, chơi đùa cùng lũ trẻ làng Dương A. Chưa được bao lâu, sứ giả phương Bắc đem tối hậu thư sang cho Vua Trần kèm theo bốn câu thơ để cho nước ta triết tự là chữ gì, thơ rằng:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian
Khi đó cả triều đình không ai có thể giải nghĩa được, đất nước đứng trước họa xâm lược của kẻ thù phương Bắc hùng mạnh. Vua Trần hết sức lo lắng, đêm nằm trằn trọc không sao ngủ được mới nghĩ đến Trạng Hiền, bèn cho sứ giả triệu ông về kinh giúp nước. Khi quan quân về đến đầu làng Dương A, thấy voi, ngựa mọi người tránh xa, chỉ còn một cậu bé ngồi xem bắt cá và nặn voi đất, voi đất biết đi, biết cử động, vì 4 chân voi có 4 con cua, 2 tai voi là hai con bướm, vòi là con đỉa.
Sứ giả ngồi trên ngựa quát hỏi: Bé kia ở đâu lại?
Trạng điềm nhiên trả lời: Ta là người quân tử đang ngồi chờ thời.
Sứ giả giật mình ướm hỏi một câu nữa: Tự là chữ Cắt giằng đầu, chữ Tử là con, con ai con ấy!
Trạng đáp luôn: Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ Đinh là đứa, đứa nào, đứa này!
Sứ giả biết đó là Trạng vội vàng xuống ngựa vái chào và mời Trạng về nhà để trao đổi chiếu chỉ của nhà Vua. Về nhà Trạng thấy 3 gian nhà tre sơ sài, gian giữa là nơi thờ tự, dưới là nơi học tập.
Về đến nhà Trạng đi luôn vào bếp. Thấy thế, sứ giả nói rằng: “Nghe nói người quân tử, phải xa bếp núc, tại sao kẻ mày râu phải vào bếp như vậy?”
Trạng đáp “Nhà tôi vốn có quan đại phu làm đỉnh vạc cấp dưỡng, tôi tạm làm chút đó thôi: Nước sôi, Trạng nghe trả lời Sứ giả uống và ngẫu hứng làm thơ nấu nước tiếp sứ:
“Trong cơm thủy hỏa thấy ai nào
Đứng trước giàn canh có một tao
Trước mắt nguy nga tàn phủ kín
Bốn phương mù mịt khói tuôn trào
Quyết trí phò Vua cho ấm nước
Ra tay dập tắt để yên rào
Quét sạch bốn phương về một góc
Cha con yên hưởng lộc thiên tào”
Sứ giả kính phục, mời Trạng về kinh, Trạng nói: “ Nhà Vua trách ta chưa học lễ, nhưng nay thấy nhà Vua vẫn chưa giữ lễ, ta chưa về Triều”
Sứ giả đành quay về tâu với nhà Vua; Vua sai sắm lễ vật, xa giá đến rước Trạng về triều. Trạng về tới kinh thành, Vua cho tập hợp văn võ bá quan nghe Trạng giảng thơ. Vua đưa bài thơ của Sứ Bắc cho Trạng xem. Trạng xem xong trả lời ngay đó là chữ Điền. Sứ Bắc sợ phục, biết là đất An Nam có người tài nên Triều đình phương Bắc không dám xuất quân xâm lược. Từ đó danh tiếng Trạng nguyên vang lừng hai nước. Chức “ Lưỡng quốc Trạng nguyên” cũng được phong từ đó.
Tại cột đồng trụ của di tích đền thờ Nguyễn Hiền còn đôi câu đối ghi lại sự việc này:
“ Nho khoa đệ nhất giáp Đông A nhi hậu dụ phong thanh
Điền tự từ các thi Bắc đẩu dĩ man phu ngưỡng vọng?”
Tạm dịch:
“Đệ nhất giáp khoa nho, đời nhà Trần về sau giáo hóa tốt lành.
Bốn câu thơ chữ Điền, sao Bắc Đẩu về nam thỏa lòng trông ngóng”
Câu đối trong đền có ghi:
“Bắc sứ kinh văn điền tự tản
Thượng nguyên trường ký ấp danh ngôn”
Tạm dịch:
“Sứ Bắc sợ nghe tán chữ Điền
Thượng nguyên ghi mãi tên tân ấp”
Và câu đối:
“Danh tự trạng nguyên đằng bắc địa
Công huân sử ký tráng nam thiên”
Tạm dịch:
“Tên tuổi trạng nguyên vang đất bắc
Công lao sử chép đẹp trời nam”
Từ đấy, Trạng về triều giữ chức Ngự sử đài, kiêm Đông Các Đại học sĩ – Bộ công. Hai năm sau, Sứ thần nhà Tống lại mang thông điệp gửi Vua nước ta có hai chữ “ Thanh Thúy”, nhà Vua không hiểu thì được Trạng giải thích về ẩn ý của Vua Tống. Chữ “ Thanh” là thập, nhị, nguyệt, tức là tháng 12. Chữ “Thúy” nghĩa là hẹn đến tháng 12 thì xuất quân. Đến tháng 12 Vua Trần cho 3 vạn binh mã ra bố phòng biên ải, quân giặc thấy chúng ta đã đề phòng nên bỏ ý đồ xâm lược.
Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay phò Vua giúp nước. Về nông nghiệp, ông cho đắp đê, quai vạc sông Hồng mở mang nền sản xuất nên mùa màng bội thu, nhân dân no đủ, về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn luyện quân sĩ.
Ngày 14 tháng 8 năm Ất Mão 1255 Nguyễn Hiền qua đời trong niềm thương tiếc của Vua quan nhà Trần và nhân dân địa phương, mộ Trạng nguyên táng tại Hoa Lĩnh Sơn (Hà Nội). Câu đối trước cửa đền có ghi:
“Chung cổ khôi khoa khai hải quốc
Bách niên cố trạch, khởi hương từ”
Tạm dịch:
“Tại vùng biển người thi đỗ ban đầu, làm gương cho muôn thuở
Trăm năm nơi nhà cũ xây dựng đền làng”
Kiến trúc đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền nằm ở trung tâm làng Dương A, đền quay hướng Tây Nam với bình đồ kiến trúc kiểu “ Tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xòe tán lá rộng che bóng mát. Hệ thống nghi môn có 4 cột đồng trụ. Hai cột giữa cao 7m, phía trên có khung bảng đắp nổi họa tiết tứ linh với những đường nét tinh tế, tạo thành cổng chính của đền, hai cột bên thấp nhỏ hơn, hợp cùng với cột giữa tạo thành hai cột: tả môn, hữu môn.
Tòa tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn gồm có 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu “ Thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”, đặt trên 4 hàng cột. Bên dưới cột là những tảng chân đá với dáng thấp cổ bồng. Mặt trước của tiền đường có hệ thống cửa gỗ lim, chân quay. Cửa ở gian giữa được làm trên con song dưới bức bàn, các gian bên là cửa con bài.
Tòa đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn, cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý “ Tùng, Cúc, Trúc, Mai”, chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt. Tòa này có mái cong với các đầu bẩy chạm họa tiết lá lật, trúc hóa long khá công phu; họa tiết chạm khắc trên các bộ vì chủ yếu là triện tàu lá dắt.
Cung cấm có 2 gian, được làm giao mái với tòa đệ nhị. Trên bộ vì có chạm họa tiết long quấn thủy, tứ linh, tứ quý. Các cánh cửa của cung cấm đều làm bằng gỗ lim, chân quay, trên con song dưới bức bàn. Tại cung chính có đặt ngai thờ và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Năm 2010, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân, đền được tu bổ, tôn tạo với qui mô lớn bao gồm: hệ thống đường vào di tích, hồ sen, tường bao, cổng, sân, nhà bia, hai dãy dải vũ, tiền đường, siêu hương, nhà chè và chính tẩm.
Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là lễ hội lớn, mở hội định kỳ hàng năm từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 âm lịch. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Nam Trực, đồng bào, du khách thập phương về thắp hương tưởng niệm tỏ lòng tri ân với Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước (1235 – 1255). Là dịp để tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử về truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ đạt cao, truyền thống tôn sư trọng đạo, khơi dậy, giáo dục thế hệ trẻ Nam Trực lòng tự hào, ý chí vượt khó, hiếu học, thành tài đã trở thành truyền thống, một đặc trưng riêng có của Nam Trực.
Phần lễ: Lễ khai mạc, lễ dâng hương tưởng niệm có sự tham gia của các vị lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, UBMT Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn; giáo viên, học sinh các trường THPT, THCS, Tiểu học huyện Nam Trực; các trường học mang tên Trạng Nguyên và hàng ngàn học sinh, sinh viên, cử nhân, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư, các nhà khoa học… đến từ các tỉnh, thành phố.
Phần Hội: Tổ chức tham quan giáo dục truyền thống tại di tích Đền Trạng Nguyên, chùa Hà Dương, từ đường dòng họ Nguyễn – Dương A; tổ chức các hoạt động nghệ thuật, các giải đấu thể dục thể thao, trò chơi dân gian…
Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền thực sự là ngày hội quần tụ, ca ngợi tôn vinh truyền thống hiếu học của quê hương, là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân Nam Trực. Và từ rất lâu đời, trong tâm thức dân gian vùng đất Dương A, Trạng nguyên Nguyễn Hiền và đền thờ Ông đã trở thành biểu tượng tinh thần, là sức mạnh “mềm”, động lực để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội huyện Nam Trực bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trong lịch sử văn hóa của dân tộc ta có hai người làm nên sự nghiệp kỳ diệu ở tuổi thơ ấu và thiếu niên. Đó chính là Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân khi mới lên 3 và Nguyễn Hiền. Nhưng Thánh Gióng là hình tượng hư cấu bằng trí tưởng tượng bay bổng của dân gian, dùng sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù. Còn Nguyễn Hiền là con người có thật, bằng xương, bằng thịt, được các sử gia ghi lại trong sử sách và được dân gian hóa với lòng tôn sùng, ngưỡng mộ của nhân dân. Nguyễn Hiền bằng trí tuệ của mình đã đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, ngăn chặn một cuộc chiến tranh đẫm máu, đem lại bình yên, ấm no cho nhân dân.
Về mặt tư chất của Nguyễn Hiền, Phan Kế Bính trong sách “ Nam Hải dị nhân” viết “ Nguyễn Hiền học nhà sư ở chùa, nhà sư mỗi ngày dạy 10 tờ giấy, Nguyễn Hiền chỉ đọc qua là thuộc ngay… Hiền học sách qua mắt một lượt là nhớ ngay. Thơ, từ, phú, sách nói ra tức là văn chương…” phải thông minh đến mức xuất chúng như vậy mới có thể đọc và hiểu hàng trăm cuốn sách trong một thời gian ngắn (khoảng 5 năm) kể từ khi đi học đến khi đỗ Trạng nhưng có tư chất thông minh vẫn chưa đủ để có thể thi đỗ Trạng nguyên ở tuổi nhỏ như vậy, bởi thi Đình, Nguyễn Hiền phải tranh tài với các bậc cha, chú với những bậc thầy, phải đối diện với các quan to trong triều và đối diện với cả nhà Vua. Thiếu bản lĩnh vững vàng, một khả năng độc lập suy nghĩ và lòng tự tin cao độ thì không thể đủ bình tĩnh để làm bài thi chốn kinh kỳ xa lạ trước Vua quan, mũ cao áo dài, uy nghi đường bệ mà hàng ngày một cậu bé quê mùa ở vùng quê hẻo lánh chưa hề tiếp xúc. Ngược lại Nguyễn Hiền đã tỏ ra là người có bản lĩnh không hề sợ hãi trước vương quyền và đối với cả thần quyền. Bản lĩnh đó được thể hiện ngay từ khi Nguyễn Hiền theo học nhà sư chùa Dương A, khi đó Nguyễn Hiền đã viết sau lưng tượng “ phạt 30 roi”, sau mình hai tượng Hộ Pháp “ phạt 60 roi” và được khẳng định khi Nguyễn Hiền chạm đến Vương quyền, Hiền nói với sứ giả của triều đình: “Thiên tử trước bảo ta chưa biết lễ, nhưng chẳng những là Trạng chưa biết lễ, cả đến Thiên tử cũng chưa biết lễ”. Một câu nói như vậy thời xưa thường gọi là “khi quân” (coi thường nhà Vua) mà tội “khi quân” là tội chém đầu.
Như vậy trí tuệ lỗi lạc và bản lĩnh cao cả không biết sợ hãi trước Thần quyền và cả Vương quyền đã giúp Nguyễn Hiền có đủ bản lĩnh tự tin, tỉnh táo và sáng suốt để hoàn thành xuất sắc các bài thi với các quy tắc và những kiêng kỵ ngặt nghèo và giành được học vị Trạng nguyên.
Nguyễn Hiền, một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là sản phẩm của thời đại nhà Trần, thời đại coi trọng hiền tài, hiền tài là “Nguyên khí quốc gia”. Sự xuất hiện của Nguyễn Hiền và sau ông là Lê Văn Hưu, Đặng Ma La và hàng chục, hàng trăm người hữu danh và vô danh khác, đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhân tài của nhà Trần trong bối cảnh phải gánh vác sứ mệnh nặng nề do lịch sử giao phó ở thế kỷ 13. Việc Nguyễn Hiền làm cho sứ nước ngoài phải khâm phục tầm cao trí tuệ của người Đại Việt đã góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho từng người dân để có niềm tin trong cuộc đối đầu và đánh bại quân xâm lược Mông Cổ. Sự tìm kiếm, phát hiện và biết sử dụng nhân tài ở thời Trần đã tạo ra Nguyễn Hiền, ngược lại sự xuất hiện của Nguyễn Hiền và những nhân tài cùng thời với Ông đã góp phần làm nên sự nghiệp hiển hách của Vương triều Trần trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Thời đại Nhà Trần đã để lại cho đời một bài học quý giá về việc đào tạo và sử dụng nhân tài. Nhà Trần đã tạo ra những con người bất tử trong lĩnh vực quân sự như Trần Quốc Tuấn; Trần Quang Khải; Phạm Ngũ Lão… trong lĩnh vực văn hóa như Nguyễn Hiền; Chu Văn An… và trong nhiều lĩnh vực khác. Trong số những người bất tử ấy Nguyễn Hiền giữ một vị trí độc đáo, có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với thế hệ trẻ hôm nay, những con người đang vươn lên làm chủ những kho tàng tri thức của nhân loại. Chính vì vậy, sự nghiệp và tên tuổi của Nguyễn Hiền ngày một lan tỏa sâu rộng hơn và có ảnh hưởng sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục trước đây, hiện tại và mãi mãi sau này. Hiện nay, ở hầu hết các thành phố trên địa bàn cả nước có đường phố mang tên Trạng nguyên Nguyễn Hiền và cùng với trường chất lượng cao THCS Nguyễn Hiền của huyện Nam Trực còn có hàng chục trường Tiểu học, THCS, THPT mang tên Trạng nguyên Nguyễn Hiền như: Trường THCS Nguyễn Hiền Duy Tiên, tỉnh Quảng Nam; trường THCS Nguyễn Hiền thành phố Đà Nẵng; trường Tiểu học Nguyễn Hiền quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội…
Nguyễn Hiền là một nhân vật quá đặc biệt, một tài năng siêu việt trong lịch sử khoa cử nói riêng và trong lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Ở bất cứ thời đại nào tên tuổi của các danh nhân cũng luôn gắn bó với những di sản văn hóa bất hủ của dân tộc. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ, Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Du với Truyện Kiều; với Trạng nguyên Nguyễn Hiền có “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú”.
Đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền được xếp hạng di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Trí tuệ lỗi lạc của Trạng nguyên Nguyễn Hiền, lễ hội và đền thờ Ông là di sản vô cùng quý báu, là biểu tượng tinh thần, là sức mạnh “mềm”, động lực của dân tộc trong suốt trên 700 năm qua, ngày nay và mãi mãi sau này để chúng ta bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển bền vững.