Đôi nét về đạo Tứ ân hiếu nghĩa

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi (Ngô Viện, Cao Văn Do, Bảy Do, Năm Thiếp) sáng lập vào tháng 5 năm 1867 tại Cù lao Ba, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

I. Khái quát lịch sử ra đời và quá trình phát triển của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Thế kỷ XIX là thời kỳ chế độ phong kiến ở nước ta suy tàn, nhân dân phải chịu cảnh lầm than khổ cực. Khi đó, thực dân Pháp tiến hành xâm l­ược nước ta (1858). Trong cảnh nước mất, nhà tan, ngư­ời nông dân mất nhà cửa, ruộng đất, gia đình ly tán, cuộc sống của nhiều người tưởng chừng vô vọng. Trư­ớc bối cảnh đó, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã ra đời như­ một “phương thuốc” cứu thế cho một bộ phận nông dân Nam bộ.

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời vào tháng 5 năm 1867 tại Cù lao Ba (huyện An Phú, tỉnh An Giang ngày nay), do ông Ngô Lợi sáng lập. Ông sinh tại Mỏ Cày – Bến Tre, là sỹ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho – Tiền Giang, bị giặc truy nã, ông chạy vào vùng Thất Sơn – An Giang ẩn thân.

Khi mới ra đời, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đư­ợc ông Ngô Lợi gọi là đạo Thờ ông bà, sau này tín đồ gọi đạo của mình là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Việc truyền đạo được ông Ngô Lợi thực hiện qua việc chữa bệnh, khi bệnh dịch đang hoành hành. Sau này, ông gắn việc truyền đạo với quá trình tập hợp nông dân khai hoang lập ấp, xây dựng căn cứ cách mạng. Trong quá trình ổn định cuộc sống của tín đồ ở núi Tượng, ông Ngô Lợi đã cho xây dựng chùa miếu để thực hành nghi lễ, đẩy mạnh việc truyền đạo rộng rãi ở vùng Thất Sơn và các vùng xung quanh để thu nạp tín đồ. Trong thời gian không lâu, đã có rất nhiều người đi theo ông để học đạo. Năm 1870, Ngô Lợi chính thức nhận danh hiệu Đức Bổn sư.

Đôi nét về đạo Tứ ân hiếu nghĩa

Hình thức và cách thức tuyên truyền, phát triển đạo của Đức Bổn sư Ngô Lợi là thể hiện nội dung “Tu nhân – học Phật” qua các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ dưới dạng Sấm vãn với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ và điều kiện hoàn cảnh của nông dân lúc bấy giờ. Do đó, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhanh chóng được người nông dân tiếp nhận.

Sau khi ông Ngô Lợi viên tịch tại núi Tượng (1890), đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không có người kế vị, các mối đạo đều giao cho ông Trò, ông Gánh phụ trách. Không lâu sau, một số ông Gánh rời vùng Thất Sơn đi các nơi khác truyền đạo. Vì vậy, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hình thành hai hệ thống: Một hệ thống được duy trì ở các làng được coi là thánh địa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa như: An Định, An Hoà, An Thành, An Lập thuộc vùng Thất Sơn – An Giang. Tín đồ ở các làng này được gọi là tín đồ nội thôn. Hệ thống thứ hai là tín đồ ở những nơi mà các ông Gánh đi truyền đạo như Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu… hệ thống này được gọi là ngoại thôn.

Tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có chung niềm tin tôn giáo sâu sắc, đó là thực hiện “Tứ đại trọng ân”. Họ gọi nhau là thân bằng và có tính cộng đồng, bởi quan điểm yêu thương đồng bào đã thấm nhuần trong tư tưởng của họ. Từ khi Đức Bổn sư Ngô Lợi truyền bá đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đến trước năm 1975, số lượng tín đồ phát triển rất đông, khoảng hơn 10 vạn người. Sau giải phóng miền Nam, đời sống kinh tế, văn hoá-xã hội của tín đồ được nâng lên, nhưng nhu cầu dựa vào yếu tố tôn giáo của một bộ phận tín đồ nhạt dần, làm cho tôn giáo nội sinh này khó có thể phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động.

II. Giáo lý, giáo luật và lễ nghi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

1. Giáo lý, giáo luật, kinh sách

Tôn chỉ hành đạo của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “Hành Tứ ân – Sống hiếu nghĩa – Vì đại đoàn kết dân tộc”. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy đạo hiếu làm đầu, không thừa nhận ly gia cắt ái, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ. Cũng giống nh­ư giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hư­ơng là Tu nhân – học Phật, nhưng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã phát triển ở nhiều khía cạnh và cụ thể hoá hơn.

– Về tu nhân: Đức Bổn sư Ngô Lợi­ dạy tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải tu nhân vì phải trau dồi đạo đức thì mới hoàn thành tốt công việc và sống tốt với mọi ngư­ời trở thành ng­ười có ích cho xã hội. Tu nhân có nghĩa là phải thực hiện tứ đại trọng ân: ân cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào.

– Ân tổ tiên, cha mẹ: cha mẹ là ngư­ời có công sinh thành d­ưỡng dục ta, vì vậy đền đáp công lao trời biển ấy mới xứng đáng là đạo làm ngư­ời. Đồng thời phải biết ơn ông bà, tổ tiên là thế hệ đã sinh thành ra cha mẹ. Để đền đáp công ơn tổ tiên, cha mẹ ta phải làm những điều tốt đẹp, làm vui lòng cha mẹ, tránh những điều xấu ảnh hư­ởng đến tổ tiên, ông bà. Bên cạnh đó, ta phải biết chăm lo cúng giỗ tổ đ­ường. Chính xuất phát từ việc phải báo hiếu cha mẹ, ông bà nên đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không chủ trư­ơng ly gia cắt ái để đi tu.

– Ân đất nước: đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng tổ tiên, cha mẹ và chúng ta, ai cũng có quê hư­ơng đất nước – nơi chôn nhau cắt rốn và nuôi dư­ỡng mỗi chúng ta. Vì vậy, phải có bổn phận bảo vệ quê hư­ơng, đất nư­ớc mỗi khi có giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương giàu mạnh.

– Ân tam bảo: phải đền ơn tam bảo gồm Phật, Pháp, Tăng bằng cách noi theo những lời Phật dạy, truyền bá đến mọi ng­ười để loại trừ lòng ham muốn hẹp hòi, cùng hướng tới chân, thiện, mỹ.

– Ân đồng bào, nhân loại: phải biết sống với đồng bào bằng tình huynh đệ vì đó là những ng­ười cùng màu da, cùng chung cảnh ngộ, cùng chia sẻ buồn, vui. Ngoài ra, mỗi chúng ta còn chung sống với nhân loại trên trái đất, vì vậy không được phân biệt màu da, chủng tộc, phải sống trong hoà bình.

Như vậy, tu nhân trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa rất gần gũi với quan niệm “tu nhân tích đức” của ng­ười Việt Nam. Tu nhân, với nội dung chủ yếu là thực hiện tứ đại trọng ân của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa là hoà nhập vào cuộc sống thực tại để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống chứ không phải vì kiếp sau.

Kinh sách của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là những lời giáo huấn đ­ược viết bằng chữ Hán của Đức Bổn sư Ngô Lợi, trong đó có ba bộ kinh chủ yếu là: Bà-la-ni Kinh, Kinh pháp bửu trường sanh và Kinh siêu độ. Mỗi cuốn kinh có nội dung riêng cho từng vấn đề, có thể nêu một số cuốn kinh phổ biến sau:

– Cuốn kinh đầu tiên là Bà-la-ni Kinh được dùng tụng niệm nhiều trong các dịp cúng lễ.

– Cuốn thứ hai là Linh Sơn Hội Th­ượng Kinh, là cuốn kinh mà tín đồ phải thuộc vì nó hướng dẫn rõ nội dung, nghi thức các bước cúng dường và một số bài kinh tụng hàng ngày.

– Hiếu nghĩa kinh là cuốn nói về hiếu nghĩa ở đời.

– Siêu thăng kinh là cuốn kinh mang nội dung cầu siêu cứu độ vong kinh các vị tiền nhân có công với đạo, với làng.

Bên cạnh hệ thống kinh sách truyền giảng đạo lý, nghi thức thờ cúng, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có hệ thống Sấm vãn (còn gọi Sấm giảng) được các cao đồ (ông Trò, ông Gánh) sáng tác để cụ thể hoá những lời dạy của Đức Bổn sư Ngô Lợi­. Được viết bằng thể thơ lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn nhằm phục vụ những bài cúng d­ường và khuyên răn người đời tu nhân, tích đức nên Sấm vãn được truyền miệng rộng rãi và dễ dàng bám sâu vào tiềm thức của tín đồ.

2. Thủ tục nhập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Nghi thức nhập đạo của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là thể lệ mang tính long trọng của việc đón nhận thành viên gia nhập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Việc gia nhập đạo là hoàn toàn tự nguyện, không phân biệt, lựa chọn hay hạn chế các đối tượng gia nhập, miễn là người đó thực hiện được những quy định của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Người muốn vào đạo trước hết phải tìm đến Đức Bổn sư, các đệ tử của ông hoặc sau này là ông Trò hay ông Gánh để tìm hiểu và biết cụ thể hơn về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Khi đã chấp nhận thọ giáo thì người đó đến gặp một trong những vị nói trên để được tiến hành các thủ tục nhập đạo. Tín đồ nào thọ giáo với vị Trưởng Gánh nào thì trở thành thân bằng của Gánh đó.

Thông thường đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức thọ giáo cho tín đồ vào ba dịp trong năm là Lễ Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Lễ Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Lễ Hạ nguyên (rằm tháng Mười). Người được thọ giáo phải đến chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa cúng lạy, sau đó vái ở bàn thờ Tam Bửu gia để khẳng định mình đã thuộc về Gánh đó. Vị Trưởng gánh phát cho tín đồ mới bộ Lòng phái gồm có: Lòng phái, Thế độ, Thái kiệt, Tiên sinh và Trần Điều. Sau 3 năm kể từ ngày thọ giáo, tín đồ được Trưởng gánh cho nhận thêm Bùa đời. Bộ Lòng phái là báu vật của tín đồ, đối với họ, nó không những có ý nghĩa xác nhận tín đồ là thành viên của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mà còn là bảo linh được mang trước ngực lúc sống và mang theo người lúc chết để phù hộ cho người đó.

III. Chức sắc, chức việc và hệ thống tổ chức đạo

1. Chức sắc, chức việc đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được gọi là Đức Bổn sư. Đức Bổn sư gọi tín đồ là Bá gia. Dưới Đức Bổn sư là các đại đệ tử, còn gọi là các cao đồ. Trong số các cao đồ được phân ra những chức năng cụ thể khác nhau: những người phát huy ý tưởng của Đức Bổn sư được gọi là ông Trò; những người thay mặt Đức Bổn sư chăm lo việc đạo của một nhóm tín đồ được gọi là ông Gánh.

Giúp việc cho Trưởng gánh có Thông tín, Cư sỹ và Thủ lễ. Thông tín là người thông báo các ngày lễ, các sự việc như tang ma, cưới hỏi, ốm đau cho mọi người trong Gánh biết và đứng ra quyên góp tiền bạc, phẩm vật khi cần thiết. Mỗi Gánh có 1 đến 2 Thông tín.

Cư sỹ là người có nhiệm vụ soạn sớ, điệp, tụng kinh, thỉnh chuông, mõ trong các buổi cúng lễ. Tuỳ theo số lượng tín đồ, mỗi Gánh có từ 2 đến vài chục Cư sỹ.
Thủ lễ có nhiệm vụ chuẩn bị bàn ghế, bố trí công việc, thắp hương và dâng cho các Trưởng gánh nguyện hương trong các buổi cúng lễ.
Thực tế cho thấy, trình độ học vấn của các chức sắc, chức việc thấp. Do vậy, có nhiều hạn chế trong việc hướng dẫn tín đồ thực hiện các lễ nghi tôn giáo, việc truyền giảng giáo lý… làm cho tôn giáo này khó phát triển rộng.

2. Hệ thống tổ chức đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Trong quá trình tồn tại và phát triển, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không chủ trương lập các tổ chức hành chính của đạo từ Trung ương đến cơ sở như một số tôn giáo khác. Người đứng đầu là Đức Bổn sư, dưới Đức Bổn sư là các đại đệ tử, hay còn gọi là các cao đồ. Trong số các cao đồ được phân ra những chức năng cụ thể khác nhau: những người phát huy ý tưởng của Đức Bổn sư được gọi là ông Trò; những người thay mặt Đức Bổn sư chăm lo việc đạo của một nhóm tín đồ được gọi là ông Gánh.

Đôi nét về đạo Tứ ân hiếu nghĩa

Gánh của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nơi tập hợp tín đồ cùng thọ giáo với một ông Gánh. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 24 Gánh, đứng đầu Gánh là Trưởng Gánh, Trưởng Gánh không phải do bầu cử mà suy cử, thông thường do cha truyền con nối hoặc truyền hiền, họ là người có nhiều hiểu biết về đạo pháp và uy tín trong tín đồ. Trưởng Gánh có nhiệm vụ trông coi việc đạo, tổ chức cúng lễ trong Gánh. Trường hợp chưa suy cử được Trưởng Gánh thì Gánh đó cử vị đại diện Gánh.

Trước đây, các Trưởng Gánh và đại diện Gánh đã thống nhất hình thành một tổ chức gọi là “Đạo hội” nhằm phối hợp chăm lo, điều hành mọi công việc của toàn đạo. “Đạo hội” là tổ chức cao nhất trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có trụ sở đặt tại chùa Tam Bửu – Phi Lai, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang bao gồm các vị Trưởng Gánh và Đại diện Gánh.
Ngoài ra, còn có Ban Quản tự chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Trưởng Gánh bầu lên. Ban Quản tự có nhiệm vụ giúp Trưởng Gánh trong việc tổ chức nghi lễ thờ cúng, trùng tu, sửa chữa chùa, miếu, quản lý tài chính và làm từ thiện xã hội. Ban Quản tự chùa thường có từ 7 đến 11 thành viên với nhiệm kỳ là 03 năm.

IV. Cơ sở vật chất đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Cơ sở thờ tự của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là hệ thống các chùa, đình, miếu, Tam Bửu gia và bàn thờ tại gia đình. Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa khác với chùa Phật giáo, vì đây không phải là nơi tu hành của những người cắt ái ly gia mà là nơi thờ cúng các đối tượng tôn giáo và thực hiện các lễ nghi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn là nơi để chữa bệnh cho tín đồ và để tín đồ thể hiện mối quan hệ với thân bằng của mình. Hiện nay, chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa tập trung nhiều nhất ở vùng Thất Sơn, tại các làng: An Định, An Hoà, An Lập và An Thành.

Đôi nét về đạo Tứ ân hiếu nghĩa

Bên cạnh hệ thống chùa, tại các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có các đình, miếu là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo của tín đồ và là một bộ phận trong hoạt động tôn giáo do các Trưởng Gánh trực tiếp phụ trách.

Tam Bửu gia là Phủ thờ của Gánh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Toàn đạo có 24 Gánh thì có 24 Tam Bửu gia. Tam Bửu gia được xây gần nhà Trưởng Gánh, là một hình thức nhà thờ dòng họ của tín đồ, trong đó dòng họ Trưởng Gánh trở thành tộc trưởng của một dòng họ. Tam Bửu gia do gia đình Trưởng Gánh trông coi, cúng lễ. Ngoài ra, mỗi gia đình tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đều có nhiều bàn thờ tại nhà để thể hiện trọn vẹn tinh thần Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Đôi nét về đạo Tứ ân hiếu nghĩa

Một thực tế đặt ra hiện nay là sự khó khăn trong việc thống kê các cơ sở thờ tự của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tam Bửu gia thuộc hệ thống cơ sở thờ tự của đạo, tuy nhiên nó lại là nơi thờ riêng của dòng họ Trưởng gánh và thường được xây trên mảnh đất của dòng họ.

V. Tình hình đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hiện nay

Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố hiện nay có khoảng 78.000 tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, phân bố tập trung ở các tỉnh Tây Nam bộ như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, An Giang là trung tâm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Sự phân bố tín đồ này cho thấy đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một tôn giáo bản địa, cơ bản giới hạn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nguyên lý của đạo được nhấn mạnh nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về nòi giống, kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất nước, bảo vệ những thành quả mà cha ông đã gây dựng. Do vậy, phong trào chống Pháp của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nổi lên mạnh mẽ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều tín đồ đã tích cực tham gia với tư tưởng “Ân tổ tiên, ông bà và đất nước”. Các làng đạo ở vùng Thất Sơn đã có nhiều chiến công góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc của các xã có đông tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở An Giang như: Ba Chúc, Lương Phi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn đạo có 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 380 gia đình liệt sĩ; 250 gia đình thương binh, 430 gia đình có công với cách mạng.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, bà con tín đồ luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào do chính quyền địa phương tổ chức.

Đời sống kinh tế: đồng bào đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có mức sống đạt trung bình so với mặt bằng chung của xã hội. So với các khu vực khác thì đời sống kinh tế của tín đồ còn thấp. Nguyên nhân của thực trạng này là do địa bàn cư trú của tín đồ thuộc những vùng sâu, vùng xa.

Về văn hoá – xã hội: bà con tín đồ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như làm từ thiện, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… Qua kết quả khảo sát năm 2004, tại các tỉnh có đông tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã công nhận 85% gia đình tín đồ đạt chuẩn gia đình văn hoá, nhiều gương người tốt, việc tốt, gia đình hiếu học… hàng năm được Nhà nước khen thưởng.

Đời sống văn hoá ngày càng phát triển với việc thành lập đội nhạc lễ, đàn ca tài tử, đội bóng đá, bóng chuyền phục vụ sinh hoạt của tín đồ. Bên cạnh đó, các Trưởng Gánh còn hướng dẫn giảng dạy chữ Nôm cho các Thông tín, Cư sĩ, Thủ lễ, tín đồ. Hàng năm việc tổ chức các ngày lễ cúng, lễ hội từng bước được nâng cấp, thu hút hàng chục ngàn khách thập phương về dự, góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt tôn giáo. Bà con tín đồ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như: làm từ thiện, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo…

Về giáo dục: Do đặc điểm phân bố về địa lý từ khi Đức Bổn sư sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, những vùng có tín đồ đều là vùng sâu, vùng xa, rừng núi hiểm trở, tín đồ đều xuất phát là những người nông dân, điều kiện học hành của bà con không được thuận tiện nên trình độ dân trí của tín đồ còn thấp.

Về cơ cấu tổ chức: Tháng 8/2006, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang chấp thuận cho thành lập Ban vận động đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Quyết định số 1480/QĐ-UBND, ngày 03/8/2006) để chuẩn bị các thủ tục đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 22/2005/NĐ-CP. Tháng 5/2010, Ban vận động đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã tổ chức thành công đại hội đại biểu cấp toàn đạo. Sau đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã có Quyết định số 1114/QĐ-UBND, ngày 16/6/2010 về việc công nhận tổ chức tôn giáo đối với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cũng đã có quyết định chấp thuận Hiến chương và nhân sự Đạo hội đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Theo đó, cơ cấu tổ chức của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có hai cấp là Đạo hội (cấp toàn đạo) và Gánh (cấp cơ sở).

Có thể nói, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một đặc tr­ưng văn hoá Nam bộ. Quá trình phát triển đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng ở vùng đồng bằng Nam bộ. Với đường hướng hành đạo là tu nhân học Phật, lấy đạo hiếu làm đầu, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ cùng với khả năng tổng hợp, hoà đồng các quan niệm cũng như các đối tư­ợng thờ cúng của 3 tôn giáo: Phật, Lão, Nho và tín ng­ưỡng dân gian, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã tạo nên sự phong phú, thăng bằng trong đời sống tâm linh và là tôn giáo đặc trưng của nông dân Nam bộ.

Trải qua 143 năm hình thành và phát triển, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh cũng như trong đời sống văn hoá – xã hội của một bộ phận nông dân Nam bộ.

Updated: 17/05/2022 — 7:06 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *