Trước khi trả lời câu hỏi này, xin được nói qua một lần nữa về các giáo phái chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.
I- Trước hết, là các Giáo Hội Chính Thông Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches)
Cho đến nay, các Giáo Hội này vẫn chưa hiệp thông trọn vẹn (full communion) với Giáo Hội Công Giáo mặc dù cả hai đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic Succession) và cùng hiệp thông cho đến biến cố năm 1054 khi xẩy cuộc ly giáo Đông –Tây (East –West Schism) giữa Rôma tức Giáo Hội Công Giáo Tây Phương và Contantinople tức Công Giáo Đông Phương.
Từ đó đến nay nhiều cố gắng đã được thực hiên để nối lại sự hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh em này, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn chưa vượt qua được, nên hai Giáo Hội vẫn chưa hiệp thông trọn vẹn với nhau như các vị lãnh đạo hằng mong muốn và cầu xin..
Tuy nhiên, vì cùng có chung nguồn gốc Tông Đồ, nên các Giáo Hội Chính Thông Đông Phương (ở các Nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hy Lạp, Bảo gia Lợi ( Bulgaria) Rumania, Cyprus, Serbia…) và Giáo Hội Công Giáo Rôma đều có các bí tích hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập như phương tiện cần thiết để thông ban ơn cứu độ của Chúa cho các tin hữu hiệp thông trong các Giáo Hội này.
Vì thế, trong trường hợp cần kíp mà không tìm được nhà thờ hay linh mục Công Giáo, thì các tin hữu Công Giáo được phép tham dự phụng vụ thánh ở nhà thờ Chính Thống để lãnh các bí tích quan trọng như hòa giải và thánh thể ở đây, vì Giáo Hội Chính Thống Đông Phương cũng có tất cả các bí tích hữu hiệu này như Công Giáo. Nói rõ hơn, chỉ trong trường hợp khẩn cấp, các tín hữu Công giáo mới được phép lãnh các bí tích hòa giải, Thánh Thể và sức dầu bệnh nhân nơi các tư tế (linh mục ) Chính Thống, nếu không tìm được linh mục Công Giáo hoặc nhà thờ Công Giáo.
II- Thứ đến là các giáo phái Kitô khác như Anh Giáo (Anglican Cummunion) và các nhánh Tin Lành nói chung
Đó là các giáo phái Lutherans, Baptists, Methodists, Church of Christ, Fundamentalists, Pentecostals Evangelicals , v.v..Tất cả đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) mặc dù họ tin Chúa,(God) nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu thế (Savior) và dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho sứ vụ giảng dạy (preaching ministry) của họ. Nhưng họ cắt nghĩa Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ, nên có sự khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo phái Tin lành , kể cả Anh Giáo về việc giải thích và áp dụng Kinh Thánh.
Một sự kiện đáng chú ý trong hai năm qua là đã có một số đông các tín hữu và giáo sĩ Anh Giáo xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo và được hoan hỉ đón chào. Đức Thánh Cha Bê-nê-đictô 16 ban hành Tông Thư Anglicanorum ngày 9-11-2009 cho phép thành lập Giáo Hạt Tòng Nhân để đón chào các tín hữu Anh giáo gia nhập Công Giáo nhưng vẫn được phép duy trì một số nghi thức phụng vụ theo văn hóa và truyền thống lâu đời của họ. Tuy nhiên, vì Anh Giáo không có các bí tích hữu hiệu như đã nói ở trên, nên các linh mục hay giám mục Anh Giáo trở lại Công Giáo, đều phải theo học thêm về chuyên môn trước khi được thụ phong linh mục Công Giáo. Cụ thể, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh Giáo đã được thụ phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster,Luân Đôn, và một trong ba linh mục này, cha Keith Newton, đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham để phục vụ cho các cựu tín hữu Anh Giáo nay đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo và đang sống trong các Giáo Phận Công Giáo ở Anh và xứ Wales.
Riêng các cựu tín hữu Anh Giáo thì chỉ cần tuyên xưng đức tin Công Giáo vã lãnh nhận bí tích Thêm sức trong nghi thức đêm Vọng Phục Sinh cùng với các tân tòng khác (catechumens) để trở thành tín hữu Công Giáo. Họ không phải rửa tội lại vì Giáo Hội nhìn nhận phép Rửa của Anh Giáo và đa số các giáo phái Tin Lành khác, nếu họ làm phép Rửa (baptism) bằng nước và Công thức Chúa Ba Ngôi.
Một điểm quan trọng nữa là tất cả các giáo phài Tin Lành và Anh Giáo đều không có các nguồn chân lý khác, ngoài Kinh Thánh, như Mặc khải (Revelation) và Thánh Truyền (Tradition) mà Giáo Hội Công Giáo được thừa hưởng và dựa vào đó để có thêm nguồn chân lý cho sứ vụ giảng dạy giáo lý đức tin mà Chúa Kitô đã giảng dạy và mặc khải cho các Tông Đồ để lưu truyền lại cho các thế hệ sau.
Chính vì họ không có các bí tích quan trọng và hữu hiệu như Thánh Thể , Hòa giải và Truyền Truyền Chức Thánh (Holy Orders) nên họ không có hàng tư tế (Sacerdos) phẩm trật và có chức thánh là Giám mục và Linh mục để cử hành hữu hiệu các bí tích hòa giải, Thêm sức, Thánh Thể, Xức Dầu và Truyền Chức Thánh như trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương.
Nói rõ hơn, họ không thể có Bí Tích Thánh Thể được, vì họ không có chức Linh Mục (priesthood) hữu hiệu để có thể cử hành Thánh lễ Ta Ơn (Eucharist) qua đó , Chúa Kitô lại một lần nữa hiện diện nơi thừa tác viên có chức thánh (giám mục hay linh mục) để biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Chúa như Người đã làm lần đầu tiên trong Bữa tiệc ly, trước ngày Người thọ nạn thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho nhân loại.
Về điểm này, Giáo luật số 900, triệt 1 nói rõ như sau:
“Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu (validly) làm thừa tác viên hiện thân của Chúa Kitô mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể. “
Nghĩa là nếu không có chức Linh mục hữu hiệu thì không thể có Bí tích Thánh Thể được. Cũng vì lý do quan trọng này mà có thể nói là chức Linh Mục được lập ra, về một phương diện, là để phục vụ cho Bí Tích Thánh Thể để Chúa Kitô “ở cùnganh em mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28: 20). Mặt khác , cũng qua tác vụ của thừa tác viên có chức linh mục, Chúa Kitô tiếp tục dâng Hy Tế đền tội cách mầu nhiệm lên Chúa Cha để xin tha tội lỗi cho con người ngày nay cùng thể thức và mục đích như khi xưa Chúa dâng Hy Lễ lần đầu tiên trên thập giá và nay trên bàn thờ mỗi khi Thánh Lễ Ta Ơn được cử hành ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội. Cho nên, chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương có các bí tích hữu hiệu, đặc biệt là Bi Tich Thánh Thể, vì cả hai Giáo Hội này đều có Chức Linh Mục mà Chúa Kitô đã thiết lập trong Bữa tiệc ly đêm thứ năm để “anh em làm việc này mà nhớ đến Thầy.” ( 1Cor 11: 24; Lc 22: 19)
Một số giáo phái Tin Lành như Methodists, Lutherans, Baptists…có nghi thức bẻ bánh và uống rượu, căn cứ vào trình thuật được ghi trong các Tin Mừng về Bữa Ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với nhóm Mười Hai. Các mục sư Tin Lành cũng cầm bánh và đọc lời Chúa nói trong bữa tiệc ly đó, nhưng vì các vị này không có chức linh mục hữu hiệu nên lời họ đọc không thể biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Chúa Kitô như Linh mục đọc lời truyền phép (Consecration) trong Thánh lễ Tạ ơn của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo.
Mặt khác, các giáo phái Tin Lành cũng không tin có sự biến đổi bản thể (Transubstantiation) của bánh và rượu như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thông Giáo tin mỗi khi Thánh lễ Tạ ơn được cử hành và tư tế (giám mục hay linh mục) đọc lời truyền phép, tức thì bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô cách mầu nhiệm hay bí tích .
Như vậy, tin hữu Công Giáo nào, nếu vì xã giao, phải tham dự nghi thức cầu nguyện của anh em Tin Lành thì không nên hiệp thông với họ trong việc bẻ bánh và uống rượu vì đây không phải là Mình và Máu Chúa Kitô được ban qua Bí Tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn của Giáo Hội Công Giáo.
Vả lại, ăn uống như vậy cũng vô tình chia sẻ niềm tin của anh em Tin Lành về việc không có sự biến đổi bản thể (substance) của bánh và rượu như Giáo Hội Công Giáo tin mỗi khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn.
Việc bẻ bánh và uống rượu của anh em Tin Lành chỉ nhắc lại sự kiện Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chức Linh mục thừa tác (Ministerial Priesthood), một điều rất quan trọng mà chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin và cử hành thành sự, (validly) vì các tư tế Công Giáo và Chính Thống có chức linh mục hữu hiệu như đã nói ở trên. Các Giáo phái Tin Lành và Anh Giáo không có Chức linh mục này nên dù họ có đọc lời Chúa trong Bữa tiệc Ly thì bánh và rượu vẫn chỉ là bánh và rượu mà thôi, chứ không thể được biến đổi bản thể (Transubstantiation) để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô được. Xin nhấn mạnh lại một lần nữa về sự kiện rất quan trọng này để tín hữu Công Giáo phân biệt giữa Bí tích Thánh Thể của Giáo Hội Công Giáo và nghi thức bẻ bánh và uống rượu của anh em Tin Lành.
Tóm lại, chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương có Bí Tích Thánh Thể, ngoài các bí tích hữu hiệu khác, vì các tư tế Công Giáo và Chính Thống được chia sẻ hữu hiệu chức Linh Mục của Chúa Kitô (Giám mục chia sẻ trọn vẹn, linh mục chia sẻ một phần Chức Linh Mục duy nhất của Chúa Kitô).
Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn