Tại sao người Công giáo yêu mến Mùa Chay?

Để trả lời cho câu hỏi “Tại sao người Công giáo yêu mến Mùa Chay?” Hãy đọc hết những gì trong bài viết Vanhoatamlinh.com chia sẻ này.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

ĐTC Phanxicô đã tham dự tuần tĩnh tâm tuần này cùng với các cộng sự viên của ngài tại giáo triều. Đây là truyền thống mà các giáo hoàng đã làm trong khoảng 80 năm qua, từ thời ĐGH Piô XI, thói quen tĩnh tâm chung hàng năm bắt đầu được hình thành. Tuần tĩnh tâm diễn ra trong suốt tuần lễ đầu tiên của Mùa Chay.

Nhưng tại sao? Người Công giáo – và dĩ nhiên cả các Kitô hữu khác cũng vậy, đặc biệt là trong các nghi điển Đông phương, cả Công giáo và Chính thống giáo – đều xem Mùa Chay như là thời gian mang lại nhiều ích lợi tâm linh nhất trong năm, tại sao lại vậy?

Hầu như cả năm kéo dài trong một mùa phụng vụ có cái tên không mấy ấn tượng là “Mùa Thường Niên”, thì có bốn mùa phụng vụ đặc biệt: Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Mùa có thời gian dài nhất trong bốn mùa đó là Mùa Phục Sinh, dài tới 50 ngày tính từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Lễ Hiện Xuống, nhấn mạnh trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu đó là niềm vui vào Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết.

Tuy nhiên, thời gian vắn hay dài thực ra không phải là yếu tố quyết định tầm quan trọng. Mùa Phục Sinh dài hơn Mùa Chay, nhưng Mùa Vọng lại dài hơn mùa Giáng Sinh. (Mặc dầu, ngày xưa, Mùa Giáng Sinh kéo dài từ ngày 25 Tháng Mười Hai đến ngày 02 Tháng Hai, Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, tức là kéo dài 40 ngày – một con số Kinh thánh).

Thật vậy, phải công nhận là, cùng với nhịp sống thường nhật, mùa Phục Sinh có lẽ là mùa ít được người tín hữu quan tâm nhất so với các mùa phụng vụ khác trong năm. Có các vòng hoa cho Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh thì bày trí sinh động và nhiều dịp đặc biệt trong suốt “12 ngày”, tất cả chỉ kết thúc vào Lễ Chúa Hiển Linh, Mùa Chay thì gắn với những việc sám hối ăn năn, còn Mùa Phục Sinh ra như đã mất hút ngay khi bình minh ló dạng trong buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh.

Đơn cử, phần đa các cha xứ chẳng bao giờ vắng mặt trong suốt dịp Mùa Chay, bổn đạo sốt sắng nhiệt thành hơn trong Mùa Chay, nên các ngài cũng phải thường xuyên “túc trực” hưởng ứng, đáp ứng cho các nhu cầu của họ. Quả vậy, thường thì các linh mục lên lịch tĩnh tâm cho giáo xứ trong một vài ngày, thăm hỏi các gia đình hoặc có các kỳ nghỉ ngắn ngày, các buổi đi chơi sau Chúa Nhật Phục Sinh. Ta hiểu đó là dịp xả hơi sau một Tuần Thánh bận rộn, nhưng thật sự Bát Nhật Phục Sinh mới là đỉnh điểm của toàn năm phụng vụ. Thế nên xét về mặt phụng vụ, thật là không ổn, thật là quái dị nếu người ta xem nhẹ các ngày này.

Tại sao người Công giáo yêu mến Mùa Chay?

Các tín hữu Công Giáo giống nhau – có lẽ họ đã làm theo các linh mục! Các linh mục cho biết, thường thường Thánh Lễ hàng ngày trong Mùa Chay, bà con giáo dân tham dự rất đông đủ, thậm chí tăng gấp đôi. Còn trong Mùa Phục Sinh thì sao? Trở lại bình thường.

Đối với nhiều giáo xứ, đặc biệt vào Thứ Tư và Thứ Sáu Tuần Thánh là những ngày đông đúc xum tụ nhất trong năm. (Với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Hoa Kỳ lại hơi khác, đó không phải là một ngày nghỉ giống như ở những nước toàn tòng Ki-tô giáo). Thậm chí nơi một số giáo xứ, vùng miền Công giáo trên thế giới, có những người, trong những dịp khác chẳng hề thấy bóng họ tại nhà thờ, vậy mà ngày Thứ Sáu Tuần Thánh họ lại đến tham dự các các nghi thức nhưng Chúa Nhật Phục Sinh thì không.

Trong Mùa Chay, các giáo xứ cũng thường suy gẫm, cũng đi Chặng Đàng Thánh Giá – Via Crucis. Vài năm trở lại đây, một sáng kiến đang được ưu ái cổ suý cho “đủ bộ”, tức là thêm vào các Chặng Đàng Phục Sinh hay còn gọi là Chặng Đàng Sự Sáng – Via Lucis – cho dịp Lễ Phục Sinh, thế nhưng chẳng hề được hưởng ứng và rất ít phổ biến. Liên quan đến các sinh hoạt giáo xứ, các buổi quyên góp gây quỹ từ thiện Thứ Sáu Tuần Thánh làm cho Mùa Chay có tính cộng đồng, có xã hội tính thậm chí hơn cả Mùa Giáng Sinh, và chắc chắn là cả Mùa Phục Sinh nữa.

Tại sao người Công giáo yêu mến Mùa Chay? Tôi có thể đưa ra ít nhất ba lý do.

Thứ nhất, có một thứ logic rất tự nhiên con người thế này: chấp nhận trả giá, đầu tư sức lực, tài lực, phấn đấu nỗ lực rồi thu nhận thành quả.

Mùa Chay là thời gian chúng ta suy đi ngẫm lại cái nguyên tắc thiết yếu này, nguyên tắc để có được thành công trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống: từ việc học hành, làm việc, giữ gìn sức khoẻ đến việc quản lý tài chính. Chẳng có thứ thành quả nào gọi là thành quả tự dưng mà có cả. Mùa Chay là thời gian chúng ta cần lao, chúng ta làm những việc cần làm để có thể đón nhận, có thể có được Mùa Phục Sinh, giống như phải học tập trước khi đi thi, phải dọn dẹp nhà cửa thì ngôi nhà mới gọn ghẽ ngăn nắp vậy. Chúng ta phải gian lao trước rồi mới được hưởng phúc lành sau đó.

“Trong tất cả các nền văn hoá, đều có những câu truyện và thần thoại cổ xưa dạy rằng, hết thảy chúng ta, đôi khi chúng ta cũng cần phải ngồi trên đống tro tàn”, Cha Ronald Rolheiser viết như thế trong cuốn sách thú vị gồm nhiều bài suy tư, có tựa đề là God for Us: Rediscovering the Meaning of Lent and Easter, do Gregory Pennoyer và Gregory Wolfe biên soạn. “Chẳng hạn, chúng ta đều biết câu truyện Cô Bé Lọ Lem (Cinderella). Nghĩa đen của từ Cinderella là “cô bé” (puella) “nằm trên tro trên đất” (cinders). Bài học được rút ra từ câu truyện này rất rõ ràng: trước khi có được một niềm vui, một phúc lành nào đó, điều đầu tiên bạn phải làm là phải dành thời gian cô tịch ‘trên tro trên đất’, bị hạ nhục, chịu tổn thương, sống hết mình, chịu tan nát te tua, và phải kiên nhẫn đợi chờ nữa”.

Điều này chính là lẽ khôn ngoan được chúng ta truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng logic nhân loại không phải là logic của Tin Mừng.

Ân sủng Thiên Chúa – chính là quà tặng là chính Con Ngài và công cuộc cứu độ của Người – chứ không phải là thứ gì đó chúng ta tự sức mình giành được hay kiếm được. Nó hoàn toàn nhưng không.

“Hồng ân” cứu độ thì “tội lỗi” không thể nào sánh được, như chúng ta đã đọc thấy nơi bài thánh thư của thánh Phaolô được đọc trong Chúa Nhật I Mùa Chay. Do đó coi Mùa Chay như là một khoảng thời gian rèn luyện thiêng liêng cần thiết trước một cuộc thi đấu thể thao hay một buổi biểu diễn nghệ thuật, thì đấy không phải là một lối nhìn Kitô giáo thực sự thấu đáo.

Dù rằng, khi bàn về ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta thấy, đúng là chúng ta vẫn phải cần có những rèn luyện thiêng liêng. Đây chính là lý do thứ hai của việc chúng ta bước vào Mùa Chay. Tự sức mình, chúng ta không thể có được hay tạo ra ơn cứu độ, nhưng chúng ta phải thao luyện, phải chuẩn bị để có thể đón nhận nó.

Chúng ta cần thao luyện, kiểm soát trí óc tưởng tượng, ham muốn cùng những quyến luyến của mình, vì đó là điều cần thiết để chúng ta có thể tấn tới trong đàng nhân đức. Hết thảy chúng ta đều thấy là, ân sủng Thiên Chúa không phải là một thứ phép thuật nào đó, mà Ngài thực hiện trên chúng ta trong vai là những đối tượng thụ động. Chúng ta là những chủ thể thực sự, những người có tự do, và dùng sự tự do đó để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Xét tự sức hay công lênh bản thân, chúng ta chẳng xứng đáng để được mời vào dự Tiệc Cưới Chiên Con, nhưng một khi đã chấp nhận lời mời gọi ấy, chúng ta phải nỗ lực để có thể được vào, được đến dự tiệc, đến như những vị khách có mặc áo cưới đàng hoàng, nếu không chúng ta sẽ không xứng đáng và sẽ bị tống cổ ra ngoài.

Có một nguy cơ nếu chúng ta suy nghĩ rằng tự sức mình chúng ta đáng nhận được ơn cứu độ, thì cũng có một nguy cơ tơ tưởng, quan niệm cách sai lầm, lệch lạc về ân sủng Thiên Chúa nữa. Mùa Chay là dịp để để chỉnh đố lại lối nhìn đó.

Thứ ba, Mùa Chay là mùa tương hợp nhất, “sát sạt nhất” với hành trình dương thế đầy gian nan của chúng ta.

Mùa Vọng chuẩn bị đón chờ ngày Chúa đến, điều mà chúng ta vẫn chờ đợi sẽ xảy tới vào mút cùng của lịch sử. Giáng Sinh là mùa phụng vụ cho thấy sự kiện Chúa đến, mang đến an bình cho trái đất và niềm hy vọng cho con người, nhưng cả hai xem chừng vẫn còn là một điều gì đó hứa hẹn chứ chưa phải thực tế.

Chúng ta vẫn tự nhận mình là con người Phục Sinh, nhưng chúng ta hoàn toàn chưa sẵn sàng sống một đời tròn đầy sung mãn tụng ca Thiên Chúa, đấy là điều chúng ta sẽ làm khi ở trên Thiên Đàng. Mùa Chay thì khác, nó có vẻ gần gũi, đụng chạm trực tiếp với chúng ta, vì đã từng có những lúc chúng ta phải “ngồi trên tro trên trấu” vì thất vọng, vì thất bại, hay có nhiều lúc chúng ta cũng cần đến những lời khích lệ động viên kịp thời, để dấn thân hơn trong việc trở thành người Kitô hữu.

Quả thế, Mùa Phục Sinh có thể cho chúng ta nếm cảm trước hương vị của Thiên Đàng, nhưng Mùa Chay lại cho chúng ta sự trợ lực đang khi chúng ta vẫn phải nhâm nhi phận người với những đớn đau của nó.

Tại sao Mùa Chay lại là mùa mà chúng ta yêu thích? Có lẽ, vì nó cung cấp những thứ thiết thực nhất, những thứ chúng ta cần nhất, trên cuộc hành trình dương thế của mình, là lúc chúng ta vẫn còn chưa được ngồi vào Bàn Tiệc Vĩnh Cửu.

Lm. Raymond J. de Souza (Chủ biên tạp chí Convivium.)
Chuyển dịch: Sr. Nguyễn Tuyết (Rosa Lima) (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://www.ncregister.com

Updated: 01/03/2022 — 11:17 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *