Tục thờ ông thiên ở Nam Bộ

“Bàn ông Thiên” hay “bàn Thiên” là bàn thờ được đặt phổ biến ở trước sân nhà người Việt ở Nam Bộ. Tục thờ này mang ý nghĩa gì?

MỤC LỤC BÀI VIẾT

“Thiên” theo từ điển Hán Việt nghĩa là trời, “bàn ông Thiên” tức là bàn thờ ông trời. Theo tín ngưỡng dân gian, trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự “Trời – Phật – Thánh – Thần”, nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.

“Bàn Thiên” có nhiều loại. Trước đây, người Việt thường làm “bàn Thiên” bằng cây gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m. Cây gỗ làm trụ “bàn Thiên” lâu ngày rất dễ bị mưa nắng làm mục, nên một số gia đình người Việt còn dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ, vì các loại cây này khi cắm xuống đất sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống từ năm này qua năm khác không sợ mục.

Tục thờ ông thiên ở Nam Bộ

Về sau, một số gia đình khá giả, dựng bàn Thiên bằng cột bê tông, bên trên bàn thờ dán gạch men. Xung quanh bàn thờ được xây xi măng khoảng từ 0,1 m, tạo sự vững chắc cho bàn thờ. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương dùng để cắm nhang và mấy ly nhỏ dùng để rót nước cúng ông Thiên.

“Bàn ông Thiên” còn được thờ trước sân một số ngôi chùa, đình người Việt ở Nam Bộ. “Bàn ông Thiên” trong các ngôi chùa, đình được xây dựng rộng lớn hơn “bàn thờ Thiên” ở các gia đình. Chiều cao “bàn ông Thiên” vẫn khoảng 1, nhưng mặt bàn để đựng đồ thờ thường rộng lớn hơn, thường là bàn vuông, mỗi cạnh khoảng 0,8 – 1 m, hai cạnh được xây uốn cong, cao hơn mặt bàn thờ, trên bàn thờ là lư hương và mấy ly nước. Ở một đình chùa, lư hương được xây thành bình hương lớn, cao hơn bàn Thiên và đặt ở phía trước bàn Thiên, tạo sự trang trọng, uy nghiêm của bàn Thiên trong sân đình, chùa.

Bàn thờ ông Thiên của người Việt vừa thể hiện sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam, vừa ẩn sâu trong đó là triết lý âm – dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông – tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Việt. Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Điều đó còn thể hiện khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam, thể hiện qua hình ảnh “bàn ông Thiên” có vuông – có tròn, có âm – có dương.

Bàn ông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa trời và đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện qua việc mỗi ngày, vào lúc chập tối – là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, gia đình thờ ông Thiên thường thắp một cây nhang (có nơi thắp ba cây nhang) trên lư hương – Lư hương chính là nơi ở giữa trời và đất. Người thắp nhang chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… đến với cả gia đình. Họ hy vọng làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng của họ được Trời nghe thấy và phù hộ cho gia đình mình.

Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm hoặc những dịp cúng tổ nghề, lễ, Tết, người Việt cúng ở bàn thờ Thiên trang trọng hơn, có thể là chén gạo, muối, chè, và ngày Tết còn có thêm đĩa hoa quả.

Updated: 14/11/2022 — 9:20 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *