Người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là Đoàn Văn Huyên, pháp hiệu là Minh Huyên và Pháp Tạng (1807 – 1856), người làng Tòng Sơn, Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp).
Nguồn gốc ra đời đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Năm 1849, bệnh dịch hoành hành nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến nhiều người chết. Đoàn Minh Huyên dùng hoa, nước lã, bao nhang, giấy vàng bạc… chữa lành cho nhiều người. Đồng thời, ông lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương bằng cách đơn giản hóa đạo Phật – cả về giáo lý cũng như về nghi thức – như khuyên mọi người tu nhân, học Phật (rèn luyện để làm người tốt, thực hành lời Phật dạy) và đền đáp tứ đại trọng ân (bốn ơn lớn: ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo và ơn đồng bào nhân loại).
Quá trình phát triển của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Đoàn Văn Huyên không yêu cầu tín đồ cạo đầu, ăn chay, tụng kinh, gõ mõ, thờ ảnh tượng… mà chỉ yêu cầu họ niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thờ trần điều (tấm vải màu đỏ), cúng bông hoa, nhang đèn, nước lã, mặc áo quần màu đen, có thể để râu, tóc, cưới vợ, lấy chồng. Ông khuyên tín đồ khẩn đất hoang, lập trại ruộng, xây dựng cuộc sống mới. Người theo đạo ngày càng đông, tôn ông là Phật Thầy Tân An (vì ông tu tại chùa Tân An ở núi Sam, An Giang).
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương nhấn mạnh việc đền ơn đất nước, ơn đồng bào nên khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tham gia đánh Pháp, biến trại ruộng thành căn cứ kháng chiến (điển hình là cuộc khởi nghĩa ở Bảy Thưa – Láng Linh (An Giang) từ 1867 đến 1873 do Trần Văn Thành lãnh đạo. Theo tiến sĩ Phan Lạc Tuyên, Trương Định và Nguyễn Trung Trực cũng là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.