Sơ lược về vật cổ truyền Việt Nam

Đấu vật không chỉ đơn thuần là một bộ môn võ thuật mà còn là món ăn tinh thần của người nông dân thời xưa, đó là nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Hãy cùng Vanhoatamlinh.com đi tìm hiểu những điều thú vị của đấu vật trong bài viết này.

Đấu vật là gì?

Đấu vật là môn thể thao tác chiến giữa hai đối thủ cố gắng kềm chế đối phương bằng cách nắm, kéo, vặn, đè,… nhưng không được trực tiếp đấm hay đá. Tùy theo luật lệ của từng địa phương, bàn thắng về tay người dự giải nào chiếm được nhiều ưu điểm: bằng các đè ngửa đối phương, hoặc đối phương chịu thua hay bị đẩy ra ngoài vòng thi đấu. Những vận động viên tham gia môn thể thao này được gọi là các đô vật.

Sơ lược về vật cổ truyền Việt Nam

Đấu vật là môn thể thao có lịch sử lâu đời, tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới và có nhiều biến thể khác nhau.

Vật cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong dựng nước giữ nước

Ngay từ thời xa xưa, khi bộ môn vật mới được khai sinh, đấu trường vật không chỉ là nơi các chàng thanh niên đọ sức, mà còn là phương pháp giúp triều đình đào tạo và tuyển chọn nhân tài giúp dân giúp nước.

Ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử, các anh hùng dân tộc cứu dân giúp nước phần lớn đều là những đô vật nổi tiếng trong dân gian, được nhân dân kính trọng và thờ phụng đến ngày nay như: Lý Ông Trọng (Lý Thân), Đô Lỗ (Cao Lỗ), Đô Nồi (Nồi Hầu) Theo Thần tích đền Nghè, trong trận chiến đánh đuổi quân Đông Hán của Hai Bà Trưng năm 40-43, bà Lê Chân đã huấn luyện 3 quân bằng cách dựng đài thi võ và luyện vật toàn quân.

Tương tự như vậy, lò vật nổi tiếng 3 miền của Dương Đình Nghệ ở Thanh Hoá đã sản xuất ra nhiều đô vật giỏi ra giúp Ngô Vương Quyền đánh đuổi quân Nam Hán (năm 939), gây dựng nền độc lập cho đất nước.

Trong thời Trần, Đội Đô vật Xuân Trường đã góp phần tạo chiến công hiển hách thắng quân Mông Nguyên, một đoàn quân hùng mạnh, có lối vật Mông cổ khét tiếng đương thời.

Dù thời bình hay thời chiến, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và tiếp theo sau nữa, đều coi trọng bộ môn vật trong việc tổ chức quân độ gìn giữ bờ cõi. Nhiều đội vật được thiết lập trong quân ngũ, và các trận đấu vật được tổ chức thường xuyên nhằm rèn luyện thể lực, lòng dũng cảm, tuyển lựa nhân tài và giải trí trong quân sĩ.

Đấu vật từng là bộ môn thể thao yêu thích nhất của toàn dân

Nếu thời bây giờ bóng đá là môn thể thao vua, khiến toàn dân tộc đoàn kết như một, thì xưa kia là đấu vật. Ngày tết hay lễ hội, thiếu vật là mất vui.

Các lò vật vang lừng xứ Bắc có thể kể đến: lò vật Guột, Tri Nhị, Gia Lương (Bắc Ninh), Đông Kỵ (Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh), lò vật Thụy Lâm (Đông Anh, Cổ Loa), lò làng Yên ( Yên Mẫn, Châm Khê, Võ Giàng ),.. Các lò vật phong phú là thế, nhưng ở mỗi lò lại có một phương thức hoạt động khác nhau.

Sơ lược về vật cổ truyền Việt Nam

Ở miền Trung nổi tiếng nhất là Hội Vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên), mở hội hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch thu hút nô nức nhiều đô vật danh tiếng. Lại có lò cứ 12 năm mới mở Hội Vật một lần, ví dụ lò vật Trà Lữ thuộc trấn Sơn Nam cũ, cứ đúng năm Mùi mới lại mở thi Vật, nơi tranh hùng của các đô vật bốn phương, háo hức về giật giải.

Phương thức tập luyện độc đáo

Các đô vật, trên sân đấu hùng hổ là thế, thực ra chính là những chàng tranh niên trai tráng hiền lành trong làng. Tuy cuộc sống đồng áng vất vả, bận rộn, nhưng được lúc nào rảnh rỗi, họ sẽ rủ nhau tập dượt vật rồi chỉ bảo lẫn nhau. Ai có miếng võ nào hay, ngón vật nào độc đáo thì lại truyền dạy cho anh em cùng tập. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nếu trong làng có ông thày võ, họ đến tụ tập tại nhà ông thày để luyện tập thêm; làng nào không có thì cử người đi đón thày ở lò võ, lò vật các làng lân cận về để dậy. Trang phục khi tập luyện cũng như khi lên đài đấu của các đô vật là đóng có mỗi một cái khố và ở trần, không có đai đẳng gì cả, trên đầu chít khăn đầu rìu hay chít khăn bỏ tua. Khố là một miếng vài dài có nhiều màu, nào đỏ, nào xanh, nâu hay vàng, hồng, tím,… được cuốn vào như một cái quần sì-líp

Kỹ thuật đơn giản, không rườm rà

Trong vật cổ truyền Việt Nam có hai yếu tố kỹ thuật được coi là quan trọng nhất. Trước hết, các đô vật sẽ tập cách luyện thể lực sao cho dai sức, mạnh tay mạnh chân, cách đứng thủ thế nào cho vững chắc, cách “lồng tay tư”sao cho có ưu thế và những bộ pháp như cách di chuyển từng bước chân, khi tới, khi lui, khi bước ngang, bước xéo, xoay vòng,… Tiếp đến, họ sẽ được học cách té ngã thế nào để không bị chấn thương và né tránh các đòn tấn công của đối thủ

Nghi lễ đặc trưng

Một trong những điểm đặc trưng nhất của vật cổ truyền Việt Nam so với các môn phái võ thuật khác chính là yếu tố tôn giáo trong nghi lễ. Ra Giàng, Múa Hạc hay Xe Đài không chỉ là một hình thức khởi động của đô vật, mà còn những lễ nghi thành kính của các đô vật vừa mang tính dân tộc, vừa tạo một không khí hào hứng lành mạnh trước khi vào cuộc đấu thực sự.

Sơ lược về vật cổ truyền Việt Nam

Ví dụ như trong nghi lễ Ra Giàng, đô vật sẽ đứng chân hình con hạc, hay hoặc con công múa xòe, cổ tay uốn lượn, ngón tay múa may mền dẻo, uốn éo, giống như những nghi thức tay Ấn tay Quyết của các thầy tế, pháp sư hay phù thủy.

Mánh lới trong đấu vật

Vật không phải chỉ cần có sức khỏe, có lực để thắng được đối phương, nó còn đòi hỏi phải có thế, có miếng, có mánh lới. Dưới đây là một số đòn miếng vật thông dụng:

– Kê: dùng hông hoặc vai làm điểm tựa để quăng ngã đối thủ.

– Ngáng (hay Cản): dùng chân quét hay gạt, cản chân đối thủ làm mất thăng bằng cho té ngã.

– Đệm: dùng đầu gối, hay bắp đùi, lót đằng sau chân đối thủ rồi dùng sức mạnh của mình gait, đẩy, xô đối phương té ngửa ra.

– Vét: đang vờn nhau, nhử cho đối thủ tiến lại gần, nhanh chóng cúi người xuống, chân trái gập hạ thấp, chân phải rút về sau duỗi thẳng, đồng thời tay phải đưa lên ấn mạnh vào vai trái đối thủ, bàn tay bắt chặt lấy kheo sau chân trái đối thủ giật mạnh về phía mình.

– Bắt Để Hớt Gót: Hai đô vật đối diện sát vào nhau (mà chưa lồng tay tư) một người bất ngờ dùng hai tay bắt chặt lấy cánh tay phải đối phương. Chân phải và người lập tức xoay chếch sang phía bên phải, người cúi thấp hai chân dạng ra hai bàn chân rê mạnh và nhanh, lùi chếch về phía sau, đồng thời dùng hai tay kéo mạnh đối phương về phía mình. Khi đối phương đang mất đà hơi chúi về phía trước thì lập tức ta hạ tay trái xuống, từ phía trong dùng bàn tay phải bắt và hất mạnh cổ chân trái đối phương ra đằng sau. Thuận bên nào, làm bên ấy.

– Bốc Một Chân:

– Tư thế bất ngờ: Hai đô vật đứng sát và đối diện, một trong hai người bất ngờ hất hai tay của đối phương lên và người phải nhanh chóng chuồi dài ra phía sau, lúc này chân trái đặt trước, chân phải đặt ở phía sau, đầu cúi xuống, dùng vai ấn vào thân thể đối phương, đồng thời dùng hai tay bốc khoeo chân phải đối phương giật mạnh về phía mình, đối phương bị mất thăng bằng bởi hai lực nên ngã ngửa.

– Tư thế giằng co: Tay phải bá cổ đối phương, tay trái nắm cánh tay trên, tay phải đối phương, dầu cúi xuống dựa vào gáy phía phải đối phương, chân trái phía trước, chân phỉ phía sau. Tay trái nắm vào cánh tay phải đối phương, ghì vào sát người mình. Đồng thời bước nhanh chân phải về phía trong lòng đối phương, cúi người xuống dùng hông mình hất mạnh đối phương ra phía sau cho ngã.

– Đánh Gãy: Đang lồng tay tư, bất ngờ đổi hai tay vào phía trong cánh tay đối phương, bàn tay trái mở nay mạnh vào cổ bên phải, bàn tay phải xốc nách trái đối phương, kéo mạnh về phía mình, đồng thời nghiêng người dùng sườn trái hất mạnh, chân phải hất chân đối phương cho té ngã.

– Tay Quai: Đang lồng tay tư, bất ngờ chuyển hai tay vào phía trong hai cánh tay đối phương, tay phải luồn qua dưới nách trái đối phương, tay trái luồn qua trên vai đối phương đều ra sau long và hai bàn tay nắm chắc lấy nhau ghì chặt đối phương. Rồi bất ngờ dùng tay phải nay mạnh đối phương ra sau, cánh tay trái kéo mạnh đối phương về phía mình. Đồng thời nghiêng mình dùng sườn phải đánh mạnh và châm phải hất chân đối phương cho té ngã.

– Nằm Bò (hay Hạ Thổ): khi bị xa cớ lỡ miếng hay khi gặp đối thủ mạnh hớn, họ thường nằm sãp xuống mặt đãt, tay chân dang rộng ra, mặc cho đối thủ tha hồ đẩêy, bê, bứng, nhấc hổng, để rồi liệu cơ hội đánh lừa đối thủ, lợi dụng lúc đối thủ sơ hở thì lập tức chồm dậy tấn công lại.

Mánh lới kể qua phong phú là thế, mỗi lò vật ở một địa phương, lại có những thế và phong vật độc đáo, riêng biệt khác ví dụ như: lò Mỹ Độ (tổng Mỹ Cầu, Phủ Lạng Thương) có miếng chống Vét, chống Gẫy, Lấy Bò, lò Mai Động có miếng Giồng, miếng Mói, lò Yên Sở có miếng Sườn miếng Móc, lò Đồng Tâm (Vụ Bản Nam Định) lại nổi tiếng với những ngón Móc-Chảo, Vỉa Lộn Cối, Giát Bốc, Bỏ Thuốc, Sườn Cặp Cổ,…

Luật lệ trong đấu vật

Trong thượng đài đấu vật, khác với các giải đấu võ thuật hiện đại, tuổi tác hay hạng cân nặng của thí sinh không quan trọng. Để giành chiến thắng, cần nhấc bổng địch thủ hổng cả hai chân lên khỏi mặt đất (“Túc Ly Địa”) được coi là thắng, hổng một chân thì không tính.

Sơ lược về vật cổ truyền Việt Nam

Ngoài ra, vật đối phương té ngã ngửa, lưng vai chạm mặt đất thì thắng (“Lấm Lưng Trắng Bụng”), ngã xấp không tính. Vật không có hòa, phải xác định một thắng một thua (thắng tuyệt đối hay thắng điểm). Ngoài ra không được đấm đá, hay sử dụng những chiêu ăn gian như bấm huyệt, móc xương quai xanh, chẹn hàm, bẻ cổ, lên gối, nắm tóc, xé khố đối thủ, hay khi bị té ngã rồi không được móc chân cho đối thủ ngã theo, …

Giải vật

Tùy theo địa phương tổ chức, vật có nhiều giải khác nhau, chia hai loại: Giải Thờ và Giải Chính.

Giải Thờ (hay Giải Hàng)

Giải thờ còn được gọi là Giải Xông Sới, không có người giữ giải. Ai muốn lên vật thì ghi tên rồi bắt cặp. Ai thắng thì được làng thưởng. Tranh Giải Thờ chỉ là mở đầu cho ngày Hội Vật, để cho những ai muốn khảo sức nhau thì lên bắt cặp, và có nhiều Giải Thờ trong một ngày. Ở giải này khi vật hai đối thủ thường không dùng hết sức, chỉ cốt phô bày nghệ thuật, vật cho đẹp, cho vui, có khi cả hai cùng té ngã cho cả làng cùng cười. Thay vì vật nhau để giành chiến thắng thì các đô vật trong Giải Thờ chọn múa may tăng tính giải trí cho khán giả là chính.

Giải Chính

Giải Chính có ba giải: giải nhất, giải nhì và giải ba. Ba giải này đều có người xin giữ. Các đô vật tứ xứ muốn phá giải nào thì xin ghi tên để vật với người giữ giải ấy. Nếu không có ai xin phá giải trong ba ngày, theo lệ làng, thì người giữ giải đương nhiên được lãnh giải mình giữ (Giải Cạn).
Trong ba Giải Chính này thì giải ba phải được phá trước rồi mới tới giải nhì, và giải nhất.

Thượng đài

Vào ngày hội vậy, tất cả mọi người trong làng, già trẻ, trai gái đều bỏ mặc hết mọi công việc nhà, rủ nhau tụ tập đông đảo trước sân đình để dự khán. Các đô vật trong làng đều ghi tên dự thí. Những đô tứ xứ, ở các làng lân cận muốn xin dự thí phải mang lễ vật đến để xin cúng thần.

Tùy theo lệ làng, có nơi lễ vật là đĩa sôi gấc, hay nhánh cau với vài lá trầu, hoặc bó hoa, trái cây hoa quả , hoặc thẻ nhang,… Bãi cỏ phẳng rộng trước sân đình làng được dùng làm đấu trường, ở giữa được kẻ vạch một vòng tròn, đường kính khoảng 6 mét bằng vôi trắng, vòng tròn này được gọi là sới vật. Có nơi sới vật là hình vuông mỗi cạnh tám mét, có nơi sới vật được đóng dóng bằng tre chung quanh, có nơi sới vật nằm dưới đáy ao nông cạn đã tát hết nước và khơi khô trước sân đình để dân làng, khán giả đứng chung quanh bờ xem cho rõ (sân này còn được dùng để đánh cờ người).

Hai bên sới vật là hai hàng cờ đuôi nheo ngũ hành gồm năm mầu xanh, đỏ đen vàng trắng, mỗi bên năm lá cờ. Hai bên tả hữu trước sới vật là hai cái trống cái (trống lớn), có nơi chỉ dùng một trống thôi, và những hàng ghế danh dự dành cho quí vị chức sắc trong làng và hàng tổng. Hai vị đàn anh trong dân được cử đánh trống cái, gọi là “cầm chịch”, nghĩa là làm nhiệm vụ của trưởng ban Trọng tài cuộc đấu.

Giữa hai trống cái đó là bàn thờ thần, và phía dưới, trước mặt bàn thờ, được trải một chiếc chiếu cạp điều để các đô lễ thần trưôc và sau khi giao đãu. Có điều họ lễ thần không bằng cả hai tay như bình thường mà chỉ lễ lên gối xuống gối chống một tay trái thôi. Ngay giữa sới vật có ba người tuần đinh, làm nhiệm vụ của trọng tài phụ. Hai trong ba người này, mỗi người cầm một lá cờ đuôi nheo nhỏ phất phẩy làm hiệu lệnh vật, người thứ ba cầm một trống lưng (trống nhỏ) để gõ nhẹ khuyến khích, thúc dục hai đô tấn công tiếp.

Dù nhiều năm tháng đã trôi qua và đấu vật cũng không còn quá phổ biết với công chúng, những giá trị văn hoá và tinh thần của bộ môn này sẽ vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Chúng tôi hy vọng bài viêt trên đã giúp bạn hiểu thêm phần nào về những nét tinh tuý của bộ môn này.

Updated: 28/05/2022 — 10:44 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *