Bà la môn

Sự dị biệt giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo

Sự dị biệt (sự khác biệt) giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo là gì? Hãy cùng Vanhoatamlinh.com đi tìm hiểu về vấn đề này nhé.

1154
Nội dung bài viết

Về giai cấp

Nhằm mục đích thống trị trên một lãnh thổ vừa mới chiếm đóng được thuận tiện, đẳng cấp Bà-la-môn đã dựa vào học thuyết Purana để hình thành bốn giai cấp trong xã hội Ấn Độ

– Giai cấp Bà-la-môn: được sinh ra từ đầu Phạm Thiên nên được xem là giai cấp cao nhất, chuyên lo về nghi thức cúng tế, lễ nghi tôn giáo.

– Giai cấp Sát Đế Lỵ: được sinh ra từ hai cánh tay của Phạm Thiên, là giai cấp vua chúa cai quản, thống trị đất nước.

– Giai cấp Vệ Xá: được sanh ra từ nơi bụng của Phạm Thiên, là giai cấp công, nông, thương nghiệp lo về kinh tế cho đất nước.

– Giai cấp Thủ Đà La: được sanh ra từ nơi bàn chân Phạm Thiên, do vậy họ phải có nhiệm vụ phục dịch và làm nô lệ cho ba giai cấp trên.

Trong tình trạng xã hội đẳng cấp đầy bất công và phi lý như vậy, Đạo Phật ra đời xoá bỏ tư tưởng giai cấp. Đức Phật tuyên bố: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn”. Ngài thấy rằng :

Là cùng đinh không phải do sanh trưởng
Là Bà-la-môn không phải do sanh trưởng,
Do hành động, người này là cùng đinh,
Do hành động người kia là Bà-la-môn.
(Sutta Nipàta-vasala Sutta )

Sự dị biệt giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo

Theo đạo Phật, mọi người đều bình đẳng trước nhân quả, do hành động trong cuộc sống của mỗi người mà tạo nên Bà-la-môn, cùng đinh, tu sĩ hay vua chúa… chứ không phải do sanh trưởng mà được liệt vào giai cấp này hay giai cấp kia. Chính vì xoá bỏ tư tưởng giai cấp nên đạo Phật quan niệm đẳng cấp hay màu da không gây trở ngại cho việc trở thành một Phật tử hay được thâu nhận vào giáo hội Tăng-già. Bằng chứng là trong quá trình giáo hoá, đức Phật đã độ xuất gia cho nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Như trong hoàng thân quốc thích thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ thì có A-nan, A-na-luật… các giai cấp thấp hơn thì có anh thợ hớt tóc Ưu-ba-ly, cô gái bán phấn Liên Hoa Sắc, người hốt phân Sunita… Trong giáo đoàn, mọi người bình đẳng như nhau, sống lục hòa, cùng giữ giới luật, cùng tu tập. Cánh cửa Phật giáo mở rộng cho mọi người mà không phân biệt giai cấp. Đây quả thật là cuộc cách mạng xã hội lớn đối với tư tưởng giai cấp. Trớ trêu thay, nếu như Bà-la-môn tạo ra xã hội giai cấp bất công thì ngược lại đạo Phật lại xoá bỏ giai cấp. Hai tư tưởng này đối nghịch lẫn nhau, đây là điểm khác biệt rõ nét giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo.

Về đạo đức

Giai cấp Bà-la-môn nương vào chế độ xã hội mà quy định thành bốn thời kỳ tu tập của giai cấp mình. Bốn giai cấp đó là:

– Phạm Trí Kỳ: thời kỳ sinh hoạt học sinh của thời kỳ thiếu niên từ 7 tuổi tới 11 tuổi. Ở tuổi này phải xuất gia theo thầy học kinh Veda, đến khi học nghiệp thành tựu lại trở về nhà.

– Gia Cư Kỳ: thời kỳ sinh hoạt gia đình của thời đại tráng niên, lập gia đình, trông nom con cháu, làm tròn bổn phận của người gia trưởng.

– Lâm Cư Kỳ: thời kỳ sinh hoạt xuất gia của thời kỳ tráng niên. Người làm xong nhiệm vụ gia đình rồi liền vào chốn thâm sơn để tu luyện.

– Du Hành Kỳ: thời kỳ sinh hoạt tu hành của thời đại lão niên, nơi ở không nhất định, nay đây mai đó, gọi là Khất sĩ hay Hành giả.

Như vậy theo quan niệm sinh hoạt lý tưởng của Bà-la-môn giáo là phải trải qua bốn thời kỳ sinh hoạt như trên. Nghĩa là quá trình tu tập mà họ cho là lý tưởng thì vẫn còn ràng buộc trong bổn phận, vẫn lập gia đình, vẫn hưởng thụ các dục lạc thế gian, sau khi xong nhiệm vụ mới vào chốn thâm sơn tu luyện.
Đạo Phật không giống như vậy. Nếu như Bà-la-môn phải trải qua bốn thời kỳ lý tưởng thì đạo Phật chỉ một lần xuất gia duy nhất, vĩnh viễn xa lìa ngôi nhà thế tục “Cắt ái từ sở thân, xuất gia hoằng Thánh đạo”. Độ tuổi xuất gia trong đạo Phật cũng không phân biệt trẻ hay già, miễn là họ nhận chân được bản chất cuộc đời rồi xa lìa, dõng mãnh tu tập. Người tu sĩ Phật giáo không trải qua bốn thời kỳ như Bà-la-môn vì hai lý do chính sau :

Thứ nhất: một trong giới căn bản và quan trọng nhất của người xuất gia là giới “không dâm dục”. Người xuất gia phải hoàn toàn đoạn dâm dục, vì đây là đầu mối sanh tử “ái bất trọng bất sanh Ta Bà”. Muốn giải thoát sanh tử thì không để ái dục lôi kéo nên người tu sĩ Phật giáo không thể cưới vợ, sanh con.

Thứ hai: vì giác ngộ được cuộc đời vô thường, mạng người chỉ trong hơi thở, hôm nay còn sống đây nhưng ngày mai không biết còn không. Trong kinh Nhật Tụng có câu: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc. Đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên” (ngày đã qua, mạng sống cũng giảm dần, như cá cạn nước, có gì mà vui. Đại chúng nên tinh tấn như cứu lửa trên đầu). Tinh tấn như cứu lửa trên đầu là phương châm tu hành của tu sĩ Phật giáo, thế nên không thể đợi đến tuổi xế chiều mới tu đạo. Từ đó chúng ta thấy quan điểm đạo đức tu hành của tu sĩ Phật giáo và Bà-la-môn giáo không giống nhau.

Trên đây là hai trong rất nhiều điểm dị biệt giữa hai trường phái tư tưởng. Thế nhưng trong khuôn khổ một tiểu luận không thể nào đề cập trọn vẹn. Tuy vậy thông qua vài nét tương đồng và dị biệt trên người đọc dễ dàng nhận thấy được sự độc lập và giao thoa giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo. Vì thật ra, đây chính là hai bản “Trường ca” được sản sinh ra trên cùng “Một phím đàn triết học” tuy cung bậc có trầm có bổng nhưng mục tiêu vẫn là mang đến cho con người sự thăng hoa trong đời sống tâm linh.

5 ( 1 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục
Bài viết mới
Xem thêm