Đình Ngọc Hà được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 15 tháng 2 năm 1992.
Sự tích Huyền thiên hắc đế
Truyền thuyết kể rằng, trước kia, ở gò Sưa Sơn, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên thuộc thành Thăng Long có một hào trưởng họ Lý lấy bà Hoàng Thị Đức, đã lâu mà không có con. Một lần, bà đi cầu ở chùa Một Cột về nằm mộng thấy một ông già râu tóc bạc phơ dẫn theo một người con thứ ba của Ngọc Hoàng vì đánh vỡ chén ngọc và bị giáng xuống trần. Tỉnh dậy, bà thấy mình có mang rồi sau sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú, có nước da đen, bèn đặt tên là Hắc Công. Chàng trai ấy chỉ thích săn bắn, ngao du thắng cảnh. Cho đến một hôm đi chơi dưới núi Sưa, bỗng thấy Ngọc Hoàng sai người đến đón đi. Nhân dân ở đây đã tới nơi hóa của Hắc Công dựng đền thờ. Sau đó vài năm, giặc Chiêm đến đánh phá biên cương, nhà vua lập đàn cầu khấn thì thấy một vị thần da đen từ hướng Bắc bay đến, tự xưng là người của Ngọc Hoàng xuống trấn giữ vùng núi Sưa (thuộc khu vực Ngọc Hà ngày nay) để phù giúp việc đánh giặc Chiêm. Quả nhiên tại chiến trường, thần hóa thành đám mây đen bao phủ mặt nước, làm nổi cơn giông đánh chìm thuyền giặc. Sau ngày khải hoàn, vua phong cho thần là “Huyền thiên hắc đế thượng đẳng thần”, truyền cho các trại trong núi Sưa lập đền thờ mãi mãi sống cùng non sông, muôn đời cúng tế.
Tổng quan kiến trúc đình Ngọc Hà
Đình Ngọc Hà được tạo lập vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Trên câu đầu của Tiền tế có ghi dòng chữ “Hoàng triều Thành Thái Thập niên” (1898), đó là niên đại lần trùng tu di tích về sau này. Tọa lạc trên một khu đất rộng giữa vùng hồ nước, từ ngoài đường muốn vào đình phải qua cầu. Phía trước giáp với hồ xây một bình phong mang hình hổ đang lao ra từ trong lùm cây, cùng hai voi đá được đặt rời ở tư thế quỳ với đường nét điêu luyện, khá ngộ nghĩnh. Cổng tam quan xây kiểu cột trụ với hình 4 con rồng quay đầu xuống, phía dưới là 4 con rắn đang ngẩng đầu lên.
Tiền tế gồm 5 gian, xây trên nền cao và được bó vỉa bằng phiến đá xanh. Phần mái lợp ngói ta, bốn góc đao cao vút như cánh hoa đang nở trong hình thức đầu rồng, trên đầu nóc là hai con nghê chầu mặt trăng, một dạng kiến trúc đình phổ biến của thời Lê.
Cũng như các ngôi đình được tạo dựng ở thế kỷ XVII – XVIII, bộ vì kèo của đình được làm theo phong cách cổ truyền “trên đường, dưới kẻ”. Nội thất của đình vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và gợi cảm những tranh vẽ sơn son thếp vàng hài hòa với sắc màu rực rỡ của các bức hoành phi, câu đối, các hương án cùng những đồ tự khí.
Sát Tiền tế là một phương đình hình vuông theo kiểu diêm chồng diêm gồm 3 tầng 12 mái, mang nhiều nét độc đáo. Ở mỗi tầng mái, các góc đầu đao được đắp các hình tượng khác nhau.
Tầng trên cùng là hình mây xoắn cách điệu theo hình khối, tầng giữa đắp hình rồng uốn khúc, tầng dưới được tạo hình mây xoắn theo dạng tròn. Đỡ mái phương đình là 4 cột gạch vuông lớn, đỉnh mỗi cột trang trí bằng một con rồng dài tới 2m.
Phía trong lòng nhà còn thể hiện nhiều hình tượng khác như rồng chầu mặt trời, cuốn thư, bút gươm, sách, các cây quả thiêng tượng trưng cho 4 mùa, các con vật linh đứng trong lùm cây trông rất sinh động.
Từ phương đình nối với hậu cung có hai bờ tường, phía ngoài xây 2 trụ hình vuông, đỉnh trụ đắp nổi hình nghê, ở dưới có trang trí bốn mặt hình sư tử, đầu rồng, bờ tường đắp hình các tích “mảnh hổ hạ sơn” và “cá chép hóa rồng”. Tiến đến là tòa nhà 3 gian lớn nối liền với hậu cung, tạo cho không gian của kiến trúc thâm nghiêm này rộng gấp đôi và rất thuận tiện cho việc hành lễ. Gian giữa của hậu cung đặt ngai thờ, bài vị và nhiều đồ tế tự. Hai gian bên đắp nổi trên tường đôi rồng chầu mặt nguyệt, được tô màu và gắn sành sứ ở thân rồng theo kiến trúc của mỹ thuật thế kỷ XIX.
Ngoài ra, đình Ngọc Hà còn bảo lưu nhiều hiện vật có giá trị như kiệu bát cống, lọ lộc bình, bát hương sứ, bộ bát bửu, trống đồng, sập gỗ,… trong đó có chiếc ngai thờ Thành Hoàng chạm nhiều hình rồng với đường nét chau chuốt, tinh xảo ở thế kỷ thứ XIX. Chiếc hương án đặt ở hậu cung với 4 mặt chính chạm hình rồng hóa thân, rùa mang gươm. Các ô khác trang trí hoa lá, cuốn thư, tứ linh, tứ quý, hai tai của hương án là hai con rồng, bên cạnh là hai con phượng đang múa, phía sau là hai đình đào, lựu và mây, tạo sự vui mắt khá độc đáo.
Đình Ngọc Hà là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư ở làng cổ Ngọc Hà, là một trong những địa chỉ văn hóa có ý nghĩa đối với du khách mỗi lần đến với Hà Nội.