Văn hóa tâm linh

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở Ba Đình, Hà Nội

Chùa Kim Mã hay chùa Kim Sơn xưa kia là nơi lập nên để an táng và cầu siêu cho các quân sĩ Tây Sơn tử trận trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789.

1325

Vào năm 1985, chùa Kim Mã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia .

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở đâu?

Chùa Kim Sơn nằm ở địa chỉ số 73 phố Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Theo sử sách ghi lại, ngày trước chùa Kim Mã thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía Tây thành Thăng Long, đây từng là bãi chiến trường trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử năm 1789, hàng ngàn liệt sĩ Tây Sơn được an táng tại đây. Hàng năm cứ đến mồng 5 tháng Giêng ngày giỗ trận, chùa Kim Sơn đều tổ chức tế vong hồn tướng sĩ Tây Sơn chết trong trận Đống Đa.

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở Ba Đình, Hà Nội

Lịch sử chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn)

Theo tương truyền của các vị sư trụ trì chùa Kim Mã, thì trong trận chiến mùa xuân Kỷ Dậu cách đây hơn 212 năm, hàng ngàn nghĩa quân Tây Sơn hy sinh trên khắp Thăng Long đã được quy tập về chôn ở khu đất này. Sau đó, nhân dân đã xây chùa cạnh khu nghĩa địa này, lấy tên là Tây Sơn tự để ngày đêm hương khói, cầu siêu thoát cho anh linh những quân sĩ Tây Sơn trận vong. Sau khi triều Tây Sơn đổ, tránh những hệ lụy người cầm quyền mới – cũ, nên nhân dân đã đổi tên Tây Sơn tự thành Kim Sơn tự, tên gọi này tồn tại cho đến hôm nay.

Đến năm 1881, triều vua Tự Đức, do chùa bị đổ, nên dân bản thôn dựng lại bằng gạch ngói, tô tượng Phật để thờ, thường gọi là chùa Tàu Ngựa. Năm 1898, chùa trùng tu, đổi tên là chùa Kim Mã. Đến năm 1932 chùa được trùng tu, bên cạnh tòa Tam bảo, dựng thêm đền thờ Mẫu và đàn Vạn Linh. Năm 1953, tam quan được xây dựng. Vào năm 1967, các tượng Phật của chùa Linh Sơn tại phố Nguyễn Trường Tộ bị ném bom nên được chuyển cả lên chùa Kim Sơn ở phố Kim Mã.

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở Ba Đình, Hà Nội

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Gò Đống Đa xưa vốn là nơi chôn xác giặc Thanh sau trận đánh lịch sử ấy chất cao thành gò. Từ đó hàng năm, cộng đồng người Hoa tổ chức lễ tưởng niệm ở đây để cúng vong cho những chiến binh quân Thanh tử trận.

Về sau, nhất là từ khi nước nhà độc lập, nhân dân ta tổ chức lễ hội Đống Đa tại gò Đống Đa vào mồng 5 Tết âm lịch hàng năm để ngợi ca chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Tuy nhiên, phần lớn người dân biết rõ nơi chôn vùi xác giặc và đền thờ tướng giặc Sầm Nghi Đống, nhưng hầu như lại lãng quên mất nơi an táng các nghĩa sĩ Tây Sơn tử trận – đó chính là tại chùa Kim Sơn.

Quang cảnh chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn)

Ngày nay, chùa Kim Mã còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc thời Tự Đức và cuối thời Nguyễn. Tam quan trước chùa rộng tới 50m có 5 cửa nên còn gọi là giải ngũ môn. Trong ngũ môn có treo 1 quả chuông đồng khá lớn và đặt 1 pho tượng Phật. Mặt trước và sau ngũ môn đều có câu đối viết chữ Quốc ngữ. Qua ngũ môn là một khu vườn trong có bể non bộ, 2 ngọn tháp và nhiều cây cau. Sau đó đến một sân gạch rồi đến chùa chính được bố cục ba phần tương đối độc lập. Chính giữa là tòa Tam bảo thờ Phật, bên phải là Vạn Linh đàn, bên trái là đền thờ Mẫu.

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở Ba Đình, Hà Nội

Tòa Tam bảo được xây cao hẳn lên, thông sang Vạn Linh đàn và đền thờ Mẫu bằng 2 cửa ngách. Nóc đền thờ Mẫu và nóc Vạn Linh được đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Nóc Tam bảo thì chính giữa có đắp bảng ghi ba chữ Kim Sơn tự, hai bên bảng là 2 con rồng. Trong Tam bảo, trên bệ thờ cao nhất là bộ tượng Tam thế, bệ thứ hai có tượng A Di Đà, bệ thứ ba có 4 pho tượng, 2 tượng Thích Ca ở giữa và hai bên là tượng Quan Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát.

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở Ba Đình, Hà Nội

Tiếp đó có tòa Cửu Long với tượng Thích Ca xung quanh có đặt 12 tượng nhỏ. Sau đó đến án tiền, án ngoại và bệ ngồi tụng kinh làm lễ. Phía ngoài bên phải là bệ tượng Đức Ông trước mặt có 3 ngai thờ, bên trái là Đức Thánh Hiền. Trên các bệ thờ, ngoài các tượng còn có nhiều đồ thờ như bát hương, lọ hoa, chân nến… Bốn tầng tượng Phật được trang trí bên trên bằng 4 cửa võng chạm trổ rất cầu kỳ. Trong Tam bảo cũng có nhiều hoành phi câu đối và bia đá.

Vạn Linh đàn ở bên phải tòa Tam bảo, bên trong bài trí hệ thống tượng Phật đem từ chùa Linh Sơn tới. Tượng A Di Đà ở bệ trên cùng. Tiếp đến là Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Đại Thế Chí. Tượng Phật Di Lặc ở tầng thứ ba. Tầng bốn có 2 tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Tầng năm là tòa Cửu Long nhưng không còn tượng Thích Ca. Tầng sáu là 2 tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài cùng là hương án thờ Phật với hai bên là 2 hương án thờ Vạn Linh. Ngoài ra trong Vạn Linh đàn cũng có hoành phi, câu đối, bát nhang, chuông, bia…

Chùa Kim Mã (chùa Kim Sơn) ở Ba Đình, Hà Nội

 

Đền thờ Mẫu ở bên trái tòa Tam bảo. Phần hậu cung trong cùng đặt một khám thờ trong có 3 tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bà Chúa Thượng Ngàn, Thủy Tinh Công chúa. Phía dưới khám gỗ có đặt 2 tượng nữ thị vệ với nhiều bát nhang. Phần bên ngoài có hương án trên đặt 3 ngai thờ Hùng Vương ở giữa, hai bên là hai bệ thờ mỗi bên có 3 tượng nữ thị vệ và binh khí như long đao, kiếm. Phía sau tòa Tam bảo, Vạn Linh đàn và nhà Mẫu có nhà hậu để thờ các vị sư tổ trụ trì tại chùa Kim Sơn đã quá cố liền kề với dãy nhà dành cho các Tăng Ni ở. Cạnh nhà hậu là cổng hậu trông ra phố Kim Mã.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm