Công giáo

Bí tích Thánh Thể là gì?

Bí tích Thánh Thể là việc Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta qua hy tế thập giá dưới hình bánh rượu để trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng con người.

1165

Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể lúc nào?

Đức Giêsu chọn lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người đã loan báo là ban Mình và Máu Người làm lương thiêng nuôi sống các môn đệ (x.Lc 22,7-20; Mt 16,17-29; Mc 14,12-25; 1Cr 11,23-26). Vào cuối bữa tiệc, Đức Giêsu làm một cử chỉ báo trước hy tế thập giá mà Người sẽ dâng ngày hôm sau bằng cách biến đổi bánh và rượu thành Thịt và Máu Người làm lễ vật dâng lên Chúa Cha, rồi bẻ ra phân chia cho các môn đệ và truyền cho các ông phải năng làm việc đó để tưởng niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người.

Như thế Đức Giêsu muốn để lại cho Hội Thánh một hy tế hữu hình vì bản tính con người cần như vậy. Hy tế đẫm máu đã được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá sẽ được cử hành luôn mãi, đem lại ơn cứu độ cho con người.

Chúa Kitô có hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể không?

“Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34). Tuy nhiên, đối với Hội Thánh, Người vẫn hiện diện dưới nhiều hình thức: Lời Chúa, kinh nguyện, người nghèo, Phụng Vụ, bí tích, thừa tác viên… nhưng đặc biệt là trong Thánh Thể dưới hình bánh và rượu. Khi linh mục cầm lấy bánh và rượu, đọc lời Truyền Phép thì bánh rượu không còn là bánh rượu nữa nhưng đã trở thành Thịt Máu Chúa. Linh mục đọc lời Truyền Phép nhưng hiệu quả và ân sủng là do quyền năng Thánh Thần. Dấu chỉ hữu hình không thể thiếu của bí tích Thánh Thể là bánh rượu và lời Truyền Phép.

Bí tích Thánh Thể là gì?

Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh hoặc hình rượu, và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Chúa Kitô. Khi Rước Lễ là chúng ta đón nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nhưng chỉ một chốc lát thôi vì bánh rượu sẽ tan ngay, song sự hiện diện thiêng liêng của Chúa vẫn kéo dài.

Hội Thánh bảo quản Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm để có sẵn Thánh Thể cho các bệnh nhân và những người vắng mặt, và cũng để cho các tín hữu tôn thờ khi không cử hành Thánh Lễ.

Bí tích Thánh Thể ban cho ta những ơn gì ?

Việc rước lễ giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa Kitô. Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Thánh Tẩy, nay đạt tới đỉnh cao trong Thánh Thể qua việc tiếp rước Mình Thánh Chúa. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Một khi đã hiệp nhất với Chúa Giêsu, đời sống tâm linh của chúng ta trở nên vững mạnh, giúp vượt thắng và xa lánh tội lỗi.

Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Thánh Thể đưa tới sự hiệp nhất giữa các tín hữu với nhau, làm nên Hội Thánh (x.1Cr 10,16-17).Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu, còn chúng ta là chi thể, vì cùng chia sẻ một tấm bánh là thân mình Chúa Giêsu.

Bí tích Thánh Thể là một bảo chứng chắc chắn cho vinh quang Nước Trời sau này, cho việc Phục Sinh thân xác cát bụi của chúng ta. Là con người, chúng ta cần lương thực trần thế để sống nhưng sự sống ấy cũng có giới hạn; là con Thiên Chúa, chúng ta cần được lương thực thần linh để sống và tồn tại mãi mãi. Nếu Đức Kitô chỉ là người thì thịt máu Ngài cũng chỉ là lương thực trần gian, song Đức Kitô còn là Thiên Chúa, và hai bản tính này không tách biệt nhau nên Thịt Máu Ngài cũng chính là sự sống thần linh.

Phải làm gì để được lãnh nhận Thánh Thể ?

Chúa Giêsu khẩn thiết mời gọi chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể: “Thật, Tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga,53). Để chuẩn bị cho giây phút cực trọng này, chúng ta phải xét mình (x.1Cr 11,27-29), ai biết mình đang mắc tội trọng thì phải lãnh nhận bí tích Hoà Giải (Xưng Tội) trước khi rước lễ, phải giữ chay Thánh Thể (kiêng ăn uống trước một giờ), và khiêm tốn xin Chúa biến đổi tâm hồn mình cho xứng đáng (sám hối, Mt 8,8). Tiếng ‘AMEN’ mà chúng ta thưa trước khi Rước Lễ là một lời tuyên xưng đức tin – ‘Vâng, con tin đây là Mình Thánh Chúa Kitô’ – và một ước muốn tiếp nhận Chúa Kitô. Mỗi ngày Hội Thánh cho phép Rước Lễ một lần, nếu ai tham dự thánh lễ thứ hai thì được phép thêm một lần nữa (tối đa là hai lần mỗi ngày).

Bí tích Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm